Bãi biển Tân Thành - hồi xưa, tôi có may mắn được đi cào nghêu một lần, được leo lên cái chòi canh xa xa kia, ngó biển mênh mông, lồng lộng, được mưa đá ở biển đánh rát cả mặt ... Cảm giác thật Yomost
Hồi còn bé, hai từ " quê hương " đối với tôi là một cái gì đó ...rất thơ. Nó đẹp lắm. Ừ, không đẹp sao được khi mỗi trưa hè gió lộng , tôi hay trèo lên bờ hồ bên hông nhà nằm ...ngủ. Mát ơi là mát .À, không phải hồ tự nhiên mênh mông chi đâu, chỉ là cái hồ nội tôi xây từ cái thời xa lắc lơ nào đó để dành chứa nước mưa dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Quê tôi gần biển, nước mặn, lắm phèn, đến cái gió, cái nắng cũng ran rát, hăng hăng. Ngày ấy quê tôi chưa có nước máy vào tận ngõ như bây giờ . Nên nhà nào trong xóm cũng xây cái hồ to đùng để dành hứng nước mưa mỗi khi mùa mưa tới, rồi chiu chắt từ giọt xài cho ...cả một năm đợi mùa mưa sau. Sát hồ nhà nội tôi , có một cây ổi, trái không nhiều lắm, nhưng chao ôi, nó to, da căng bóng, nhìn thôi đã ...thèm sinh lòng đạo tặc mà ...hái liền thôi. Đấy, trưa nào tôi cũng ôm gối, nằm trên hồ, ngủ dưới tàn ổi xanh rì rì. Nhắm mắt lại, tưởng tượng đủ thứ. Giấc mơ ngày ấy của tôi cũng chẳng nhiều nhặn gì, quanh đi quoảnh lại cũng ...mỗi dòng sông đầy sữa tươi , tôi nằm trên lát bánh mì khổng lồ trôi đi . Dòng sông ấy mang tôi đi qua vương quốc mật ong, bánh ngọt, rồi cả cơ man nào nấm đủ sắc màu chen chúc xòe tay....Bầu trời xanh, mặt đất xanh ... Tôi cứ thế mà mơ giấc mơ cổ tích xanh ngăn ngắt.
Rồi không hiểu từ bao giờ, tôi cứ hay lảm nhảm mấy câu :
" Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông
....
Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
là hương hoa đồng cỏ nội
bay trong giấc ngủ đêm hè
Quê hương là vòng tay ấm
con nằm ngủ giữa đêm mưa
quê hương là đêm trăng tỏ
hoa cau rụng trắng ngoài thềm
.......... "
Tôi thương lắm bài thơ trong vắt này . Dù ngõ nhà tôi ngày ấy không có hương cau ngan ngát, cũng chẳng có chiếc cầu tre nào, lại càng không thấy nỗi con đò nhỏ, và làm gì có vòng tay ấm nào ngoài mỗi thằng tôi ốm teo co ro trong cái chăn sờn bạc cả lên lạnh run mỗi khi nghe mưa ầm ĩ vỗ rát mái tole mà ...sợ ma gần chết đi được. Nhưng tôi vẫn cứ yêu quê mình với những hình ảnh mặc nhiên như thế. Tôi không biết hương cau ngan ngát thế nào, nhưng, mỗi khi đêm xuống, cái ngõ nhỏ nhà tôi khi ấy lại ngào ngạt hương dạ lý . Nhà ông Bảy đầu ngõ trồng hoa này phủ xanh kín cả cổng nhà ông. Cái mùi hương thanh khiết chi lạ, đợi đêm về len lén quấn vào bước chân người qua, kẻ lại đến nao lòng. Tôi mê đến nỗi, dù nội tối rất dữ, cấm không cho ra khỏi nhà vào ban đêm, dù rất sợ ma, ngõ lại tối om chẳng có một ánh đèn đường, tôi vẫn trèo rào trốn ra ngoài, lò dò bước thấp bước cao hái trộm bông mang về ép vào vở . Quên cả sợ ma. Quên cả việc bị nội phát hiện là sẽ bị đòn ngay. Giờ nhớ lại, thi thoảng cười tủm tỉm. Ờ hén ! Cũng có lúc tôi cũng liều dễ sợ . Giờ ông Bảy mất cũng đã lâu . Con cháu ông đốn sạch cây rồi. Mỗi lần có dịp về quê, tối tối ra hàng ba ngồi , tôi chợt nghe nhớ, nhớ cái hương dạ lý ngày ấy... Mà có tìm lại được đâu...
Hồi bé, không hiểu sao trưa tui chẳng chịu ngủ trưa, tôi cứ lén nội ra sau cái ao nhỏ sau hè , sục sạo tìm trái bình bát chín , thứ cây mọc rất nhiều ven ao, ven sông, kênh, rạch ... ở quê tôi thưở ấy. Trái hườm hườm chưa chín hẳn thì cho vào khạp gạo để ủ, trái chín thì...ui chao, quậy đá đường ăn liền. Mà để có được những viên đá mát lạnh ấy, phải đi bộ cả hơn 10 phút ra ngoài ngã tư mua mới có. Lắm hôm, đi tới nơi, người ta bán hết đá rồi, lại lon ton chạy về, tiếc hùi hụi . Giờ thì... chắc cũng gần hai chục năm rồi, tôi chưa được ăn lại cái vị dân dã ấy. Chợt nghe cái lưỡi ...thèm thèm chi chi ấy. Nhắc tới ăn, tâm hồn ăn uống của tôi nó cứ dậy sóng cả lên. Ờ hén , nhớ ngày ấy, cứ mỗi trưa, có cô gánh gánh tàu hủ, bánh lọt, cất tiếng rao lanh lảnh " Ai tàu hủ bánh lọt không .... ". Ôi ! Cái tiếng rao chi mà rao chưa dứt câu , tôi đã thèm đến chảy cả nước bọt. Rồi thì ba bốn đứa trẻ con trong nhà, xúm xích vây quanh cái gánh, thòm thèm nhìn cái muỗng trèn trẹt tí hon cắm trong cái chén bé xíu, sóng sánh nước đường mật, thơm mùi gừng, dậy mùi cốt dừa beo béo... Giờ nhắm mắt lại, như nghe cả tiếng rao bánh còng, bánh cam, tiếng leng keng của xe cà rem.... Như chạm vào được cả đấy chứ ! Nhớ lần về quê thăm nội gần đây nhất, vừa nhìn thấy mâm bánh còng, bán cam tứa mật vàng ươm , y như ngày xưa, không giống như ở Sài Gòn , tôi mua ngay hai chục cái. Mang về nhà, nội hỏi tôi : " Mày mập ú , còn ăn ngọt cho cố, ăn cho thành heo hả con ? ". Tôi cười toe toét. Ừ, thành con gì cũng được, miễn nghe cái vị mật ngòn ngọt của đường ngào rin rít kẽ răng... Chao ôi ! Nhớ ngày xưa quá đi mất !
Nội tôi giờ đã già rồi, tóc trắng cả rồi, mắt cũng mờ rồi, xem tivi không còn thấy hình ảnh rõ ràng nữa, cầm chén cơm thôi tay cũng đã run run... Rồi một ngày , một ngày nào đó, con ngõ nơi tôi lớn lên, sẽ không còn dáng nội mỗi chiều ra chỗ cây khế ngồi ngó trời ngó đất. Tôi biết điều ấy sẽ đến. Hồi nhỏ, nội đánh, nội mắng, nội chửi ... tôi hay giận nội, hay lủi ra sau hè ngồi khóc, hay nghĩ nội chẳng thương tôi, hay tự ti rằng vì tôi có cha có mẹ cũng như không... Giờ mỗi lần về thăm nội, nằm cạnh nội, rúc người vào lòng nội, cầm bàn tay nhăn nheo, chi chít đồi mồi, xương xương của nội, nhìn đôi mắt mờ đục ... tôi chỉ sợ, sợ một ngày nội bỏ tôi nội đi . Con chim dù đủ lông đủ cánh để bay đi thật xa, thật cao, vẫn mong có gốc cây già đợi mình đâu đó quay về trú bão. Tôi cũng vậy thôi mà....
Tôi không biết quê hương đẹp làm sao, thơ thế nào. Chỉ biết, với tôi, quê hương mang hình dáng của nội , mang lời nói của nội, mang cả bao câu chuyện buồn vui của nội... Và nội tôi thì...chẳng bao giờ cất một lời à ơi nào ru tôi cả. Nội tôi có biết hát hò gì đâu . Tôi chỉ nhớ, khi tôi biết đọc chữ, biết viết vài câu tả trời mây non nước, nội đã đưa cho tôi quyển " Ca dao dân ca Việt Nam " dày cộm, ngả vàng ố cả rồi. Nghe nội nói nó có từ thời ông cố tôi đấy. Tôi lật mãi những bức ảnh trắng đen chụp mờ mờ trong ấy , mà mê lắm , hý hoái lấy bút chì ra ...quò què quọt quẹt vẽ lại, cũng ư ư hát...dù chả biết có đúng điệu hay không . Hát gì nhỉ ? Hình như là :
" Chàng đi thiếp cũng xin theo
Cùng làm cùng hưởng , giàu nghèo có nhau ..."
Quê tôi đó, nội tôi đó, ngõ nhà tôi đó. Tình như vậy đó...
Nội tôi giờ đã già rồi, tóc trắng cả rồi, mắt cũng mờ rồi, xem tivi không còn thấy hình ảnh rõ ràng nữa, cầm chén cơm thôi tay cũng đã run run... Rồi một ngày , một ngày nào đó, con ngõ nơi tôi lớn lên, sẽ không còn dáng nội mỗi chiều ra chỗ cây khế ngồi ngó trời ngó đất. Tôi biết điều ấy sẽ đến. Hồi nhỏ, nội đánh, nội mắng, nội chửi ... tôi hay giận nội, hay lủi ra sau hè ngồi khóc, hay nghĩ nội chẳng thương tôi, hay tự ti rằng vì tôi có cha có mẹ cũng như không... Giờ mỗi lần về thăm nội, nằm cạnh nội, rúc người vào lòng nội, cầm bàn tay nhăn nheo, chi chít đồi mồi, xương xương của nội, nhìn đôi mắt mờ đục ... tôi chỉ sợ, sợ một ngày nội bỏ tôi nội đi . Con chim dù đủ lông đủ cánh để bay đi thật xa, thật cao, vẫn mong có gốc cây già đợi mình đâu đó quay về trú bão. Tôi cũng vậy thôi mà....
Tôi không biết quê hương đẹp làm sao, thơ thế nào. Chỉ biết, với tôi, quê hương mang hình dáng của nội , mang lời nói của nội, mang cả bao câu chuyện buồn vui của nội... Và nội tôi thì...chẳng bao giờ cất một lời à ơi nào ru tôi cả. Nội tôi có biết hát hò gì đâu . Tôi chỉ nhớ, khi tôi biết đọc chữ, biết viết vài câu tả trời mây non nước, nội đã đưa cho tôi quyển " Ca dao dân ca Việt Nam " dày cộm, ngả vàng ố cả rồi. Nghe nội nói nó có từ thời ông cố tôi đấy. Tôi lật mãi những bức ảnh trắng đen chụp mờ mờ trong ấy , mà mê lắm , hý hoái lấy bút chì ra ...quò què quọt quẹt vẽ lại, cũng ư ư hát...dù chả biết có đúng điệu hay không . Hát gì nhỉ ? Hình như là :
" Chàng đi thiếp cũng xin theo
Cùng làm cùng hưởng , giàu nghèo có nhau ..."
Quê tôi đó, nội tôi đó, ngõ nhà tôi đó. Tình như vậy đó...