Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Tám trời ơi .


Xí xọn chịu hông nỗi lun ! hé hé



Tui có một body không hề chuẩn , cái gì cũng ...vượt hạn mức qui định. Cao 1,58 m nhưng cân nặng...sấp sỉ 60 kg. Đã thế ông Trời ưu ái tui, khuyến mãi tặng thêm cho tui một vòng eo trên cả tuyệt vời :  83  cm - tương đương vòng 1 của một cô nàng  mình hạt sương mai kiểu siêu mẫu. Nhưng ngộ ở chỗ là...hổng hiểu sao hôm nào tui bèo nhèo bét nhét, ôm giỏ đi chợ thì bà con í ới " bầu ơi ! mua gì dùm chị đi cưng ! ", còn bữa nào tui...xí xa xí xọn loi nhoi cà phê cùng đám bạn, thì đám bạn trời ơi  lại kháo : " úi giùi ui !  còn xài được, hai mươi nữa vẫn chạy tốt ".

Gương mặt tui cũng không thuộc dạng nghiêng  thùng đổ nước ào ào. Nhiều khi tui ngắm mình trong gương mà tui  hổng lẽ cảm ơn ba mẹ đã cho tui một gương mặt nếu đi thẩm mỹ viện , có lẽ cũng khiến bác sĩ ...đau đầu vì không biết phải bắt đầu từ đâu , sửa món nào trước, món nào sau, vì cái nào cũng...xấu đều như cái nào hết. Đôi mắt một mí thì chớ còn con bay con đậu, mũi thì...ui trùi ui, nhớ có lần Jang nói " mũi thấp như vậy thì khỏi bị ...tai nạn khi hôn ", miệng thì...bà nội tui vẫn hay khen " miệng quai xách, chửi lộn ba làng chửi không lại " , răng cỏ mùa xuân  thì..ôi thôi...chán quá, chả muốn kể nữa...

 Túm lại, không phải tui dìm hàng nhan sắc tui đâu, vì tui ...nổ ác lắm, tui không hề khiêm tốn hay giả khiêm tốn cho bà con tội nghiệp đâu nhé. Những gì tui đánh giá, đều là sự thật. 100% y như thế. Nhưng tui phải công nhận một chuyện, tập hợp đội hình những cái xấu kịch trần ấy lại, nhìn tổng thể, không ai chê tui xấu. Thế mới quái ! Tui hay hỏi thằng bạn thân tui: " Mày  bạn tao, mày nói thiệt tình đừng nể tao miếng nào, mày nhìn coi cái bản mặt tao có...tê tái lắm không ? ". Nó chớp con mắt bên phải, lia con mắt bên trái, không biết có phải vì nó cũng mắt hí như tui hay không, nó khen : " banh trời mày ui , còn xài được. An tâm đi ! ".


Hôm kia,  buồn quá, chẳng biết ma đưa lối quỷ dẫn đường thế nào , tui giá lâm shop thằng bạn ngay lúc nó có việc phải ra ngoài . Thế là bỗng dưng tui trở thành người  gác đền bất đắt dĩ. Thui kệ, rãnh mà, giá như ngồi gác mà kiếm được tiền chợ, ngồi cả ngày tui cũng ngồi nữa. Tui từng có mơ ước, nếu sau này có đủ tiền, tui sẽ mở một shop thời trang, phục vụ cho cánh chị em . Giờ có cơ hội, tận hưởng cảm giác ...đứng shop là như thế nào cũng hay chứ bộ !

Vị khách đầu tiên của tui là một quý bà, chắc cũng vượt vạch U50, nhưng hãy còn thời trang lắm. Chị cứ lưỡng lự giữa hai chiếc váy. Chị định mua váy tối đi lên sàn khiêu vũ. Nhìn gương mặt chị tin tưởng tuyệt đối khi nhờ tui tư vấn chọn giúp chị, tui thiệt sự không muốn dối lòng. Vì tui biết, nếu tui cũng giống cô nhân viên kia, chỉ đại một cái, rùi nhào nhào tô vẽ cho long lanh , khen chị nức nở, đảm bảo, chị không móc tiền ra chi mới lạ. Nhưng, gian thì tui gian tan nát rồi, tui vẫn không đành lòng huỷ hoại cái bề nhan sắc chị bằng hai chiếc váy dở hơi ấy. Chị có tuổi, dáng cũng " Phạt trước, phạt sau, chả rớt món nào " - trước sau như một mà bảo . Nghĩ sao lại chọn chiếc áo với cái cổ áo  " vườn không nhà trống " còn khuyến mãi thêm cái nơ to đùng rực rỡ chít ngang eo ? Chiếc áo kia cũng chẳng khá hơn là bao với tầng tầng lớp lớp bèo dún may với vải voan xuyên thấu đang làm mưa làm gió trên các nẻo đường từ Âu sang Á.
Tui rùng mình khi tưởng tượng hai cái của nợ ấy khoát lên người chị. Thế là, thay vì giúp bạn bán được hàng, tui trở mặt, chê không thương tiếc. Nào là cái áo cổ mênh mông kia sẽ tố cáo vòng 1 " thuỷ chung son sắt "  của chị, rồi cái nơ to đùng , tầng mây bèo dún sẽ dập vùi thân hình bé xíu không quá 1,5 m, lớp vải xuyên thấu kết sẽ phơi bày mồn một " bề ngoài tơi tả hao mòn, bên trong nội thất có còn được chăng ? "... Tui thề, tui không dìm thì thôi, đã dìm là chít ngạt luôn chứ chẳng chơi. Chị đang từ lưỡng lự, chị bỏ hẳn luôn, rồi quay sang nhờ tui chọn hộ. Gì chứ vụ này tui nhiệt tình lắm. Tui chọn cho chị chiếc váy vừa qua gối, ôm vừa phải phần trên với vải saquin lấp lánh, hơi xoè ở phần dưới.  Tất cả màu cặn rượu.  Tui bảo màu này rất tôn da, riêng ánh saquin sẽ bắt đèn, sẽ khiến chị nổi bật và trông đầy đặn hơn.  Và dĩ nhiên là kiểu dáng đơn giản. Vì ở độ tuổi này, theo tui, cái chị cần là hướng tới vẻ sang trọng, đằm thắm. Tui nói mỏi mỏ tui luôn chị mới miễn cưỡng đi vào thử. Khi chị bước ra, nhìn mình trong gương, chị cười chúm chím :
- , nhìn đẹp thiệt đó em !
Tui híp mắt, phổng mũi, cười toe toét :
- Đó, em nói mà, chị mà mặc cái này, mấy cha nhìn chị chỉ có từ chết tới bị thương thui. Nhìn sang lắm chị ơi ! Ai chê chị xấu, em tặng chị luôn khỏi lấy tiền . Em bán để chị còn lần sau ghé em  nữa mà.

Tui sum xuê không ngớt. Chị xoay xoay mấy vòng, xong, quyết định cái rụp, khiến tui suýt nữa lọt ghế :

- Em lấy cho chị cái này, và lấy chị cái...áo có bèo luôn nha. Cái này để chị mặc đi...chỗ người lớn, còn tối chị đi nhảy, mặc cái kia cho nó trẻ trung . Mình già rồi, phải diện cho nó  trẻ , em hén !

Trời mẹ ơi ! Mục đích tui là chỉ muốn chị đẹp hơn, kết quả cuối cùng...chị lại tự dìm chị thế này thì coi như...uổng công tui nói khô nước bọt nãy giờ. Sao mà mấy chị không chịu hiểu, tuổi nào có cái đẹp riêng, cái chuẩn riêng của tuổi đó. Mắc gì muốn trẻ cứ phải... ăn vận như xì tin mới thấy trẻ ? Một nguyên tắc cơ bản : ăn mặc hợp lứa tuổi - hợp nơi đến  - càng đơn giản - càng sang trọng - càng không lỗi mốt . Vậy mà ...thiệt là...tức quá đi  ! 


Vậy đó, cứ thế liên tục ra vào những vị khách ....luôn làm tui khó xử . Có nàng " mình dây phọt ông Địa " thì  cứ dứt khoát chọn cái áo kiểu crop - top vô  tư khoe vòng eo 80 cm không thua gì  Tám .  Có nàng thì 1,2,3,4 gì cũng túm lấy áo pull ôm,  mặc kệ cho cả ba vòng thở không nỗi , đua nhau chất lớp nhìn phát ngán. Có ẻm thì tong teo một nắm cũng bon chen áo ... hở cổ để khoe của nả dù ... ngụy trang kiểu Úc rùi mà cũng chả thấy điện nước gì.... Thằng bạn tui lựu đạn thiệt ! Biết tui hay ngứa mắt nói mà giao nhiệm vụ bất khả thi này cho tui làm gì không biết ? Chê thì...khách giận, có khi còn bỏ đi không mua. Mà khen thì... thú thật tui hổng đủ can đảm để khen vì tui thấy tui tội lỗi quá . 


Kết quả, sau hơn 1 giờ đồng hồ đứng shop tập tành tư vấn, tui rút ra kết luận : chả thèm mở shop làm gì vì biết chắc thế nào cũng...bán ế ( nói chảnh cho oai tí thui chứ...tiền đâu mà mở ?! ) . 


Về nhà, kêu thằng con mặc đồ tui chở đi chơi. Thứ bảy mà, cho nó đi vòng vòng chứ ! Nhìn nó bước ra, tui mém xỉu : Áo xanh đọt chuối  lặc lìa một cõi đi về - quần cam gi-nơ rạng ngời chói lóa . Tui hét ầm lên : 

- Mặc gì kinh thế !

Nó phớt tỉnh Ăng -lê trả lời :

- Kệ con, con thích !

Trời ! Thua ! đầu hàng thiệt rồi .



Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Về thôi vạt nắng...





- Ê, Tây, xách dùm tao đá qua phòng mẹ Bảy coi !

Bà Ba vừa nhác thấy bóng nó từ xa đã vội vã vẫy lia vẫy lịa. Nắng quá mà! Cái nắng như cạo da đầu ra từng mảng rát buốt. Con đường đá đỏ trong khu trọ trở nên hầm hố. Nắng như vầy, chỉ có thằng Tây lang thang ngoài đường thôi. Bà Ba một phần sợ nắng,   một phần muốn kiếm chuyện gì để cho thằng Tây làm , rồi cho nó chút đỉnh tiền. Vậy thôi.

Thằng Tây khấp khểnh đi về phía bà Ba, miệng toe toét nụ cười méo mó. Trông nó chẳng khác gì thằng gù gác chuông nhà thờ ở trong tiểu thuyết. Di chứng trận cháy năm nào đã huỷ hoại toàn bộ khuôn mặt của nó và làm tay chân nó co rút lại.


Không biết trời thương hay hành ,  chừa lại cho nó một con mắt - đủ để nhìn đường mà đi, nhìn đồ ăn mà bốc và nhìn cả những ánh mắt sợ hãi, thương xót của những người vô tình  bắt gặp nó. Cứ mỗi lần thấy nó, bà Ba hay vẫy nó vào. Khi thì bịch nước mía , lúc dĩa cơm, lắm hôm bà dấm dúi cho nó vài nghìn đồng để nó để dành. Cái thằng coi vậy chứ khôn đáo để. Con chữ cắn đôi không biết nhưng đếm tiền thì chả bao giờ lầm cả. Từ hồi nó biết đi bán vé số tới giờ, chả khi nào nghe nó than van mất mát gì. Nó lại rất  siêng, như siêng bù cả phần của má nó vậy. Lúc rảnh rỗi, ai sai gì nó cũng làm, cho tiền nó, ít nhiều gì nó cũng để dành trong cái túi nilon giấu ở cạp quần. Lâu lâu,  nó  hý hoái ngó trước ngó sau xem có bóng dáng mẹ nó không, hễ không là nó mang tiền ra đếm. Mặt ngời ngời. Bà Ba thấy mà thương , nên dù mẹ nó luôn ra quán bà chửi đổng,  bà cũng kệ. Ngày nào bà cũng dành cho nó phần cơm. Cứ xem như tạo phúc vậy.


Mới đó mà bao nhiêu năm lần lượt trôi qua. Như một cơn ác mộng . Cứ  tưởng thằng Tây không sống nổi với từng ấy vết lở loét,  không thể đứng dậy được khi chân rút lại cao thấp thế kia. Vậy mà, như chồi non giữa sa mạc, nó vẫn gồng mình tách đất, vươn nõn biếc. Càng khắc nghiệt, càng chà đạp, nó lại càng ham sống đến lạ kỳ. Lăn lóc cả ngày dưới nắng cũng chả thấy nó bịnh hoạn gì . Lùi lũi lớn. Cả xóm trọ này, trừ mẹ nó ra, không ai chửi nó . Ngay từ  khi nó biết nhớ, nó chẳng biết ba nó là ai. Nghe đâu bỏ đi từ ngày nó thành quái nhân như vầy.Nó không thấy buồn. Mà nó cũng chưa biết buồn. Chỉ cần có ăn và có tiền, là nó vui ngay. Đơn giản như cái tên của nó. Không họ, không chữ lót. Đầy mai mỉa : Tây.


Chẳng ai còn nhớ đến  thằng Tây bao nhiêu tuổi. Chỉ biết rằng những sợi râu lưa thưa tập tành xum xoe quanh mép môi của nó. Lúng phúng như vạt cỏ non rì sau trận mưa thi nhau nảy nở. Hôm nào khó chịu quá, nó lại thậm thọt sang quán bà Ba nhờ bà ...nhấp  râu hộ.  Nhìn bộ dạng nó nhăn nhó khi cái mũi kéo tí ti  lia ngang miệng , bà Ba bất chợt chạnh lòng. Tây nó lớn hồi nào mà bà hổng hay vậy cà ? Thiệt là...

Đời thằng Tây sẽ vẫn như thế nếu không có một ngày. Với nó, đẹp như cổ tích.

Khu đất trống cạnh chòi nó có người mua. Rồi họ xây nhà. Căn nhà với cái cổng rào sơn trắng bé xíu, xinh ơi là xinh. Nhất là khi nó vô tình nhìn thấy cái cô bé cột chùm tóc loe ngoe vào một buổi chiều hanh nắng. Tiếng cười giòn tan trong trẻo, rót vào tai nó như một thứ âm thanh kỳ diệu nhất mà nó từng nghe.  Nó đứng nghểnh cổ, giương con mắt độc nhất nhìn cái đuôi gà lỏng nhỏng rượt đuổi nhau chạy quanh sân cùng chú chó con lông trắng muốt. Mỗi ngày , khi trời nghiêng nghiêng nhặt nhạnh những con nắng cuối cùng , Đuôi Gà lại lon ton chơi mãi một trò chơi không chán, không hề biết đến sự hiện diện của nó . Nó cũng ngắm Đuôi Gà  không chán. Và chiều nào, nếu không  làm gì, là nó lại bước thấp bước cao, lòng reo reo theo tiếng cười trong văn vắt.

Bản năng buộc nó tồn tại bằng mọi cách. Nhưng bản năng cũng bắt đầu bắt nó không cách gì ngừng suy nghĩ về Đuôi Gà. Và nó chỉ có mỗi điều ấy để nghĩ . Căn chòi trống hươ không ngăn nỗi giấc mơ ngọt ngào nó vẫn giấm giúi mơ mỗi tối. Nơi ấy, chỉ có tiếng cười rúc rích , tiếng chó sủa rộn ràng, hòa cùng sắc vàng phơi hanh hanh tóc... Lấp lóa. Với nó đó là niềm hạnh phúc. Còn vui hơn cả khi nó đếm tiền. Đôi khi nó nghĩ, giá như đổi hết số tiền nó có, để được ...đến gần hơn chút nữa, có lẽ, nó sẽ thấy được đôi mắt trong veo, thấy được nụ cười ướp nắng... Bất giác, nó đưa tay sờ lên gương mặt lam nham nhăm nhúm  của mình. Đánh rơi tiếng thở dài sóng sượt. Ờ hén , biết đâu còn thấy được cả sự kinh hãi, ghê sợ trong ánh nhìn biên biếc của Đuôi Gà thì sao ?  Lần đầu tiên nó thấy sợ. Nó sợ Đuôi Gà sẽ bỏ chạy như lũ trẻ con ở xóm khi thấy nó đi qua. Nó sợ Đuôi Gà sẽ lúi ríu trong nhà,  thôi không ra sân chơi nữa khi biết có kẻ ngày nào cũng nhấp nhỏm chờ đợi. Nó sợ cả nắng cũng theo đêm  lặng thinh đi mất. Sợ giấc chiêm bao chạm nhẹ thôi cũng thành bọt xà phòng. Bao nỗi sợ hãi mơ hồ bấu riết cái suy nghĩ quẩn  quanh của nó, vẽ nên một cái nhìn trống rỗng. Lạnh ngắt, không thấy đáy.

Nó đứng tần ngần thật lâu trước cái sạp bán kẹp tóc nơi góc chợ. Cứ đi qua, đi lại, rồi lưỡng lự , chần chừ. Nó ...thấy ngượng. Đến cả cái gương nó còn không dám soi, vậy mà giờ lại...mon men đi mua kẹp tóc. Cuối năm rồi. Nó thấy người ta lao xao sắm sửa. Nó thì...cũng vậy thôi. Má nó  giờ  này chắc mài quần nơi chiếu bạc nào rồi, thắng thì toe toét , thua thì  lại... bắt đầu cuộc đổi  chác mây mưa  rẻ bèo , nhạt thếch như tô hủ tiếu gõ lốc cốc đầu ngõ. Đời nhẹ tênh , vô tình như vậy đó. Nó chả buồn nghĩ đến má nữa. Nó đang vui với niềm vui bé con của mình.  Nó cảm thấy nôn nao đến lạ kỳ khi đi chợ, dù cái chợ chồm hổm nơi ngã tư Bà Lát này chả xa lạ gì với nó. Bao nhiêu năm rồi vẫn tạp nham như thế.


Những chiếc kẹp tóc lấp lánh, đủ màu sắc, hoa cả mắt. Nó nheo nheo , cố căng con mắt mờ đục còn lại, tìm ....cái kẹp đẹp nhất . Nó nhón chân, rướn cổ, với tay lấy chiếc kẹp hình cái nơ be bé. Một màu hồng  lìm lịm,  dễ yêu đến lạ kỳ. Cái này mà nằm trên tóc của Đuôi Gà thì...chắc đẹp lắm. Nó không mặc cả, không xin xỏ . Nó đàng hoàng lần mò đếm  từng tờ tiền chắt mót, đưa cho người bán, rồi  run run cầm chiếc kẹp trên tay. Nâng niu như nâng giấc mơ của nó. Chị bán hàng nhìn theo bóng nó sấp ngửa trên đường. Lắc đầu cười cười ra chiều thông cảm. Ờ,  dù gì nó cũng là con người. Mà đã là con người, ai cấm được nó mơ chứ ?


Nó lo lắng. Tim đập mạnh như sắp nhảy ra khỏi  khung xương xộc xệch .  Biết nói gì với Đuôi Gà đây ? Đuôi Gà có...chê quà của nó không ? Đuôi Gà có...bỏ đi không thèm nhìn mặt nó không ? Những câu hỏi cứ xô đẩy  nhau trong đầu nó. Hỏi đi hỏi lại cũng chừng ấy câu hỏi. Thập thò mãi nó cũng lần mò ra tới bờ rào. Bàn chân nứt nẻ rón rén giẫm lên cỏ. Chợt, nghe ran rát, đau nhoi nhói như có ai siết nghẹn nơi lồng ngực . Nó chựng lại, thụt đầu,  ngồi thụp xuống. Tay bứt vội vạt cỏ đang  buồn rũ, không dám ngẩng mặt lên. 


Đuôi Gà vừa đi ra. Mang theo cả tiếng cười pha lê rúc rích. Mang theo cả cái hương con gái  ngòn ngọt nó từng len lén tưởng tượng  bỏ vào mơ.  Gã trai lạ quắc mang Đuôi Gà vụt qua, nhanh đến nỗi nó không kịp nhớ gì cả . Chỉ mang máng  đôi bóng nhập  nhòa trải dài trong nắng. Rưng rứt xót.


Nó lặng lẽ xòe tay, nhìn chiếc kẹp nằm ngơ ngác . Phải như vậy thôi. Nó nghiến chặt răng, giơ con mắt ráo hoảnh nhìn ra đầu ngõ. Từng con nắng núm níu nhau bám víu dọc hiên nhà ai  loang lổ . Ngày đã hết . Nó tập tễnh đứng dậy, hai chân tê rần, nặng trịch,  không muốn bước. Nó đứng thật lâu, thả ánh nhìn qua cổng rào nhà Đuôi Gà. Con chó nhỏ đang nghếch đầu , vắt chân nhìn qua khe cổng. Một ý nghĩ thoáng qua đầu nó. Nó biết mình phải làm gì ...


Tối đêm ấy, nó lại  mơ. Đuôi Gà đẹp long lanh trong màu nắng rực rỡ. Chiếc nơ hồng bé xíu duyên duyên cười trên tóc. Rồi Đuôi Gà ríu rít cảm ơn Gã Trai mang đến cho Đuôi Gà điều bất ngờ này. Mặt Gã tò te ngớ ngẩn. Tiếng cười Đuôi Gà lóng lánh thả nắng vào mơ. Như chiếc hôn nhè nhẹ , âu yếm phơn phớt bên tai nó. Sướng đến run người.
Nó nhoẻn nụ cười thanh thản.

Ngoài kia, đêm rụng xuống rồi....









Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Dẹp cái kiểu vùng miền đó đi !

Ai nói gì nói, tui vẫn tự hào vì đã được sinh ra ở nơi như thế....


Cứ vài ba cái cuối tuần , là tui lại  ô - la chiến hữu ra quán cà phê ngồi hóng hớt. Tám chuyện trời ơi cũng là một thú vui lành mạnh đó chứ. Theo tui là vậy. Thế mà sáng nay, thay vì được vui, tui lại rước nguyên cái cục bực mình. Rồi ngẫm nghĩ tới nhiều việc dây mơ rễ má đến phát ghét. Không lẽ chửi thề được tui cũng chửi nữa. Đang điên mà bảo.

Ngồi cạnh bàn tui là mấy chàng trông " mày râu nhẳn nhụi áo quần bảnh bao ". Nói chung, nhìn cũng hơi bị được dzai - nhưng chắc chắn phải xếp sau lưng Jang của tui vài....cây số. Thoạt đầu tui không chú ý lắm vì vào quán thì thằng nào cũng như thằng nào, miễn có tiền trả tiền cà phê thì dẫu ôm túi LV hay xách bao ni lon tòng teng như Tám đều như như nhau cả thôi. Thế nhưng, một câu nói kèm theo cái cười khẩy đập vô mặt  làm Tám xây xẩm :

- Mấy cái con miền Tây này, bỏ tiền ra tụi nó bu cả bầy.

Nghe mà máu dồn lên não không?

 Tui nói thiệt, nếu câu nói này tui nghe được cách đây 20 năm thui, đảm bảo thế nào tui cũng nhỏng mỏ chọt cho mấy câu rùi. Tui nhớ hồi còn con gái, vừa chân ướt chân ráo lên Sài Gòn, tui và nhỏ bạn đạp xe đi học về. Hai con Thị Mầu nào đó quẹt xe tui té chổng cẳng. Không xin lỗi thì thôi, còn quay lại chửi tui nữa chứ. Chắc thấy cái bộ dạng lúa nguyên thuỷ của tui nên tội gì mà hai Thị Mầu đó không lên mặt. Vừa bị đau, vừa bị mắng, tui lên cơn, quăng luôn xe đạp giữa đường, cầm nguyên cái cặp ném vô mặt con nhỏ đang cong mỏ chửi tui bằng cái giọng the thé đặc chủng vùng miền xa tít tắp ấy , rồi lao tới định đập cho nó một trận.  Tụi nó mặc váy mà, xe cộ bóng bẩy thế kia, đố dám nhoi. May mà nhỏ bạn nó kéo nó đi, không là kiểu gì cũng kẹt xe. Sao hồi đó tui như quỷ thế không biết. Đã nói đừng dại dột gây với thằng điên và thằng nghèo mà bảo. Hồi đó, có lẽ vì còn trẻ, nên nhìn mọi việc rất đơn giản. Giờ thì lớn tuổi rồi, không còn hứng thú với mấy cái trò trẻ con đó nữa. Thế nên, khi nghe mấy chàng hô hố, tui chỉ ngồi cười. Hoá ra, con gái miền Tây như tui trong con mắt người khác là như vậy sao ?

Tui nhớ cái ngày xửa ngày xưa OX dẫn tui về nhà ra mắt. Trong khi tui về nhà anh chỉ với một câu duy nhất" mẹ nào mẹ của riêng anh , mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi " làm hành trang , tui cứ nghĩ xem gia đình anh như nhà mình, mở lòng mà cư xử thì chả có gì ghê gớm dù trước đó tui đã nghe mọi người kháo nhau :" mụ gia người Huế khó lắm ". Và tui đã được hứng nguyên gáo nước lạnh vào mặt  khi vô tình nghe mẹ cùng các chị khuyên OX : " đừng lấy con gái miền Nam, nhất là miền Tây, tụi nó ăn chơi lắm, không biết lo cho gia đình như con gái xứ mình đâu ". Tui nhớ cái cảm giác lúc ấy tự ái vô cùng, muốn bỏ về ngay tức thì. Nhưng nghĩ lại, có lẽ, cái định kiến ấy không phải ngày một ngày hai mà có, vì thế, muốn mẹ thay đổi suy nghĩ, chỉ còn cách tự mình phải chứng minh cho người khác thấy : miền nào cũng có người nọ người kia chứ.


Hình như , trong con mắt đại đa số, con gái miền Tây thường bị đánh giá là ...ngu. Chính xác là đẹp mà ngu.  Đẹp thì tui thấy phụ nữ vùng nào, miền nào cũng như nhau thui. Nhưng sao chữ " ngu " chỉ ưu ái tặng riêng cho tụi tui là sao ? Có lẽ, vì cái nhìn phiến diện qua những cuộc hôn nhân với đám Đại Hàn, TQ ấy mà mọi người suy ra thế cũng nên. Nhưng đâu vì một người làm cướp rồi qui ra cả họ người ấy làm cướp, thì có phải  cái kiểu qui chụp ấy cũng là " đầu to mà óc như trái nho " không ? Chửi  Ngọc Trinh " chân dài não ngắn ", vậy mà khối kẻ não còn ngắn hơn khi đua nhau dâng tiền cung phụng cho cô ấy đó thôi .


Không ai được chọn nơi mình sinh ra. Tui chưa bao giờ mặc cảm hay buồn phiền gì cái gốc gác miền Tây của mình cả. Tui thương lắm cái xứ sở mà ở đó người ta thương nói thương, ghét nói ghét, khách tới nhà có cơm  đủ khách ăn thì mời, không có thì cười hì hì ...hổng mời chứ không có kiểu mời lơi cho có lệ. Tui thương cả cách nói chuyện chân thành , nghĩ gì nói đó, mà không ít người cho rằng " không có chiều sâu, nông cạn , hời hợt... ". Người miền Tây như tui, không thích nói chuyện cao thấp, muốn chửi thì cứ chửi thẳng vào mặt đi, không có cái kiểu mát mẻ, bóng gió xa gần , mượn điển tích này, câu chuyện nọ rồi đá xéo. Cảm thấy chơi được, thì chơi. Không chơi được thì thôi. Chứ không việc gì phải cứ quắn lấy nhau chơi cùng nhau để rồi tìm cơ hội chọt nhau cho tơi tả , nói cho nát đầu nhau ra. Thậm chí, cái kiểu " nổ " của dân miền Tây, cũng là nổ cho vui theo kiểm Bác Ba Phi, nổ lốp bốp chứ chả chết ai cả. Chả việc gì khoác lên người chiếc áo sỉ diện quá rộng để rồi gồng mình chứng tỏ mình đủ tầm với nó. Nghèo thì bảo nghèo. Mê tiền thì cứ nói toẹt là mê tiền. Cái gì không biết thì dựa cột mà nghe. Chơi bài ngửa với nhau như thế có phải hơn không ? 


Dân xứ tui, dù bạn bè từ Nam tới Bắc, miền nào tới , đều được đón tiếp như nhau. Người xứ lạ tới hỏi thăm đường, bà con nhiệt tình chỉ tới nơi tới chốn.Chả mưu cầu lợi lộc gì trong sự lỡ đường lạc lối bé xíu ấy cả. Không có cái chuyện muốn hỏi đường mà phải...đưa tiền đây rùi mới chỉ . Ngay như cái Thị Xã Gò Công bé tí của tui, dù số người nói giọng Bắc là chuyện hy hữu, nhưng tui dám đảm bảo, không bao giờ có vụ vì bạn là người Bắc mà vào quán gọi món ăn để rồi bị tính giá cao hơn dân địa phương cả.Mọi người đều được phục vụ như nhau, không có gì phân biệt .


Tui thật sự rất ghét cái giọng điệu theo kiểu  hễ nói tới Hải Phòng thì bảo dân xứ đó côn đồ, hễ nghe giới thiệu " tui đến từ Thanh Hóa, Nghệ An " thì đã vội lẳm nhẳm trong đầu " tụi nì xạo lắm, gian lắm, phải cẩn thận"... Tại sao cứ phải khen dân miền Tây tụi tui là thiệt thà để rồi sau đó khuyến mãi thêm chữ " ngu " ?... 

Với cái suy nghĩ của tui, cho dù bạn là ai, từ đâu tới, làm nghề gì...tui không quan tâm. Chắc gì một cô tiểu thư xinh đẹp, học thức uyên thâm, đi xe sang, xài đồ hiệu lại chân thành với tui bằng con " người iu "  mập ú, đen thui, xấu hoắc , chả có gì giỏi giang mà tui may mắn có được ?  Chỉ cần bạn tốt với tui, tui sẽ tốt với bạn. 


Tự dưng tui chợt nghĩ, cái đám trai dở hơi ban sáng, rồi biết đâu sẽ có ngày chết lên chết xuống vì một ẻm miền Tây nào đó, mà ẻm không thèm ngó thì sao ?  Ông Trời luôn biết cách gây bão mà.

Còn cái kiểu kỵ thị " vùng miền " đó hả, dẹp nó đi !



Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Cho em một bông, một bông thui...

Hoành tráng là như dzầy...














  
Trong khi cái đơn giản nhất là như vầy....


Hồi Tám còn trẻ, nghĩa là mùa xuân phơi phới, Tám cứ hay mơ được tỏ tình như trong phim . Chàng quỳ xuống, tay dâng dóa hoa hồng đỏ chóe to đùng đùng đập vô bản mặt Tám, í lộn, run run  tặng Tám mới đúng chớ.

Mơ dễ sợ mà...hổng có. Duy nhất một lần được tặng hoa một cách oai oai phong phong. Lần đó, chàng  trai ấy nhân dịp 8/3, đã hiên ngang tới phòng trọ  tui tặng bông. Tui mở cửa bước ra, chàng thò tay vô cặp, móc ra cái bông hồng..bằng nhựa, tặng cái bụp liền. Nhìn cái bông nó ngoẻo đầu do bị giấu trong cặp  lâu quá, rớt luôn cái cánh vải do keo dán hổng được ăn hay sao í, tui nhịn cười gần chít. Tuy nhiên, tui vẫn nhận. Vì đó là thành ý của chàng mừ. Vẫn treo tòng teng ở bàn học cho chàng vui, dù thiệt lòng, tui mà thấy nó đẹp tui chết liền á. Giờ mỗi lần gặp đám bạn cũ, nhắc lại chuyện xưa, cũng thật là buồn cười.

Dạo gần đây, tui thấy các bạn trẻ ngày nay tỏ tình hơi bị...hoành tráng quá nên đâm ra ghen tỵ. Hổng ghen tỵ sao được, khi dù gì ngày xửa ngày xưa mình cũng thuộc hàng hót- gơ - nổi cục vậy mà chỉ có cái bông thui cũng hổng có, còn giờ thì...ui trùi ui, mấy chàng nghĩ ra đủ chiêu để làm đẹp mặt các nàng và  ...hao tiền ba mẹ. Tui dám chắc là vậy. Nhìn những gương mặt non choẹt, nhìn vào cách các chàng hào phóng mua vui cho các nàng trong chốc lát , tui tin, một người làm ra tiền chân chính , sẽ không bao giờ có cách xài lãng phí như thế. Nào là hoa hồng rải khắp ngõ em qua, nào là hằng trăm ngọn nến lung linh trước sân trường rồi chổng mông nhọn mỏ gọi tên em ơi em hỡi, rồi xòe tay,  dạng chân tạo dáng hình trái tim pha lê  chi chi á.... Công nhận, đầu óc mấy người đang yêu đúng là phong phú thiệt. Nghĩ ra đủ kiểu làm đối phương chết ngợp. Không biết có phải vì đầu óc tui thực tế quá hay không, tui vẫn cứ quy mọi thứ ra thành ...tiền , rồi nghĩ giá như nó được xài một cách tích cực khác, có lẽ sẽ hay hơn. Ví dụ như một lượng hoa bành ki si tượng rải đầy để tạo nền lên hình cho đẹp  ấy, ngốn  ít nhất cũng 500.000 đồng. Với số tiền ấy, chỉ cần mua một hoa duy nhất - hình như cũng mang ý nghĩa là " Anh chỉ có mình em " , rùi cùng nàng đi ăn nè, đi cà phê nè, thậm chí sang hơn có thể đi xem phim nữa...có phải vừa được ở bên nàng lâu hơn, vừa thực tế hơn nữa chứ. Tui không biết những phụ nữ khác nghĩ gì, chứ cá nhân tui, nếu ôm bó bông to đùng đó rồi nhịn đói, thì thà đưa tui tiền, tui lo cái bụng tui  trước coi bộ hay hơn.

Thật ra, chỉ cần một cái nắm tay, một câu nói tui chờ đợi, hay đơn giản hơn, nghĩ gì nói đó, trong đầu thế nào cứ phụt ra thế ấy, lời thật lòng bao giờ cũng là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất, thì dù ngồi ở quán cóc vỉa hè, dù nhâm nhi nước mía cũng thấy  vui . Cần gì phải bóng bẩy hoa lá cành làm gì, cần gì bày vẽ chi ra những màn tỏ tình có một không hai , hay lãng mạn như phim ảnh cho nó mệt. Theo cái suy nghĩ lựu đạn của tui, chàng trai nào bày vẽ nhiều như thế, nhất là trong cái cảnh còn ngửa tay xin tiền ba mẹ, thì chắc chắn, người ấy không yêu cô gái đó như mức thể hiện hoành tráng đó đâu. Có chăng chàng muốn thể hiện, muốn PR chính bản thân mình mà thôi. Và ai tui không biết, nếu là tui, may mắn được chàng gọi tên um sùm như vậy, nói thiệt, có cho tiền  tui cũng hổng dám ló cái bản mặt tui ra trình diện ( cho vàng hay kim cương thì để tui suy nghĩ lại - hì hì ).  Ngu sao đút đầu ra cho bà con chụp hình tung lên mạng, rùi coi như bị dính chết với cái tay khùng thế kỷ này, còn ai dám rước tui về dinh nữa chứ.

Đó là nói về các chàng XX. còn các nàng tiên nữ thế hệ mới này thì....chắc trời cũng sinh ra để ráp thành cặp đôi hoàn cảnh. Không ai chịu thua ai vậy cho đôi lứa xứng đôi. Như mới hôm qua nè, vô tình Tám đọc được một bài báo viết về màn tỏ tình sôi ục ục của chàng. Chàng xếp nến bao la bát ngát, hoa hồng chất lớp, gọi tên người trong mộng trước hàng trăm người, mong sao nỗi lòng thòng của chàng bay được tới nàng. Nàng nghe thấy tiếng gọi của tình yêu, nhẹ nhàng đáp đôi cánh thiên thần, tặng cho chàng ...nguyên xô nước vô mặt. Ào ! Nhìn chàng ướt chẹp bẹp từ trên xuống dưới, mặt mày ngơ ngác, bà già ác như quỷ là tui cũng chợt thấy ui trùi ui, gì mà dã man dữ vậy trời ? Không ưng thì thui, nằm bịt tai lại ngủ, chàng hát mãi thì cũng phải im. Hay nếu muốn trọn vai người tốt cứu vớt danh dự chàng  thì có thể ra lựa lời mà nói, từ chối sao cho có văn hóa tí xíu, chứ có đâu chơi một phát động trời như vậy ? Làm thế, chẳng những không nâng giá trị bản thân mình lên, mà chỉ khiến bà con xung quanh lắc đầu ngao ngán : " Ôi ! duyên con gái ". Tui đảm bảo, sau cơn ác mộng này, dù có thương nàng chết đi sống lại ,  chàng  cũng ôm dép chạy dài. 

Trông người rùi nghĩ tới ta, tự dưng tui thấy thương tui quá trời luôn đó. Ừ hén, để ráng dụ coi có trai đẹp nào sập bẫy hông, chứ hồi đó giờ toàn bị dụ không hà. Tức lắm. Tui đăng bảng quẳng cáo : " Đại hạ giá , chỉ cần một hoa hồng thui là đủ ". 

5 phút sau đã có tiếng gõ cửa. 

Tui sum xuê mở cửa liền. 

Ui trời !  Nguyên bó bông...vạn thọ còn bự hơn cái bình bông tui đang chưng cúng bàn thờ ông Địa - Thần Tài nữa kìa.

Là sao ta ?  " Một bông hồng cho em  " thui cũng hổng có .

Sao cứ toàn là ...vạn thọ mới hợp với dáng tui là sao vậy trời  ?????






Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Khoe hàng chơi


Thành quả lớn nhất đời của Tám


Cả đời Tám, tính từ lúc oe oe tới giờ, chưa làm một việc gì cho ra hồn ngoài cái chuyện...sinh ra một quý tử đạt chuẩn Kim Siu Quần và khùng hơn cả Tám.  Hậu sanh khả úy mà bảo. Trưa ngồi ngắm nó ngủ nhỏng cái mỏ lên trời, xòe 2 cái răng độc thủ đại hiệp , Tám tủm tủm cười, nhớ lại cái ngày cách đây cũng cả tám năm rùi.

Tám có bầu mà Tám hổng biết, cứ nghĩ là ăn hổng tiêu do ngày thường ham hố quá, món nào cũng xử. Thế là Tám tui hì hục chạy ra hiệu thuốc tây khai cái bịnh ham ăn bị trời hành này. Em bán thuốc tỏ vẻ thông cảm , an ủi tui bằng mấy viên đen sì to đùng đùng. Uống cho tiêu mà bảo ! Phải to vậy mới tiêu được chứ ! 

Kết quả là tiêu đâu hổng thấy, tui cứ như ở trên mây á.  Cầu cứu em trẻ hổng xong thì phải chạy tới chị già nhờ trợ giúp. Đúng là có kinh nghiệm có khác, nhìn sơ cái bản mặt tui làm chị dược sĩ ấy phán xanh rờn liền : " Chắc bầu đó cưng ". Rồi thay vì tặng cho tui mấy viên linh đan thần dược , chị chơi cho tui bảo bối hộ thân kêu đem về ...tự ngâm cứu. Hình như lúc phát hiện ra mình được lên chức, tui mặt bơ còn hơn ngủ mới dậy. Phim ảnh, sách báo...gì cũng tả cảm giác sung sướng nhảy cẫng lên la làng la xóm, rồi OX bế xoay vòng vòng cho chóng mặt chơi...Riêng tui , lúc ấy, chỉ ngồi thừ xoay xoay bảo bối trên tay. Không vui cũng không buồn. Chỉ một câu thui : " Khổ rồi con ơi ! ".

Bác sĩ dự sanh cho tui là vào giữa tháng 9. Thế mà chả hiểu sao tháng 9 hết rồi mà cũng chả thấy mặt mũi thằng con tui đâu. Mọi người bảo tui đi vòng vòng xóm xin 7 nắm gạo đem về nấu ăn, ăn hết rồi ôm đồ đi đẻ là vừa. Tui thì...mê tín hổng có hợp với dáng tui lắm, nhưng vì sự nghiệp cao cả này mà đành vác bụng bầu đi xin gạo. Cha mẹ ui, ăn cho hết 7 x 7 = 49 nắm cũng chả thấy động tịnh gì. Tháng 10 bò bò qua cả tuần rùi mà ....sao tui cứ im thin thít. Bác sĩ theo dõi bảo tui nhập viện. Tui ngoan ngoãn nghe lời không chút suy nghĩ. Một ngày, hai ngày, ba ngày ...thời gian thử thách sự chờ đợi của tui. Cuối cùng, vì thấy tui nằm vật vã như người sắp chết, vị bác sĩ già đáng kính- phải nói là tui biết ơn ông ấy vô cùng vì nếu ông ấy không nắm đầu tui thảy lên bàn mổ , rồi dùng Đồ Long Đao xẹt xẹt cho mấy nhát thì giờ chắc mẹ con tui đã ngồi trên trời nhìn xuống coi thiên hạ chạy lòng vòng chơi rồi.  

15/10 - Quý tử mắt hí của tui chào đời, đánh dấu cho sự nghiệp hy sinh vô thời hạn của tui. Tự dưng thấy mình oai dễ sợ !

Mới chập chững đi té lên té xuống, vậy mà thoắt một cái, chàng trai của tui giờ đã ra vẻ nam tử hán đại trương phu , đầu đội trời chân ...mang dép lém rồi. Ga lăng có thừa đấy nhá. Khoản này hắn hơn đứt Kim Siu Quần rùi. Bởi thế, dù đen thui thùi lùi, dù răng chỉ có hai cái xòe ra trình diện, dù tối nào ngủ cũng...giơ súng nước bắn chỉ thiên từa lưa trung ai  ướt  ráng chịu... vậy mà đi học có bạn gái chép bài dùm cho, thậm chí có hôm, còn ngu ngu xòe bức thư tình không đụng hàng của một hót - gơ nhí khoe với tui để giải thích lý do vì sao hôm nay chàng không viết bài. Số là tui kiểm tra vở chàng thấy báo bài không chép, tui hỏi. Chàng sợ sệt thưa : " Tại Thư Nhàn hổng viết dùm con ". Tui théc méc truy tới cùng. Chàng đành xòe bức thư được xé từ tờ giấy học trò nham nhở với mấy dòng chữ nghệch ngoạc . Tui up nguyên văn để khoe thành tích quý tử nhà mình vậy :

" - Vỹ yêu ! ( Vỹ là tên chàng của tui í )
- Méc mẹ bây giờ . - Chữ xấu như vầy chắc chắn là của chàng rui chứ còn ai nữa.
- Nghỉ chơi. Hổng chép bài dùm luôn ( Rùi, Thư Nhàn giận rùi, năn nỉ đi chứ con trai , đàn ông mà ! )
- Kệ . Ai hèm. ( Trời ! )

Tui cầm bằng chứng tội phạm trước toà mà nén cười. Nhìn cái mặt tròn mũm mĩm  của chàng ngơ ngác nữa thì ..quá sức hài hước. Thiệt là...muốn cắn quá đi !

Chàng trai của Tám học không giỏi , học trước quên sau, nhưng phải nói, chàng luôn nhiệt tình...giơ tay phát biểu, dù rằng nói 10 câu thì trật , khuyến mãi cà lăm hết 9,5 câu. Biết chàng tài năng như vậy, nên thường giờ dự giờ, cô chủ nhiệm không dám gọi chàng phát biểu vì sợ bị bán đứng lúc nào hổng hay. Thế mà cuối cùng cô cũng bị dính chưởng của chàng. 
Hôm ấy toàn bộ ban giám hiệu  đến lớp chàng dự giờ kiểm tra chất lượng giảng dạy. Bộ môn dự giờ là Tự Nhiên Xã Hội, bài học được giảng nói về các loài rau. Mỗi học sinh sẽ mang theo một cây rau nào cũng được và sẽ nói về cây rau của mình . Dĩ nhiên đây là phần khó nhất trong suốt buổi  giảng và cô sẽ gọi một em học sinh giỏi nào đó trong lớp phát biểu. Xui xẻo thay, khi cô hỏi : " Em nào xung phong lên thuyết trình ? ", cả lớp 35 em, chỉ có một cánh tay giơ lên hăng hái, loi nhoi. Là chàng Tin của Tám - nỗi ám ảnh của cô. Không còn cách nào khác, cô đành gọi chàng lên giữa lớp thuyết trình vậy. Được gọi, chàng chảnh ra mặt, te te ôm cây cải xanh tui  đi chợ mua đưa chàng lúc sáng, hăm hở bước lên giữa lớp . Cô vừa bụng đánh lô tô, vừa hồi hộp căng thẳng theo từng câu giới thiệu : đây là lá nè, rễ nè, rễ để hút nước và chất dinh dưỡng... Không biết ai nhập mà chàng lưu loát đột xuất. Cô mừng húm, bèn chốt bài nói của chàng bằng câu hỏi : 
- Con cho cô biết cây cải này trồng ở đâu ?
Chàng toe toét trả lời :
- Dạ, ở biển ạ !
! Cả lớp học cười ồ lên. Thầy cô dự giờ che miệng cười chúm chím. Cô giáo bắt đầu gợi ý trong khi chàng lộ rõ vẻ lúng túng:
- Ý cô hỏi là con thấy cây cải này người  ta trồng ở đâu ? Trên đất hay dưới nước ?
Chàng ngơ ngác , nhìn cô, xoè đôi mắt hí xụi lơ :
- Con hổng biết, tại mẹ đi chợ mẹ mua đưa cho con đem vô.

Đến nước này thì thầy cô không nhịn được cười. Cả lớp cười rần rần lên. Khỏi phải nói , sau đó thì chỉ cần gặp chàng lon ton ở hành lang , thầy cô đều cười vì sự tích cây cải của chàng.

Như mới kỳ họp phụ huynh đầu năm, tui được cô giáo kể cho nghe vụ án đau đầu mới của chàng. Số là giờ ra chơi, chàng chơi trò rượt đuổi thế nào để  Đội Sao Đỏ ghi tên. Thay vì đọc tên cho các anh chị lớp 5 ghi, Tin của Tám co giò chạy trốn. Thế là Sao Đỏ đuổi theo. Bí quá, chàng ...vọt lên cây phượng nhỏ xíu mới trồng giữa trường, rồi cố thủ ngồi đó, chờ ...Sao Đỏ dẫn thầy giám thị tới ... bồng chàng xuống , vì chàng leo lên được mà ...xuống hổng được. Kết quả, thay vì một tội, chàng được thêm một tội nữa. Về nhà tui mắng chàng, thì chàng bơ mặt lí nhí :
- Tại con tưởng mấy anh chị hổng thấy chứ bộ. 
Trời ! Đúng là " tinh anh " chịu hổng nỗi luôn á.

Nói về cái sự ngu dài tập của chàng thì...mỏi tay lém, nên thui, tự dưng giờ tui muốn khoe cái thần tiên của chàng từ ngày xưa ta bé tới giờ. Kệ, dẫu có hí thì cũng là con của Tám mà , phải không ?!!!!!



Ba tháng - khoe hàng sợ ai chứ !


 13 tháng - đi rất giỏi, chạy đua với anh Lu là dư sức...đo đường.

3 tuổi , bắt đầu có chiến hữu
nguyên băng của Tin  lúc nhỏ nè, đi tới đâu phá làng tới đó


5 tuổi - phát tướng lém lém lun rùi


Sáu tuổi - tốt nghiệp mẫu giáo




8tuổi - luyện võ đã được 3 năm , bạn bè đều lên đai, chỉ có chàng miệt mài ở lại


Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Em giận anh rồi

Ai bảo hoa dại hổng duyên ? Duyên quá trời luôn đó chứ !




Ngày giận đêm rồi, ngày hờn dỗi quay lưng, đêm níu kéo vẽ hoàng hôn ngăn ngắt. Nắng rót hờn ghen thả câu thơ trong vắt, khuấy ánh chiều nghiêng ngã  bóng xôn xao...

Con dế lẻ bạn rồi, ôm câu hát nghêu ngao, cỏ tủi thân ngác ngơ  chiều lộng gió. Chiếc lá xa cành gieo neo lời chưa ngỏ. Ngập ngừng rơi.

Trời giận đất rồi nên mưa chẳng thôi vơi, cố xóa hết từng dấu chân sấp ngửa. Đất  giấu  nỗi đau , oằn mình gột rửa, không chút trách hờn sợ vết cứa nát lòng nhau. 


Người giận phố rồi ,bỏ  ngõ vắng xanh xao. Co ro người qua, dửng dưng câu chào , nén lòng- cất bước. Phố rẩy run , ôm bóng người xuôi ngược. Chẳng hẹn ngày về, để phố bạc đầu mong.


Em giận anh rồi sao cái nhớ vẫn trong, cứ cấu véo lòng em , nó gọi tên anh mãi .  Em mắng nó : có còn trẻ con đâu sao vẫn khờ, vẫn dại, vẫn rưng rức lòng thổn thức đợi chờ ai . Em giận anh rồi  thăm thẳm buổi sớm mai, tí tách giọt cà phê  buông mình rơi mệt nhọc. Dòng mail cũ buồn xo , tỉ tê  nằm khóc. Hộp thư đầy chẳng gởi nỗi lòng em. 


Em giận anh rồi, giận rồi đó, anh nhìn xem . Đó , anh thấy chưa, em cất hoài lời anh hứa. Em giận anh rồi , em sẽ...sẽ ...sẽ  thương anh thêm lần nữa.

N anh ?!!!!!!!











Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Anh ơi bão đã tan rồi...





Em ở miền Nam, bốn mùa nắng gió êm đềm ngân vang câu hát
bốn mùa bình yên xanh biếc  mảnh trời cao
bốn mùa dịu dàng  xõa tóc gọi nôn nao
bốn mùa thương
bốn mùa yêu
bốn mùa đầy hoa nắng

Hôm qua, tin báo bão xôn xao, lòng em chết lặng
Ôi ! Miền Trung quê nghèo đao đáo cả miền thương
Nước lũ dâng cao, trắng mắt mẹ buồn vương
lòng thấp thỏm, âu lo theo từng cơn gió giật. 


Em thấy  
Những đứa trẻ lạnh run, 
co người bấu víu  mảnh bè trôi giữa bao la trời đất.
Mắt trong veo, ngác ngơ
trệu trạo nuốt gói mì tôm quắt queo ....chật vật
chẳng buồn trôi...

  Em thấy 
Vợ nắm  chặt  tay chồng , sợ lũ cuốn , bỏ sấp nhỏ mồ côi
Manh áo tả tơi,  chồng giang tay, che vợ, giấu con giữa trời giông bão
chỗ ướt chồng nằm, nhường vợ con chỗ ráo
nhấp nhỏm đêm dài, thao thức hỏi : " vì sao ???? ..."

 
Em thấy 
Mẹ già  cố nén  niềm đau
giục : " Nhanh lên  con ơi ,  cố, cố vớt  càng nhiều người càng  tốt "
Con đầm mình  băng giữa dòng nước lũ
mắt mẹ già thảng thốt..
níu bóng con về, nấc nghẹn...
gọi  " con ơi ! " ...


Lũ  đã cuốn trôi, bão quét  sạch cả rồi
bao chắt mót, bao dụm dành, bao công sức , bao giọt mồ hôi dân mình vun đắp
 tiếng đau thương nát lòng xé trời giăng khắp
biết lấy gì bù đắp nỗi anh ơi !!!!


Anh ơi ,bão đã đi qua,  lũ đã tan rồi
trời lại xanh trong
ta lại chung vai  nối vòng tay nhân ái
cho em góp chút nắng phương Nam, gởi  về  miền Trung xa ngai ngái 
bởi nỗi đau này đâu phải của riêng ai



Mong lắm những hình ảnh đau lòng như thế không còn nữa

Hình ảnh đẹp đến đau lòng ...





Qua cơn bão, lại phơi sách, lại tiếp tục đến trường ....



 



Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Cõng nắng ngang trời ( 2 )






Má sợ, má không dám chạy về ngoại. Ngoại nó đã gần 90 tuổi rồi, má không muốn ba về dưới ấy, rồi ngoại sẽ sống sao? Ngoại sao chịu nỗi với điều tiếng của xóm làng.  Má nó lúc nào cũng vậy. Nhiều khi nó thấy má nhu nhược, nó tức má lắm. Nhưng rồi, cũng đành buông tiếng thở dài. Đàn bà là vậy đó. Cứ hễ bỏ chồng  trốn chạy như vậy, sẽ bị gắn cho bao cái tội danh không xóa nỗi . Cứ è mình ra chịu hết, nuốt hết vào lòng thì...được tiếng vợ ngoan dù cái tiếng ấy chẳng làm con người ta thôi khao khát . Đêm ấy, má cùng thằng em chen chúc ở với nó cùng hai cô bạn , co ro trên nền gạch lạnh lẽo. . Thao thức.

Nó có thói quen dậy sớm. Nhiều khi chẳng để làm gì. Chỉ mở cửa đứng nhìn con hẻm nhỏ còn đang ngái ngủ. Quán cà phê cốc đầu hẻm đang lạo xạo những giai điệu quen thuộc. " Nhớ khi xưa anh chở em, trên chiếc xe đạp cũ, áo ướt đẫm mồ hôi những trưa hè ... " . Lời ca trong trẻo vắt mình qua tán lá bàng  đọng sương đêm , nhẹ nhàng lan  đi trong cái se se lạnh. Sắp đến mùa Noel rồi. Cũng là sắp tết. Mùa đoàn tụ mà nhà nó giờ ra thế này đây? Thường đối với nó, tết chỉ đơn giản là cơ hội để kiếm được tiền. Năm nào nó cũng vật vờ ở Sài gòn đến mãi chiều 30 tết mới về quê để vừa kịp đón ông bà, rồi mùng 3, có khi mùng 4 đã lót tót bắt xe lên Sài Gòn. Giờ đây, nó hoang mang. Nó không biết phải làm gì . Qua tết, là nó chuẩn bị tốt nghiệp rồi. Vậy mà...

- Dậy sớm vậy con ?

Má đứng sau lưng nó tự bao giờ. Nó quay lại, nhìn má. Sau một đêm, hai mắt má sưng húp. Phờ phạc.

- Sao má ra đây làm chi ? Lỡ ba xuống bất tử,  con giấu má đâu cho kịp ?

Nó đóng cổng nhà, kéo má đi vào phòng. Nhà nó trọ chỉ vỏn vẹn có  3 phòng thôi . Chủ nhà cùng một phòng nữa ở trên lầu. Phòng nó sát vách với phòng ba gã kia, cũng học chung trường với đám bạn cùng phòng nó, ở dưới đất . Bọn nó chơi với nhau thân lắm, xem nhau như người nhà. Hễ ai có chuyện, là cả đám cùng nhau giúp liền không so đo, suy nghĩ. Và tất nhiên, chuyện của má dù nó không kể, đám bạn nó cũng biết. Chỉ cách nhau bởi tấm ván mỏng ngăn phòng thôi, đến nỗi bên này thở dài, bên kia cũng nghe rõ mồn một.

Có tiếng thắng xe giục giã. Tiếng gọi cửa ầm ĩ. Là ba nó. Mặt má nó xanh méc. Thằng em nó co người nép sát vào má. Không ai bảo ai, tất cả im bặt. Mấy gã bạn nó biết chuyện, không đợi nó nói, đã vội kéo má cùng em nó sang phòng bên ấy, gom sạch đồ không để lại một dấu vết gì. Nó từ từ ra mở cổng .  

- Ba mới xuống !
- Mẹ mày có xuống đây không ? 

Ba vừa hỏi, vừa lao sồng sộc vào phòng nó. Mở toang cửa. Hai nhỏ bạn ở cùng đang học bài, vội vàng đứng dậy , chào rối rít:
- Con chào bác ! 
Ba nó khẽ gật đầu. Căn phòng bé tí chỉ cần liếc nửa con mắt thôi cũng đã thấy... con gián dưới gầm bàn. Mặt ba nó ra chiều thất vọng. Nó ngơ ngác hỏi :
- a ? Ba kiếm má ba xuống đây chi ? Bộ má không ở trên đó hả ?
Ba nó vừa châm thuốc, vừa đi ra trước cổng nhà, ngồi bệch xuống thềm nhà, gương mặt đầy đau khổ :
- Tao đi dạy về là không thấy má mày đâu . Bả dẫn thằng Út đi luôn. Lấy sạch đồ trong nhà. Tao không biết bả đi đâu mới bỏ dạy đi kiếm bả qua nay nè .
Nó ra vẻ lo lắng : 

- Ba với má có cãi nhau không mà má đi ? Sao má đi mà không nói với ba kỳ vậy ?

Nó hỏi, và mong được nghe sự thật từ ba nó. Ba nó không nhìn nó, buông lời buồn tênh :

- Tao có biết gì đâu. Lo đi dạy nuôi vợ nuôi con mà giờ... 

Nó xúc động. Xúc động đến nỗi muốn lột cái mặt nạ đau khổ kia  ra, nhưng nó vẫn tỉnh bơ, im lặng, buông bộ mặt tâm trạng không kém,  ngồi xuống cạnh ba nó. Lần đầu tiên trong suốt 20 năm, nó mới ngồi gần ba như thế. Gương mặt ba nó sạm đen, đầy khắc khổ. Nó nhìn thẳng vào đôi mắt đăm chiêu cố tình không nhìn nó. Nó muốn thấy một cái chớp mắt bối rối - nhưng tuyệt nhiên không có. Và nó chợt nghĩ , nó cũng giống ba đó chứ. Cũng thích đeo mặt nạ. Như lúc này đây, nó chỉ muốn hét lên, muốn nói với ba  đừng tin vào cái mặt ngơ ngơ , ngây thơ tội nghiệp của nó . Cũng như nó, cố gắng mấy cũng không thể tin vào những gì ba nói. Tại sao ba không thừa nhận rằng trong lúc nóng giận, ba ...lỡ tay chẳng hạn. Nó muốn từ miệng ba thốt lên điều ấy. Nhưng...vẫn là vậy. Ba nó luôn diễn tròn vai một người đàn ông gương mẫu. Ba kể nó nghe những đổi thay của má, những lần má trốn nhà đi chơi, những lạnh lùng hắt hủi của má dành cho ba... Nhưng ba lại quên rằng, nó cũng có lúc được chứng kiến sự " tận tâm " của ba dành cho má như thế nào mà ! Và nó, vẫn tiếp tục làm  khán giả trung thành vỗ tay vì vai diễn để đời của ba lúc này . Nó lặng lẽ, cười nhạt. Lời ba nó đều đều. Lúc trầm lúc bổng, lúc nấc nghẹn đầy tuyệt vọng... Không gian xung quanh  lặng thinh . Chỉ có tiếng ba nó nhẹ tênh. Nó biết, mấy đứa bạn nó  im lặng để nghe. Dù chuyện chả đẹp mặt gì, nhưng...kệ, có giấu cũng chẳng giấu được. Có tô phấn trét son thì đến lúc nào đó cũng phải... rửa mặt. Nó chả quan tâm đến mọi người xung quanh nghĩ gì về gia đình nó, trong đầu nó lúc này, chỉ nghĩ đến cách nào để ba nó đi khỏi đây mà thôi. 

- Trưa rồi, ba vô phòng nghỉ đỡ đi, con đi chợ tranh thủ nấu cơm ăn. chút còn đi học nữa. Chuyện  của má , con cũng đâu biết làm gì đâu. 

Nó lí nhí, buồn thiu nho nhỏ, tay vân ve vạt áo . Ba nó đứng dậy , phủi quần, với tay lấy cái nón đội lên đầu :

- Thôi, má mày  không có đây thì tao đi. Để tao chạy về dưới ngoại xem má mày có về đó không. À, khi nào bả ghé , mày nhớ gọi về ngoại cho tao biết mà lên đón má mày về . Chứ để bả đi lang thang vậy thằng Út học hành gì được ...

Nó dạ, ngoan ngoãn mở cổng, lặng lẽ đứng nhìn dáng ba nó khuất sau ngõ. Đánh rơi tiếng thở phào nhẹ nhõm. Nắng vẫn vàng ươm nhảy múa. Trong nhà nó bắt đầu lục tục tiếng đẩy cửa phòng. Đám bạn trọ xôn xao bàn tính . 






Sài Gòn này, ở thêm một người là thêm tiền. Nhưng căn phòng nó bé xíu, không thể giữ má và em nó được lâu. Dù gì em nó cũng còn đang đi học. Nghỉ học ngang như vậy là mất hẳn cả năm rồi. Điểm yếu của đàn bà là con. Cứ có chuyện gì, đem con ra uy hiếp, thì tan như bọt xà phòng ngay. Giờ này má không thể về ngoại liền được. Ba nó đang về đấy. Nó đoán thế nào ba cũng quần ngoại ít nhất 2, 3 hôm để canh đón má nó. Và cho dù má có về ngoại, nơi ấy làm gì ra tiền để ăn đây ? Ngoại nó già rồi, chỉ có cái vườn bé xíu với dăm hàng dừa lơ ngơ, cả năm bán dừa không biết có lấy nỗi được dăm ba triệu đồng không nữa ? Ngoại sống  chủ yếu nhờ mấy dì gởi tiền về lo cho ngoại. Cái vùng quê nghèo  lắt lẻo , chả thơ mộng hay đẹp gì như câu hát : " ai đứng bên bóng dừa, tóc dài bay trong gió...". Ở nơi ấy, nó chỉ thấy , để đổi lấy tiền,  người ta phải oằn mình ra móc từng sọt đất dưới rạch, rồi hì hục khiêng vào nhà đổ đất nền, một lần bò lên bò xuống, đi ngắc ngứ như thế là được trả 500 đồng cơ đấy ! Nghe mà buồn cười. Má về ấy, chỉ thêm gánh nặng, bó thêm vòng lẩn quẩn mà thôi. Dù gì Sài Gòn cũng dễ kiếm ăn, chỉ cần gạt bỏ mọi sỉ diện, tự ái, cũng không khó để tìm chén cơm để sống. Người ta vẫn nói : " nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất " . Nó bảo má hay là nhân lúc ba đang ở ngoại, má quay trở lại nơi má chạy trốn, rút học bạ cho em, rồi ...chạy về nội đi, thưa chuyện cùng nội và gởi thằng Út cho nội để em còn được đi học. Má và nó ở Sài Gòn, cố gắng nhín nhút thì cũng có chút đỉnh gởi về . Em nó về nội ở thì không có lý do gì để ba nó tìm má nó nữa. Nó tính thế. Má nó vẫn vậy, lúc nào cũng...hiền lành đến tội. Ngoài việc ...làm theo, dường như, cả đời má, đến lúc này, chưa bao giờ má làm một việc gì có chính kiến của riêng mình. Cũng may là nó không giống má khoản ấy .Nếu không, có lẽ giờ này , nó so với đám lục bình , cũng chả khá hơn là mấy. Vất vưởng nhờ con nước. Cứ thế mà trôi. 

 ...................................

Sáng nay nó chở má ra Trung tâm giới thiệu việc làm tìm việc. Công việc dạy kèm của nó cũng tìm được từ đây. Má nó không được học hành đến nơi đến chốn, vì thời ấy, hình như con gái ít có ai học cao lắm. Nó vẫn thường nghe nội mắng mỗi khi nó xin tiền đóng tiền học  lúc còn ở quê : " học cho lắm để biết chữ viết thư cho trai à ? ".  Bà nội nó cũng chỉ vừa biết viết là đã thôi học , bỏ trường đi chạy chợ rồi. Một quan niệm cũng lạ.

Nó căng mắt ra đọc những thông tin trên cái bảng to đùng, nham nhở những mảnh giấy dán thông tin tuyển dụng dựng trước cửa trung tâm . Chen chúc cùng nó là bao người mang gương mặt đầy hy vọng. Gần cuối năm, ai cũng muốn tìm một việc gì đó để kiếm tiền xài tết.  Má đứng nép sát vào góc tường chờ đợi. Nắng vẽ lên người má từng vòng loang lỗ. Có lẽ, má chưa bao giờ đến những nơi này. Mặt má đầy căng thẳng, âu lo. Nó chen ra khỏi đám người, đến bên má :

- đây , chỉ có việc phụ bán quán ăn và giúp việc nhà là con thấy má làm được thôi. Phụ quán thì làm ca, khuya đi sớm, xế về. Còn giúp việc nhà thì người ta bao ăn ở. Má coi cái nào thì con vào con hỏi nha má.

Môi má mím chặt, cố ngăn hờn tủi. Nó hiểu, hiểu hết cái cảm giác của má chứ. Dù gì má nó cũng đang làm trong Hội Phụ Nữ của xã trên ấy, cũng đi vận động , hòa giải cho bao người, cũng có nhà cửa, vườn tược riêng mà giờ phải bỏ hết tất cả, bắt đầu lại từ đầu bằng những công việc tận cùng này đây. Giá như nó có thể lo cho má, nó cũng không muốn má phải như thế này đâu. Nhưng với suy nghĩ của nó, một thực tế dù đau nhưng không thể né : cái ăn còn chưa có, tiền đóng tiền nhà chưa có, thì đừng nghĩ gì tới cái sỉ diện bé con này. Mà bưng bê thì đã sao? Giúp việc nhà thì đã sao ? Cũng là một công việc chân chính như bao công việc khác. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng để gạt bỏ cái suy nghĩ mặc cảm buốt rát này , không dễ chút nào. Nhưng có đôi lúc, đời không cho ai quá nhiều chọn lựa. Và được chọn trong tình cảnh này, cũng đã là xa xỉ.

Má nó bắt đầu đi ở đợ - một cách nói huỵch toẹt mà mọi người vẫn hay nói , cho người ta như thế đó.


Ngay trưa hôm đó, nó chở má đến nhà người ta . Những vòng quay xe đạp  oằn mình dưới nắng. Rát bỏng cả mặt đường. Chẳng biết ngày mai sẽ ra sao, cái gì đang đợi ở phía trước. Nó chỉ biết cong lưng đạp, cứ cắm đầu nằng nặng  đạp. Từng vòng xe kẽo kẹt chẳng muốn đi.  Không ai nói với ai một câu nào. Má lặng im, nó cũng lặng im. Mải mê đuổi theo những lan man suy nghĩ. 


Nắng vẫn giòn tan, reo tanh tách, hí hoáy đùa dai níu từng nếp áo. Dòng người hối hả  ngược xuôi rượt đuổi nhau . Phố xôn xao , chông chênh . Vỡ loang màu nắng. 


Loang đi. Loang đi....