Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Nước mắt có bao giờ chảy ngược ?!


khoanh-khac-nguoi-gia-bandoc-giaoduc.net.vn18

                Tôi về khu dân cư này đã ba năm. Thời gian không dài, nhưng cũng đủ cho tôi  nhìn lại mình. Và sống khác đi.

        Xóm tôi nhỏ, nằm yên ả nơi ngoại thành . Cạnh nhà tôi, là nhà của ông Bảy. Nhà tuy không khang trang, nhưng đất ruộng thì có thể gọi ... cò bay thẳng cánh. Ông Bảy đã gần 80, người cao lênh khênh, da đầy màu nắng. Ông sáng nào cũng cầm cây chổi cùn, lụi hụi quét sân, rồi ra nhặt đá ngoài đường đem vào sân nhà - như một thói quen của người già: phải tích lũy đá để dành xây nhà cho con cháu. Ông bị lẫn, có lúc ông quên mình là ai, có lúc ông kể chuyện ngày xưa khi ông còn trẻ cứ như mới hôm qua vậy. Thỉnh thoảng ông lụm khụm qua nhà tôi xin nhờ lửa để hút thuốc. Ai cho thuốc ông, ông mừng lắm...

        Ông ở với cô con gái, người cháu gái và đứa cháu cố - cũng là gái. Tôi cứ tưởng với ba người phụ nữ, tạm gọi là vậy, chắc hẳn ông sẽ được chu đáo hơn. Nhưng...không phải thế.

        Một sáng, tôi đang ăn sáng ngoài sân trước nhà thì nghe có tiếng chửi nhau to lắm. Hướng nhà ông Bảy. Tôi nhìn sang, cô con gái béo ú , tay cầm chổi rễ đánh vùn vụt vào thân hình còm nhom , lổn nhổn những xương. Ông Bảy nằm lăn dưới sân vườn , miệng kêu la không ngừng. Chưa ai kịp làm gì thì mụ ta túm lấy áo cha mình, thụi cho vài đấm vô ngực, rồi ngoe ngoảy mông đi vô nhà. Đứa cháu gái thản nhiên bồng con ngồi ăn sáng. Trời vẫn trong, mây vẫn xanh, cỏ dưới sân vẫn còn hơi sương sớm. Ông Bảy lòm còm ngồi dậy, giơ những ngón tay gầy trơ xương, xốc lại chiếc áo đã sờn. Miệng lẩm bẩm gì không biết. Tay chân tôi bủn rủn, nước mắt cứ chực trào, cổ họng như nghẹn lại. Rào nhà ông không cao, nhưng cũng đủ ngăn mọi sự xâm phạm. Tôi nhìn ông Bảy, thấy mình như kẻ hèn nhát.

78aaa22f-6bce-4ccc-90b1-8122dc3faa78

        Kể từ ngày ấy, gần như là ngày nào, tôi cũng thấy, cũng nghe những điều mình không muốn. Trưa nắng, nắng như trút lửa, vậy mà chúng không cho ông vào nhà .Ông nằm vật ngoài hiên, gục lên gục xuống vô tư ngủ, mặc cho nắng cứ xoáy lấy ông, mặc cho bầy gà đi ngang ông ngó nghiêng đủ kiểu. Rồi ông thức, ông run rẩy lấy tô- cái tô bằng inox móp méo đôi chỗ, cái tô mà chúng dành riêng cho ông vì sợ ông làm bể, vì sợ ông ăn chung lây bệnh.. Ông ăn ngấu nghiến, ông ăn say sưa, con cá khô kho đi kho lại vì qua ba ngày chợ, mà sao ông vẫn thấy nó đậm đà ....  Đôi khi tôi lén dấm dúi cho ông ly sữa, khi bát hoành thánh, bát cháo  đưa qua rào. Ông cảm ơn tôi, mắt ông vui như người ta trúng vé số. Chao ôi, đến sỏi đá cũng cần có nhau, sao tình người trong nhà nghe....chua xót quá.

        Ngày lại tiếp ngày, ông cứ kéo lê cuộc sống không bằng chết ấy. Cho đến lúc, ông không còn đi được nữa. Chúng đưa ông ra cái kho được lợp tole tứ phía, cho ông cái chõng tre để nằm. Rồi từ bữa ấy , tôi không còn thấy ông Bảy nữa. Không còn cơ hội để cho ông chút gì. Thỉnh thoảng, tôi nghe tiếng ông Bảy kêu, yếu ớt, tuyệt vọng khi mụ con tắm cho ông. Tắm cơ đấy! Mụ cầm vòi nước tưới cây to như vòi cứu hỏa, đứng ngoài cửa kho, xối thẳng vào trong . Tôi đoán là ông bảy nằm trong đó. Vì cũng đã ba ngày rồi tôi không thấy ông bò ra ngoài. Mụ ta xối hăng lắm. Mụ hăng chừng nào, ông Bảy tiếng kêu yếu chừng ấy. Rồi tắt hẳn. Mụ lừ lừ bỏ đi, ra chiều ta mới vừa làm việc thiện: tắm cho cha mình rồi đó.


1

        Ngày ông Bảy đi. Chiếc hòm cẩn xà cừ hoành tráng. Con cháu về đầy nhà. Kèn tây, nhạc ta....vang lên như hội. Tiếng cười nói xôn xao... Lũ con dặn nhau nhớ cắt chút vàng bỏ vào miệng ông, để ông mang theo về dưới....Rồi khăn trắng chít lên đầu, hì hà hì hục lạy trước quan tài,  thầy chùa tụng kinh báo hiếu vang vang cho gần xa nghe thấy....

        Ngày ông Bảy đi. Mộ được xây cao, đẹp nhất khu nghĩa địa này. Như vinh danh tấm gương hiếu thảo. Họ hàng kháo nhau ông Bảy tốt phước quá, được mồ yên mã đẹp... Ai cũng mừng cho ông.

        Tôi không đi theo dòng người đưa tang. Vì tôi thấy dáng ông lẩn khuất bên hiên nhà đầy nắng.....

    Tôi nghĩ lại mình. Có khi nào sống vội sống vàng, tôi cứ tưởng đem tiền về là đã đủ báo hiếu... Giờ tôi mới biết, cha mẹ, ông bà không cần điều đó. Có hạnh phúc nào  bằng được sự quan tâm của con cháu không? Tôi biết dù chậm còn hơn không, vẫn còn cơ hội cho tôi sửa sai. Tôi sợ có một ngày, tôi ngồi bó gối ngoài hiên  trông con, trông cháu...đợi chúng về...
       
                                              10