Một giọng nói ồm ồm, rền rĩ, đứt quãng làm nó giật bắn người quay lưng lại. Nhìn vào đôi mắt trắng dã trên khuôn quặt đen sạm, nhăn nheo, nó hơi sợ. Cố cười, nó bảo :
- Ông chờ con tí.
Nó dựng cây chổi đang quét sân vào bờ tường, chạy vào nhà mang hộp quẹt ra cho ông. Ông cụ tay run mãi vẫn không sao bật được lửa. Nó vội:
- Ông đưa đây con.
Lửa ngum ngúm trên đầu thuốc. Ông lão cười cười . Nó cầm chổi, chẳng dám quét tiếp vì ông đứng ngay cửa nhà nó, không dám đóng cổng ,e ...mất lịch sự, cũng chẳng dám mời ông vào nhà , vì nó đơn chiếc , với lại, thú thật nhìn ông, nó sợ. Bao suy nghĩ lưỡng lự trong đầu nó. Nó không hỏi, nhưng ông vừa run run bập thuốc, vừa nói :
- Nhà tui đây nè. Tui hồi đó đi lính đó. Tui giàu lắm, toàn đi xe con thôi...
Theo hướng tay ông chỉ, nó nhìn ngồi nhà cấp bốn tềnh toàng có lẽ đã có từ lâu lắm , nằm tẻ nhạt trong khu đất vườn rộng mênh mông. À, thì ra nhà ông Bảy. Nó vừa dọn về đây vài hôm đã nghe kể sơ sơ về gia đình này. Lạ lắm, cái xóm bé tí nơi ngoại ô thế mà lắm chuyện. Ờ, mà hình như ở đây , người ta biết tất tần tật về nhau đó. Chẳng bù cho khu nhà cũ của nó. Bốn mùa cửa im ỉm khóa, nhà bên cạnh trộm dọn sạch đồ, nhà liền kề cũng chẳng hay. Thậm, chí sáng mở mắt ra thấy hàng xóm dựng cổng hoa mới biết sắp có đám cưới. Nó tựa lưng vào cổng nhà, nghe ông Bảy rò rè kể chuyện. Tuổi già vậy đó. Giống nội nó. Toàn nhớ chuyện xưa thôi. Ông kể, kể cái quá khứ chấp vá ẩn hiện trong ký ức. Đôi mắt mờ đục anh ánh niềm vui thời trai trẻ. Giờ nó mới nhìn kỹ ông. Dù lưng đã còng, song, tay chân ông lêu khêu, nó dám chắc, hồi trẻ ông chắc...cao nhất vùng này quá. Ít nhất cũng hơn một mét tám chứ chẳng chơi. Chiếc áo sơ mi sờn cũ , cài hàng cúc xộc xệch, cái quần cọc nhăn nhúm, giật ngược cả gấu, rách đôi chỗ... Dường như, chúng chỉ kịp che những gì cần che, để người ta gọi ...là áo, là quần . Không hiểu sao, nó chợt thấy ...tồi tội, thương thương. Ông nói nhiều lắm, nhưng nó chẳng nhớ gì cả. Nó chỉ chăm chăm nhìn vào gương mặt khô quắc của ông đang ánh lên trong cái nắng chiều giòn giã mà nghĩ tới những câu chuyện nó được nghe kể về ông, về cái gia đình ông đang sống. Lòng nghiêng nghiêng, nằng nặng...
Vợ ông bỏ ông từ khi ông bắt đầu bị lẩn, lúc nhớ lúc quên. Kể ra, bỏ nhau vào cái tuổi thất thập cổ lai hy này thì... cũng bạc. Ăn ở với nhau đến đầu bạc răng long cả rồi, không tình thì cũng nghĩa, chẳng hiểu sao lại bỏ người đầu ấp tay gối lúc họ cần mình. Bà ôm hết tiền về khu Tân Định, mua đâu vài căn mặt tiền cho thuê, rồi ở đấy với 3 người con trai gái đủ đầy, giàu sụ . Ông Bảy ở với mụ Dung - người con gái út vô công rỗi nghề . Thấy mụ chẳng có việc gì làm, cứ lang thang vòi vĩnh xin tiền miết, nên mấy người con kia bảo mụ về ở với ông Bảy, rồi chăm ông lúc tuổi già, hằng tháng, họ gởi tiền về cho mụ. Sài Gòn mênh mông thật. Cái mông mênh ấy đủ để ngăn mọi cuộc thăm viếng. Sài Gòn tiện lợi thật. Cái tiện lợi đến nỗi chỉ cần vài bước chân ra ngân hàng thì vài giờ sau tiền đã tới tay người nhận, cần chi chạy lên, chạy xuống, vừa nắng noi, vừa bụi bặm.... Nhờ vậy mà mụ Dung tha hồ tong tẩy. Tiền bạc rủng rẻng cho mụ đi ngồi sòng cho quên cái đời bạc bẽo, có chồng cũng như không của mụ. Quên luôn cả có người mụ gọi là cha đợi mụ ở nhà về lo cơm nước. Ờ, mà lo gì, nhịn một bữa cũng có chết đâu mụ sợ chi mang tội chứ ! Tiết kiệm cũng được chút ít. Già rồi, ăn chi nhiều, tức bụng. Không khéo còn khó tiêu, sình bụng cũng nên. Nó nghe hàng xóm nói tiền ông bán đất gởi đầy trong ngân hàng, tiền lãi mỗi tháng cũng đủ cả nhà ba bốn miệng ăn sống phủ phê. Tới kỳ lãnh lãi, mụ Dung hớn hở khoát cho ông Bảy cái áo tinh tươm, rồi cha con í ới gọi taxi vào rôm rả, vênh mặt ghê lắm. Nhớ lời kể, rồi nhìn ông, nó chợt thấy...khập khiễng quá. Ai nói con đông, ai bảo giàu có thì cuối đời sung sướng. Nó chả tin. Cứ nhìn bộ dạng ông Bảy lúc này, nếu không biết trước, nó thậm chí còn đoán là ...ông hành khất nào đấy ghé nhà nó xin chút lộc. Khổ thật !
.........................
Trời hưng hửng nắng. Cái nắng gần cuối năm nó dịu dàng đến lạ. Như phả vào mặt cả cái mùi nôn nao ngòn ngọt hương tết vậy. Những mớ mây bông xốp cả ra rượt đuổi nhau trên nền trời xanh ngăn ngắt. Nó nheo mắt, chăm chú nhìn ông Bảy đang ngồi bệch cả xuống con hẻm nhỏ lỏm chỏm những đá, dùng đôi tay to bè bè, các đầu ngón tay cáu bẩn mốc trắng cả lên, cào lấy cào để mớ đá lụn vụn bỏ vào cái bao con con , miệng lảm nhảm :
- Tụi bây bỏ đá tùm lum, phí quá. Tao gom dô nhà nữa xây nhà cho con Dung nó ở.
Rồi ông cười khùng khục. Chao ôi ! Với ông, chẳng có nắng, chẳng có mưa, chẳng có cả ngày hay đêm, bốn mùa của ông chỉ quẩn quanh cùng mớ ký ức nhàu nhĩ. Ông cứ lụi hụi gom đá, rồi lom khom chống đầu gối đứng dậy một cách khổ sở, lếch từng bước nặng nhọc đi vào sân nhà, trút mới đá vụn xuống. Cứ vậy, ông lụi cụi không ngơi nghỉ. Nó nhìn ngôi nhà khóa chặt cửa mà không khỏi chạnh lòng. Giờ này là mụ Dung ra sòng ngồi rồi. Ngày nào cũng vậy. Mới mấy tháng thôi mà đủ để nó hiểu nếp sinh hoạt đi mây về gió của mụ. Chẳng mấy khi thấy mụ ở nhà. Vậy mà, hễ mụ về tới ngõ là inh ỏi hò hét, chửi rủa loạn xạ cả lên. Thắng, mụ cũng chửi. Thua, mụ càng chửi tợn. Mỗi lần thế, nó thấy ông Bảy hay lủi ra gốc mít bên hông nhà, ngồi cúm núm ở đấy, trông đến thảm. Nó sợ, sợ khi phải thấy những cảnh ấy. Nhưng chả hiểu sao, hầu như, nó ngoài hướng mắt về gian nhà ấy, chẳng có gì làm nó quan tâm hơn ở cái xóm đìu hiu này. Như bây giờ nè, nhìn ông Bảy một mình ra vô căn nhà im ỉm khóa ấy, nó cứ thấy mình có lỗi nếu như nó không làm một cái gì đó. Nghĩ vậy, nó chạy vào nhà, mở tủ lạnh, lấy hộp sữa của thằng con nó, ròn rén lò dò sang nhà ông. Dù chẳng làm chi gian cả, vẫn cứ sợ láng giềng bắt gặp, rồi xì xầm bảo nó... đạo đức giả chi chi ấy. Sợ lắm. Người ta nói người chân quê thật thà. Ờ, công nhận là có thật thà thiệt, cơ mà, họ luôn hoài nghi, luôn khắc khe một cách khó hiểu với những người có vẻ ngoài hơi tinh tươm một chút như nó. Thôi, tránh voi chẳng xấu mặt nào. Sợ dị nghị, thì né trước cho an toàn vậy.
- Ông Bảy ! Nè ! Ông ... uống đi !
Nghe tiếng gọi tên mình khe khẽ, ông Bảy quay lại. Đôi mắt nhìn nó như dò xét, ngạc nhiên. Có lẽ, đã lâu rồi, không ai cho ông cái gì như thế này. Nhìn ông cầm hộp sữa mà cứ xoay tới, xoay lui, miệng móm mém cười ....nụ cười lạ lắm, không vui, không buồn, mang mùi ngạc nhiên thì đúng hơn. Nó xé ống hút, cắm vào hộp sửa , cười buồn buồn nói :
- Ông uống như vầy nè.
Ông Bảy cười. Đôi môi nứt nẻ cắn chặt ống hút, hút liên tục , hút đến kêu rột rột, hộp sữa tóp cả lại, ông vẫn cứ hút. Tội ghê. Chắc ông thèm lắm. Nó nói :
- Thôi, ông đừng hút nữa. hết rồi. Chút con cho cái khác
- Ngon hén. Cô nhớ cho tui đó nghen.
Ông nhét hộp sữa đã hết vào tui quần cọc, miệng liếm mép có vẻ thòm thèm thấy mà thương. Nó với tay lấy hộp sữa lại , định bỏ đi , chẳng phải gì, chỉ là sợ mụ Dung về thấy thì mụ hét ầm ĩ mệt lắm. Nhưng chao ôi ! Vừa thấy tay nó chạm tới, ông Bảy hét toáng lên :
- Mày làm gì thế ? Ăn cắp đồ của tao à ? Của người ta cho tao , ngon lắm. mày định lấy của tao à? Tao đập bể đầu mày ra bây giờ ?...
Ông quơ tay, hò hét loạn xạ. Nó sợ quá, ba chân bốn cẳng lủi ngay về nhà, đóng cổng lại, thập thò xem có ai nghe ngóng gì không ? Phù ! May quá, chưa ai kịp trông thấy nó lởn vởn gần ông cả. Hú hồn ! Suýt chút nữa bỗng dưng mang họa rồi. Nó lấm lét nhìn ông Bảy đang gầm gừ bằng chút bản năng, mắt căm căm nhìn về phía nó, vừa sợ, lại vừa thương vô cùng . Đấy ! Vừa tỉnh táo đấy, ông lại quay sang quên nhớ như vậy đó. Hèn chi, cả xóm, chẳng ai muốn dây dưa gì với ông cả. Tiếng thơm đâu không thấy, lỡ có gì, mụ Dung chửi nát nhà họ ra làm sao ? Ai cũng nghĩ, suy cho cùng, mụ ấy là con, mụ không xót cha mụ thì thôi, mắc giống gì họ xót.
Và cứ vậy, mà trưa nào, chiều nào, vẫn một mình ông Bảy đi ra đi vào , quanh quẩn cái sân ong óng nắng, lảm nhảm kể cho mấy con gà chạy líu ríu dưới chân, những câu chuyện không đầu không đuôi của một thời xa ngai ngái ....
mai rảnh Tám kể tiếp nghen ....