Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Ngồi buồn ai hát câu dân ca đưa ... ( 3 )

ảnh không liên quan, dưng đẹp quá, muốn chia sẻ để bà con cùng ngắn khoảnh khắc đẹp này

Cả tuần nay nó không thấy ông Bảy nữa. Cũng không thể chạy sang nghe ngóng hay mang cho ông chút gì nữa cả. Từ cái dạo xảy ra chuyện đánh đấm làm náo loạn cả xóm, mụ Dung căm trong lòng lắm. Mụ đi về nhà má mụ , ton hót chi không biết để bà già cho vài chục triệu.  Mụ  ta kêu thợ về xây hàng rào bao kín khu đất nhà mụ.  Chỉ chưa đầy  một tuần ,  bờ tường đá ong được kéo lưới kín cả khuôn viên hơn cả ngàn mét  . Mụ đi vắng, là khóa  luôn cả cổng rào, ngăn mọi sự xâm phạm. Đấy ! Cho chừa cái tội nhiều chuyện xen vào chuyện nhà người ta . Mụ khóa thế, đố cha thằng nào nhào vô . Ông Bảy ngày thường còn đi lang thang ra vô khắp xóm, còn giờ thì... Ông chỉ có từ hàng hiên ra đến...gốc mít, rồi từ gốc mít ...lếch lại hàng hiên. Vậy thôi mà cũng hết cả ngày. Mấy hôm mụ đi chẳng về, ông Bảy vật vờ nằm bạ dưới hiên, ngủ ngơ ngủ ngất. Dạo này ông lạ lắm, cứ ngồi đâu lâu lâu một chút là ngủ ngay thôi. Đang bưng tô ăn , ông ngủ đến ...rớt cả tô, cơm văng tung tóe. Đám gà đói ăn nhao nhao chạy lại, chí chóe huyên náo . Đang ngồi nhổ cỏ thả chơi cho hết ngày, ông cũng ngủ.  Đến nỗi mấy con kiến vàng hăng máu, nghe hơi người là bu nhau chổng mông thi nhau cắn, ông cũng chẳng hay.  Lắm khi gã ghi điện đến nhà, thấy ông ngồi tựa cột dưới mái hiên, gã gọi mãi mở cổng cho gã vào ghi điện cũng chẳng thấy ông nhúc nhích ngo ngoe gì. Hàng xóm sợ quá, không biết ông có ... làm sao không, vội bắt thang trèo rào vào xem. Hỡi ơi ! Ông ngủ đấy. Ngủ mà há to mồm, chổng ngược cả cổ ra , mặc cho gió lùa xối xả, mặc cho nắng  cắn rít vào từng mảng da nhăn rúm mà nhai nghiến. Ông cứ ngồi ngủ  phơ phơ ra đấy.  Mấy lần, nó đứng  len lén nhìn mụ Dung, mang cơm đựng trong cái thau nhựa cáu bẩn, thảy cái xạch trước  mặt ông, nói như quát : " Có ăn không thì nói ", rồi ngoe nguẩy  mông đi, nó thừ người ra nhìn ông trệu trạo nhai mớ cơm khô khốc, chẳng có gì ngoài hình như là nước tương, hay con khô mặn  chi đó,  mà lòng cứ rưng rức, rưng rức. Tiếng thở dài cũng chợt trở nên vô duyên đến tội .  

 Nhưng lúc ấy, ông còn khỏe, còn  biết mon men ra sát bờ rào mỗi khi nghe nó gọi. Chẳng nhiều nhặn gì, chỉ lén lút đút qua kẽ rào khi ổ bánh mì, lúc hộp sữa, trái bắp...  Cho gì ông cũng ăn ngon lành.  Nó biết ông thèm thuốc, nhưng chẳng dám, chỉ sợ lỡ ông quên nhớ, vùi thuốc đâu đó, lỡ cháy thì...khổ nữa. Nên dù ông nài nỉ xin mãi, nó vẫn chẳng dám cho như ngày trước.  Còn dạo này , ông xuống sức  một cách kinh khủng. Lần cuối nó thấy ông , ông không đứng dậy đi được . Hai tay ông bấu chặt nền nhà, nhấc mông chà lếch từng chút một, nhích dần ra mé cửa. Một đoạn ngắn chỉ bằng vài bước chân thôi  mà ông loay hoay mãi.  Ra được  tới hiên, ông tựa người vào cột, thở hỗn hển, vừa ngó người ta chạy qua chạy lại  ngang ngõ, miệng vừa cười ngây ngô hềnh hệch, mắt lấp lánh niềm vui trẻ nhỏ. Nhìn ông, nó sợ, sợ lắm một ngày mai của mình. Nước  mắt chạy xuôi mà, có bao giờ chảy ngược đâu ?

Còn đâu non  tuần nữa là đến tết.  Lác đác vài nhánh mai nở sớm lúng phúng khoe cánh. Dường như trong cái gió, cái nắng tết, mọi thứ đều như đáng yêu hơn. Mớ cỏ trong vườn nhà ông Bảy cứ nõn ra, nhìn đến là ngon mắt. Vạn vật cỏ cây thì bừng bừng như thế đó. Ông Bảy nằm co người trên cái sạp dựng đỡ ở chái sau nhà,  há miệng lấy hơi, thở dốc từng hồi mệt nhọc.  Ông muốn ngồi dậy, muốn đi ra ngoài, muốn nhìn cái vườn của ông, nhìn bầu trời xanh trong vắt treo lơ lửng trên đầu để thấy cuộc sống vẫn đang trôi ngoài kia, vẫn nôn nao ngoài kia. Ông cố nhích chân, nhưng mọi thứ cứ cứng đờ ra. Ông bất lực, nằm ngó mái tole rỉ sét, lổ chổ những lỗ thủng to tướng. Ông nhìn bầu trời méo mó qua những đốm sáng hăng hắt trắng lóa mắt. Chưa bao giờ ông tỉnh táo như lúc này. Tự dưng ông thèm được  khóc, nhưng mắt cứ khô quắc đi .  Từng hình ảnh nhập nhòa đầy ấp tiếng cười ngày xưa kéo về giăng giăng trong trí . Ông nhớ đôi mắt  bà cười - cái đôi mắt có đuôi mà ông bỏ hết mọi thứ để chỉ xin được chết chìm trong đấy. Ông thấy  lần ông đánh con Dung  lúc nó  một hai đòi bỏ học , mà đánh nó xong rồi, ông len lén ra sau nhà ngó lên trời ngăn dòng nước mắt chực vỡ. Ông thấy cả lần cuối cùng bà gạt tay ông khi ông khều bà , lần ấy, bà nói : " rửa tay chưa mà khều tui ? " ... Ờ, vậy đó, vậy thôi đó mà không bao giờ bà lại gần ông thêm chút nào nữa. Rồi bà đi. Hai đứa nhỏ kia cũng đi. Ông nhớ hết, ông hiểu hết chứ. Cả đời bôn ba, giành giật từng chút mang về cho vợ cho con, để rồi... Còn gì ngoài bốn vách tole nóng hầm hầm như cái lò nung, sống không bằng chết như vầy ? Cái hôm con Dung mang ông bỏ xuống chái kho dựng tạm này, vất ông lên cái chỏng tre cho tiện việc vệ sinh xối rửa,  ông chỉ thèm có cọng dây thắt cổ đi cho rồi. Mà chao ôi ! Đến chết cũng không tự chết được. Ngồi dậy còn không ngồi nỗi, lấy sức đâu mà trèo, mà buộc. Ông cứ nằm đó. Nằm nhìn con nắng  ngày nhảy múa trên mái tole,  nằm nghe tiếng lá chuối vỗ mặt nhau chan chát, nghe gió lùa rợn sống lưng mỗi khi đêm chùng chình nặng. Lắm hôm, ông nghe tiếng ai đó gọi ông, ông mở choàng mắt ra, ngó thao láo vào màn đêm căm căm, mong nhận ra một khuôn mặt thân quen nào đó . Chẳng có ai cả. Chỉ có tiếng con dế rúc trong kẹt  chõng, thi thoảng ù té chạy ra ráy từng hồi e é . Chỉ có tiếng chuột chí chóe  sục sạo, rượt đuổi nhau ầm ầm ...  Chỉ có vậy thôi ...

Ông muốn uống nước. Chẳng hiểu sao ông nghe hực hực trong dạ, cứ thèm cái ly nước mát lạnh đến  lạ lùng. Thèm quá. . Ông muốn xé cái cổ họng đi, cho đã cơn thèm của mình. Nhưng... những ngón tay quơ quào trong bất lực. Không ! Phải uống thôi. Cho dù chết cũng phải uống thôi. Làm con ma đói đã tội, làm con người chết khát có tội không chứ ? Chưa bao giờ ông muốn chìu chuộng bản thân ông đến thế này. Ông trân  mình, nhúc nhích cái chân , từng chút, từng chút. Như cái trò em bé tập đi mà mấy đứa cháu trong nhà ngày trước ông vẫn thấy. Một ngón chân. Hai ngón chân. Ba ngón chân... Bàn chân bắt đầu nhích dần ra mép chõng. Ông nghe lạnh cả từng chân tóc. Không ! Cố thôi. Chút nữa thôi là chân kia chạm đất. Chút nữa thôi là có nước mát lạnh len vào từng kẻ ruột . Nghĩ thôi đã nôn nao.  Một ống chân khẳng khiu thả xuống chầm chậm . Lòng chực tràn sung sướng. Ôi ! Chạm  được đất rồi.  Chân ông chạm được  đất rồi nè. Chưa kịp vui trọn, chợt cả người ông nghiêng theo, nghiêng theo,  tuột dần. Ông  quơ tay, bấu vào mớ không khí loãng ngắt, lạnh tanh. Miệng ú ớ kêu cứu  ... Ô ! Không ! Không !   Cái chõng tre ọp ẹp nhẹ tưng, ngã nhào ra đổ sụp, hất luôn mớ nắng giòn tan vào vách xổn xoảng. Nát  vụn...

 ....................

Mụ Dung đầu chít khăn trắng, hò hét đám cháu  lấy mớ khăn xô, cột dọc các cây trong vườn. Ờ, người đi rồi cây cỏ trong nhà cũng phải để tang cho phải đạo chứ. Căn nhà ngày thường lặng ngắt, chợt đông vui như hội. Xe con nườm nượp ra vào. Từng vòng hoa phúng chất đầy ngõ. Chiếc hòm cần xà cừ lộng lẫy , nặng trịch, đến cả chục người thanh niên trai tráng bắt đòn khiêng vào khệ nệ. Tiếng tụng kinh vang vang , tiếng trống dồn dập, kèn tây, kèn ta kéo nhau ai oán, ngậm ngùi.  Nó không sang phúng, chỉ ngồi lằng lặng nhìn từng dòng người đang quỳ lạy sì sụp, rồi ngó ra cái gốc mít ông Bảy hay ngồi, thấy cả khoảng nắng đang thi nhau trắng .  Nhòe nhoẹt. 

Đám xong. Đám ma to nhất xóm. Mộ  ông Bảy xây cao, xây to, nằm nổi bật trong khuôn viên chùa.  Mụ Dung ra chiều hãnh diện.  Dọn dẹp xong, mụ sai sấp nhỏ mang cái chỏng tre ra sau hè đốt. Lửa cháy ngùn ngụt . Bất giác, mụ  cười :

- Hên ghê. Đi trễ chút ngay giao thừa chắc con cháu xui tận mạng. 

Lửa vẫn cháy. Tiếng  củi tre nổ kêu răng rắc, búng từng ánh đỏ bung xòe như pháo bông , phả vào chiều cuối năm mớ khói bòng bong cay xè mắt.... Xa xa, nương theo gió, cái máy hát cũ kỹ nhà ai, rè rè giọng ngâm nhão nhoẹt, vất vưởng :

... Ngó lên tàng cây thấy cặp cu trốn nắng
Ngó ra ngoài ruộng thấy đôi cò trắng bay xa
Đi về lập miếu thờ cha
Cất chùa thờ mẹ , lập trang thờ bà... 








 “