Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

Nhón tay hái đọt choại rừng



" Nhón tay hái đọt choại rừng
Thương nhau đứt ruột xin đừng phụ nhau " 
Ca dao made in... Tám Tàng. Hé hé 


Người con xứ nào cũng vậy, dù đi ngược về xuôi, mỗi lần nhắc chuyện quê nhà, lòng ai cũng chợt chùng lại. Góc quê trong lòng mỗi người mỗi khác, riêng tôi, cứ mặc định quê mình là cả dãy đất chín nhánh phù sa trừu phú. Là nơi có con sông man man dặt dìu màu điên điển khi mùa nước tràn bờ; nơi những cánh đồng ngập mặn loang phèn vàng ố bám chặt vào gót chân rửa mấy cũng không hết nỗi. Là nơi  từng nụ cười, từng tiếng í ới gọi nhau, từng nhành cây, ngọn cỏ... đều nghe thiệt thà đến tội. Miền Tây quê tôi đó. Không là rượu, cũng chẳng gợi tình gì, nhưng vẫn làm tôi say đến nỗi, như sáng nay, cầm mới đọt rau choại vừa mua, là cả miền thương nhớ rặc ri mùi phèn cứ kéo nhau về ồn ả. Lạ đời chưa ! 

Vẫn biết loại rau này chẳng lạ lùng gì, và bất cứ miền quê nào trên mảnh đất hình chữ S này, đều có. Nhưng tôi vẫn ưu ái xem nó như một phần của miền Tây tôi vậy. 

Rau choại - người ta thường gọi chệch đi là đọt chạy ( tôi không hiểu vì sao lại có cái tên chẳng giống ai này ),mọc quanh năm không theo mùa vụ nào. Tuy nhiên, chỉ khi mùa nước tràn bờ, mớ rau choại này mới trở nên non mướt một cách không cưỡng nỗi. Sức sống mãnh liệt đến độ mới hôm qua người ta ngắt ngang đọt, qua hôm sau, cơ man nào là đọt lại xanh non đến phát thèm. Hồi tôi còn bé ở quê, mỗi lần nội tôi xào đọt choại cho ăn, tôi thường len lén mang ra đìa sau hè bỏ sạch. Cứ đòi ăn thịt cơ. Con nít mà, chẳng mấy đứa chịu ăn rau đâu. Ấy vậy mà, khi tóc ngót nghét dăm sợi bạc, lại mon men tìm mua lại kỷ niệm xa lắc qua mớ rau choại bé tí này. 

Nhớ ngày đó, nhà nội tôi nghèo lắm. Cả ngày bám chợ nội tôi cũng không đủ nuôi đàn cháu nheo nhóc đang tuổi ăn tuổi lớn. Lắm hôm vẫn ăn cơm độn khoai. Nội ứa nước mắt bất lực, trong khi lũ nhóc bọn tôi lại tranh nhau miếng khoai ngọt lẫn trong cơm để ăn.  Với tôi khi ấy, có lẽ, không gì vui hơn là được ăn ngon cả. Còn nhớ  có lần nhìn con Tiên bên nhà bà Tư sát vách ngồi ăn tô hủ tiếu, con oắt tôi cứ đứng ngây người ra  không chớp mắt. Đến nỗi nội tôi giận quá, lôi vào nhà, tẩn cho một trận cái tội... ngó miệng người ta. Nội đánh tôi, mà nội khóc. Rồi sáng hôm sau, nội mua 1 tô hủ tiếu về nhà. Bọn trẻ nhà tôi khi ấy những 4 đứa, mỗi đứa một đũa lùa từng cọng hủ tiếu trong thòm thèm, húp đến cạn sạch nước trong tô mà vẫn còn tiên tiếc. Tôi còn nhớ khi đó, lúc bưng tô ra sàn nước dẹp, tôi thấy ông bà nội ngồi ăn cơm nguội, dĩa rau choại luộc, chén nước mắm trong dầm ớt. Nội hỏi tôi ăn hủ tiếu có ngon không. Tôi cười híp mắt. Cười mà không hề thấy nội tôi đang rưng rưng. Cười mà không hề thấy nội kéo vạt áo lau vội đôi mắt nhòe nhoẹt. Bữa sáng của nội tôi chỉ có thế. Suốt những năm chạy chợ nội tôi đều như thế. Ai cũng nói miền Tây quê tôi giàu có, kiếm cái ăn nó dễ lắm. Cứ ra bương ra rạch, đặt lờ đặt vó, chiều chiều cất vó là có mớ cá mớ tôm về ăn; cứ lang thang ra ruộng là hái cơ man nào đọt nhãn lồng, đọt choại, hứng chí làm  chút mắm kho, vậy thôi là có ngay bữa cơm ngon mà không cao lương mỹ vị nào sánh nỗi. Ừ, tôi vẫn biết thế. Nhưng có những chiều chờ nội gỡ lờ, cá chỉ lèo tèo vài con bé tí, toàn những quả bần rửa nát trôi sông; có những ngày mưa tầm tả, nội ngồi ngoài chợ vắng teo với nồi cháo to đùng còn đầy mà mặt buồn hơn bất cứ nỗi buồn nào gom lại ; có những sớm theo nội vạch bụi rẽ bờ nhặt mớ đọt choại về ăn, mặc cho muỗi con nào con nấy to như con trâu chích sưng cả bắp tay, cẳng chân non nớt ... Có những ngày như thế mới thấy miền Tây quê tôi ...giàu thật. Giàu sự lạc quan, giàu cái gọi là niềm tin rằng ngày mai này sẽ khác. Nội tôi vẫn cười ha hả khi xem tuồng mặc cho ngày mai có bán ế cả nồi nhà phải ăn cháo trừ cơm đi chăng nữa. Như sáng nay, khi bỏ mớ rau choại còn ướt hơi sương vào túi nilon cho tôi, chị cười - một nụ cười đầy màu nắng :" bán rẻ hết cho cô tui dìa lẹ đi họp phụ huynh cho thằng con ". Nhà chị nghèo lắm. Chị rời miền Tây, mon men sống khu ngoại thành Bình Chánh. Ngày xưa, lúc tôi ở quê, rau này chỉ có đám nghèo như gia đình tôi mới phải ăn thôi. Ngày nay, đọt choại nằm chễm chệ trên thực đơn của các nhà hàng với cái giá không hề rẻ. Một bó nho nhỏ vừa tay nắm của tôi bán ở chợ giá khoảng 10.000 đồng/ bó, vào đến nhà hàng, hơn 100.000 đồng cho dĩa rau choai lèo tèo vài đũa. Nó đắt vì nó... dân dã chưa có bàn tay công nghệ mò vào. Người ta thổi cho nó bao la dược tính tốt đẹp. Cũng nhờ thế mà tạo được thêm công ăn việc làm cho biết bao người. Những người như chị dậy từ gà chưa kịp gáy sáng, băng băng trong bưng, trong điền, tìm hái đọt choại. Thứ cây nhà nghèo nên đến chỗ mọc cũng chỉ dám chen chúc rúc sâu trong vùng bưng trũng. Nhìn bàn tay thô sần của chị, nhìn manh áo bạc màu của chị, nghe chị kể cả ngày đi hái đọt choại bán cũng được cả trăm nghìn,  có khi vô mánh, được vài trăm nghìn luôn cơ, lo cho gia đình gói ghém tằn tiện cũng đủ.  Mùa này còn đỡ, chứ mùa khô, đọt choại lấy đâu ra nhiều cho mà hái. Tôi hỏi chị không ngại rắn rít nguy hiểm sao. Chị cười ha hả, một nụ cười rất miền Tây hào sảng :" Ôi, sống chết có số lo gì cô ơi. Hái có tiền, không hái lấy tiền đâu mà ăn ?" Nghe mà thương đứt ruột. Nghèo vậy, nhưng chị vẫn cho con đến trường, mong một ngày con mình sẽ ngẩng cao đầu với đời mà không phải cúi lưng xẻ rừng dọc ruộng tìm mót thứ rau trời này. 

Tôi nhặt đọt choại, chưa ăn đã nghe mùi cơm trắng dẻo thơm, nghe vị mặn mòi đậm đà của món cá kho vàng nâu sóng sánh, chấm mớ đọt choại luộc xanh ngăn ngắt giòn giòn sừn sựt quyện ngay trên đầu lưỡi, tan dần trong khoang miệng mà nghe thấm thía tận cùng thứ hương vị quê nhà. Rất nhiều món được làm từ món rau này, hết xào tôm thịt, trộn gỏi..  đến chấm lẩu mắm kho.. Tuy nhiên, tôi vẫn thích cái vị nguyên thủy của món rau này khi luộc chấm với cá đồng kho tộ, hay đơn giản hơn, chút nước tương dầm ớt tươi cay cay cũng đủ làm dịu cơn đói của đứa thèm ăn như tôi rồi. Chẳng cần cầu kỳ chi cả. Như cái tình miền Tây xứ tôi. Dù không hoa mỹ, không nắn nót ngọt ngào câu yêu nhớ, nhưng đã không thương thì thôi, đã thương thì " dẫu anh nghèo áo rách vai. Thương anh em lại về may cho lành". 

Tháng mười dần cạn ngoài hiên. Mai thôi là con nắng cũng thật hiền. Là con nước nơi quê tôi sẽ không còn tràn bờ mang theo màu điên điên vàng rượm bao giấc mơ của những người con xa xứ. Là cá linh lại đầy ăm ấp trong lu, trong khạp chờ ủ đón mùa sau lũ lại về. 
Và... sẽ thôi những đọt choại xanh um vươn mình chờ tay người đến hái. Và...những người như chị, sẽ dậy sớm hơn một chút, đi xa hơn một chút, vào sâu hơn một chút... để tìm hái mớ rau này về cho kịp buổi chợ mai. Những ngón tay cùn cùn sẽ lại xót hơn bởi ...tiền đâu dễ kiếm. Lại chợt bài lai nghe nhơ nhớ câu hát mà ...chưa một lần nào tôi kịp hát cho người tôi thương nghe cả. Vậy mà... mùa đã vội tan theo con nước trước nhà. 

" Rủ nhau lên đất bảy làng
Hái rau choại chột, nhổ bàng về đương
Choại chột thì chấm nước tương
Bàng thì đương nóp người thương tôi nằm

Chợt ....nhớ mùi phèn chi mà đến lạ vậy trời ?!!!

Vào rừng, hay vùng bưng, trũng  hái đọt choại . 

bó rau lại thành từng bó nhỏ 

Chia đọt choại ra từng bó nhỏ xíu xiu vừa tay nắm để tiện bán

Zoom cận cảnh 

Một cảnh quen thuộc thường thấy dọc đường về miền Tây. 

Món gỏi rau choại

Rau choại xào tỏi ăn cực ngon. Ai giàu có thì bỏ thịt bò vô xào cho thêm phần bổ béo. Hí hí 


Rau choại luộc đây. Ngon - bổ - rẻ đây !