Nắng cuối ngày heo hắt bám vào mắt bà, nó làm bà khó chịu. Nheo nheo đôi mắt mờ mờ, bà nhìn ông, đang thả mắt dõi ra hành lang bệnh viện. Mới có gần hai tuần thôi mà ông xuống sắc kinh khủng. Bà thấy mơ hồ sờ sợ. Bà kéo cái chăn mỏng, đắp ngang ngực cho ông, rồi thỉnh thoảng bà sờ đôi tay bị sưng phù nước của ông , len lén dụi đôi mắt kèm nhem. Bà sợ ông thấy bà khóc khi nhìn từ những lỗ kim nhỏ xíu trên tay ông, chỉ cần bà ấn nhẹ tí, nước rịn qua, trông đáng sợ.Ông bị suy thận, giai đoạn cuối rồi. Bác sĩ bảo mạng sống tính bằng ngày. Và cứ hai ngày một lần, bà lại cùng ông vòng vèo qua ngõ hành lang bệnh viện để tới phòng chạy thận. Bà ngồi chờ ông trong thấp thỏm lo âu, ông cố giấu cơn đau chết đi sống lại.
- Ông thấy trong người sao rồi ? Thèm gì không tui mua cho ông ăn.
Bà hỏi, tay vuốt vuốt tà áo ông khe khẽ. Ông quay sang nhìn bà, đôi mắt âm ấm, hiền từ, chứa chan đến lạ :
- Thèm ăn...cháo vịt bà nấu quá !
Ông cười nhè nhẹ. Chòm râu bạc rung rung. Bà cũng cười, mắng yêu ông :
- Bậy bạ nè. Độc như thịt vịt đó ông già. Ông hết bịnh về tui nấu cháo gà ông ăn hén.
Hổng biết hồi còn trẻ bà thương ông vì cái gì, ờ, mà hình như có kịp thương đâu. Hồi đó ba mẹ gả đâu thì ôm đồ đi theo về nhà người ấy thôi. Chỉ biết ở với nhau cũng ... hơn mấy chục năm rồi, ông chưa bao giờ nói ... thương bà, nhưng chỉ cần nhìn bữa cơm nào ông cũng đợi bà đi bán về mới dọn ra cùng ăn, rồi ngày nào ông cũng dậy sớm hơn bà một chút để nhóm lửa, cho bà được ngủ thêm một tí... Bà hiểu hết chứ. Từng ấy mặt con, trai gái đủ đầy, sao mà hổng hiểu tánh ý nhau cho được. Vậy mà, bà không thể ngờ, ngay cả ông đi tiểu không được suốt chừng ấy thời gian dài đăng đẳng mà ông cũng không nói với bà. Bà không hề biết gì cả. Tới khi ông gục hẳn, bà mới vỡ lẽ ra, thì đã quá muộn rồi. Bà cùng ông chạy lên Sài Gòn. Mấy đứa nhỏ đều ở trên đây cả. Tụi nhỏ xúm xít đưa ông vào viện. Mà khổ quá, tụi nó đứa nào cũng lo làm ăn, có rảnh đâu mà suốt ngày ở viện cùng ông. Tối đến tụi nó mới chạy vào , ngồi chút xíu với bà, rồi lại đi. Bà không trách tụi nhỏ, công việc mà, chứ tụi nó có muốn như vậy đâu.
- Bữa nay thằng Hai, con Út có vô không bà ? Ông hỏi.
- Chắc tối tụi nó vô chứ gì. Qua nay hổng thấy tụi nó, hổng biết có bị gì không nữa.
Bà hơi sốt ruột. Không lo sao được, bà theo ông vô đây , tụi nhỏ đóng tiền bạc gì bà có biết đâu, rồi tụi nó đưa cho bà ít dằn túi để mua đồ ăn. Tụi nó bảo Sài Gòn gian lắm, bà giữ tiền bên người lỡ bị gạt thì khổ nữa. Có gì bà cứ kêu tụi nó . Mà trời ạ, bà làm gì có điện thoại. Với lại già cả rồi, có nhớ số đứa nào đâu. Bà trông tụi nó vào để bà nói ngày mai tới kỳ chạy thận nữa rồi, bà lo không biết có đứa nào vào không nữa. Bà sợ chúng nó quên.
Run run giở túi áo trong, bà lấy mớ tiền còm cõi còn lại, lẩm nhẩm đếm. Còn hơn 70 ngàn. Bà bần thần, thừ người ra tí, rồi lúi húi nhét tiền vào túi, cẩn thận gài cái kim băng. Tính bà xưa nay vẫn vậy.
Trời nhá nhem tối sùm sụp. Các giường bệnh lân cận xôn xao. Người vào thăm nhộn nhạo. Bà ngồi lên mép giường cạnh ông, nhường cái ghế nhựa cho người ta vào thăm bịnh ngồi. Bà nắm bàn tay tay ông, nhè nhẹ vuốt một cách vô thức. Ông nhắm nghiền đôi mắt. Hình như ông ngủ rồi. Bà chỉ muốn yên lặng chút cho ông được ngủ ngon, ngủ sâu, để ông quên đi cái đau đớn đang dày vò trong cơ thể mình. Bà không biết mình còn được bao lần nhìn ông như thế này. Thiệt lòng bà không sợ chết, vì già rồi ai cũng phải về với đất thôi. Nhưng bà muốn bà đi trước ông kìa. Bà hay bịnh hơn ông, cứ mỗi lần bà bịnh bà ....rên ghê lắm, làm ông chạy quýnh cả lên. Bất giác bà nhớ những lúc ấy rồi ....bật khóc, nước mắt cứ lặng lặng rơi trên gò má nhăn nheo. Giờ ông nằm vầy, rồi mai mốt ông bỏ bà đi, bà biết...rên với ai đây ?
Hơn 10 giờ đêm. Người vào thăm bịnh vãn cả rồi. Bà lấy cái chiếu xếp , trải xuống nằm cạnh chân giường của ông. Vừa nằm xuống đã nghe ông trở mình. Bà lòm còm ngồi dậy, sờ trán ông :
- Sao vậy ông ? Đau hả ? Tui chạy kêu y tá nghen.
- Đâu có, tui xoay người cho đỡ tê chân thôi . Bà ngủ đi cho khỏe, mai còn ...đi chơi với tui nữa.
Ông ghẹo bà. Ông hay vậy đó. Kể cả đau xé thịt xé da cũng chẳng than một tiếng. Mới năm nào nè, ông bắt thang trèo dừa hái bán cho bà, sớ rớ làm sao sợi dây cước mang theo quày dừa ông vừa chặt rớt xuống, cắt đứt ngòn tay ông một phát ngọt lịm. Mặt bà cắt không còn tí máu khi thấy ngón tay đứt lìa của ông. Còn ông, lúc ấy vừa nhăn mặt, vừa cười mếu máo :
- Kỳ này hết đồ nghề ...móc lỗ tai cho má tụi bây rồi.
Bởi vậy, nghe ông nói không có gì, mà bà vẫn cứ lo. Thấp thỏm mãi bà mới nằm xuống, thiêm thiếp ngủ. Trên giường, ông khẽ mở mắt nhìn ra hành lang vắng tanh, nén tiếng thở dài.
Xe đẩy ông vào phòng đợi rồi, bà cầm giấy yêu cầu đóng tiền trên tay, lòng lo sốt lên được. Chả biết tụi nó sao giờ này vẫn chưa vào. Lịch chạy thận của ông tụi nó biết mà. Bà cứ nghĩ tối qua không đứa nào vào thì hôm nay tụi nó sẽ vào sớm. Muốn gọi cho đứa nào cũng không biết cách nào mà gọi. Cầm tờ giấy, bà hết đứng lại ngồi ở quầy đóng tiền, thậm thò mãi. Chưa bao giờ bà thấy mình vô dụng như vậy. Mấy chục năm bám chợ nuôi con ăn học, bà không thấy nặng nề gì, giờ cầm tờ giấy nhẹ tênh này sao lòng cứ nặng trĩu. Biết làm sao đây ?!!!
- Ủa ! Má ! Sao má ra đây ?
Ơn Trời ! Con Út nó vào rồi nè. Bà mừng quýnh lên được.Vậy mà nãy giờ bà nhìn hổng thấy nó, giờ nó kêu mới hay. Thiệt là...
- Ba mày vô phòng rồi, trông tụi bây qua nay, giấy người ta đưa đóng tiền mà má còn có mấy chục hà...
Bà đưa vội tờ giấy cho cô con gái. Nhận giấy từ mẹ, cô cười xì xòa :
- Hôm qua chỗ con mưa dữ quá, con đi hổng được. Con tưởng anh Hai ảnh vào với ba má rồi, tại hôm qua con gọi cho ảnh, con nói ảnh vô ba đi, con vô hổng được. Vậy mà cái ông này....ông né. Thiệt tình. Thôi, để con đóng, chứ đợi ảnh vào lâu lắm.
Cô con gái vừa nói vừa đưa tờ giấy bỏ vào cái khay trên bàn thu ngân, chờ tới lượt gọi tên đóng tiền. Cô quay sang hỏi bà :
- Má ăn sáng chưa ?
- Ăn rồi, Ăn sớm tranh thủ lo cho ba mày. Ổng vô phòng nảy giờ, tao lo lắm.
Cô gái xoa xoa tay bà :
- Con vô rồi nè, má lo chi nữa.
Cô hý hoái móc từ cái túi xốp mang kè kè bên người. Bà giật cả mình. Cơ man nào là tiền xu. Cô không đợi bà hỏi, cười hì hì giải thích ngay :
- Tiền tụi nhỏ ở nhà để dành lâu rồi . Con gom vô đây đóng viện phí. Cho mấy đứa đó nó đếm. Chứ giờ tiền này đi chợ, mắc giống gì người ta hổng chịu lấy, mai mốt hổng ai xài, bỏ uổng lắm.
Người ta gọi tên. Cô con gái đứng dậy, khệ nệ mang túi , nhét qua cửa quầy thu ngân, vừa cười giả lả:
- Tiền hơi lẻ. Mấy em chịu khó đếm dùm chị nha. Tiền Nhà nước cả đó.
Mấy cô thu ngân ngó bao tiền sững sờ , mắt nhìn nhau ...cười không nỗi. Cô con gái với mấy ngón tay lấp lánh , xếp xếp cái bao xốp lại, quay sang nhìn bà, híp mắt :
- Xài xong rồi, hết cho nó khỏe. Hì hì !
Tự dưng bà thấy ...nghèn nghẹn . Không biết nói gì, bà khe khẽ :
- Thôi, mày đợi lấy biên lai xong đưa xuống phòng chạy thận hôm bữa lẹ lẹ nha. Má đi xuống đó trước với ba mày.
- Dạ !
Bà quay lưng, vội bước. Tay với lấy vạt áo túi quẹt vội đôi mắt kèm nhem . Sao khổ thế này ông ơi ! Nghĩ tới cảnh đứa nào cũng né cái ngày chạy thận, đứa nào cũng ...vào trễ một chút, ngồi chờ chực con vào để đóng tiền... Nghĩ tới đâu, tim bà như có ai bóp nghẹn tới đó. Hồi đó thằng Hai nó bịnh, nửa đêm ông cũng ẳm chạy bộ vào bịnh viện , bà ôm giỏ tất tả chạy sau. Lúc đó, cái xe đạp cũng hổng có mà đi nữa kìa. Rồi cái năm con Út đậu đại học. Cả xóm có mình nó đậu. Nhà trống hươ trống hoắc chả có gì đáng giá ngoài cái bộ ván gõ ba mẹ bà để lại cho bà từ năm nẳm năm nao. Bà kêu người ta vào bán ngay, không kịp chần chừ, suy tính chi cả. Bán được nhiêu dấm dúi đưa hết cho con. Vẫn cứ sợ con không đủ, cứ thấy mình có lỗi với nó, không lo được cho nó bằng chị bằng em... Vậy mà.... Ờ thì, nước mắt chảy xuôi .Gần đất xa trời rồi bà mới nhận ra điều đơn giản tự nhiên ấy. Cổ họng bà đắng ngắt. Nhòa nhòa trong tâm trí những ngày xưa xiêu vẹo kéo về .
- Bà ơi !
- Gì thế ông ?
- Tui tính vầy bà coi được không. Bà nói tụi nhỏ cho tui về dưới đi. Chứ mỗi lần chạy thận xong tui đau lắm bà ơi. Tui chịu hết nỗi rồi. Khi nào ông bà rước thì tui đi. Chứ bà để tui chết trong bệnh viện, tui không muốn đâu bà ơi.
Bà nghe từng lời ông nói chầm chậm. Không ai đánh mà môi bà méo xệch đi. Bà cố mím môi để không bật khóc. Nhưng giọng bà lạc đi, chới với :
- Còn nước còn tát mà ông. Ông đi, tui biết làm sao ....
Ông cười buồn, giơ tay nắm lấy tay bà. Lâu rồi , ông thậm chí không còn nhớ lần cuối cùng ông nắm tay bà như thế này là khi nào nữa. Ông nhìn bà, mim mím :
- Thôi bà ạ. Tui biết sức khỏe tui mà. Tui thấy bà vì tui, rồi tụi nhỏ nó khổ vậy, tui chịu không nỗi. Bà có thương tui, bà đưa tui về dưới đi, cho tui ngủ ở nhà mình bà nha. Tui còn khỏe lắm, chưa đi ngay đâu bà lo. Tệ nào cũng...nhóm lửa cho bà vài năm nữa mà. Bà an tâm nghen !
Ông cố siết tay bà, để cho bà biết là ông khỏe như thế nào. Những ngón tay lỏng lẻo , run rẩy cố tìm chỗ bám. Bà im lặng, tay vẫn nắm tay ông. Nước mắt thi nhau rớt lên tay ông bỏng rát.Ông cười, mắt ngân ngấn :
- Cái bà này, y như con nít hà ! Có gì đâu mà khóc nè ...
Không ai nói lời nào nữa, chỉ có tiếng quạt trần quay rình rịt. Đêm chùng nằng nặng, dùng dằng chẳng muốn đi...
....................................
Tiễn bà cùng ông ra xe, hai đứa con căn dặn ông bà nhớ giữ gìn sức khỏe, có gì cho chúng nó hay. Rồi từng đứa thi nhau dấm dúi tiền biếu ông bà với nụ cười rạng rỡ. Bà cười, ông cũng cười. Chia tay không có nước mắt. Khô queo.
Xe lăn bánh. Bà để ông nằm lên gối trên chân bà ở băng ghế sau. Nắng hắt qua cửa kính xe, vẽ loang lỗ trên mặt ông nhưng nhức. Bà với tay lấy cái khăn lông cũ , choàng qua vai, giang rộng tay che nắng cho ông .
- Ông ngủ chút đi, tí nữa về tới nhà rồi.
Ông nhìn bà âu yếm. Bà nhìn qua cửa xe. Nhà phố , xe cộ...tất cả bỏ lại phía sau. Con nắng cuối cùng của ngày cố bám theo bà từ nãy giờ cũng rớt lại sau lưng. Ngày đã hết.
Xa xa, thấp thoáng ngõ nhỏ, khấp khểnh tiếng ông chẻ củi vang vang, tiếng võng bà kẽo kẹt thả lời ầu ơi thưở trước.
Ngai ngái nhớ...