Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

Tám từa lưa...


 Lần đầu đặt chân tới Sài Gòn, nó thấy...choáng. Ở quê nó cái gì cũng bé tí, xóm nhỏ, đường nhỏ, nhà cũng nhỏ, chỉ có mỗi cái sân là hơi to to chút. Nên vừa bước xuống xe đò, nó hoa cả mắt. chao ui, người đâu mà lắm thế. Chắc cũng toàn dân tứ xứ như nó kéo về thôi. Cũng hy vọng đổi đời, cũng trông chờ vào một tương lai sáng sủa hơn một chút.

Ngoằn nghoèo mãi nó cũng tới được nhà trọ. Một căn nhà không thể tồi tàn hơn, dơ hơn trong tự điển của nó. Nhà nó ở quê, tuy có bộn bề thật, nhưng so với cái nhà này thì kém xa vạn trượng. Chủ nhà tên Nô - Tư Nô. Nghe tên thôi cũng đã phải ngập ngừng suy nghĩ. Diện kiến dung nhan bà thì...ui thui... đến Thượng Đế cũng phải cười. Bà không cao, không thấp. không mập. không ốm, chỉ duy nhất thứ ấn tượng đập vào mắt không thấy không được: cả khuôn mặt bà lúc nào cũng đen sì bụi than, chừa hai con mắt như đeo kính thời trang á.
 Nhà bà ở cập đường ray xe lửa, thuộc khu ga Hòa Hưng .  Bao đời bà chỉ làm một nghề duy nhất là bán than thui. Có điều, Anh hùng Bán than Trần Bình Trọng thì sử sách ghi tên, còn bà, bán than miệt mài cả ngày lẫn đêm cũng chỉ có mỗi cái đường ray xe lửa nó thuộc tên, nó nể danh bà. Chính xác hơn là sợ oai con bà. Cả hai thằng con đều là dân giật dọc, hình như là tay anh chị có hạng ở khu này. Một thằng hiện đang bốc lịch dài hạn, thằng còn lại thì hãy còn tại vị ở khu ga ổ chuột . Trước khi nó tới đây, có nghe bà cô dặn dò, kể sơ về tình hình nơi sắp ở để nó biết mà chuẩn bị tinh thần. Tuy biết trước , nó vẫn đi hết từ ngạc nhiên này đến giật mình khác.

Chuyện ngạc nhiên đầu tiên là ...cái tolet. 
Bình thường ở quê ngày xưa thì cái khu vực nhạy cảm ấy chỉ nằm ở sau nhà, đại đa số là ...bắt ra sông, ra rạch... ,nhưng ở đây, trời ạ, ngay cổng nhà mở ra luôn thế mới oai chứ. Gọi là cổng, nhưng thực ra chỉ là vài tấm tole hoen rỉ được ghép lại, còn cái tolet - chỗ để tắm thôi nhé, Chứ còn muốn đi đại tiện hay tiểu tiện thì phải leo lên xe đạp, đạp lòng vòng lèo vèo ít nhất cũng 10 phút mới tới tolet công cộng nằm gần đường ray. Nếu lỡ nửa đêm mà Tào Tháo gọi tên thì coi như...hết thuốc.
 Cái tolet dã chiến của bà ta được bao bọc xung quanh bởi những tấm nilon, thỉnh thoảng có nối thêm mấy mảnh vải xanh đỏ tím vàng bay phấp phới như...áo lụa Hà Đông í !. Cứ thử hình dung thế này, lỡ đang tắm, nhà có khách, mở cửa ra, là coi như bạn sẽ trở thành  Chữ Đồng Tử bất đắc dĩ . Nó ở dơ quen rồi, ở dơ thêm chút nữa cũng chả có chết ai. Có điều, nghe đồn 3, 4 ngày mà không tắm, người ta bắt bỏ vô sở thú. Nghe thế nó hoảng, nên cuối cùng, sau vài ngày đấu tranh tư tưởng, nó cũng lò dò mò ra tolet ngàn sao này. 
Vừa treo bộ đồ lên, hí hoáy xối nước, nói thiệt, chắc không quá một phút 30 giây, nó với  tay lấy khăn tắm và đồ vắt trên tấm tole thì ôi thôi, tất tần tật không cánh mà bay. Làm sao đây bạn tui ? Hét ầm lên chứ còn làm sao nữa ? Nó la oang oác, bà Nô cùng bà cô nó chạy ra nghe nó báo cáo vụ án. Cô nó thì chỉ biết nói : " Trời ơi, trộm gì mà có bộ đồ cũng hổng tha nữa trời ! ". Còn bà Nô thì nhìn nó cười hịch hạt:

- Đợi đó, lấy đồ khác mặt đỡ đi, chút tao lấy lại cho.

Nghe thấy kinh chưa? Mà đúng thiệt, chút xíu thằng con bả về, bà ta xí xa xí xồ chi ấy, đến tối, bộ đồ quay về khổ chủ. Nó bắt đầu thấy cảnh giác cao độ với chốn thần tiên có một không hai này.



Bắt chí cho bà Nô là chuyện giật mình thứ hai ám ảnh nó . 
Cái bề nhan sắc của bà thì miễn bình luận, nhưng chao ôi, nó đã ở dơ, mà nó còn phải cúi đầu nghiêng mình thán phục cái sự ở dơ tuyệt kỹ của bà Nô. 
Dù tuổi ngót nghét gần 50, nhưng bà không cho nó gọi bằng cô vì sợ...già , bà cứ xưng " " và bắt nó cũng gọi " Nô ui, Nô à ". Nghe mà nổi hết cả gai ốc. Vì bán than cả ngày, lại chả chịu tắm rửa gì, có bao nhiêu bụi than, rủ nhau xây biệt thự trên đầu bà hết. Bắt chí cho bà xong, nó vừa đau lưng, vừa đen hết cả mấy đầu ngón tay. Nhìn bà cộp cộp cắn chí mà nó rùng mình. Nó  sợ hổng biết có con chí nào chơi trốn tìm hay đi diện  HO mà đáp xuống mái đình của nó hay không. Nên nó nhấp nha nhấp nhổm như có gắn lò xo ở đít không bằng.  Vậy mà, không thấy mặt nó thì thôi, nó mà vừa ló đầu vào nhà gặp bà, thì  y như rằng : " ê mậy, bắt chí cho tao coi, chút tao dẫn mày đi ra chợ chơi ! ". Nghe mà mừng muốn xỉu.

Và thằng con quý báu của bà là câu chuyện dài tập mà nó vẫn  cười mỗi khi nhắc tới. Nó chưa từng thấy chồng bà Nô đâu, chỉ nghe bà ta luôn liếng thoắng rằng chồng bà đẹp trai ngang ngửa Nguyễn Chánh Tín, ít ra cũng duyên như... Thương Tín, là người Mỹ, hay Pháp, hay đa quốc gia, đa chủng loại, đa thành phần gì cũng chả biết. Nói chung, chồng bà là ngàn sao hội tụ. 
Đương nhiên, con bà, cũng thừa hưởng đầy đủ nét đẹp trên cả mọi tiêu chuẩn đo lường chất lượng.  Vừa nghe bà ta kể về nguồn gốc lịch sử thằng con bà, chắc lớn hơn nó chừng vài tuổi, nó vừa len lén nghía cái long nhan. Một gương mặt " khuôn trăng đầy đạn nét ngài nở nang " cắm trên một thân hình chạm trổ từ trước ra sau , không sót chỗ nào đang nằm tơn tơn giữa nhà, vắt chân ngoe ngoảy. Thỉnh thoảng tới đoạn nào bà kể hăng say, khiến thằng con khoái chí, thằng con cười khùn khục, đôi mắt ti hí cứ híp lại chả thấy Tổ Quốc đâu . Nó nhìn mà phát ói, lật đật bổ sung vào tự điển của nó câu : " với các bà mẹ, con mình là đẹp nhất ". Chuẩn vô cùng. 



 Thằng ấy tên Tuấn - chừng ấy tuôi mà cũng kịp có một đời vợ. Trưa nghe gã khoe thành tích dạy vợ ra sao với đám chiến hữu, nó thấy sờ sợ. Nội nó dặn nó như thế nào, nó nhớ rõ từng lời một, xem như bảo bối. Nó cũng đôi lần bắt gặp ánh mắt gian giảo của gã nhìn nó. Đương nhiên, nó thường là giả bộ vô tâm, không biết, cứ giả ngu, giả điên cho dễ sống thui. Nội nó dạy thế đó.

Cô nó vẽ áo dài, nên vải vẽ áo căng trên mặt bàn, rũ xuống các góc bàn, cứ thế  thành mùng mà ngủ. Gầm bàn là nơi đống đô của nó ban đêm. Và gã kia, lạ là  không chịu vô buồng ngủ, cứ khoái nằm ngay mép bàn, chỗ lối đi ra đi vào.  Vậy nên,  trước lúc đi ngủ, bao giờ nó cũng thủ một con dao Thái Lan, ở nhà nội nó hay gọi là dao cán vàng và một cái quẹt ga. Không biết để làm gì, nhưng tự bản năng, nó nghĩ, đó là vũ khí  phòng ngừa bất trắc. Và cuối cùng, đề phòng, cẩn thận không bao giờ thừa thãi.

Tối hôm ấy, sau khi nhà tắt đèn đi ngủ, nó nằm lim dim mắt. Chợt, nó thấy một bàn tay từ từ lần mò vào gầm bàn nơi nó ngủ. Nhờ ánh đèn đường lọt qua khe cửa, nó dễ dàng nhận ra tay của gã chứ chẳng ai vào đây . Nó có thể la lên, nhưng nó không , nó nhè nhẹ cầm quẹt lửa lên, nó chờ, chờ đôi cánh tay nham nhở ấy tiến gần hơn chút nữa. Vừa đủ, nó bật quẹt lên. Xèo xèo. Mùi lông tay gã cháy thơm phưng phức. Nó khoái chí mà nén cười. Gã oái một cái , rút tay lại." Cho mày chết " . Nó nhẩm trong đầu. Đừng có tưởng dễ ăn nhé. Đốt xong, nó mới giả ngu la lên bày hãi  : " Út ơi ! Con gì nó bò vô chỗ con nè ! ". Cả nhà nhốn nháo, Cô nó bật đèn, nó vẫn còn cầm bật lửa trong tay, mặt ra vẻ sợ sệt:

- Con gì nó bò vô chỗ con đó, con sợ quá, con quẹt đại cái....

Cô nó tưởng thiệt, cũng vạch vạch mấy cái bao vải xung quanh phụ nó. Nó lén liếc nhìn gã đang giả bộ ngủ, nằm im re. Thấy không có gì, cô nó nói:

- Chắc chuột bò ngang đó, thui, nó đi rồi, ngủ đi.

Nó nằm xuống, không quên kéo mấy bao vải chắn ngang gã. Và nó thầm cảm ơn bà nội nó biết chừng nào.



Và cũng từ đó,  nó hễ rãnh là đi theo Bà Nô ra chợ. Bà Nô cưng nó lắm, đi đâu cũng khoe: " Con gái nuôi tao đó ". Và nó gọi gã bằng " anh hai", xưng Út ngọt sớt. Nó bắt đầu học cách bảo vệ nó từ những điều nhỏ nhặt nhất. Người ta thường mất cảnh giác, và coi thường kẻ ngu. Nó bằng lòng làm một đứa ngu ngu ngơ ngơ, kêu chi cũng dạ . Bà Nô thích lắm vì có đứa ái mộ bà, lúc nào cũng " Nô ui, cho con theo với ! ". Còn gã coi bặm trợn, giang hồ vậy, nhưng chỉ cần nhỏ nhỏ nói : " Anh Hai giỏi quá, cái gì cũng biết, chỗ nào cũng biết, anh giúp em đi mua dùm cái này đi ! " Có vậy thui là te te đi ra chiều anh hùng dữ dằn lắm.  Nó bắt đầu ranh mãnh hơn, dù cái bản mặt thì lúc nào cũng như Mai Ka từ trên trời rơi xuống. Không đến nỗi cứng nhắc quá để gã nhận ra, nhưng tuyệt nhiên, nó đã có chủ ý, bất kỳ đồ ăn , thức uống gì từ gã cho, nó nhận , nhưng sau đó, lũi ra đường ray, bỏ xuống cống hết. Bà Nô và cô nó đi vắng, là nó không bao giờ ở trong nhà, nó leo ra ray ngồi nhìn vào, vì phải canh đồ cho cô nó mà. Gã có kêu mấy , ới mấy, ôm bụng rên hự hự đau bụng, nó cũng chẳng vào, mà lon ton chạy sang quán nước bên cạnh nhờ chủ quán coi dùm gã bị gì...
Có lẽ, nó sớm muộn gì cũng phải dọn nhà, nếu không có cái ngày công an vào hốt thằng con bà cùng bạn của gã. Hình như nó nghe phông phanh hai gã ấy mới làm một quả  ra trò thì phải. Gã bị bắt, bà Nô nhoi nhoi cả ngày chạy ngược xuôi nghe ngóng. Còn nó, khỏi phải nói là mừng đến cỡ nào vì từ nay ngủ không nơm nớp lo sợ, cũng không ai kêu nó bắt chí hay đi mướn truyện tiểu thuyết về đọc nữa.



Chính nhờ những ngày tháng xô bồ, chợ búa ấy, nên trong con người nó luôn có mâu thuẫn. Có lúc, nó thật mít ướt, nói nặng chút là rắm rức khóc. Xem phim mà cảm động tí là sùi lên sụt xuống. Có khi, chửi mấy nó cũng cười nhơn nhởn. Cũng đôi khi nó hăng hái đi theo bà Nô múa minh họa cùng bà ấy khi có cãi nhau. Dân đường ray là vậy. Nó không coi đó là khổ, hay hạ lưu gì,  nó lại thấy nhờ có những ngày lắt lẻo như thế, mà nó trưởng thành hơn rất nhiều. 
Nội nó thì bảo nó là bản sao của nội ngày xưa. Đó là lời  nói nó thích nghe nhất. Nó thích ai đó nói nó giống nội. 

Giđây, đi ngang chốn cũ, tất nhiên không còn ngôi nhà kinh điển ấy rồi. Cũng không biết bà Nô giờ này còn hay mất. Và thằng con chắc cũng theo ông theo bà rồi cũng nên. Sài Gòn đã thay đổi rất nhiều. Nó cũng vậy. 
Con người ta chẳng phải cũng lớn lên từ một đứa trđó thôi !