- Ui ! Ngoan nào ! cưng nào ! Pi pi mẹ đi !!
Mụ Tám vừa đón con bé từ tay mẹ nó, mồm liếng thoắng chơi trò rao kẹo kéo. Cái kiểu dụ con nít của mấy mụ phù thủy trong cổ tích bao giờ cũng hiệu nghiệm. Con bé không buồn không vui, nó giương đôi mắt cũng...chẳng vui chẳng buồn, xòe bàn tay gầy teo bé xíu vẫy vẫy mẹ nó theo quán tính. Người mẹ trẻ nở nụ cười xì xòa an tâm, không kịp vuốt má con, đã vội cài lại quai nón, vọt mất. Gần 7 giờ rồi. Núm níu chút là trễ , bị trừ thi đua như chơi. Mụ Tám nhìn chiếc áo sọc nhàu nhĩ xa dần. Mụ thôi không nhìn theo mẹ nó nữa, bế nó vào trong nhà, ì ạch bước qua cái chấn song ngang cửa, rồi buông tay thả nó xuống sàn nhà, quày quả trở ra khóa cổng lại. Mụ Tám chẳng bao giờ đi đâu ra khỏi cái ngõ nhỏ teo này, cũng chẳng chồng con gì, nên mụ nhận giữ dăm đứa nhỏ của mấy đứa công nhân trong khu trọ. Cũng tội. Nhỏ choắt vậy, trường nào chịu giữ, ba mẹ bọn nó thì cũng phải...cày, phải kiếm cái ăn, hổng lẽ ở nhà ôm con hoài sao. Loi nhoi năm ,sáu đứa như nó. Có mình mụ, nên mụ cũng chả dám nhận nhiều, dù ngày nào cũng có người đến năn nỉ gởi. Mụ sợ mụ lo không nỗi. Với lại, cái nhà mụ bé tí, nhận cho lắm, chỗ đâu mà nhét . Người ta mở trường, mở lớp để kiếm tiền. Còn mụ, ờ thì kiếm tiền đó, nhưng, ...mụ ... thích cái lao nhao của đám con nít hơn. Chỉ một lần kịp làm mẹ, chưa một lần nhìn thấy con nó lớn , vậy mà... Nên mụ thèm, thèm cái hơi con nít. Thèm cái cảm giác ôm tụi nó vào lòng. Mềm mại, tồi tội...
Mụ khệ nệ mang rổ đựng mấy món đồ chơi bằng nhựa để trên nóc tủ xuống, đổ cái ào đầy sàn nhà. Dụ bọn nó chơi để mụ còn lo chuẩn bị đút tụi nó ăn sáng nữa chớ. Có đứa còn thút thít, có đứa vẫn cố gân cổ gào gọi mẹ ơi, mẹ hỡi.. Mụ không dỗ đứa nào hết, giờ mà ôm đứa nào, chả kịp làm gì, chốc chúng nó đói hét ầm cả lên thì bố ai mà chịu nỗi. Mụ khẽ liếc mắt nhìn con bé. Nó không khóc, nó là đứa ít khóc nhất trong nhóm. Nó lũi lũi, lẫm chẫm đi lại chiếc kệ bé bé kê sát góc tường, với tay lấy con gấu nhồi bông cũ xì, cáu bẩn, ôm vào người, ngồi bẹp xuống dựa vào tường. Nó không nói một lời nào, cứ mở to đôi mắt trong veo, dửng dưng nhìn đám bạn đang nhao nhao . Từ hồi biết nó tới giờ, mụ chưa từng thấy mặt ba nó, chỉ có mỗi mẹ nó tất tả đưa nó đến rồi... chả khi nào đón nó về sớm như mấy đứa kia cả. Mụ cũng không hỏi. Không hiểu sao, mỗi lần nhìn nó, mụ lại nhớ con mụ , đứa con mà mụ chưa kịp đút ăn cho nó lần nào, chưa kịp nghe nó gọi một lần " mẹ ơi ! "... Con bỏ mụ đi đã đành, chẳng biết sao, chồng mụ cũng ngày một xa, rồi lằng lặng đi , đến cả một câu nói cũng chẳng buồn quăng lại cho mụ.... Cũng là cái duyên , cái nợ đã cạn. Sao trách chồng được chớ ? Đàn bà không đẻ được là cái tội, đẻ mà không nuôi được là cái lỗi . Mụ có lỗi với chồng, chồng bỏ cũng đáng thôi . Ờ, một mình, ôm cái buồn mất con, chồng cũng không còn, vậy mà ngày rồi cũng qua, đêm rồi cũng qua ào ào ngang cửa. Nhắm mắt cái là cạn cả xuân rồi. Tóc chơm chớm bạc. Thời gian vô tình như vậy đó.
Nhìn bọn trẻ nằm phơ phơ ngủ, mụ vặn cái lại cái quạt nơi góc nhà ở mức nhỏ nhất. Mụ sợ quạt nhiều quá, chúng hốc cổ, viêm họng cả đám nữa thì khổ mụ lắm. Trời đang vào mùa mưa. Năm nào cũng vậy, lúc giao mùa thế này là trẻ con đua nhau bịnh. Đứa viêm họng, đứa ho, đứa sốt... loạn cả lên . Lắm hôm mẹ bọn chúng đưa chúng đến cho mụ, 6 đứa thì hết 5 đứa lủng lẳng thêm túi thuốc nho nhỏ kèm theo lời dặn " cô nhớ cho nó uống thuốc dùm em nha ". Chỉ vậy rồi...mạnh ai nấy vọt. Thiệt tình, không biết có phải mụ đang mon men bò qua dốc nửa đời người nên đâm ra khó tính, cứ hay càu nhàu những bà mẹ vô tâm. Con sốt, hay ói vậy, gởi con cho mụ chỉ đưa mỗi ...một bộ đồ . Đến cái khăn lau cũng lúc quên lúc nhớ. Sữa cho con uống cũng thế. Vậy đó , mà hôm nào mụ lỡ quên, sữa đứa này đưa cho đứa kia uống, về nhà mẹ chúng hỏi chi không biết, là sáng mai , thế nào mụ cũng bị cằn nhằn vì " sữa con tui đắt tiền hơn, cô cho uống lộn vậy là thiệt con tui á ". Rồi họ nhìn mụ bằng ánh mắt đầy nghi ngờ. Có hôm, mụ còn loáng thoáng nghe bảo mụ...ém sữa lại đi bán chi chi ấy. Con té một chút cũng bóng gió xa gần ...mụ độc quá không con, nên lấy con của người mà hành hạ. Con bịnh hoài cũng thắc mắc sao ở nhà không bịnh mà gởi vào cho mụ thì bịnh... Mụ nghe, nghe nhiều lắm. Nhất là cái dạo hổng biết giống gì mà báo chí lôi ra cả nùi bảo mẫu kiểu chi ác lạ ác lùng. Thế là, mặc nhiên, hết xã xuống nhắc nhở, rồi các cha các mẹ gặp mụ mừ cứ rao cái án của mấy ả kia như để răn đe mụ... Mụ giận, mụ biết giận chứ. Có lúc, mụ muốn trả chúng về cho ba mẹ chúng, muốn làm gì thì làm, để khỏi mang tiếng mụ. Nhưng rồi, nhìn gương mặt non nớt của bọn nó như những chú chim non, nỡ nào nay quẳng chỗ này, mai tha chỗ kia, chúng sao thích nghi kịp. Càng nghĩ càng thương. Âu cũng là cái nghiệp. Vậy đó, mà mụ chép miệng cho qua. Riết rồi thành quen.
Cơn mưa ngằn ngặt rồi cũng nhẹ hạt dần. Trời không chút nắng, cứ ui ui buồn như cái mặt của bà cô ế ẩm xế chiều . Liếc nhìn đồng hồ, đã gần 5 giờ chiều. Bọn trẻ về đã hết, chỉ còn mỗi con bé. Hôm nay là ngày mà ...con mụ bỏ mụ đi, lòng mụ cứ nôn nao, rười rượi. Mụ định cho bọn trẻ nghỉ hết, để mụ lên chùa nói chuyện với con. Nhưng rồi, ...lại tội tội . Mụ nghĩ, mất thì cũng đã mất rồi, lên sớm, lên trễ chi con vẫn không thể ôm vào lòng mà hôn nó được, trong khi để bao đứa nhỏ ở đây chẳng ai trông, tội ba mẹ chúng biết gởi ai. Thôi, trót thương thì chịu vậy. Ờ, mụ vậy đó, mồm cứ xoen xoét, mặt cứ nhăn nhăn thế đó . Chồng mụ ngày xưa hay trêu mụ như cái củ hành - câu ví von cho gã chằn tinh trong phim hoạt hình nào ấy. Mụ cứ nghĩ chồng hiểu mụ, chồng hiểu sau cái cay xè mắt của củ hành lại vị ngọt ngào thanh mát. Nhưng không , đàn ông mà, có khi nào họ chịu hiểu người đàn bà của mình đâu. Mụ cười buồn buồn. Già rồi, cũng lưng chừng dốc rồi, cứ lan man nghĩ, chuyện nọ xọ chuyện kia, chẳng nghĩ chuyện vui, toàn nhớ chi chuyện buồn cho thêm tủi.
Mụ ôm con bé vào lòng, tay vuốt nhẹ mớ tóc loe hoe mềm mềm. Mụ chúi mũi vào tóc nó. Cái mùi trẻ con đứa nào cũng dễ yêu gì đâu đó. Mụ rủ rỉ rù rì hát cho nó nghe, cầm hai bàn tay xíu xiu của nó vỗ theo nhịp . Mụ chả biết hát gì đâu, chỉ ư ử cái điệu ngang phè phè " một con vịt xòe ra hai cái cánh, nó kêu rằng : cáp cáp cáp. Cạp cạp cạp ...' .. Có vậy thôi mà con bè cũng chúm chím cười. Con nít nó vui giản đơn vậy đó. Niềm vui của nó có nhiều nhặng chi đâu, vài ba câu hát véo von cũng đủ làm nó mơ cái thế giới đầy sắc màu yêu thương tinh khiết. Vậy mà , đôi khi....cũng chẳng vui cho trọn .
Ánh đèn đường nhập nhoạng. Cái ngõ nhỏ rúc người yên lặng. Mụ vừa cho nó ăn xong. Lòng lo , lo lắm. Không biết mẹ nó sao giờ này chưa ghé đón. 7 giờ tối rồi. Có tăng ca đột xuất cũng phải điện thoại báo cho mụ một tiếng chớ . Trễ thế này còn lên chùa được nữa đâu. Thiệt là...bực bội gì đâu đó. Mụ lò dò tìm điện thoại, bấm số. Tiếng ò í e rơi lọt tõm. Mụ sốt ruột đi ra đi vào. Con bé co ro đứng sát thanh chắn, nghễnh cổ, mắt ngơ ngác nhìn vào màn đêm căm căm.
Có tiếng xe máy tịch tang, lao xao . Đám công nhân khu trọ xôn xao. Râm ran. Mụ nghe tiếng được, tiếng mất. Tay chân cứ quáng cả lên. Tim đập thình thịch trong lồng ngực, chực muốn nhảy xổ ra ngoài. Mụ nhao vào đám đông. Người ta bàn tán nhiều lắm. Mụ chẳng nghe được gì nữa. Trong đầu mụ, chỉ có mỗi tiếng thắng xe cày nát mặt đường. Tiếng hét thất thanh . Và...cái áo sọc bạc màu nhàu nhĩ ... Loang loáng máu...
Bất giác, mụ ôm chặt con bé vào lòng, òa vỡ :
- Khổ rồi con ơi !!!!!