Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Tình chợ

 
Những mảnh đời bám chợ, bám đường ray....

Cái mùi hăng hăng của bãi rác nơi góc chợ xộc vào mũi, nó chun chun mũi, dụi lấy dụi để, rồi tháo khẩu trang nhét vội vào túi áo khoát ngoài , miệng không ngớt liếng thoắng :

- Năm ngàn , bịch chanh có năm ngàn ! Chanh bao la nước có năm ngàn ký chanh năm ngàn...

Tiếng nó rao lanh lảnh. Ở cái chợ Sáng này ngày nào thiếu bóng dáng nó, ngày ấy dừơng như không gian chợ thoáng đãng hơn thì phải. Có hôm, nó hò hét ầm ĩ dữ quá, mụ Tám ngồi cạnh làu bàu rủa xả : 

-  Mày mắc thằng bố gì sủa cả ngày điếc tai. Có điên vô bịnh viện ở chừa chỗ người ta bán với. Tao chơi hết vỉ Paradol rồi mày ơi !

Nó câng câng cái mặt đen bóng, cười xoen xoét, háy háy con mắt gian gian : 

 - Sủa vậy Tám mới nhớ con chứ ! 

Rồi không để mụ vớt vát câu nào, nó  dập liền tới tấp điệp khúc " năm ngàn ký chanh " của mình . Mụ Tám lườm nguýt, lòng bực bội, chỉ muốn lấy trái chanh nhét vô họng nó . Mẹ kiếp ! Chợ làm như của một mình nó vậy.

Sở dĩ mụ Tám ghét nó cũng có lý của mụ. Dẫu biết trăm người bán , vạn người mua hay buôn có bạn , bán có phường, nhưng, sao mụ vui cho được khi bán chi nó không bán, lại bán...chanh giống mụ . Mà mụ già rồi, hàng tấn mỡ cứ rung rung theo từng bước đi của mụ thì mụ lấy đâu ra hơi rao cả ngày như nó. Quái thật ! Người  ngợm khô đét như con bù nhìn giữa ruộng, lại chả thấy ăn uống gì, chỉ thỉnh thoảng lôi chai nước lọc từ cái túi cáu bẩn ra ừng ực. Chỉ vậy thôi mà nó lanh lảnh cả ngày, chỗ nó bán lúc nào cũng xôm tụ. Mấy mẹ đi chợ cứ nghe nó rao là ráp nhau bu đầy cái tấm bạt ni lon đổ đầy chanh của nó. Mụ ganh tỵ. Chanh mụ trái to đùng, vàng óng, vỏ mỏng tang nhìn thấy cả nước cũng hoạ hoằn lắm mới có người hỏi mua.  Lắm hôm bực bội, mụ thấy ai lựa chanh chỗ nó mà đứng sớ rớ qua chỗ mụ, mụ nhảy chồm lên tru tréo. Trái chanh nào của nó lỡ dại lăn sang chỗ mụ, mụ giẫm ngay, bất kể năm ngàn một ký hay năm ngàn một trái, mụ cũng mặc xác nó.

Dường như nó cũng biết mụ không ưa gì nó, nhưng không hiểu sao, hôm nào mụ nghỉ bán, hôm sau vừa dọn hàng đã nghe nó rối rít hỏi thăm. Mụ trả lời ậm ừ. Nó mồm cứ xoen xoét chả thèm ngó xem thần thái gương mặt mụ có chút mùa xuân nào dành cho nó không ? Cái con dở hơi này ! Đúng là...mặt dày. Người ta đã không thích, không ưa, đã lơ mình rồi, thì cớ gì nó cứ lũi đầu kết thân chi vậy ? Đời là vậy đó. Chỉ cần đeo dăm ba chỉ vàng trên người lúc lắc, ra chợ, đám bạn hàng  ...có vẻ nể nang hơn. Mụ cười khẩy nó. Cười khẩy cái sự thảo mai nịnh nọt của nó. Ai chả biết ở chợ này, mụ bán, là bán cho vui. Chứ tiền mụ đông như quân Nguyên ấy chứ ! Mụ không muốn bó gối ngồi cả ngày  ở nhà. Mụ sinh ra ở chợ, lớn lên cũng ở chợ. Tuổi mụ thọ chắc cũng ....ngang ngang tuổi ngôi chợ  này.  Rồi nhờ mấy năm sốt đất, vùng đất ngoại thành của mụ ngày trước chỉ để dành thả rông cho bò ăn cỏ thì đột nhiên trở nên có giá. Cứ thế mụ phất. Ai cũng nghĩ mụ sẽ bỏ chợ. Nhưng không. Mụ quen rồi. Quen cái âm thanh tạp nham , quen cái mùi hăng hắc, quen cả tiếng ồn ào mặc cả...  Hôm nào uể oải trong người, mụ không ra chợ, ở nhà, mụ lại...đâm ra...nhớ. Rồi lại lụi đụi dọn hàng bám chợ. Cứ thế mặc cho nắng mưa hết năm này sang năm khác.


Sáng nay mụ Tám dậy hơi muộn. Mới đó mà tháng 12 rồi. Nhanh thật. Sài Gòn gần tết bắt đầu se se lạnh. Cái lạnh vừa đủ cho con người ta cảm thấy sự cô đơn, trống vắng. Mụ sống một mình. Một mình thui thủi dọn hàng, một mình với chém cơm trước  màn hình ti vi mỗi tối . Một mình vui. Một mình buồn. Đôi lúc, mụ lẩn thẩn, nhớ nhớ quên quên. Lão già chết tiệt bỏ mụ đi vội quá. Mụ đã bảo là làm gì làm, phải nhường mụ đi trước . Vậy mà, Lão già ấy cũng giành đi trước  mụ. Bỏ mụ như vầy nè.  Mụ rùng mình , thôi không nhớ nữa . Mụ lầm lũi dọn hàng cho kịp chợ.


Không có nó. Chỗ ngồi mênh mông.  Mụ vừa trải tấm bạt ra, vừa kê cái ghế gỗ mốc meo cho ngay ngắn, lòng thấy....vui vui.  Chắc con dở hơi ấy rao dữ dội quá khản cổ luôn rồi chứ gì ! Đáng đời. Mụ rủa thầm trong bụng. Mẹ Bảy ngồi cạnh , vừa thấy mụ dọn hàng, đã hớt hãi nói : 

- Ê , bà Tám. Bà hay tin gì chưa ? 

- Gì ? Mụ không nhìn mẹ Bảy, vẫn tiếp tục công việc của mình.

- Con Đen nó chết rồi. 

Mụ ngừng tay hẳn, quay sang mẹ Bảy, run run :

- Bà nói Đen nào ? Con bán chanh...

- , nó chứ còn ai nữa. Nghe đâu hôm qua nó vào viện thăm má nó, lớ quớ thế nào bị thằng chó say sỉn tông mẹ nó đi.  Chết tại chỗ, có kịp nói năng gì đâu. Tội lắm. Chút bán xong tụi tui tính xuống nhà nó nè. Nó vậy rồi hổng biết má nó sao nữa. Mấy đứa kia lấy chồng lấy vợ mất xác đâu hết rồi. Còn có mỗi nó lo cho má nó. Mẹ nó ! Ông Trời làm đéo gì có mắt. Tội nó lắm....

Mẹ Bảy vừa nói vừa chửi. Mụ Tám nghe mà lòng...tự dưng...trống trải, mơ hồ chi chi ấy. Mụ ngồi thừ ra. Nhìn xa xăm sang chỗ nó. Sao mà.... Mụ chép miệng, buông câu vô cảm :

- Đời mà bà. Tới số thì đi thôi. 

Mấy mụ xung quanh râm ran tin nóng sốt này. Mỗi người một câu... Chợ vốn đã xô bồ, càng trở nên ngột ngạt hơn nữa...



Nắng lên. Cái lạnh tan đi trong nắng sớm. Không một chút vương lại nơi ngõ chợ. Từng dòng người xanh đỏ lúp xúp ngược xuôi, săm soi từng góc chợ...

Mụ Tám ngồi nhìn đống chanh vàng xanh ong óng. Nhìn đâu cũng thấy cái miệng cười toang hoang nhà cửa của nó. Như thấy nó đứng cạnh nhìn mụ cười, lăng xăng hỏi mụ sao hôm nay dọn hàng trễ vậy, hỏi mụ đau chỗ nào sao nhìn mặt khó coi thế , hỏi mụ có ăn gì không nó hú dùm cho vì giọng nó còn to hơn cả cái loa phát thanh của ban quản lý chợ .... Từ ngày Lão Già bỏ mụ đi, có ai hỏi mụ như nó hỏi đâu ? Mụ chửi, nó cũng cười. Mụ nhăn nó, nó cũng cười.Cái nụ cười ướp đầy hương nắng, không chút bụi ấy ...sao mà mãi đến bây giờ mụ mới thấy...dễ thương kỳ lạ.Vậy mà....

Mụ bất giác buột miệng lầm bầm, cái giọng khàn đục âm âm khe cổ, như một tiếng rên nẫu ruột, thì thào cho riêng mụ  :

- Năm ngàn ký chanh  có năm ngàn.... Chanh bao la nước có năm ngàn...

Tiếng rao vương vướng, ..nhòa nhòa mắt. Mụ quệt vội đôi mắt kèm nhem, tay run run cầm trái chanh nho nhỏ... Chợ lao xao những câu chào mời vắt vẻo. Có lời nào của nó còn sót lại đây không?!...


Mụ cười cười. Nụ cười già nua đến tội. Ừ, thì thôi. Nó đã đi rồi....