Lá lành đùm lá rách - vẫn còn đó chút tình người... |
Trời hắt hắt những tia nắng cuối cùng còn sót lại khiến phố trở nên hẹp hơn . Nhất là ở cãi ngõ chợ chồm hổm này. Gọi chồm hổm vì làm gì có sạp mà ngồi, chỉ có những rổ, những rá, những cái mẹt con con bày la liệt dọc hai bên ngõ. Đi ngang ngõ mà cứ sợ, sợ chẳng may va phải cô nào trúng nhầm chổ hiểm thì chỉ có nước chuẩn bị tinh thần ăn đạn. Khổ vậy đó, mà ngày nào hắn cũng phải hai lượt đi về ngang ngõ .
Chiều nay hơi buồn, hắn lếch ra quán cà phê bà Tám ở gần chợ hóng hớt. Quái, cái bà Tám này chỉ được cái phì nhiêu màu mỡ, cười mà mắt cứ dịp lại khiến hắn nhiều phen lên huyết áp, chứ nói thật, cà phê của bả thì...ngang ngửa với nước màu kho thịt của bà nội hắn. Đen thui, chả ra làm sao, bọt thì cứ đầy ra như Omo í. Ngồi vừa nghe Tám cười ha hả , hắn vừa ngó bâng quơ ra khu chợ. Cũng chưa quá một tầm mắt.
Cuối năm, ngõ vốn nhỏ, càng trở nên chật chội hơn. Các bà đi chợ thì cứ đủng đỉnh, dung dăng dung dẻ, chả nhìn thấy ai, ngoài những xanh đỏ tím vàng treo lủng la lủng lẳng. Mắt đắm đuối. Nhiều khi hắn ước hắn biến thành mấy cái vớ vẩn vô hồn ấy, để ít ra có người phụ nữ nào chịu ngó đến hắn. Gần 40 tuổi đầu, chưa có một mái ấm thật sự, ai tin, nhất là với hắn - người cái gì cũng có , chỉ có vợ là chưa. Thậm chí có kẻ ác mồm tung tin hắn là gay nữa chứ. Chả sao, hắn ít quan tâm tới mấy cái tin đồn hành lang ấy. Chẳng có ai dám nói trước mặt hắn, nếu nói, hắn sẽ...khóa môi chứ chẳng chơi.
Chợt, có tiếng cãi nhau, mà hình như đúng hơn là chỉ của một người đang độc diễn.Một người phụ nữ cũng ngoài 50, sang trọng đúng chuẩn.
hình ảnh thường thấy của một ngôi chợ tự phát - hay còn gọi là chợ chồm hổm. |
Nhà mặt tiền gần chợ , dù là chồm hổm nhưng nó vẫn là chợ, nên tính ra bà ta cũng thuộc hàng khá giả. Cứ nhìn vào đôi tay múp míp đỏ chóe cộng với gương mặt bự phấn là đủ để đoán bà ta như thế nào. Nhưng cái hay ở chỗ là trên cổ bà ta tòng teng xâu chuỗi có gắn hình Phật Bà Quan Âm. Và ngay lúc đang sa sả hát bài ca không ai muốn nghe, bà ta mặc bồ đồ màu đà , giống như quần áo của nội hắn hay mặc lên chùa. Hắn bắt đầu chăm chú.
Người đàn ông gầy quắc, đang cố giơ mấy ngón tay mốc meo xếp xếp lại chỗ bông vạn thọ vừa bày ra. Có vẻ như hoa từ vườn nhà mang ra chợ tranh thủ bán được chút nào hay chút ấy. Chắc đây là lần đầu tiên nên ông không biết, cứ thấy có chỗ trống là xán lại, vô tư bày hàng ra. Khổ vậy đó, dân ở vườn cứ thật như thế, chả nhìn trước ngó sau coi địa hình địa vật chi hết. Và ông không biết là sau cái tường rào kia là ngôi nhà 4 tầng, khác lạ với cái ọp ẹp ở nhà ông nhiều, nhiều lắm.
- Tường nhà người ta mà cứ ngồi bừa ra như thế, ăn ở không ra giống gì .Bán thì ngồi ra chỗ khác, chỗ này chả phải chợ.
Người đàn ông cười xuề xòa, tay quơ quơ mấy cọng dây ni-lon để cột bông một cách vô thức :
- Chị cho tui ngồi ở đây bán đỡ, chứ giờ xích ra, tui biết xích đâu. tui ngồi ở ngoài này mà.
Vẫn một gương mặt lạnh tanh :
- Nói hổng hiểu hả ? Nhà tui, trước cửa nhà tui, tui tráng xi-măng cho sạch, đâu phải thỉnh mấy người tới bu đầy như vầy. Dẹp chỗ khác đi, không tui quét ráng chịu .
Nói đoạn, bà ta vào nhà, lôi đâu ra cây chổi chắc cũng...sạch hơn bộ quần áo người đàn ông đang mặc, quét mù mịt. Ai nấy xôn xao, luống cuống bịt mũi. Người đàn ông lật đật gom mớ hoa, hắn nhìn sơ chắc cũng gần 20 bó, lẩm nhẩm cũng hơn trăm nghìn. Rồi ông cột rổ hoa sau yên xe đạp, đẩy một cách chậm chạp đầy luyến tiếc: chỗ trống thế cơ mà !
Gương mặt ông vặt vẹo, rúm ró bởi cái tủi nhục đang chực nghẹn nơi cổ mà không nói được. Ông lầm lũi đi. Có tiếng gọi :
- Thôi, ông để đây nè, ngồi đây bán nè.
Cô hàng rau vừa gom lại mấy rổ rau cho gọn, cố sắp cho ông một chỗ vửa đủ trải cái bao cũ kỹ, cô cười toe toét:
- Ông để hàng đây nè, chứ đẩy vô đó bán ai. Tui ngồi chật chút, cho đông nó vui.
Mấy chị xung quanh, người hùn vô một nụ cười an ủi. Người đàn ông cười, mắt lấp lánh niềm hạnh phúc con con...
Người đàn bà ban nãy đã vào nhà, cổng đã khép.
Chợ tiếp tục lao xao bởi những câu chào mời đon đả.
Hắn nghe có tiếng mõ vang đều , vang đều... Bất giác hắn mỉm cười, ngước nhìn trời, mới hay, trời cũng có mắt chứ !