Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Bỏ rơi câu vọng cổ




Nó là một đứa hay hát , dù rằng hát chẳng hay. Vui buồn gì nó cũng hát. Có khi i ỉ vài câu không đầu không đuôi, có lúc véo von trong vắt. Nhưng nó chỉ hát cho một mình nó nghe. Và thường , hồi còn ở quê, giọng ca của nó được hoà lẫn với tiếng nước dội chuồng heo mỗi sáng . Vì giờ đó , ngoài nó ra, chả có ai ở nhà cả. Nội cùng bà cô đi bán ở chợ từ lúc gà chưa gáy sáng, nhỏ em họ ở cùng sáng ra đã đến trường rồi.  Nó học buổi chiều, nên cả cái không gian bề bộn này, buổi sáng là của riêng nó. Tự do, thoải mái vô cùng.


Nó  thích những cái thủ thỉ thầm thì, nỉ non của lời vọng cổ. Nó chưa kịp già như nội, nhưng không hiểu sao , đã kịp thẩn thờ khi cô Thanh Kim Huệ ngân ngấn : " bến đò xưa con sông nhỏ, biết người ta có quay lại tìm về ... " . Nhiều lúc ngày xưa, khi bị đòn không ai dỗ, nó lũi ra cái ao sau hè cạnh chuồng heo, trong đầu nó văng vẳng lời gọi mẹ trong tuồng Lâm Sanh Xuân Nương mà nó nghe không dưới chục lần. Lần nào nó cũng khóc. Nó thấy nó . Lạc lõng đến tội nghiệp.

Có lẽ vì sinh ra và lớn lên ở Miền Tây, nên những lời vọng cổ ăn sâu vào tiềm thức của nó. Ai cười nó sến, nó chịu, vì đã ngấm vào máu rồi, tẩy sao cho hết được . Hồi nó còn nhỏ, mỗi lần có đoàn hát về cái thị xã bé tẹo, cả nhà nó xôn xao như có tết. Đi xem hát buổi tối mà từ...3 giờ chiều nội đã giục cả nhà ăn cơm cho sớm , rồi nó cùng mấy đứa em họ ở chung nhà, lon ton ôm cái ghế xếp con con,  chạy theo sau bà cô để được vào rạp sớm. Có lần đoàn của cô Thanh Kim Huệ về quê nó hát, nó mê cô lắm, và may mắn thay được chú hậu đài  có quen với nhà nó, dẫn nó vào xem cô hóa trang trước giờ biểu diễn. Nó nhớ cái cảm giác sung sướng, đứng ngây người ra nhìn cô không chớp mắt. Chao ôi, lúc đó, với nó, cô chẳng khác nào nàng tiên bước ra từ cổ tích. Đẹp lạ lùng. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, nó được gần cô như thế. Có lẽ, cô chẳng nhớ gì nó trong hàng triệu người mộ điệu. Nhưng kệ, có sao đâu, khi nó yêu quý một ai, nó đâu cần người ta nhớ tới nó. Miễn trong lòng nó có người ta là đủ.

Tuổi thơ của nó không chỉ có những gam màu buồn, thật ra, có một khoảng thời gian, đẹp lung linh, có lẽ, sẽ chẳng mấy ai trong đời có được niềm sung sướng ấy.  Nó nhớ hồi nó còn bé xíu, chắc khoảng 4,5 tuổi gì đó, dù chưa biết chữ, nhưng  cô Út nó dạy bọn nó ... hát cải lương, lại còn đóng tuồng nữa chứ. Và nó thuộc tuồng rất mau.  Dĩ nhiên cô nó luôn dành vai " nữ chính " cho nó. Chao ôi ! Cái cảm giác sung sướng khi mặc chiếc váy cô nó ghép từ lá dừa, đội cái mão công chúa được làm từ lá bình bát , có hôm lộng lẫy hơn, cô cho nó mặc hẳn cái áo giáp được cắt từ giấy bìa, dán hoa lấp lánh... Nó cảm thấy nó thật là oai phong quá đi, hô một cái , thằng Quyền ở xóm  to đùng kia trong vai quân sĩ  chạy có cờ ... nhấc ghế cho ... công chúa - là nó ngồi. Ngày thường chơi với thằng này, nó ghét lắm vì chính hắn đã xô nó ngã từ trên bậc thang xuống, đập mặt vào miểng chai, để giờ, đã mấy chục năm rồi, trên mặt nó vẫn còn cái sẹo ấy. Thế mà trong lúc đóng tuồng, bảo chi hắn cũng dạ rân. Thiệt  sướng quá đi ! Khán giả của bọn nó ngày ấy là các bà, các cô, mấy chú ở xóm. Nhất là bọn nhóc trạc tuổi nó, hò reo cổ vũ ghê lắm.  Dù rằng sân khấu được ngăn bằng những cái mền cũ kỹ, dù rằng ngai vàng được  dựng lên bằng cái ghế đẩu bốn chân xộc xệch, nhưng nó có cảm giác, thậm chí là nó tin , nó là vua thật, là công chúa thật. Nó khóc cười cùng nhân vật của nó thủ vai. Một cảm xúc giờ nhớ lại, nó vẫn thấy trong veo như ngày nào.






Năm nó học lớp 8 hay lớp 9 gì đó, nội nó mua cái máy nghe nhỏ xíu, hát bằng băng chứ không phải xài đĩa như bây giờ. Nó nhấc ghế ngồi sát cái máy, vừa nghe, vừa nhìn, vừa ngắm nghía xem...người ta đứng chỗ nào mà hát được cho nó nghe vậy ? Rồi cả một thế giới đủ sắc màu hiện lên trong đầu nó.  Nào một Đổng Kim Lân vai mang ấu chúa chạy trốn quân nhà họ Tạ truy sát, nào hình ảnh cô độc lặng lẽ  ra đi của tướng cướp Phi Đằng - chú Thành Được thủ vai này -  sau khi tặng đôi mắt cho đứa con gái thất lạc, và hình ảnh cô Thanh Nga trong vai Trưng Trắc vừa khóc nấc nghẹn tế chồng vừa ra lịnh xuất quân trong tiếng trống đầy bi tráng... Nó rất thích cái nghĩa trong các vở tuồng nó được xem, cái tình hồn hậu của miền sông nước qua lời vọng cổ. Cũng là yêu đó, là thương nhớ đó, nhưng tình yêu qua lời vọng cổ, mộc mạc như con kênh, con rạch, cứ len lỏi rúc vào lòng nó lúc nào không hay. Nó nhớ cái thẹn thùng của cô Lệ Thuỷ , cái đưa đẩy rất duyên của chú Minh Vương khi mượn cớ học làm bánh bông lan để tỏ lòng tỏ dạ. Sao mà nhỏ nhẹ thế không biết ! Ngày đó, nó ước gì có chàng khờ nào nói lời như thế, chắc nó sẽ ưng ngay 


Rồi nó lên Sài Gòn. Qua bao nhiêu năm, con người nó thay đổi. Đôi lúc nó nhìn lại mình , và thấy tội nghiệp cho hình ảnh của nó hôm nay còn hơn cái thưở mà sáng nào cũng vừa dội chuồng heo vừa hát.  Không thể quay lại, chỉ có thể nhìn lại, rồi bước tiếp về phía trước. Cái xóm nhỏ với những năm tháng cơ cực làm nó sợ. Có lúc nó gần như chối bỏ. Nó không nghe vọng cổ nữa, cũng thôi không hát nữa. Và dần nó quên hẳn. Nó tìm cái tươi mới , sôi nổi trẻ trung. Nó cứ nghĩ sẽ xoá hết cái vị phèn nơi chân nó. Nhưng trời ạ , con tim nó vẫn là đứa khờ khạo nhất. Thật thà đến tội. 

Hơn hai mươi năm rồi, câu vọng cổ ngày ấy nó bỏ quên, theo chiều hanh nắng rót tràn trên môi nó. Lời ngân rớt ngập ngừng, cái nhớ chợt rưng rưng. Ừ hén, nhớ hồi đó nó ca câu gì nhỉ ? 
" Điệp trọn đời chỉ yêu có Lan thôi, vẫn nhớ mãi câu hẹn thề năm cũ...."

Nó hát, rồi bật cười với ý nghĩ " có ai chỉ yêu có một lần trong đời đâu ? "
Chiều chợt nghiêng, câu vọng cổ dở dang rơi tỏm giữa mênh mông xanh ngăn ngắt...