Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Nhân - quả trong mắt...Tám



Sáng nay như thường lệ tui pha trà mang ra chỗ ngồi quen thuộc định vừa nhâm nhi, vừa ngó trời ngó đất thì...


Khi tôi còn nhỏ, nội thường dạy tôi làm người bằng những câu chuyện mang tính răn đe . Câu chuyện về mười hai cửa ngục dành cho những ai làm điều ác, chuyện về hai ông Thần Thiện- Ác lúc nào cũng ở hai bên vai, ghi lại những việc tôi làm, dù tốt hay xấu... Những câu chuyện ác giả ác báo không bao giờ dứt của nội luôn có sức ám ảnh tôi kỳ lạ. Dù đôi lần tôi cũng hay thắc mắc, không biết có nhân quả hay không ?Lúc ấy, nghi ngờ cứ nghi, nhưng tin lời nội  vẫn cứ tin. Với tôi, lời nội nói không khác gì sấm.

Khi tôi lớn, tôi bắt đầu nhìn cuộc sống theo chính kiến riêng của mình. Không thông qua cái nhìn của nội nữa. Tôi biết phân biệt tốt, xấu, dù đôi lần cũng lầm lẫn bởi vàng thau lẫn lộn. Và lạ kỳ rằng, dù tuổi không còn ngu ngơ để tin vào chuyện mười hai cửa ngục, nhưng, tôi vẫn cứ tin vào luật nhân quả ấy.

Ngay như ở những câu chuyện nơi xóm nhỏ tôi đang sống. Không muốn tin, vẫn phải cứ tin.

Lúc tôi mới về đây ở, tôi đã có lần khóc vì sự bất lực của mình trước cái ác, vì tôi thấy tôi hèn, tôi không làm gì để giúp được ông Bảy - người tôi đã từng kể trong mẫu chuyện " Nước mắt có bao giờ chảy ngược ? ". Tôi từng thầm rủa ông Trời không có mắt, sao lại để ông Bảy chịu đọa đày đến vậy ? Sống thế thì chẳng thà giải thoát cho ông, cho ông chết đi có hơn không ?  Để rồi khi ông mất, tôi không đi đưa tang, mà ngồi ở nhà mình nhìn sang. Nhìn các cành cây khắp sân nhà ông chít khăn trắng, tôi cười : " Giả tạo quá ! Sống không cho ăn, chết rồi làm màu vậy để cho ai xem  ? ".

Ông Bảy chết là hết. Chấm dứt, trả sạch nợ với đời. Cô cháu gái ông cứ sang nhà bảo với tôi : " Em sợ ma quá chị à ! Ngủ mà em cứ nằm mơ thấy ổng rượt em ổng đánh hoài hà ! ". Tôi nhìn gương mặt thâm quầng an ủi : " Mơ thôi, có gì đâu ! Ông Bảy là ông ngoại em, phù hộ cho em không hết, có đâu hù em ! ".

Và tôi đang nói dối. Nói dối với suy nghĩ của tôi lúc đó. Tôi nói không thật lòng mình. Cô cháu gái này, lúc ông Bảy còn sống, tôi cũng không ít lần thấy cô bàng quang khi bà mẹ cô đè ông Bảy ra mà đánh. Bà ấy chắc sẽ còn đánh dài dài nếu tôi không nói  đánh vậy lỡ ông Bảy chết, bả đi tù vì tội cố ý giết người đó. Tuổi ông Bảy cao rồi, chạm nhẹ vào cũng sợ, không biết ông đi lúc nào mà. Bà ấy nể tôi,chẳng qua, theo tôi nghĩ, bà cho là tôi là dân có học và có tiền . Mà đối với bà ta, người có tiền nói cái gì  chả đúng.

Lâu rồi, mụ ấy bỏ nhà đi đâu không biết. Tôi cũng không quan tâm. Tự dưng hôm nay bất ngờ gặp lại mụ, mụ đến trước cổng nhà tôi, tay xòe xấp vé số mời tôi mua. Tôi ngạc nhiên vì theo tôi biết về mụ, mụ chẳng làm gì cả. Hồi đó nhờ có tiền của ông Bảy, mụ ta toàn lê la các sòng bài, ghi số đề , ăn xài cũng ác lắm. Giờ nhìn mụ tàn tạ với mái tóc bạc trắng sớm hơn tuổi, đứng lì nài nỉ tôi mua dù tôi từ chối, tôi thật sự ...cũng thấy tội cho mụ. Gieo chi cái ác nghiệt ngã để giờ nhận cái quả này. Chồng cũng bỏ, con cũng từ, nhà có đó mà về ở thì lấy gì ăn, cứ rày đây mai đó... đời thế xem như hổng rồi còn đâu nữa. 
 Còn cô con gái của mụ tình hình cũng chẳng sáng sủa gì hơn. Hôm tết nàng vừa mới sinh đứa con thứ hai xong thì chồng bị tai nạn do nhậu sỉn, thế là đứa lớn cùng thằng chồng vô tích sự đó dắt díu nhau về quê chồng ở cho đỡ tốn kém , để lại cô vợ trẻ cùng đứa con đỏ hỏn khóc ngằn ngặt cả ngày lẫn đêm một mình ra vào trong căn nhà trống hươ trống hoác. Thằng bé cũng quái, mới chừng hai tháng, mà cứ bắt mẹ nó ôm thẳng đứng, đi khắp xóm. Vào nhà, nó khóc, đứng lại, nó cũng khóc, có lúc mõi tay quá chịu không nỗi, mẹ nó ngồi bệch xuống đổi tay, nó càng khóc dữ dội hơn. Nhìn cảnh mẹ nó giống như bị trời hành, cứ lang thang khắp xóm cho đến khi nào nó ngủ mới dám len lén để nó xuống võng, tôi dù ghét mẹ nó, nhưng cũng thấy thương. Dù gì cùng là phụ nữ với nhau. Tôi hiểu cái khổ của nàng chứ. Giá như cô này sinh ra ở một gia đình có giáo dục hơn, có lẽ, cô đã không hành xử như thế, để rồi ngày nay nhận cái quả này để trả. Trả đến bao giờ ?!

một chàng hổng biết là cóc hay nhái nữa, nhảy vô ngồi một dống như vầy nè. Coi chịu nổi hông chứ ?!


Cả cô con dâu làm tôi từng hoảng hồn về cách nàng chửi má chồng cùng đại gia đình chồng, không phân biệt cao thấp chi ấy, số phận hiện giờ cũng ....bập bùng, không biết ngày mai sẽ ra sao. Nàng mở quán bán hủ tiếu buổi sáng, quán đông khách lắm, rồi nàng mua xe, mua tủ lạnh, ti vi... mới tết chở đồ về ào ào làm râm ran cả xóm. Nàng bắt đầu quần áo đủ bảy sắc cầu vồng, xanh đỏ tím vàng lấp la lấp lánh. Những tưởng đời nàng từ đây lên hương nhờ vào....xe hủ tiếu. Ai ngờ, một ngày đẹp trời gần đây, chủ nợ kéo tới ào ào, mã tấu xoèn xoẹt, tát nàng dăm bảy cái vì tội mắc nợ mà còn chửi chủ nợ, thách người ta dám động đến ...cọng lông chân nàng. Xui cho nàng là nàng thiếu tiền dân có số má ( nếu không phải tay dữ dằn có máu mặt, chả ai dám đứng ra làm nghề cho vay nặng lãi cả ). Chửi mẹ chồng quen rồi, toàn thấy bà im lặng khóc, nàng tưởng giang hồ cũng giống mẹ chồng nàng sao ? Lầm to ! Đám giang hồ ấy dọn sạch đồ trong nhà nàng siết nợ. Bình thường hung dữ là vậy, thế mà giờ nhìn nàng ngồi cú rũ như gà chết, hết dám nhao nhao tiếng nào, cũng thật tội. Vậy mà người đứng ra năn nỉ mấy tay anh chị ấy lại là...mẹ chồng nàng, người từng bị nàng chửi cho lên bờ xuống ruộng. Không biết nàng có ăn năn, hối hận để rồi thương mẹ mình không nhỉ ?!!!
 Riêng bà ngoại ở đối diện nhà tôi - tôi quen gọi như thế , cả tuổi trẻ chỉ biết làm quần quật nuôi mười người con , Từ Bắc di cư vào Nam, làm đủ mọi việc. Gia đình chồng có khó khăn gì, một tay ngoại đỡ đần. Chị chồng không nơi nương tựa, ngoại cũng cho ở nhờ, lo từ A tới Z, để rồi cuối cùng, vì lòng tham không đáy, lợi dụng thế cuộc, bà chị chồng tàn nhẫn đẩy ngoại cùng cả nhà ra đường, ngang nhiên cướp ngôi nhà ngoại phải đổ biết bao công sức mới có được. Đến nỗi, một người con của ngoại vì không chịu nỗi uất ức, đã hóa nên ngây dại.  Vậy mà Trời Phật cũng thương, dung ruổi thế nào để giờ cả nhà ngoại, ai cũng có cơ ngơi riêng, anh em hòa thuận, đùm bọc chở che nhau. Nhìn cảnh  nhà ngoại mỗi dịp cuối tuần hay lễ tết, xôn xao, vui như hội, tôi mới thấy, giá trị của gia đình là đây. 
Thế đấy, những câu chuyện nhân quả quanh tôi vẫn cứ tiếp diễn. Có người ngồi tận hưởng quả ngọt mình gieo - như bà ngoại nhà hàng xóm đối diện nhà tôi. Có người thì ngậm đắng nuốt cay mà trả cái quả mình trót gieo nghiệt quá. 

Vì thế, ai sao tôi không biết, riêng tôi, vẫn cứ tin vào những gì nội tôi nói : " gieo nhân nào gặt quả ấy ". Mà tôi thì không thích ăn chua, dù tôi là phụ nữ. 

Quả ngọt thì vẫn ...tuyệt vời hơn !