Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Tự dưng Tám nhớ... Bác Hồ




Hồi Tám còn nhỏ xíu, vừa bị tống vô lớp 1, mới mon men đánh vần a, bờ , cờ thì đã bị bắt học..." Năm điều Bác Hồ dạy ".  Nói thiệt, lúc đó biết Bác Hồ là ai chết liền đó. Vậy mà cũng gân cổ, đọc to, đọc dõng dạc,  đọc ở lớp chưa đủ, về nhà buồn buồn vừa chơi nhảy lò cò vừa đọc. Trong suy nghĩ tui lúc đó, hình như tui thấy đọc to vậy, đọc nhiều vậy ...người ta mới biết tui đi học, biết tui...có chữ trong bụng, chứ không, mấy cô, mấy bác cứ tưởng bụng tui toàn..cháo với sữa không thì oan ức quá. Có chữ mà, phải la cho người ta biết chứ đúng hông nè ? 


Nói bà con cười tui, tui chịu, chứ sao tui khoái khoe cái sự thông minh vô bờ bến của tui ghê đó. Tự thú trước bình minh cho bà con nghe, năm tui học lớp 7, nghĩa là năm đầu tiên tui làm quen với môn Hóa học. Trời ạ ! Cô giảng trên kia cái gì, tui chả hiểu cô nói cái gì hết. Cô nói kệ cô, tui đực mặt ra kệ tui, chữ nó đi đâu kệ chữ. Nhưng mà khổ quá, dù sao lúc đó tui cũng đang tại chức Lớp Phó Học Tập , hổng lẽ giơ tay nói : " Cô ơi ! Con hổng hiểu " thì mất mặt quá, sợ bạn bè biết mình...ngu, rồi méc cô chủ nhiệm , cô lấy chức lại hổng cho làm nữa thì sao ? Thế là tui giả vờ chăm chú lắng nghe cô giảng bài, mắt đâm chiêu, tay xếp đúng chuẩn theo kiểu học sinh gương mẫu. Trong lúc tui tự tạo cho mình một phong thái " đỉnh của đỉnh" thì cô dừng giảng, cô phán một câu như thế này, tui còn nhớ rất rõ : " Tui giảng vậy, chứ tui nhìn xuống dưới , là tui biết trò nào hiểu hay không liền hà ! ". Má ui ! Lúc đó tự dưng tui xanh mặt, tui sợ, tui sợ cô nhìn thấy chữ " ngu " nó hiện trên trán tui. Cho dù ngu cũng ráng ôm đầu cố thủ chứ ! Dzậy mà, cô biết thiệt đó bà con, cô túm ngay cái mặt tui cô hỏi liền. Ôi ! Trời !  Cảm giác lúc đó thiệt là chẳng Yomost chút nào hết. Tui giống y như như bị điểm huyệt. Sau đó thì còn phải hỏi, vừa quê với bạn, vừa...bị cô mắng sao hổng biết mà hổng nói còn ngồi trân mình giữ chức thế kia ? Giờ tui nghĩ , đâu phải mình tui mắc bịnh này, hổng tin hả, bà con chịu khó liếc con  mắt bên phải, đá con mắt bên trái, nhìn ngay ra cả nùi chứ chẳng chơi. 


Hôm nọ tui bò bò vô blog người quen,  tui bức xúc bài viết của cái vị kia quá, quên mất tên vị ấy là giống gì rùi, nên tui còm một cái còm dài lòng thòng dây nhợ trút cái sự bực mình của tui.  Vị ấy giật một cái tít hết hồn " Vứt bỏ thơ đi ". Nghe oai dễ sợ chưa ? Tui đọc hết bài viết của vị ... từa lưa bằng cấp, học vị, chức vụ ấy mà ...nhớ tới cái thời tui ngu mà giả vờ khôn, đưa mặt ra cho cô chỉ điểm ghê vậy đó. 


Vị ấy dạy cho tui biết rằng  :"  thơ vụn vài câu không thể là kiến trúc văn chương, và lao động lao động nghệ thuật. Thơ chỉ là sinh hoạt chữ nghĩa ngẫu hứng bồng bột được chăng hay chớ thôi ". Đó là " thơ vun vặt " nha, còn theo quan điểm của vị ấy " Thơ chính thức là gì? Đó là sự ngâm nga vần vèo truyền khẩu giành cho những người mù chữ cũng như không có sách để đọc. Trong một xã hội ít học thì thơ còn đóng vai trò khoe mình đã thoát bệnh mù chữ". 

Tui hổng biết dựa vào cái gì mà vị ấy quơ một cục  thành một câu : " Người Việt Nam cũng rất coi thường thơ chỉ trong hai từ “Thơ – Thẩn”. 

Sau khi một hồi ca ngợi cái sự cải tổ " mạnh dạn vứt bỏ thơ đi " của bạn bè quốc tế, điển hình là cái ông Trung Quốc bành ky si tượng đang lăm le chực mỏ ra đòi nuốt biển đảo của ta kìa, tới cái ông Hy Lạp mà tui nghe giang hồ đồn nợ nần liểng xiểng, thất điên bát đảo bên ấy chứ có sáng sủa gì đâu , Vị ấy chốt hạ cho tui chiêm ngưỡng cái kiến thức uyên bác, cái tài năng phát xít của vị ấy bằng một câu B52 "  Vì thế để có tác phẩm lớn, tôi đề xuất nên mạnh dạn vứt thơ đi. Vì ở đó có ít tinh hoa quá mà chủ yếu là chổ ẩn nấp của đám ít học hãm tài còi cọc nhân cách" . Ngất ! Tui lọt ghế luôn bởi cái quả bom quá bảnh của vị bao la chức này.

Tui chả biết thơ có tội tình gì không , cũng không quan tâm tới cái ung nhọt núp bóng " Nhà ", " Hội " để gây đau nhức mà chả ai chịu tới bác sĩ cắt bỏ một phát cho xong, vì tiêu cực thì ở đâu mà chả có. Mà hình như, sợ cắt ung nhọt thì ...mất máu  mình hay sao í, nên Vị ấy quyết định đề xuất một cái sáng kiến đẹp long lanh : Giữ ung nhọt  ( có u có cục vậy người ta mới biết mình...có ghẻ ) - dọn dẹp sản phẩm phế thải của ung nhọt , theo kiểu " Thà giết lầm hơn bỏ sót ".  Nói theo kiểu ít học của Tám, là khi dọn dẹp vệ sinh, chà tolet, cứ bịt mắt, bịt mũi lại kín mít rồi...hốt, đụng chi gom ấy. Lỡ có hốt nhầm chiếc nhẫn kim cương của Đàm Vĩnh Hưng làm rớt mà cho vô sọt rác, thì cũng coi như là ý trời đó. 

Với dân đen như tui, mấy câu ca dao truyền miệng " Ví dầu tình bậu muốn thôi. Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu đi " hay " Bên tả có con thiên lý mã, Bên hữu có con vạn lý Đông. cớ sao anh hai vợ mà anh chẳng thương đồng, để bên này gối chiếc phòng không lạnh lùng "... mỗi lần buồn buồn ngửa cổ ầu ơ, hò lơ một cái , tự dưng cũng thấy...buồn thả lên trời. Tui thương lắm hình ảnh quê hương của Giang Nam gắn liền với  cô gái nhỏ " Mắt đen tròn thương thương quá đi thôi. giữa cuộc hành quân không nói được một lời. Đơn vị qua rồi tôi ngoái đầu nhìn lại. Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi ", thương cả  hình ảnh " mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong. Dăm mớ cau khô , mấy lọ phẩm hồng. Vài thếp giấy đầm hoen sương sớm " trong Bài Bên Kia Sông Đuống... 

Tui thương đến độ, có những hôm ế hàng, nhìn trời mưa mà lòng não ruột, bất chợt thốt câu "Trời mưa bong bóng bập bùng. Mẹ đi lấy chồng con ở với ai ? "... Những lúc ấy, mấy  tác phẩm Nobel, dẫu có đưa tui, tui có muốn ca, cũng ca không nỗi, nuốt cũng chẳng trôi. Nhưng chính những cái mà vị ấy " đề xuất vứt bỏ " ấy, đã nuôi dưỡng tâm hồn của  không biết bao người con Việt, lại làm cho tui cảm thấy yêu đời hơn, yêu người hơn . Nói xin lỗi, ngày xưa vị ấy còn nằm nôi, lẽ nào vị ấy chưa từng nghe một câu ru của mẹ, bằng thứ ngôn ngữ của chính dân tộc mình, bằng những câu thơ lục bát của riêng đất nước mình mới có ? Ừ thì từ ngữ  bình dân , mộc mạc đó, ừ thì những người hát ra nó truyền miệng từ ngàn xưa là những người ít học đó, vậy thì đã sao ? Ít ra trải qua cả ngàn năm văn hiến, đứa trẻ vắt mũi chưa sạch như tui còn có thể ê a vài câu thơ của những tác giả vô danh . Còn Vị ấy, học nhiều quá, học cao quá, chữ đầy bụng đó, vậy thử hỏi có tác phẩm nào của vị ấy mà một đứa chăn trâu cũng biết để có thể vừa nằm trên lưng trâu vừa ngâm " Ai bảo chăn trâu là khổ  ? tôi mơ màng nghe tiếng chim hót trên cao ? ".Đến cả cái tên của vị ấy tui chẳng buồn nhớ thì nói gì tới vị ấy viết ra giống gì mà tui nhớ được chứ ? May mà nhờ vị ấy làm một quả B52 này, tui mới biết : À, thì ra có một "  Nhà  " như thế !

Văn cũng được, thơ cũng xong, miễn là con người ta có nơi gởi gắm tâm tư, tình cảm, một nơi giải trí lành mạnh, thì tại sao phải vứt bỏ cảm xúc của mình chớ ? Tui thì, kệ, ai ham mò mẫm phấn đấu giải Nobel thì cố gắng phấn đấu vứt bỏ mấy câu thơ còm cõi, chết đói này, rồi ráng mà nuôi dưỡng tâm hồn bằng ...tác phẩm đao to búa lớn, kinh điển. Tui dân chợ búa, chỉ hiểu một cách đơn giản như vậy : Anh có địa bàn của anh, tui có lãnh địa của tui, nước sông không phạm nước giếng. Dung hòa mà sống, cùng nhau mà nâng , chứ đừng đạp đổ chén cơm của nhau như vậy. Chơi vậy là tồi.

Tự dưng tui nhớ bài học năm xưa Bác dạy . Bác là vĩ nhân đó, là danh nhân thế giới đó, mà lời Bác dạy thật bình dị , giản đơn vô cùng, đến cả đứa con nít cũng hiểu, chẳng cần dùng chi ngôn ngữ hoành tráng, khoe mẽ làm gì . Chỉ đơn giản thế này : 

" Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tốt,
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. 

Có lẽ, tới lúc phải ôn bài rồi. Mấy chục năm rồi, bỏ lâu quá, quên ...chứ bộ. Tội nghiệp !