Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

lạc đường tắt nắng


Hình ảnh không liên quan, nhưng đẹp quá nên úp khoe thui 

Con Thỏ ngồi nhìn gương mặt đang phơ phơ ngủ của thằng bé, mà 2 mắt đỏ hoe. Nó cắn chặt môi, mặc cho nước mắt chảy nhòe nhoẹt trên khuôn mặt hốc hác, xanh tái. Thỉnh thoảng mắt cứ liếc nhìn đồng hồ đang lừ lừ đếm từng khắc trôi qua trong đêm.  Run run nó vuốt từng sợi tóc mai mềm như mớ râu bắp loe hoe của con, rồi càng khóc tức tưởi. Nó lụi hụi nằm xuống cạnh con, chúi mũi vào cổ thằng bé, rít một hơi thật sâu. Chao ôi ! Cái mùi chua chua , ngòn ngọt này sao mà thương đến thế không biết. Nó cầm bàn tay bé xíu, gầy teo của thằng bé, hôn lấy hôn để một cách rón rén sợ con nó giật mình. Trời ơi ! Lúc này, nó chỉ muốn ôm chặt thằng bé vào lòng, muốn gom hết cả mùi hương từ tóc, mắt, cái má phịu phịu, để cả cái mông ngây ngấy... Nó cứ nằm , cứ ôm, cứ hôn con trong mớ nước mắt  trộn lẫn nước mũi đặc quoánh, nghẹn ứ nơi cổ. Tiếng  nấc dồn nén vỡ òa. Nó không ngăn nỗi .

- Mẹ mày ! Khóc gì mà khóc. Mày đi vài năm mày về, mới có tiền lo cho nó. Tao ở nhà cực thấy mẹ, tao không khóc, mày khóc cái gì .

Mụ Bảy đẩy cái cửa lùa, thò đầu bù xù vào, khào khào mắng mỏ. 1, 2 giờ sáng bày đặt khóc lóc chả làm ai ngủ nghê gì được. Cái nhà cấp bốn bé xíu với hơn 3 mét bề ngang một chút, lại lúc nhúc hơn cả chục miệng ăn, chật chội, ngộp thở đến khó chịu lắm rồi. Đầu mụ lúc nào cũng muốn vỡ tung ra đây này. Mụ còn chưa khóc. Không biết xui xẻo thế nào, từ sau đám cưới con Thỏ tới giờ, nhà mụ liên tiếp xảy ra bao chuyện. Con Thỏ xinh là thế, mụ chăm bẩm gả cho thằng Việt Kiều đầu ngõ, đợi tết nó về coi mắt.  Vậy mà, nghĩ làm sao con Thỏ lại dắt về lù lù cái thằng ở xóm trên, nhìn bản mặt loắt choắt với bộ dạng nhếch nhác, mỏng tang như miếng thịt bò tái , mụ đã thấy lộn cả tiết. Rồi nghe hai đứa nó khúm núm bảo cưới do con Thỏ đã bầu hơn ...6 tháng rồi, mụ mới giật mình, nhìn kỹ con mình. Cái mặt xanh xao với đường gân cổ to đùng đùng như con đĩa  phập phồng, rồi chiếc bụng lùm lùm trêu ngươi mụ sau mớ áo lùng bùng ... Ôi trời đất ơi ! Ngu chi mà ngu thế không biết. Mụ gầm gừ, lồng lộn, rồi... thôi.  Làm gì được bây giờ ? Con dại cái mang , mụ  đành chạy vạy tiền bạc cưới vội cưới vàng cho đỡ nhục. Tưởng tống  đi vậy là xong, ai ngờ mới hơn tháng, con Thỏ lại mò về trong đêm, kêu cửa mụ. Nhìn con tơi tả đầu tóc, mặt mũi thâm tím, ôm cái bụng vượt mặt sắp đến ngày sinh nở, có là hổ báo, cũng không nỡ nào đánh chửi con mình trong lúc này . Mụ lại dang tay. Khổ, cả nhà mấy miệng ăn, đều dựa cả vào ông Bảy. Mà ông thì công việc khi có khi không. già rồi, hơn sáu mươi rồi,lại nghễnh ngãng,  chẳng ai thuê công nhật như ngày trước nữa . Chỉ có việc nào dơ quá, hôi thối chẳng ai làm, người ta mới nhớ tới ông để gọi. Kệ, miễn có tiền là làm tất. Vậy đó, mà từ ngày vợ chồng con Thỏ  thôi nhau, thằng chồng chẳng buồn mò xuống nhà vợ một lần xem mặt mũi thằng con mình như thế nào. Hôm con Thỏ đi sinh, nhà không có nỗi  một triệu đồng vào viện, mụ Bảy lật đật chạy lên nhà thằng ấy, van lơn chán,  rồi tru tréo chửi rủa  mỏi cả miệng ... cũng chẳng moi được một  đồng. Mẹ nó ! Trăm thứ bạc không chi bạc bằng lòng người mà bảo. 

Mụ Bảy không ngủ lại. Giờ có vào, cũng chẳng thể ngủ được. Lòng mụ cứ nôn nao khó tả. Mụ pha bình trà, mang ra hàng hiên. Thèm cà phê quá, mà ..tiền chẳng có, mua tạm gói trà vài nghìn, uống cho có vị, đỡ nhạt miệng vậy . Vài tiếng nữa là con Thỏ nó bay rồi. Cả đời mụ chưa từng leo lên máy bay ra làm sao, chưa đi đâu ra khỏi cái ngõ nhỏ xíu này, nên mụ thèm, thèm lắm  khi nghe nhỏ Gái bảo mụ ráng  cho con Thỏ đi với nó, làm vài năm thôi, bằng ở đây làm cả đời cũng chưa có nỗi số tiền ấy. Ờ, cái này mụ thấy có lý. Con nhỏ Gái mới đi sang ấy vài năm, má nó cất cái nhà thật hoành tráng, mụ nhìn thèm rõ dãi. Mụ tính đi tính lại, ngẫm nghĩ lời con Gái nói, nhìn căn nhà ọp ẹp như cái tổ chim, không biết khi nào bị gió thổi bay, mụ càng thêm nung nấu ý định cho con Thỏ đi qua Mã Lai theo nhỏ Gái. Hai mười lăm triệu. Số tiền quá lớn đối với mụ trong lúc này. Nhưng rồi vì viễn cảnh một ngày mai, mụ tắc lưỡi cho qua, chạy vạy ngược xuôi, nằm vạ vật vờ nhà cha Chín cho vay ngoài chợ. Mặt mụ trơ lắm, nhưng sao vẫn nghe nặng thêm khi nhìn ánh mắt khinh khỉnh của lão ấy quét qua khuôn ngực sập sệ của mụ. Dạo này mụ xuống sắc nhanh quá, tuổi già nó kéo tới sầm sầm trên mắt đầy vết nhăn ngang dọc, trên mớ da sạm đen, mớ tóc xơ xơ  nhìn đến tội. Mụ chẳng nhớ nỗi lần đầu tiên cái lão ấy cho mụ vay tiền là lúc nào, cũng không nhớ nỗi cảm giác rờn rợn của bàn tay thô thiển ấy sục sạo trên người mụ nó tởm đến làm sao, chỉ biết khi cần tiền, ngoài lão, mụ chẳng còn ai để nghĩ tới. Như là thói quen ấy nhỉ. Cứ mỗi lần phơi sòng, thua mất xác, mụ có gì ngoài bản thân mụ chứ.Năm mươi tuổi, quá già để đong đưa lơi lả, nhưng vẫn còn chút xuân cuối mùa phe phẩy cho vừa lòng lão Chín. Người ta lão cho vay bạc 20 phân, mụ phục vụ tốt, lão lấy mức tình cảm, bạc 5 phân làm phúc. Cần thì làm, không thì thôi, lão không ép ai cả. Nghe cay cay nơi mắt khi nhận tiền. Nhiều khi vắt kiệt sức chăm lão Chín xong , mụ lếch về nhà vơi bộ mặt rả rượi, lòng như thắt lại khi thấy ông Bảy lụi cụi chế gói mì ăn cho kịp giờ đi bốc mộ. Ngó thấy mụ, ông lần mò đưa mớ tiền người ta trả công trước cho ông, cười hệch hạc :

-  Bà giữ coi chợ búa. Hồi cho tui lại ít ngàn dằn túi thôi nghen.

Tiền của ông sao mặn đắng thế này. Nhìn gương mặt ông đen bóng vì nắng, tóc bạc trắng cả rồi, tay run run đỡ tô mì húp sì sụp.... Chao ôi ! ...  Mụ cắn răng ngăn cái nghẹn ứ tội lỗi đang chực vỡ. Mụ đã làm vợ, làm mẹ thế này sao ?  Tụi nhỏ tăng ca cày đêm, cày ngày, mang tiền về cho mụ, mụ cũng nướng sạch vào chiếu bạc. Chồng khum lưng đào từng xẻng đất, ngụp mình trong nước cống đen ngòm hôi thối sặc  mũi , ky cóp từng đồng mang về cho mụ... mụ cũng mang ra vớt vào mớ đỏ đen ma mị. Khốn nạn. Mụ khốn nạn lắm. Những lúc ấy, mụ thề với lòng không bao giờ mon men lại gần bất kỳ sòng bài nào, không đợi giờ sổ xố để ngóng con đề nào... Nhưng rồi, như bị quỷ ám, mụ lại lao đầu đầu vào mê muội. Mất trắng.

Con Thỏ đứng xớ rớ gần mụ Bảy, không nói một lời, túi đồ cũ kỹ nằm im ỉm trên tay, mắt ngân ngấn nhìn ánh đèn đường vàng vọt nơi con ngõ ngõ rưng rức sáng. Những mái nhà lúp xúp gác đầu trong im lặng của buổi mai chưa kịp đón mặt trời. Lòng nó mơ hồ một nỗi sợ. Sợ mà không biết mình sợ cái gì. Hai mươi ba tuổi, dù không còn non nớt , nhưng nó vẫn là mớ rau èo uột trước cơn gió giật. Ông Bảy dậy từ đời nào, cũng không nói gì, chỉ bó gối ngồi nghe, thỉnh thoảng quơ tay đập muỗi bôp bốp.   Mụ Bảy không nhìn vào mặt nó, cất giọng ồm ồm dặn nó qua đến bên ấy, nhớ điện thoại về cho mụ an tâm. Rồi mụ kể nó nghe chuyện má nhỏ Gái kể mỗi tháng nhỏ Gái gởi về nhà bao nhiêu, kể cuộc sống sung sướng bên ấy...  Mụ nói nhiều, nhiều lắm. Con Thỏ không nói gì. Trong đầu nó, chỉ có mỗi gương mặt thằng con nằm ngủ phơ phơ, chỉ có mỗi nụ cười trong veo thơm thơm mùi sữa... Ờ hén, ngày nó về, chắc thằng con biết đi, biết chạy lon ton khắp xóm rồi.... Không biết thằng con nó gọi tiếng " mẹ " đầu tiên thế nào nữa hén ? Chắc là nghe thương lắm.... Không biết thằng con có nhận ra nó không ?... Nghĩ thôi, chỉ nghĩ suông vậy mà mắt nó nhòa cả đi, tim như có ai siết chặt. Nó không muốn đi chút nào, không muốn xa đứa con nó rứt ruột đẻ ra chưa được tròn năm nữa... Nhưng , giá như nó được quyền chọn lựa, được quyền nói .... Mà thôi, sao nói được chứ ? Nó đã cãi lời mụ Bảy, đã chọn người nó thương , nó  yêu hơn cả bản thân nó, nó đã mơ một mái ấm bình dị giản đơn có chồng có vợ, giàu nghèo có nhau và kết cục là đau đớn thế này đây.

Xe tới đỗ xịch trước nhà. Nhỏ Gái liếng thoắng cười nói rôm rả, giục nó lên xe. Mụ Bảy tranh thủ gởi gắm dặn dò. Hai chân con Thỏ tần ngần không chịu bước ra khỏi cửa. Đưa giỏ đồ cho nhỏ Gái, con Thỏ chạy quay quoắt vào nhà. Nó muốn hôn con nó. Đẩy nhẹ cửa, nó ngồi nép cạnh con, hai tay run run nắn lấy, nắn để đôi chân bé xíu.  Con Thỏ cúi xuống, úp mặt  lên tóc, lên má,  lên chân của thằng con ... nghèn nghẹn nói trong tiếng nấc, nước mắt òa vỡ :

- Mẹ xin lỗi, xin lỗi... Mẹ xin lỗi ...

Tiếng hối giục muộn rồi. Con Thỏ núm níu thu vào mắt hình ảnh con mình. Muốn làm gì cho con cũng không còn kịp nữa. Thằng bé vẫn ngủ say,  không hề biết sáng mai khi nó dậy, sẽ là những ngày hoàn toàn mới : không có mẹ nữa rồi . Con Thỏ cắn chặt môi, quẹt vội  con mắt mụp nước, bước đi không dám quay đầu nhìn lại. Xe lăn bánh. Ông Bảy bịn rịn tiễn con Thỏ. Mụ Bảy í ới  nhắn theo :

- Nhớ điện thoại về cho tao đó nghen....

Xe hút dần, bỏ lại sau lưng con ngõ lục tục trở mình bắt đầu một ngày mới. Xôn xao. nôn nao.  Mụ Bảy  thẩn thờ ngồi tựa hàng hiên, chép miệng nói bâng quơ :

- Vái Trời Phật cho nó quay về lẹ lẹ mà trả nợ dùm con chớ có bề nào ...

Mụ buông thõng câu cầu khấn trong dang dở.  Trong đầu mụ, thoáng hiện ra gương mặt nham nhở của lão Chín với hàm răng vàng ố sặc mùi, lợm giọng...   

Trời nhá nhem sáng trong sùi sụt . Không một tia nắng lóe.  Hai cái đầu bạc vẫn ngồi im . Những suy nghĩ lan man thả rong phơi mình đón nắng trong hy vọng . Mỏng manh đến tội. 













Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Thư gởi Bà Viện


Sài gòn, Ngày ... tháng ... Năm... 


Thưa Bà Viện Trưởng Viện ... quên mịa tên Viện . 

Tôi vô cùng khâm phục sự thẳng thắn thừa nhận và đánh giá chuẩn xác từng mm của bà về tình hình thất nghiệp ở đất nước ... giàu có thuộc hàng vô tiền khoáng hậu như Việt Nam chúng ta. Và đúng như Bà nhận xét, muốn làm người thất nghiệp ở Việt nam mình đâu có dễ bà nhỉ. Nhất là, được vẻ vang nằm trên bảng thống kê của Viện , thì càng phải vượt qua muôn vòng kiểm dịch gắt gao hơn cả tuyển viên chức phục vụ nhân dân luôn chứ lị. 

Bà nói đúng, dân nước khác, thất nghiệp nghĩa là không có gì để làm. Còn dân ta thì , nguyên văn của Bà đây : " Ở Việt Nam không ai thất nghiệp tuyệt đối, mất việc có thể chuyển việc khác. Thị trường nước ta là kinh tế đường phố, vỉa hè. Một người không có việc có thể lấy xe máy đi chạy xe ôm, làm gánh rau lên chợ hoặc ra chợ người ngồi đấy, ngày hôm đấy người ta kiếm được một suất thì người ta không thất nghiệp". 

Quá tuyệt Bà ạ. Dân mình nhanh nhạy, buông cái này, phải bắt cái kia thôi bà nhỉ ? Chớ giờ không có việc làm, ngồi chờ Nhà nước ban suất cơm từ thiện, hay xếp hàng nhận trợ cấp, hoặc trông chờ vào  tiền thất nghiệp, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của một con người - điều ấy có ở nước ta không Bà Viện ? Không thể ngồi chờ chết trong khi con vẫn phải tới trường đi học, tiền vẫn phải đóng không thiếu một cắc, cơm vẫn phải ăn ... nên buộc lòng phải lao vào bon chen buôn gánh bán bưng, hay tệ hơn, không có gì để bán, nằm ngửa ra bán vốn tự có. Vẫn là tự mình cứu mình thôi Bà ạ. Xem ra, dân mình giỏi Bà nhỉ. Luôn thích nghi trong mọi hoàn cảnh. 

Tôi không biết có quá vô duyên không thì kể một câu chuyện đau lòng, mà chắc hẳn, một người chữ nghĩa đầy quần như Bà, dư sức thấu hiểu. Có bà mẹ vì cạn nghĩ, do đầu năm không có tiền cho con tới trường, nhà lại trống trước trống sau, bà ấy đã tự tử đấy Bà ạ, với hy vọng chút tiền phúng điếu sẽ giúp con bà ấy tới trường. Câu chuyện hãy còn nóng hổi thơm phưng phức trên báo bà vẫn điểm tin mỗi sáng chứ ? Lẽ nào Bà không thấy ? 

Tôi không biết có quá nhẫn tâm không khi phải kể chuyện một chị công nhân, buộc lòng phải bán vốn tự có của mình mỗi đêm, sau giờ tăng ca. Vì sao Bà biết không ? Vì chồng bịnh, mẹ liệt, con đi học, với mức lương cho dù cày nát đêm ra cũng cùng lắm 4, 5 triệu đồng/ tháng, trong khi giá lương thực, thực phẩm, điện nước nhà trọ... Tất tần tật đều đu hỏa tiễn . Bao nhiêu thứ trút lên đầu chị ấy. Có thể nào không đóng tiền học mà con vẫn đến trường được không Bà ? Có thể nào chồng được chạy chữa trước, còn tiền bạc tính sau khi vào bịnh viện không Bà ? Xin thưa, điện đóng trễ 1 tuần, cắt điện, phạt thêm hơn 70.000 đồng gọi là chi phí đóng cắt. Xin thưa, vào nhà thương mà không có tiền , thì ...về nhà mà chết đi nhé. Xin thưa, không đóng tiền học thì ... nhà trường miễn tiếp học sinh. ...

Đấy , Bà xem. Như thế mà dân mình không chụp giật, không giành giật nhau để sống, thì họ sẽ thế nào Bà hén . Thế nên, những gì Bà nói, dù mới nghe choáng thật, nhưng ngẫm kỹ, đúng là lời vàng ý ngọc nhà Quan có khác. Quan Phụ Mẫu như Bà nói, thì dân phải ngẫm, phải nghĩ , phải mổ xẻ mới thấy cái tấm lòng trời biển. 


Một lần nữa, tôi xin thành thật cảm ơn Bà đã chỉ cho người dân ngu muội như tôi hiểu cái tầm quan trong sức lao động của mình. Và từ đó, tôi trân trọng mọi cơ hội kiếm tiền tích lũy mà tôi có được. Để chi Bà biết không ? Để không bao giờ xuất hiện trong danh sách thất nghiệp được thống kê bởi Viện ... Viện gì quên mịa tên do Bà quản lý . 

Quá ái mộ trước sự thông minh, và thương dân của bà, mạn phép bà cho tôi được trưng gương mặt " phúc hậu " đế chế của bà một cách trang trọng ở đây cho mọi người chiêm ngưỡng. 


Kính Thư
Tám Tàng 
.......................................................................................................................
P/s: chân dung Bà Viện Trưởng có phát ngôn hoành tráng nhất của tháng Tám lò dò seo rớt mất  nó rồi . Đành gắn bức tranh toàn cục khung cảnh đông vui nì dzậy. 



Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

Lãng cuối cho Người



Có cái nắng bối rối rót lên môi
Em đỏ mặt
ngỡ nụ hôn anh vụng về  đi lạc
Thẹn chưa ? Có ai nhìn đâu ? Một mình em thôi.
Ngồi nghe con nắng ngoài hiên  nỉ non câu hát
thương nhau mấy núi cũng trèo .
Mấy sông cũng lội , mấy đèo cũng qua
"...
Ờ, mà ... hai đứa mình có ở đâu xa ?

Sao em tước  lá trầu  không , em nối sợi chỉ hồng, vẫn lặng câm mình em chơi trò đối bóng ?
Anh nhìn nè, tay em mười ngón trống không
đợi anh kết vòng nhẫn cỏ
Ngày anh dắt em đi   giữa trời  quê anh biếc xanh lộng gió
Nghe hương lúa ngậm đồng ngòn ngọt gọi thềm mây...

Có cái gió vờn vịt vấn vít kẽ tay
Em run rẩy
Ngỡ tay anh ... tìm em  , mười ngón đan nhau âm ấm
Ơ, có phải mười tám,  đôi mươi đâu  ? Sao...
Anh nghe nè, con tim em nó thẻ thọt lời thương lạ lắm
Tay nâng đĩa muối chấm gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng phụ nhau
 "

Em chẳng biết thế nào để mơ cho  trọn đến vạn , vạn ngày sau
Con trăng anh  gởi cho em , dù mười lăm hay ba mươi, vẫn tròn vành vạnh
Con nắng em ủ chờ anh , dẫu ngày cạn đêm vơi, vẫn giòn trong lóng lánh
Và hương nhãn lồng vẫn ngăn ngắt quyện suốt bốn mùa yêu...

Có cái nhớ đỏ au rát bỏng cả trời chiều
Em choàng tỉnh cơn mơ
sực nhận ra... Anh xa em..
Xa thật  rồi ... Còn đâu  nữa !
Ôm câu hứa chờ nhau, em thẩn thờ tựa cửa
Hình như thu sang  mang duyên rụng trắng bên đàng ...



Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Ngồi buồn ai hát câu dân ca đưa ... ( 3 )

ảnh không liên quan, dưng đẹp quá, muốn chia sẻ để bà con cùng ngắn khoảnh khắc đẹp này

Cả tuần nay nó không thấy ông Bảy nữa. Cũng không thể chạy sang nghe ngóng hay mang cho ông chút gì nữa cả. Từ cái dạo xảy ra chuyện đánh đấm làm náo loạn cả xóm, mụ Dung căm trong lòng lắm. Mụ đi về nhà má mụ , ton hót chi không biết để bà già cho vài chục triệu.  Mụ  ta kêu thợ về xây hàng rào bao kín khu đất nhà mụ.  Chỉ chưa đầy  một tuần ,  bờ tường đá ong được kéo lưới kín cả khuôn viên hơn cả ngàn mét  . Mụ đi vắng, là khóa  luôn cả cổng rào, ngăn mọi sự xâm phạm. Đấy ! Cho chừa cái tội nhiều chuyện xen vào chuyện nhà người ta . Mụ khóa thế, đố cha thằng nào nhào vô . Ông Bảy ngày thường còn đi lang thang ra vô khắp xóm, còn giờ thì... Ông chỉ có từ hàng hiên ra đến...gốc mít, rồi từ gốc mít ...lếch lại hàng hiên. Vậy thôi mà cũng hết cả ngày. Mấy hôm mụ đi chẳng về, ông Bảy vật vờ nằm bạ dưới hiên, ngủ ngơ ngủ ngất. Dạo này ông lạ lắm, cứ ngồi đâu lâu lâu một chút là ngủ ngay thôi. Đang bưng tô ăn , ông ngủ đến ...rớt cả tô, cơm văng tung tóe. Đám gà đói ăn nhao nhao chạy lại, chí chóe huyên náo . Đang ngồi nhổ cỏ thả chơi cho hết ngày, ông cũng ngủ.  Đến nỗi mấy con kiến vàng hăng máu, nghe hơi người là bu nhau chổng mông thi nhau cắn, ông cũng chẳng hay.  Lắm khi gã ghi điện đến nhà, thấy ông ngồi tựa cột dưới mái hiên, gã gọi mãi mở cổng cho gã vào ghi điện cũng chẳng thấy ông nhúc nhích ngo ngoe gì. Hàng xóm sợ quá, không biết ông có ... làm sao không, vội bắt thang trèo rào vào xem. Hỡi ơi ! Ông ngủ đấy. Ngủ mà há to mồm, chổng ngược cả cổ ra , mặc cho gió lùa xối xả, mặc cho nắng  cắn rít vào từng mảng da nhăn rúm mà nhai nghiến. Ông cứ ngồi ngủ  phơ phơ ra đấy.  Mấy lần, nó đứng  len lén nhìn mụ Dung, mang cơm đựng trong cái thau nhựa cáu bẩn, thảy cái xạch trước  mặt ông, nói như quát : " Có ăn không thì nói ", rồi ngoe nguẩy  mông đi, nó thừ người ra nhìn ông trệu trạo nhai mớ cơm khô khốc, chẳng có gì ngoài hình như là nước tương, hay con khô mặn  chi đó,  mà lòng cứ rưng rức, rưng rức. Tiếng thở dài cũng chợt trở nên vô duyên đến tội .  

 Nhưng lúc ấy, ông còn khỏe, còn  biết mon men ra sát bờ rào mỗi khi nghe nó gọi. Chẳng nhiều nhặn gì, chỉ lén lút đút qua kẽ rào khi ổ bánh mì, lúc hộp sữa, trái bắp...  Cho gì ông cũng ăn ngon lành.  Nó biết ông thèm thuốc, nhưng chẳng dám, chỉ sợ lỡ ông quên nhớ, vùi thuốc đâu đó, lỡ cháy thì...khổ nữa. Nên dù ông nài nỉ xin mãi, nó vẫn chẳng dám cho như ngày trước.  Còn dạo này , ông xuống sức  một cách kinh khủng. Lần cuối nó thấy ông , ông không đứng dậy đi được . Hai tay ông bấu chặt nền nhà, nhấc mông chà lếch từng chút một, nhích dần ra mé cửa. Một đoạn ngắn chỉ bằng vài bước chân thôi  mà ông loay hoay mãi.  Ra được  tới hiên, ông tựa người vào cột, thở hỗn hển, vừa ngó người ta chạy qua chạy lại  ngang ngõ, miệng vừa cười ngây ngô hềnh hệch, mắt lấp lánh niềm vui trẻ nhỏ. Nhìn ông, nó sợ, sợ lắm một ngày mai của mình. Nước  mắt chạy xuôi mà, có bao giờ chảy ngược đâu ?

Còn đâu non  tuần nữa là đến tết.  Lác đác vài nhánh mai nở sớm lúng phúng khoe cánh. Dường như trong cái gió, cái nắng tết, mọi thứ đều như đáng yêu hơn. Mớ cỏ trong vườn nhà ông Bảy cứ nõn ra, nhìn đến là ngon mắt. Vạn vật cỏ cây thì bừng bừng như thế đó. Ông Bảy nằm co người trên cái sạp dựng đỡ ở chái sau nhà,  há miệng lấy hơi, thở dốc từng hồi mệt nhọc.  Ông muốn ngồi dậy, muốn đi ra ngoài, muốn nhìn cái vườn của ông, nhìn bầu trời xanh trong vắt treo lơ lửng trên đầu để thấy cuộc sống vẫn đang trôi ngoài kia, vẫn nôn nao ngoài kia. Ông cố nhích chân, nhưng mọi thứ cứ cứng đờ ra. Ông bất lực, nằm ngó mái tole rỉ sét, lổ chổ những lỗ thủng to tướng. Ông nhìn bầu trời méo mó qua những đốm sáng hăng hắt trắng lóa mắt. Chưa bao giờ ông tỉnh táo như lúc này. Tự dưng ông thèm được  khóc, nhưng mắt cứ khô quắc đi .  Từng hình ảnh nhập nhòa đầy ấp tiếng cười ngày xưa kéo về giăng giăng trong trí . Ông nhớ đôi mắt  bà cười - cái đôi mắt có đuôi mà ông bỏ hết mọi thứ để chỉ xin được chết chìm trong đấy. Ông thấy  lần ông đánh con Dung  lúc nó  một hai đòi bỏ học , mà đánh nó xong rồi, ông len lén ra sau nhà ngó lên trời ngăn dòng nước mắt chực vỡ. Ông thấy cả lần cuối cùng bà gạt tay ông khi ông khều bà , lần ấy, bà nói : " rửa tay chưa mà khều tui ? " ... Ờ, vậy đó, vậy thôi đó mà không bao giờ bà lại gần ông thêm chút nào nữa. Rồi bà đi. Hai đứa nhỏ kia cũng đi. Ông nhớ hết, ông hiểu hết chứ. Cả đời bôn ba, giành giật từng chút mang về cho vợ cho con, để rồi... Còn gì ngoài bốn vách tole nóng hầm hầm như cái lò nung, sống không bằng chết như vầy ? Cái hôm con Dung mang ông bỏ xuống chái kho dựng tạm này, vất ông lên cái chỏng tre cho tiện việc vệ sinh xối rửa,  ông chỉ thèm có cọng dây thắt cổ đi cho rồi. Mà chao ôi ! Đến chết cũng không tự chết được. Ngồi dậy còn không ngồi nỗi, lấy sức đâu mà trèo, mà buộc. Ông cứ nằm đó. Nằm nhìn con nắng  ngày nhảy múa trên mái tole,  nằm nghe tiếng lá chuối vỗ mặt nhau chan chát, nghe gió lùa rợn sống lưng mỗi khi đêm chùng chình nặng. Lắm hôm, ông nghe tiếng ai đó gọi ông, ông mở choàng mắt ra, ngó thao láo vào màn đêm căm căm, mong nhận ra một khuôn mặt thân quen nào đó . Chẳng có ai cả. Chỉ có tiếng con dế rúc trong kẹt  chõng, thi thoảng ù té chạy ra ráy từng hồi e é . Chỉ có tiếng chuột chí chóe  sục sạo, rượt đuổi nhau ầm ầm ...  Chỉ có vậy thôi ...

Ông muốn uống nước. Chẳng hiểu sao ông nghe hực hực trong dạ, cứ thèm cái ly nước mát lạnh đến  lạ lùng. Thèm quá. . Ông muốn xé cái cổ họng đi, cho đã cơn thèm của mình. Nhưng... những ngón tay quơ quào trong bất lực. Không ! Phải uống thôi. Cho dù chết cũng phải uống thôi. Làm con ma đói đã tội, làm con người chết khát có tội không chứ ? Chưa bao giờ ông muốn chìu chuộng bản thân ông đến thế này. Ông trân  mình, nhúc nhích cái chân , từng chút, từng chút. Như cái trò em bé tập đi mà mấy đứa cháu trong nhà ngày trước ông vẫn thấy. Một ngón chân. Hai ngón chân. Ba ngón chân... Bàn chân bắt đầu nhích dần ra mép chõng. Ông nghe lạnh cả từng chân tóc. Không ! Cố thôi. Chút nữa thôi là chân kia chạm đất. Chút nữa thôi là có nước mát lạnh len vào từng kẻ ruột . Nghĩ thôi đã nôn nao.  Một ống chân khẳng khiu thả xuống chầm chậm . Lòng chực tràn sung sướng. Ôi ! Chạm  được đất rồi.  Chân ông chạm được  đất rồi nè. Chưa kịp vui trọn, chợt cả người ông nghiêng theo, nghiêng theo,  tuột dần. Ông  quơ tay, bấu vào mớ không khí loãng ngắt, lạnh tanh. Miệng ú ớ kêu cứu  ... Ô ! Không ! Không !   Cái chõng tre ọp ẹp nhẹ tưng, ngã nhào ra đổ sụp, hất luôn mớ nắng giòn tan vào vách xổn xoảng. Nát  vụn...

 ....................

Mụ Dung đầu chít khăn trắng, hò hét đám cháu  lấy mớ khăn xô, cột dọc các cây trong vườn. Ờ, người đi rồi cây cỏ trong nhà cũng phải để tang cho phải đạo chứ. Căn nhà ngày thường lặng ngắt, chợt đông vui như hội. Xe con nườm nượp ra vào. Từng vòng hoa phúng chất đầy ngõ. Chiếc hòm cần xà cừ lộng lẫy , nặng trịch, đến cả chục người thanh niên trai tráng bắt đòn khiêng vào khệ nệ. Tiếng tụng kinh vang vang , tiếng trống dồn dập, kèn tây, kèn ta kéo nhau ai oán, ngậm ngùi.  Nó không sang phúng, chỉ ngồi lằng lặng nhìn từng dòng người đang quỳ lạy sì sụp, rồi ngó ra cái gốc mít ông Bảy hay ngồi, thấy cả khoảng nắng đang thi nhau trắng .  Nhòe nhoẹt. 

Đám xong. Đám ma to nhất xóm. Mộ  ông Bảy xây cao, xây to, nằm nổi bật trong khuôn viên chùa.  Mụ Dung ra chiều hãnh diện.  Dọn dẹp xong, mụ sai sấp nhỏ mang cái chỏng tre ra sau hè đốt. Lửa cháy ngùn ngụt . Bất giác, mụ  cười :

- Hên ghê. Đi trễ chút ngay giao thừa chắc con cháu xui tận mạng. 

Lửa vẫn cháy. Tiếng  củi tre nổ kêu răng rắc, búng từng ánh đỏ bung xòe như pháo bông , phả vào chiều cuối năm mớ khói bòng bong cay xè mắt.... Xa xa, nương theo gió, cái máy hát cũ kỹ nhà ai, rè rè giọng ngâm nhão nhoẹt, vất vưởng :

... Ngó lên tàng cây thấy cặp cu trốn nắng
Ngó ra ngoài ruộng thấy đôi cò trắng bay xa
Đi về lập miếu thờ cha
Cất chùa thờ mẹ , lập trang thờ bà... 








 “