Đáng ra định tìm cái ảnh khác kìa, dưng mà, thấy cái ảnh nì đẹp quá, nên chôm khoe thui.
Bà lòm còm ngồi dậy, hai tay ghì chặt vào hai cánh võng, gắng nhấc mình lên. Nằm lì bà sợ bịnh càng sinh bịnh. Dạo này, sức khỏe bà cứ như con nắng đầu ngõ, lắt la lắt lẻo. Hơn tám mươi rồi, không biết khi nào đi nữa. Lắm hôm, trong giấc ngủ, bà cứ thấy ông về gọi bà. Thấy cái dáng ông lom khom đứng ngoài tàn khế trước nhà . Thấy gần vậy đó, mà bà lật đật chạy ra thì ...ông bỏ bà đi đâu mất. Để bà thẩn thờ ngó màn đêm câm câm xung quanh. Có ai đâu nà ? Tiếng chó sủa văng vẳng. Ngó lên bàn thờ, mắt ông nhìn bà âm ấm. Ăn ở với nhau cả chục mặt con rồi, có khi nào nhìn sâu vào mắt nhau như bây giờ đâu. Hồi đó, cưới nhau, tối ông vào buồng với bà mà thậm thà thậm thụt như kẻ trộm. Các cụ ở quê , bà hầu không chút oán, mắng chửi thế nào bà cũng cam. Cơ mà bà chị chồng ở chung lạ lắm. Cứ hễ tối là kêu ông ra gian nhà giữa, giáo huấn điều chi không biết, đến tận 2, 3 giờ sáng mới tha cho ông được về phòng. Lúc bà nghén bầu thằng Hai, mua cho vợ quả chuối để ăn, ông cũng len la lén lút giấu vào túi áo ba-đờ-xuy, sợ mụ chị trông thấy thì thế nào bà cũng bị đay nghiến cả ngày. Lắm hôm bà giận ông nhu nhược quá, hiền chi mà hiền đến tội, chẳng bảo vệ nỗi cho vợ con mình. Còn bà, có hiền lành gì cho cam. Ra chợ đứa nào động tới bà, bà úp cả nồi vô mặt nó đấy chớ. Vậy mà, thương ông, là vợ ông, thôi thì nhịn hết cho trong ấm ngoài êm. Lọt sàng xuống nia chứ có mất mát đi đâu. Bà không muốn ông khó xử. Thiệt thòi chi bà cũng ôm hết vào người. Đàn bà là vậy. Có chồng rồi làm gì cũng nghĩ cho chồng, cho con. chồng con đẹp mặt thì mình cũng được thơm lây vậy mà ....
Bà chống gậy lần dò ra trước sân. Mớ lá lốt sau mấy trận mưa xanh bóng, nhìn đến ngon mắt. Cái này mà cuộn mớ mỡ chày, chút thịt bò , nướng lên thì... ngon phải biết. Bình thường, bịnh người ta ăn không nỗi, ăn chi cũng đắng miệng, nhạt nhẽo, chẳng thèm . Cơ mà, bà thèm, thèm lạ thèm lùng tô hủ tiếu Phước Hưng ngoài chợ. Bao lâu rồi bà không được ăn nó, dù chợ có xa xôi gì đâu. Một tô những ba chục ngàn đồng, chừng ấy tiền, bà đi chợ được cả ngày ấy chứ. Già rồi, làm không ra tiền nữa, con cháu nó cho bao nhiêu, thì ráng mà gói ghém , tằn tiện xài bấy nhiêu. Nghĩ tới đây, bà ngồi thừ ra, đánh tiếng thở dài . Ngày ngày cứ lũi thủi vào ra , chẳng biết nói chuyện cùng ai. Cô con gái ở chung thì hơn năm mươi tuổi đầu cứ khờ khạo như đứa trẻ, có nói gì nó cũng chả hiểu. Mấy đứa khôn lanh ,đủ lông đủ cánh, bay cao, bay xa cả rồi. Mấy khi còn nhớ. Bà không dám trách con, nhưng, mỗi lần nghe chuông điện thoại reo, bà mừng đến luýnh qua luýnh quýnh . Cứ nghĩ có đứa nào nó gọi hỏi thăm má nó một câu, hay kể gì cho bà nghe cũng được. Vậy mà , toàn là bà con ở đâu đâu nay mời ăn giỗ, mốt nhắc đám tiệc ở ngoài đồng... Bà nghe mà ...cười méo xệch. Ờ, người ta có nghĩ tới mình, người ta mới mời. Nhưng mà, tiền ăn còn không có, lấy đâu ra tiền đi đám cho phải quấy với người ta. Thiệt là khổ. Ai cũng bảo bà có phước, có con ở Sài Gòn giàu sụ, gởi tiền tha hồ mà tiêu. Ai nói chi, bà cũng cười. Xấu con mình, mình làm mẹ, có gì vui ? Đang ăn mâm cơm, thấy có khách, bà vội kêu con Sáu nó lấy lồng bàn đậy lại, sợ hàng xóm người ta thấy. Có gì đâu ? Ngày nào cũng mua mớ cá vụn ngoài chợ, kho đi kho lại để dành ăn. Đến ăn sáng cũng chỉ dám mua vài nghìn bún không về mẹ con làm tí nước mắm chan nuốt cho trôi vậy. Không ăn thế , lấy tiền đâu đóng tiền điện, trả tiền điện thoại... Mấy lần bà muốn cắt điện thoại đi cho đỡ tốn thì lại sợ, sợ nửa đêm nửa hôm bà có gì, lấy chi mà gọi cho tụi nhỏ. Con nó cho mỗi tháng vài trăm nghìn, ờ, cho nhiêu thì bà nhận bấy nhiêu, có dám chê ít nhiều gì đâu. Vậy mà, tháng có, tháng không. Có khi, ba bốn tháng trời chẳng thấy. Thằng Hai nó nghĩ có con Ba, con Ba thì lại tin vào con tư, con Tám... cứ vậy mà chẳng có đứa nào gởi về một xu nào cả. Ông bà nói " một mẹ nuôi nỗi mười con, chớ mười con không lo nỗi cho một mẹ " , ngẫm chẳng sai chút nào. Mấy hôm rồi bịnh quá, bà thiệt lòng không muốn gọi cho con, sợ tụi nó mất công ăn việc làm. Nhưng mà, tiền một đồng không có , vay ai mượn ai rồi cũng phải trả, mà lấy chi để trả. Thôi thì, cắn răng mà gọi cho tụi nó, dù sao cũng con mình chớ ai. Có gì đâu mà mắc cỡ hay ngại ngùng gì. Bà tự an ủi mình như thế. Và bà trông chúng nó về. Trông lắm.
- Má ơi ! Út nó dìa nè !
Tiếng con Sáu reo lanh lảnh, mừng như trúng số, lon ton ra mở cổng, ríu ra ríu rít. Đợi từ qua nay, giờ xế bóng rồi mới thấy, nên nó mừng vậy đó. Thiệt tình, cái con này, dặn nó hoài mà nó có nhớ gì đâu. Biết là trông, cũng đừng la làng la xóm như vậy chớ. Bà vịn mép ván, ngồi dậy. Vợ chồng con Út sà ngay cạnh bà, cười toe toét :
- Thưa má con mới dìa. Ui ! má bị sao vậy ? Tụi con nghe mà lo quá chừng. Tranh thủ chạy dìa coi má sao liền nè. Má đi khám chưa? Có ăn uống gì được không má?...
Con Út huyên thuyên không kịp nghỉ, vừa hỏi thăm, tay vừa bóp chân cho bà, vừa giục chồng đem sữa biếu má ngoài xe vào. Nghe bà kể đêm qua lên máu liên tục, con Út cứ suýt xoa mãi, cứ bảo bà sao không vào bịnh viện cho an tâm, ở nhà lỡ có gì thì sao . Bà chưa kịp nói gì, con Sáu đã nhảy tọt vào :
- Má hết tiền rồi mấy tháng nay rồi , má chờ mày dìa đó.
Con Út nguýt con Sáu một cái, cười ha hả :
- Bà này, toàn chọt tui không . Má giàu muốn chết, vàng lận cả cây á.
Nói xong, Út nũng nịu nằm xuống cạnh bà, bà run run ôm con , xoa xoa hai vai nó như hồi nó còn bé tí, miệng móm mém mắng yêu :
- Thằng cha mày ! Cây củi thì có. Tụi bây làm ăn sao rồi mà...
Bà chưa hết lời, con Út đã tuôn một tràng dài than thở . Nào hàng họ không có mà làm , ế ẩm quá, nuôi đám thợ mấy chục đứa trong nhà , một ngày tốn biết là bao nhiêu tiền , rồi con cái học hành... Ôi ! Nghe con kể, mà bà im thin thít, chẳng thể mở miệng nói điều cần nói, lòng rười rượi. Con nó khổ vậy, không giúp gì cho nó, còn phiền nó như vậy, bà... Bà lửng lơ suy nghĩ, không biết phải nói gì, cũng không biết mở lời thế nào, nên giả lãng bảo con Sáu dọn cơm cho vợ chồng Út ăn. Con Sáu đứng tần ngần, mặt nghệch đi :
- Ủa má ! Dọn vậy luôn hả má ?
Con Út ngồi dậy, với tay buộc lại mớ tóc nhuộm vàng óng, ngáp một cái rõ to, rồi nói :
- Thôi, vợ chồng con không ăn đâu. Chạy dìa thăm má rồi lo mà chạy lên lại, để tụi nó trên ấy, mình không coi, tụi nó làm không ra hàng, toàn lo nhiều chuyện, chẳng kịp hàng giao người ta....
Vậy đó. Râm ran dặn dò, í ới vậy đó . Rồi đi. Nhìn cái xe khuất sau ngõ, bà nghèn nghẹn nơi ngực, cổ họng ứ lại. Con nó có hiếu vậy mà, khóc gì mà khóc. Khối người con nó bỏ bù lăn bù lóc, cơm chả có ăn nữa . Bà được vậy là phúc lắm rồi mới phải chứ. Tiền thôi mà ! Vài trăm nghìn thôi mà ! Sao lại nặng trĩu thế này ? Bà kéo vạt áo, lau đôi mắt kèm nhem nhòa nhòa, gọi con Sáu :
- Mày lấy hộp sữa hồi nãy con Út nó cho, mày mang ra con Lan ngoài chợ coi nó mua lại được bao nhiêu, thì bán rồi mang tiền dìa cho tao nghen.
Giọng bà ngắc ngứ, chùng chùng . Con Sáu nhìn bà có vẻ không hiểu lắm. Bà nói :
- Bán đi, lấy tiền mà 2 mẹ con ăn. Chớ uống sữa , thì lấy gì mà no ...
Con Sáu không hỏi gì thêm. Bà sai đâu thì nó làm đấy thôi, có biết gì mà ý kiến.
Sáu dẫn cái xe đạp cọc cạch, ì ạch đạp đi dưới cái nắng chiều hăng hắt. Bà dõi mắt nhìn ra hàng ba. Trời nghiêng nghiêng nằng nặng. Cây khế lặng im cúi đầu mặc cho nắng chiều thì nhau luồn qua nách lá chọc ngoáy. Bà chầm chậm quay vào nhà, lại bàn thờ ông, giơ đôi tay gầy teo, đồi mồi chi chít , vuốt vuốt khuôn hình . Ông nhìn bà cười, nụ cười rộng mở chứa chan chi lạ. Bà rưng rức :
- Sao ông không dìa mà rước tui đi ? Bộ ông không nhớ tui hả ? Sống lâu chi cho thêm tội tui , khổ con, khổ cháu dữ vậy nè...
Ông vẫn cười. Hiền hiền. Thương thương. Nụ cười vương vương gian nhà thấp lè tè, quyện mùi hương trầm trầm thoang thoảng. Loang đi trong màu nắng cuối ngày nhạt thếch.