Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

Tết đậu vai gầy


Thiệt tình là tui muốn kiếm cái ảnh hoa mai để chôm gắn dô mà...kiếm lòi con mắt hổng có, nên thui, mai đào gì cũng là... tết thui mà. 



Ông Bảy ngắm nghía bụi mai trong vườn nhà. Ông bần thần rất lâu, hết vịn cành này, lại xoay cành nọ, đầu vụn vặt với mớ suy nghĩ tủm mủn. Bụi mai này thằng Hai nhà ông nó trồng, giờ thì... nó cũng bỏ ông, bỏ bà mà đi theo ông bà tiên tổ mất rồi. Lá vàng tiễn lá xanh đi sao mà như cắt ruột ! Ông cứ nhủ thầm, còn gốc mai như còn nó, như còn thấy dáng nó. Mấy năm trước, cứ mỗi lần tết về, chiều 30 nào bà cũng cùng ông ngồi cạnh bụi mai này, bà kể ông nghe thằng Hai nó thích ăn thịt bà kho thế nào, thằng Hai nó ghét cái mùi củ kiệu hăng hăng ra sao... Bà kể say sưa, mắt bà lấp lánh hình thằng Hai rạng rỡ. Rồi bà cười ngân ngấn. Rồi bà khóc khùn khục... Chao ôi ! Cả đời ông bà, có ăn ở ác với ai chi đâu, gia tài chỉ có mỗi thằng Hai để lo hương khói một mai ông bà trăm tuổi, vậy mà... Không nói không rằng, nó bỏ ông bà mà đi. Ờ, biết tới số thì đi thôi, nhưng ông không biết bao lần rủa thằng say sỉn trời đánh ấy. Giá mà nó chậm một giây thôi, thì... Nghĩ tới là lòng như có ai khứa hàng trăm nhát. Giận vậy đó, nhưng khi thấy thằng ấy gục đầu gầy sộp, thấy mẹ nó hốc hác thâm quầng cả mắt, ông lại thấy thương, lại bãi nại cho nó để nó còn làm lại cuộc đời. Nó chắc cũng trạc tuổi thằng Hai. Một cái án tù thôi cũng đủ hủy hoại tương lai nó rồi . Tội tình !

Nhưng hôm nay ông muốn bứng gốc mai này đem ra chợ bán. Người chết thì cũng đã chết rồi, có giữ cũng chẳng được gì, chỉ làm kỷ niệm đội mồ sống dậy mà cào mà cấu. Còn người sống thì vẫn phải ăn, vẫn phải cố lếch mà sống cho tới khi ông Trời ổng gọi. Dạo này sức khỏe bà xuống dốc nhanh quá. Nhìn bà như tia nắng cuối ngày gầy quắc nằm chỏng chơ thoi thóp thở mệt nhọc mỗi khi cơn suyễn nó hành hạ, ông chỉ ước người đang đau đó là ông thôi. Trong nhà trống hoác cả rồi. Mấy năm nay kiếm tiền ngày một khó. Già rồi, người ta chẳng ai dám thuê ông vì ...tội nghiệp ông. Đau thế đó. Mà ông có cần ai tội nghiệp ông đâu! Ông cần việc để làm. Ông vẫn còn hai bàn tay, còn khối óc mình mẫn, còn sức khỏe để cày mà. Mỗi lần ngửa tay nhận chút lòng từ thiện của bà con hàng xóm, ông lại ứa nước mắt bất lực. Giá như thằng Hai nó còn sống, giá như bà đừng có bao nhiêu bịnh đều gom vào mình... Có ngàn lần giá như thì ... cũng thế. 

Ông vịn hai đầu gối khô khốc đứng dậy, với tay lấy cái xẻng cạnh bên bắt đầu công việc đào bới. Mồ hôi thi nhau tứa đẫm chiếc áo vải bạc phếch. Nắng cứ răng rắc gãy theo từng nhát xẻng. Cứ đào được một khoảng, ông lại lắc lắc nhẹ gốc mai. Ông sợ đứt rễ nó nhiều quá, mang ra chợ bán, lỡ người ta mua nó về mà nó không sống được cũng tội người ta.Thôi, nó ở đây cũng nằm heo hút một mình. chi bằng về nhà người, người ta chăm nó kỹ hơn. Biết đâu nó gặp may, lọt vào nhà giàu nào đó thì sao ? Ông tự nhủ thế cho đỡ... tiếc vậy.
................

Trời còn tờ mờ sáng. Cái se se lành lạnh của ngày cuối năm làm lòng người ta chùng chùng nhơ nhớ. Ông ngồi cạnh bà đang nằm trên giường. Tự dưng ông vén mớ tóc bạc trắng lòa xòa trước trán bà rẩy run nhớ cái thời xa lắc, cái hồi mà mỗi lần được úp mặt vào tóc bà nghe hương bồ kết thoang thoảng để thấy lòng hạnh phúc to quá đỗi. Bà vẫn thở dốc từng cơn, đôi mắt nhắm nghiền thi thoảng mở ra một cách mệt nhọc nhìn ông hun hút. Ông cười, nụ cười hiền như tia nắng ấm :
- Bà ở nhà chút nghen. Tui ra chợ tí. chút xíu là tui về hà. đừng có lo gì hết nha. 

Bà khẽ siết chặt tay ông. Lỏng lẻo. Ông không nói gì thêm nữa, chỉ vỗ nhè nhẹ lên đôi bàn tay chi chít đồi mồi của bà. Ông đứng dậy, với tay kéo cái mền mỏng tưa cả chỉ, kéo đắp ngang ngực bà, lúi cúi dẫn cái xe cà tịch cà tàng đã cột sẳn gốc mai sau yên ra khỏi ngõ. Những tia nắng đầu tiên của ngày cuối năm vừa chớm nở cuối hiên nhà. Xa xa...

Chợ 30 tết xôn xao. Người mua kẻ bán mặc cả chộn rộn nhao nhao cả. Ông dắt cái xe cập sát đường vào chợ, dáo dác nhìn xung quanh sợ có chen ngang mặt sạp ai không họ mắng cho thì khổ. Người mua nhích từng bước, mang những gương mặt nôn nao. Người bán kẻ ngồi xổm rao toáng, kẻ chồm hẳn dậy tay múa may quay cuồng mớ xanh xanh đỏ đỏ mình đang bán mà mời mọc. Ông bất giác nở nụ cười móm mém theo niềm vui của họ mà nhớ cái thời cả nhà ông đầm ấm biết dường nào. Giương đôi mắt mờ đục, ông hóng những ánh nhìn dừng lại gốc mai sau yên xe ông. Chẳng còn giọng để rao, để mời, ông xòe cái cười ngum ngúm trên bờ môi nhạt thếch đon đả. Nắng lên cao dần. Vàng rực cả vùng chợ tết. Nắng bấu vào những cánh mai mỏng manh cười hê hả. Cười đến bỏng rát. Dòng người thưa dần. Tiếng rao càng xối xả. Những sạp trái cây với hàng đống dưa cái vỏ xanh ngắt, cái vàng rực rỡ được mấy bà bán béo ú hét ầm với giá chỉ còn 5.000 đồng / kg. Bán lẹ để còn về dọn cúng ông bà nữa chớ. Ông cứ hiền từ đứng thế mà chờ. Hết bà này đến cô khác, tay xách nách mang, chỉ ỏng eo trả giá gốc mai nhà ông bằng mớ tiền thừa vãn chợ. Hết 50 ngàn. Rồi lại 70 ngàn. Chao ôi ! Lẽ nào thằng Hai để lại cho ông lại đáng giá chỉ thế ? Biết vậy ông chả bứng lên mà bán làm gì cho thêm tủi vong linh nó khuất mặt khuất mày đâu đó. Nhưng hình ảnh bà ngắc ngoải cùng gian bếp lạnh tanh hiện ra rất mau trong đầu ông dập tắt mọi sự tiếc nuối. Ông cố tập bắt chước người ta nài nỉ thêm dăm ba chục. Những cái lắc đầu hào phóng đến tội. Chợ thưa dần. Lòng ông rưng rưng chực vỡ. Đôi mắt mờ đục vẫn nhon nhén chút hy vọng mong manh. Chợt, một giọng nói thì thào hỏi bên tai vừa đủ cho ông cười khấp khởi :
- Cái này bán nhiêu đây ông ?

Ông Bảy quay lưng lại, mắt thu trọn hình ảnh một khuôn mặt phả đầy màu nắng trên làn da rùm rụm. Mớ tóc trăng trắng lúng phúng ngo ngoe dưới cái nón kết trắng, cắm trên cây sào phơi đồ vắt vẻo thùng thình trong bộ quần áo mới toanh được cắm thùng cẩn thận. Ông Bảy cười chảy tràn , thiệt thà :
- Thôi, ông cho tui được nhiêu hay nhiêu tui mang dìa cho bà nó ở nhà. Bả bịnh quá trời, tui cũng trông bán được giá chút đỉnh dìa mua cho bả tí thịt ăn tết thôi...

Ông lão mua mai không nói gì, chỉ ngó những cánh mai vàng nhàn nhạt đang nhìn ông với đôi mắt buồn chực héo rũ ra kia, chép miệng thở dài. Tội tình ! Giờ người ta khoái cái màu vàng rực , mê cái giống mai có bao nhiêu cánh đời cha đời ông nội gì xòe ra hết kìa, chả ai còn mê thứ mai năm cánh nhỏ xíu, vàng cũng chả dám vàng, cứ thập thụt vàng rười rượi chi cho nên tội thế này. Đến cả mai cũng bạc như phận người sấp ngửa. Ông cho tay vào túi quần, gỡ cái dây xích bạc tòng teng cột chặt chiếc ví vào cạp quần, lần dò lấy 3 tờ giấy bạc 100 ngàn mới cứng, thẳng tưng, run run đưa cho ông Bảy :
- Nhiêu đây được chưa ông già ?

Chao ôi ! Ông Bảy cười như người ta trúng số. Ông cầm tiền mà lòng cứ rưng rức đến lạ kỳ với mớ hạnh phúc vàng rượm này. Ông lão mua mai vừa vịn cái xe , phụ ông Bảy đỡ gốc mai xuống, ràng quà chiếc cánh én của mình, vừa nói :
- Bà nhà tui bả mất lâu rồi, con cái đứa nào cũng ở xa, tết tụi nó gởi tiền dìa lì xì cho mà tui có biết xài gì đâu. Hồi bả còn sống, bả mê cái thứ bông này nè. Giờ toàn mai ghép, bông to, chả có mấy mai giống hồi xưa. Tui mang cái này ra mả bả trồng cho bả vui đó mà...

Hai mái đầu bạc lui cui ràng ràng buộc buộc, âm ấm câu chuyện dang dang dở dở. Vừa dợm đạp máy xe, ông lão quay lại, gở đòn bánh tét treo tong teng trên xe, đưa cho ông Bảy, cười hồn hậu :
- Gởi cho bà nhà ăn tết lấy thảo nè.

Ông Bảy nhận đòn bánh, nhìn bóng ông bạn già xa dần, xa dần mà mắt chợt nhòa nhòa, môi run run mím chặt. Ông ngước mắt nhìn bầu trời xanh văn vắt, tay quệt vội đôi mắt đỏ hoe, thả vào khoảng xôn xao nụ cười roi rói. Ờ ! Tết mà ! Tết đang về mà ! Ông lọm cọm rướn người đạp xe. Tiếng kẽo kẹt cõng theo từng bong bóng nắng thi nhau vỡ trên mặt đường vương vương tết. 
Hình như Tết đậu vai gầy, nghiêng nghiêng mang cả xuân về bên hiên nhỏ...

Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

Bóng nắng ngang trời ( 2 )



Con Thanh đang ngoẻo đầu vật vựa ư ư ca bài chi trong cổ họng chả ai hiểu được, chợt nó nghe tiếng chó sủa dậy rân cả ngõ. Nó mừng. Nó cố hết sức chống hai cái cùi chỏ chai sần xuống chỏng tre, giật mạnh người về phía sau để lấy thế nhỏm người dậy. Nó nhăn mặt. Đau lắm chứ bộ. Dù mấy chục năm nay, ngày nào nó chả nhổm lên nhổm xuống như thế không dưới chục lần, nhưng lần nào cũng nhức buốt đến từng con vít trong khớp xương rệu rạo. Ai cũng khen nó giỏi khi nó nhổm người ngồi dậy được và lếch cái thân vặt vẹo ra mép chỏng, đưa cái mỏ ra đường mừng rỡ khi thấy có khách ghé nhà. Nó chẳng thấy giỏi gì cả. Nó chỉ thấy đau thôi. Như người ta cứa vào da thịt mỗi ngày một nhát đến độ lì đòn, trơ mặt ra cắn răng mà chịu đựng nỗi đau banh da xé thịt. Là chịu đựng đó. Không phải giỏi đâu. Nhưng thôi kệ, được khen là nó vui rồi. Nó cũng thấy nó giỏi thiệt. Giỏi chịu đựng.

Ối, là anh Trung kìa. Nó reo toáng lên ư ứ. Nó mừng quá. Anh Trung một tay ôm thùng mì , một tay gỡ quà nho nhỏ ra khỏi xe, từ từ bước vào nhà mang theo nụ cười đầy nắng. Mớ tóc bếch chặt vào gương mặt xương xương ánh lên dưới cái nắng chiều quai quái, nó trông anh như chàng hoàng tử bước ra từ trong giấc mơ của nó. Đẹp lạ lùng. Nó cười. Nó líu ríu cả lưỡi lại khi anh  ngồi xuống chiếc ghể đẩu để cạnh chỏng chỗ nó đang ngồi, ôn tồn hỏi :

- Má đâu rồi em ? Có má ở nhà không em ?
Ôi, dịu dàng tha thiết làm sao. Cái ánh nhìn âm ấm dừng lại trên khuôn mặt nó như vẽ chiếc hôn xíu xiu giòn rùm rụm. Nó sướng run, nó cười ngoác cả miệng, ngọng nghịu nói :
- Má ở nhà. Má có ở nhà
Nghe nó nói thế, anh Trung đứng dậy, phủi phủi bụi trên người đi thẳng ra nhà sau, gọi lớn :

- Dì Tư ơi ! Dì Tư !
Nó trông theo dáng anh Trung khuất sau khung cửa bếp, nhìn anh ngồi bệch xuống đất nói gì với má sau hè, không chớp mắt. Chắc má đang lỡ tay. Nó lếch người lần theo mép chõng, nhìn anh Trung bằng ánh nhìn mãn nguyện sung sướng. Nó há mồm vểnh tai nghe ngóng câu được câu mất của anh khi chuyện trò với má. Đến cái giọng nói thôi mà sao ... Bất giác nó ửng mặt cười khùn khục, đôi mắt bẽn lẽn cụp xuống, tay cứ di di trên đầu gối. Một ý nghĩ táo bạo cứ sôi sùng sục trong cái đầu bé nhỏ của nó. Nó chẳng biết làm gì ngoài việc mân mê ý nghĩ đó rồi cười trong sung sướng. Quái thật! 

Anh Trung trao mớ quà tết cho bà Tư, vẫn điệu cười hồn hậu, vẫn những câu dặn dò chân tình đầy ấm áp. Con Thanh nhìn má rưng rưng cảm ơn anh Trung tết nào cũng mang chút không khi xuân về vào gian nhà heo hút này, bằng cả trái tim non nót đang run rẩy trong niềm vui sướng vô bờ xen lẫn nỗi sợ hãi. Ờ, năm nào cũng vậy, cứ mỗi lần nói xong như thế này, là anh Trung lại đi biền biệt bỏ lại cho nó hàng chuỗi ngày đợi nắng lên đêm trông trăng rụng. Không ! Nó không muốn anh đi đâu. Nó muốn anh ở lại lâu thêm chút nữa cho nó uống nụ cười hiền hiền của anh, cho nó ngấu nghiến ánh nhìn đầy nắng của anh. Đừng đi có được không anh ? Một giọng nói giục giã thúc hối nhao nhao trong đầu nó. Bất giác, nó chộp lấy cánh tay anh khi anh đang đứng xớ rớ gần chỗ nó, rồi ôm chặt cứng. Anh Trung giật bắn cả người, hất tay theo phản xạ tự nhiên, giống kiểu người ta vô tình giẫm phải con chuột chết giữa đường  mà họ không thấy. Con Thanh ngã quay, mớ xương xẩu đập vào cạnh chõng khô khốc. Như chiếc ly thủy tinh ném mạnh vào tường đá. Bể tan tành. Đau đến liệm. Dì Tư hoảng hồn bỏ giỏ quà xuống, lao tới phụ đỡ nó ngồi dậy. Anh Trung định thần rất mau, có chút bối rối, anh cúi xuống kê lại cái gối vào lưng nó, giọng đầy hối hận :
- Con xin lỗi dì Tư, em nó làm bất ngờ quá con hết hồn. Thiệt tình.... Anh hư quá, em đau lắm không, cho anh Trung xin lỗi Thanh nha.

Con Thanh lắp bắp, cười nhễu nhão, tay quẹt vội mớ nước mắt đang chực chảy, riu ríu nói như sợ anh Trung buồn, anh Trung giận mà bỏ đi ngay :
- Hông có đau. Hông có đau mà !

Dì Tư xì xòa, cười hịch hạt :
- Không có sao đâu chú. Nó té hoài chớ gì. 

Rồi quay sang Thanh, bà vuốt nhẹ đám tóc lòa xòa trên khuôn mặt lấm tấm mụn của nó, vừa cột lại tóc cho con, bà vừa nói :
- Mai mốt mày đừng làm anh Trung giật mình nữa nghen. Tao còn hết hồn chớ đừng nói gì anh Trung.

Con Thanh không nói gì. Nó khư khư giữ chặt cánh tay anh như sợ buông ra là anh tan biến như giấc mơ mà ngày nào nó cũng mơ trong thấp thỏm sợ trời lại sáng. Nó áp chặt má vào cánh tay anh, nó căng cái ngực gầy teo ra hít trọn cái mùi hương nồng nồng của nắng. Lần đầu tiên trong đời nó mới cảm thấy trái tim nó đập loạn xạ với đủ âm thanh loảng xoảng vỡ. Nó mặc kệ cánh tay kia ngọ nguậy, mặc kệ tiếng má léo nhéo bảo buông tay ra cho anh Trung về còn đi thăm nhà người khác nữa, mặc kệ anh Trung đang ngòn ngọt bảo nó ngoan mai anh sẽ ghé... Nó mặc kệ hết, nó chỉ muốn giữ chặt giấc mơ của nó lúc này thôi. Đau đớn lắm nó mới được chạm tay vào giấc mơ đang có thực này, nó không buông đâu. Nhất quyết không buông buông đâu. Nói mãi không được, bà Tư đành gỡ những ngón tay bấu chặt kia, miệng vừa mắng :
- Mày vậy mai mốt chú Trung sợ mày quá trốn luôn không ghé nữa cho coi.

Những ngón tay yếu ớt từ từ lỏng dần từng ngón. Anh Trung rút được cánh tay ra khỏi con Thanh, vội vàng kéo ghế đứng dậy, an ủi :
- Không có gì đâu dì. Tại con còn đi tặng quà mấy nhà xóm trên nữa, chớ không ngồi chơi với em nó tí cũng được. 
Rồi quay sang nhìn con Thanh với đôi mắt đang ngân ngấn nước, cái mồm chảy xệ chực rống, anh dịu dàng nói :
- Thanh ngoan, nghe lời má nha. Mai rảnh anh ghé chơi với Thanh nha. 

Không đợi con Thanh ư ử gì, anh vội chào dì Tư rồi bước ra khỏi nhà. Dì Tư tiễn anh ra cửa. Con Thanh chồm theo, nghẹn ứ rống từng hồi dấm dẳng dội vào gian nhà toang hoác. Cái nắng chiều giáp tết liu xiu rụng từng sợi tong teo vất đầy trước ngõ. Dì Tư trở vào nhà, lặng lẽ ôm con Thanh vào lòng, ghì chặt bờ vai đang run lên nức nở. Chiếc áo nhàu nhĩ bạc phếch ướt đầm nước dãi lẫn nước mắt chèm nhẹp. Ngửa mặt, cắn chặt môi vẫn không ngăn được, dì bất giác vỡ òa :
- Ông ơi !
.........................

Vừa dắt xe ra khỏi ngõ nhà con Thanh, anh Trung dựng cái chống nghiêng, mò mò rút trong túi quần túi khăn giấy bé tẹo, lấy vội mẫu khăn, anh lau lấy lau để ống tay áo, chỗ chèm bẹp nước dãi của con Thanh ban nãy, vừa lau, vừa làu bàu rủa xả :
- Mẹ cái con điên. Ăn có nhiêu tiền đâu mà gặp thứ như nó hoài chắc về nhà ăn cơm không nỗi.

Vất toẹt chiếc khăn giấy lông lốc xoay trên đám cỏ xanh rì rì ven bờ, cảm giác tởm lợm vẫn âm ỉ làm anh gai cả óc. Anh rồ máy xe, xé toạc mớ nắng lúp xúp vương ngang ngõ. 

Chiều nghiêng dần. Bóng nắng sà sà ngăn ngắt xót. Tết trùng trình chạm mái hiên rồi..






Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

Bóng nắng ngang trời



Thanh ngồi thu lu sát mép giường, đầu ngoẻo tựa vào ống chân gầy teo, tóp lại như cây sào, ngó ngơ ngác ra khoảng nắng trăng trắng trước hiên nhà. Nó cười vu vơ, dù trong lòng không vui cũng chẳng buồn. Những người như nó hay cười hào phóng như thế đó. Giá mà mọi thứ trên cơ thể chẳng giống người không ra thú như nó đều khô quắc, vắt không ra miếng nước nào thì tốt biết mấy. Có lẽ nó sẽ không nghe nhoi nhói nôn nao nơi ngực trái như bây giờ. Có lẽ, nó đã biết khóc rấm rức khi úp mặt lên gối để tự cuộn lấy nỗi đau ngọt ngào ấy mà cảm thấy rằng có một ai đó để yêu thương, dù chỉ là trong giấc chiêm bao cũng coi đó là hạnh phúc. Mà có không ? Nó không có diễm phúc ấy. Cứ mỗi khi muốn khóc, lại nó lại rống lên từng hồi kinh hãi với những âm thanh ghê sợ. Cái miệng hình chiếc phễu kia lại nhễu nhão những nước dãi trông gớm ghiếc như gã gù gác chuông nhà thờ nào đấy. Ờ, mà ít ra gã ấy còn được trốn ra khỏi nhà thờ, còn được làm con rối mua vui cho đám người lố bịch, còn biết ngoài kia xôn xao lắm, ngoài kia trời xanh,xanh lắm... Còn nó, chỉ quẩn quanh trên chiếc chõng tre bé tí. Bầu trời của nó là khoảng sân trước nhà với những bụi trâm bầu xa xa, với hàng râm bụt đỏ hoa dưới nắng. Bạn với nó chỉ có mấy con chó loe ngoe chạy lon ton , thỉnh thoảng vật nhau ra tru tréo, dấm dẳng cắn nhau vài nhát. Và có má. Có anh. 

Bà Tư dựng xe, cắp mớ quanh gánh sau yên xuống, khệ nệ bưng đồ vào nhà. Gọi cái nhà chứ bốn mùa trống tuênh gió lùa mùa tạt, nắng xiên tứ phía. Ngó thấy cái mặt thộn ra cười hớn hở của con Thanh, bà hỏi trổng không :

- Mần chi ngồi cười ghê dạ mậy ? Sáng giờ có ai kiếm tao hông ? 

Con Thanh ồm ồm cái giọng sấm vang của nó, nói đơ cả mỏ chắc cũng chỉ có má nó may ra hiểu :

- Hông có ai hết.

Bà Tư không nói gì thêm nữa, lui cui ra sau bếp nhóm lửa bắt cơm. Thời đại nào rồi, nhà người ta bật bếp ga tanh tách, nhà bà vẫn ngày hai cữ đều đặn, phì phò thổi mớ tro bay mù trời. Bà quen rồi, cực khổ bao nhiêu bà cũng chịu. Chớ mỗi lần nhìn con Thanh nó ngồi thù lù nghễnh ngãng nhìn ra cửa đón bà, lòng bà lại như có ai cắt từng đoạn ruột. Hồi đó ưng ba con Thanh, cứ nghĩ chuyện ăn đời ở kiếp, vợ chồng con cái đầm ấm nương nhau đến bạc đầu. Ai có ngờ, lần ra đi cuối của ông, khi ấy con Thanh còn chưa mở mắt chào đời, cũng là lần cuối cùng bà còn được thấy ông. Có người bảo ông bỏ bà lấy vợ trên Sài Gòn sinh con đàn cháu đống, có người nói ông vượt biên lật thuyền chết mất xác ngoài khơi rồi... Chẳng biết tin nào là đúng là sai, chỉ thấy mấy chục năm nay, bà vẫn ngày ngày thấp nén hương trên bàn thờ ông rồi lầm rầm thủ thỉ :" Ông còn sống thì tìm đường trở về với mẹ con tui, còn bằng có thác thì linh thiêng phù hộ cho con Thanh nó bớt bịnh nghen ông ".  Khấn là khấn vậy thôi, chứ bao mùa trăng tròn rồi khuyết, con Thanh vẫn ngồi tựa gối đợi bà về trong cái cười hào phóng đến tội tình. Không còn nước mắt để khóc, bà với tay quệt vội gương mặt mỏi mệt, tay bưng chém cơm múc sẳn với mớ tép rong rang đỏ ối thơm nức lên gian nhà giữa, chỗ con Thanh đang há mõm đợi bà. Còn Thanh vừa đợi bà thổi cơm cho vào mồm, vừa nheo nheo đôi mắt lòi ra trắng toát, ỏn ẻn hỏi :

- Chừng nào anh Trung ghé vậy má ? 
- Ờ, chắc mai mốt gì nó ghé. Sắp tết rồi, thế nào nó cũng ghé mà.

Bà Tư không nhìn con Thanh nhưng bà vẫn biết nó đang cười rạng rỡ. Trái tim người mẹ luôn nhạy cảm với con mình. Bà biết chớ, biết hết trong lòng nó đang mơ gì chớ. Cả năm trời, ngày nào nó cũng hỏi bà chừng nào đến tết. Bởi có đến tết thì nó mới được gặp anh Trung của nó. Chả là anh Trung ấy tết nào cũng mang quà ăn tết trên xã xuống cho các hộ nghèo như bà. Với ai thì anh Trung cũng một giọng điệu chúc tết quen thuộc, ấm áp vô cùng chứ đâu riêng gì nó. Nhưng con bà nó không hiểu chuyện ấy. Nó vẫn cứ tin là những lời ấy anh Trung chỉ dành cho riêng nó. Cho riêng nó thôi. Và nó miệt mài đợi hết ngày này sang ngày khác. Bà không mắng con. Ít ra, cứ cho nó cái hy vọng để mỗi ngày nó còn chờ, còn đợi để thấy thời gian bớt trống trải. Ít ra, để trong trí tưởng tượng của nó sẽ có chiếc hôn dịu ngọt cổ tích treo hững hờ đâu đó, sẽ có bờ vai cho nó tựa đầu vào chớ không phải cái đầu gối vặt vẹo nhăn nhúm này. Bà đặt tên nó là Thanh - là xanh đó, là hy vọng đó. Bà không cho nó được một hình hài nguyên vẹn lành lặn như con người ta, bà chỉ cho nó được chút mơ ước nhỏ nhoi bởi cái tên  bé tẹo này thôi... Con Thanh nhìn gương mặt rúm ró của bà, hình như nó biết bà đang buồn, nhưng rồi, chẳng hiểu sao, nó không hỏi bà buồn chuyện gì, nó lại thẻ thọt :

- Mai mốt là mấy bữa nữa hả má ?

Bà Tư cắn chặt lòng nhìn con, nhặt hạt cơm vương trên mép miệng nó, cười rưng rức :

- Thằng cha mày. Là vài bữa nữa thôi mà

Con Thanh vừa ngồm ngoàm ăn, vừa cười khùng khục. Nó đang vui. Niềm vui trẻ con sắp được cho áo mới. Nó vẫn dõi mắt ra khoảng sáng trước hiên. Lác đác trong màu xanh ngút mắt, những đóa râm bụt rụt rè thấp lửa. Mùi tết vương vương trên ngõ vắng chông chênh nắng...

( còn tiếp