Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Thương anh như ngọn sầu đâu đắng hoài



Người ta hay nói con gái miền Tây ... khờ, dễ dụ lắm đó đa. Ừa, thì khờ thiệt. Người ta bảo thương  mình đến hết đời, gắng chờ người ta vài năm... là tin ngay người ta thương mình, là một lòng một dạ mà chờ mà đợi cho đến ngày... người ta hết thương, người ta không nói câu nào, người ta lặng lặng ôm đồ sang bến khác. Ừa thì khờ thiệt. Người ta bảo cứ  gật đầu ưng đại ông Trung, ông Hàn nào cũng được, qua bên ấy có tiền, gởi về nhà phụ tía má nuôi em, lo cho gia đình mình bớt nghèo đỡ khổ... Nói vậy thôi vội tin là thiệt, là gạt nước mắt đặt chân qua xứ người mà không chút mảy may  nghi ngờ, nếu thành thì thiên hạ kháo nhau " con ấy có hiếu, lo được cho cha mẹ ...", nếu bại, chết mất xác nơi xứ người, hay lang thang vật vờ trong cái động nào đó thì người ta lại dè bĩu :" ham tiền cho đáng, ngu mà khoái ăn trắng mặc trơn... " ... Nghĩ mà thương ghê cái khờ chi mà khờ cho nên khổ !

Lại mang chuyện xa xưa ra mà nhắc. Nội tôi kể có năm ông nội tôi đi lính, bị điều đi đâu đó mà cả nhà không ai biết. Những năm ấy đánh nhau ác liệt lắm. Số bị điều đi thì...thường không có ngày trở về. Bà nội tôi một mình ở nhà chạy chợ nuôi con nheo nhóc, nuôi ba má chồng già yếu. Rồi người ta tin về bảo ông nội tôi đã chết. Cố tôi bảo nội tôi làm đám ma cho ông nội. Mặc ai nấy khuyên, nội tôi vẫn bảo :" chết phải thấy xác ". Còn không thấy, nội tôi không tin. Cứ vậy mà nội chờ. Nội nói ông cố chửi nội suốt vì không chịu làm đám cho con trai ông, là dâu, là vợ mà chồng chết không chịu để tang thờ... Nội kể buồn lắm chứ, xót lắm chứ, nhưng lòng nội cứ  tin rằng ông nội tôi còn sống. Đấy, chỉ có chút xíu lòng tin mong manh mà một mình nội tôi chịu bao điều tiếng, nội cắn răng hết, để rồi... Ông nội tôi trở về thật. Sau bao nhiêu năm bặt tin. Trở về bằng xương bằng thịt. Nội tôi kể ngày ông nội tôi  về, vợ chồng chỉ biết nhìn nhau mà khóc. Hồi đó ông cố tôi khó lắm, vợ chồng mà ...chả dám ôm nhau, cứ thậm thụt len lén y như ... trộm tình không bằng đó. Nội đứng ngoài hè nghe ông cố hỏi chuyện ông nội mà nước mắt cứ chảy, cầm hoài không có đặng. Đứng nhìn chồng mình mà tê hết cả chân, ống tay áo nhoẹt nhòe nước mắt, nước mũi... Trời ạ ! Chi cho tội dữ vậy trời. 

Đâu chỉ có nội tôi, cả bà ngoại tôi cũng thế. Ông ngoại tôi bị người ta chôn sống khi bà ngoại tôi vẫn còn trẻ. Cái thời loạn lạc bom đạn còn nhiều hơn cả cơm trắng, ngoại tội lại thuộc dạng xinh xắn, giỏi giang, bước ra đường, dù con cái đầy ra, vẫn khối chàng cậy trầu cau may mối. Ngoại tôi vẫn ở vậy nuôi con, mặc cho người ta bảo ngoại khờ, ngoại dại. Người chết cũng đã chết rồi, giờ có gá nghĩa với ai khác để có chỗ tựa nương lúc về già cũng không ai trách. Ngoại còn quá trẻ kia mà. Nhưng ngoại bảo vợ chồng là cái tình cái nghĩa, tuy ông ngoại tôi mất nhưng bà ngoại tôi vẫn sợ... ông buồn, ông tủi. Ngoại nói giờ con cái trai gái có cả, nuôi cho con lớn nên người rồi theo ông ngoại về dưới mà ở. Tôi nghe ngoại kể ... cũng không biết nói thế nào. Chỉ buộc miệng :" cái tình cái nghĩa trăm năm mà !"...

Chẳng hiểu sao chiều nay vô tình đọc lại bài thơ bên blog một người bạn mới, ba từ " lá sầu đâu" trong thơ bạn làm tôi cứ thừ người ra nhớ bài lai thế này. Ai có ăn món gỏi sầu đâu - món ruột của miệt An Giang, Châu Đốc, mới thấy hết cái tình khờ dại miền Tây. Là thiệt đó.

Sầu đâu xứ tôi chẳng phải bông tim tím với hương man mác đẹp đến nao lòng  đi vào thơ, vào nhạc như sầu đâu miền Bắc - ngoài ấy người ta hình như còn gọi nó là hoa xoan nữa đấy. Sầu đâu xứ tôi cái tên nghe đã nặng lòng, cái hoa thì ...nhìn xa trăng trắng li ti chả ra hình thù gì, nhạt nhẽo...  Vậy đó. Nhưng sầu đâu miền ngoài chả ai dại mà ăn, còn sầu đâu xứ tôi, cũng y như cái tình nghèo, khó ăn, đắng nghét, nhưng sau vị đắng lại thanh dịu đến lạ kỳ. Không ăn thì thôi, chớ đã ăn lần thứ nhất rồi, sẽ có lần thứ... n. Ăn riết đâm ghiền hồi nào không hay đó chứ.

Mùa này chưa có hoa sầu đâu đâu, phải cận tết mới có. Sau những ngày đông trơ trụi lá, khi xuân về, từng nõn lá non tơ mươn mướt dần phủ kín đọt sầu đâu. Người ta hái đọt sầu đâu, hái cả chùm hoa bum búp bày bán khắp chợ quê. À, nếu ai ở Sài Gòn, muốn thử ăn món độc này vẫn có thể dễ dàng tìm mua ở khu chợ Miên ở đường Lê Hồng Phong hỏi ai cũng biết . Chẳng cầu kỳ gì, chỉ cần chần sơ sầu đâu qua nước sôi cho bớt đắng, rồi trộn với chút khô cá sặc rằn xé nhuyễn, hay giàu có hơn thì chút thịt cá lóc nướng rơm, chút thịt ba chỉ, chút tôm thẻ... thêm mớ xoài chua, cà chua, dưa leo xắt sợi ... Nhón đũa gỏi sầu đâu chấm chén nước mắm me chua ngọt sền sệt, cho vào miệng, rít chút men cay của rượu nếp miệt vườn... Chao ôi ! Đủ vị trần gian, đúng câu " khổ tận cam lai " đó chứ. Cái cắn ngập răng sặc sụa đắng nghét sẽ làm chùng lòng bất cứ cái lưỡi dễ tính nào. Có người còn vội nhổ toẹt ra không nuốt nỗi. Giống y như mối tình nghèo. Làm gì có nhẫn kim cương, có quà hàng hiệu đắt tiền; làm gì có bữa tiệc sinh nhật cho hoành tráng rồi đưa nhau đi  shopping cho vui lòng người đẹp. Cùng lắm chỉ có những nỗi nhớ dấm dúi gởi vào mấy câu lẩn thẩn; cùng lắm chỉ dám ngồi nhăm nhi ly cà phê vỉa hè, ron rén nắm tay nhau mà mong thời gian quay chậm chút xíu thôi cũng được... 

Thế nhưng, sau cái đắng kịch trần ấy, lạ lùng thay, lại là một hương vị độc đáo có một không hai. Vừa ngòn ngọt thanh thanh trong cuống họng, vừa chua chua beo béo, mằn mặn... Nhắc đến mà tôi nuốt cả nước bọt vì chết thèm đây. Mấy anh sành ăn khoái nhậu, đảm bảo ăn không ghiền mới lạ. Nói không ngoa, có người bao nhiêu năm xa xứ, vừa đặt chân vào quán xứ này, không cần biết mùa nào,đã vội hỏi :" Có gỏi sầu đâu không em ? ". Đấy, nơi xứ người bò Úc, bò Mỹ... thứ chi miễn có tiền là có. Chứ muốn ăn được dĩa gỏi sầu đâu đúng vị quê nhà làm sao mà có được để ăn cho thỏa ?

Chiều nay Sài Gòn đứng gió. Chẳng có ngọn sầu đâu nào để thủ thỉ cho tôi nghe cái tình nghèo miền Tây khờ dại. Chỉ là chợt chạnh lòng từ một câu thơ mà nghe cả miền vụng dại kéo nhau về. Lòng lại vò lòng ru câu ca dao rứt ruột mà .... thương chi chẳng biết. Khờ ghê !

"Nước mắm ngon dòm sâu đáy hũ
Thả miếng đu đủ xuống tận đáy bình.
Sầu đâu nhuộm trắng mái đình
Bao nhiêu trai tráng không nhìn
Dạ em chỉ để thương mình anh thôi...
"





Hoa sầu đâu miền Tây tui đây . 




Gỏi sầu đâu chỉ chấm với nước mắm me mới đúng bài của nó. Thêm rượu ( không phải bia nhé ) là ... trên cả tuyệt vời .




Cá khô nướng trộn kèm với gỏi sầu đâu là không chi bằng luôn nè.




Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Bướm đeo dưới dạ cây bần... ( * )


                          
Ảnh chôm . Những gì tám mới là chính chủ. hì hì 



Thưở nhỏ, tôi thường hay trốn nội ra sau hè. Ngày ấy, sau hè nội tôi có con rạch nhỏ chảy qua, lúng phúng vạt bần, vạt đước... Trưa nào cũng vậy, bọn trẻ nhà tôi cũng thậm thụt ngóng mấy con còng gió đào hang ven bờ rạch, đu nhau hái trái bần chua... Ờ, cái thời chi mà nó nghèo lạ nghèo lùng. Có mỗi một tô hủ tiếu xíu xiu mua về, cả nhà tôi, mỗi người một đũa, chụm đầu nhau xì xụp húp cho cạn quoánh nước lèo mà miệng vẫn còn thòm thèm. Đến trái bần chua lè chua lét mà cũng tranh nhau xẻ chấm muối ăn cho sướng cái miệng. Chẳng bù cho bây giờ, lũ trẻ thiếu chi quà bánh, có đứa nào thèm biết đến mấy vị quê nghèo  này đâu chứ !

Mà kể cũng lạ, trăm nghìn cái tên, chẳng gọi tên chi, lại gọi tên : Bần. Nội cái tên thôi đã thấy cả một đời cơ cực. Nghe  nói ngày xưa vua Gia Long chạy lánh quân Tây Sơn, lạc vào tận rạch Ụ ( Hàm Luông - quê ngoại tôi bây giờ ), trong lúc đói lòng đã được ăn món mắm chấm bần dân dã,  vua ban cho nó cái tên thật mỹ miều : cây Thủy liễu. Nhưng dân xứ này nó lạ, tên vua ban chẳng  ai nhớ mà gọi, vẫn cứ réo bần ơi,bần hỡi. Tên cúng cơm ông bà bao đời gắm gởi, rặc ri mùi phèn nghe thế mà  thương, mà chặt dạ chặt lòng. Như tình người vùng sông nước  phù sa vậy.

Còn khoảng hơn hai tháng nữa thôi là vào mùa hoa bần nở. Chẳng ngợp trời đâu, nhưng lấp loáng ven kênh, ven rạch, những cánh bần  tim tím, trắng muốt mong manh như sợi thương sợi nhớ, rụt rè nở rồi gởi mình theo gió. Sợi vướng kẹt bần, sợi xuôi con nước, sợi len lén vụng về trên mái tóc ngang vai, cho ai đó ron rén cầm tay gở sợi bần vương dấm dúi trao lời hò hẹn.  Rồi vào mùa nước nổi trắng đồng, những trái bần xanh chan chát thi nhau ưng ửng, rưng rức cả khúc sông. Ngày trước chưa có thương lái mua trái bần để mài làm bột bần, mứt bần mà bán như bây giờ, nên đến mùa bần rộ, nhà nhà không ai hẹn, lại cứ thoảng thoảng mùi canh chua bần dìu dịu. Bần rụng đầy sông mà, cứ lụm dăm quả bần chín rụng, thêm mớ cọng môn, chút ngò gai, vài con cá bống,vài lát ớt cay nồng  ..., chỉ cần vậy thôi đã có tô canh chua thanh dịu với hương vị không lẫn vào đâu được. Ăn cơm mấy bát cũng thôi không hết thèm đó chứ. Mà đâu chỉ có canh chua, đọt bần xào thịt chuột, gỏi bông bần tép bạc, cá đồng kho bần..., ăn vào chỉ có ghiền chết đi được thôi. Bao nhiêu năm cũng sẽ nhớ hoài cái vị đặc sệt miền Tây ấy...

Tôi nhớ thưở ấy, mỗi lần đến hè được mẹ dẫn về Bến Tre thăm ngoại, tôi thường được nghe ngoại kể chuyện ngày xưa. Ngoại kể ngày hay tin ông mất mà ngoại " nằm vùng" tận trong bưng không kịp về vuốt mắt ông lần cuối, ngoại chạy vù ra mé sông, ngoại giận ông Trời, ngoại lụm không biết bao nhiêu là trái bần ném xuống mặt sông trút sầu trút thảm. Ngoại nói hồi ông ngoại còn sống, ông ngoại thích ăn nhất là món canh chua bần nấu cá bống sao và món mắm sặc chấm trái bần chua, thêm mớ lá cách, lá lụa...Ông mất lâu rồi, vậy mà mỗi lần có dịp theo mẹ về giỗ ông, tôi đều thấy ngoại run run ngồi tước cọng môn, dầm trái bần chua, tự tay thái miếng bần đều tăm tắp bày ra dĩa, vung mớ rau rừng cho thật đẹp, mắt cứ ngân ngấn ... Tôi khi ấy không hiểu vì sao ngoại khóc, không hiểu vì sao cái năm người ta đốn sạch cây bần bán cho đám lái Trung Quốc, ngoại kiên quyết không chặt bán cây nào dù lúc đó, đất nhà ngoại tôi trải dài  ôm cả triền sông bát ngát. Giờ tôi đã hiểu. Có ngồi nghe ngoại kể chuyện ông chống xuồng chở ngoại đi sanh len lỏi qua mấy rặng bần, rồi những đêm ngoại trầm mình bấu gốc bần cả đêm trốn giặc lùng sục... mới thấy thấm thía cái rưng rưng của ngoại khi cầm quả bần chua mân mê - như nâng trên tay cả một miền thương nhớ.

Giờ thì cả bà ngoại tôi cũng không còn. Con rạch sau nhà nội tôi người ta cũng đã lấp đi rồi, chỉ còn là bãi lầy nhoèn nhoẹt đầy muỗi, con nào con ấy to như con trâu đó  chứ. Mọi thứ đều đã thay đổi. Miền Tây quê tôi cũng thế. Tôi không biết mươi mười năm sau, có còn vạt bần nào ngun ngút xanh như bây giờ không; có còn cô thôn nữ nào vận áo bà ba đầu đội nón lá cổ quấn khăn rằn chân mang guốc mộc; có còn cầu khỉ, cầu dừa, cầu gòn ...bắt qua sông nhỏ...  Dù còn hay không, trong tâm trí những người con miền Tây xa quê như tôi, dù có bao lâu đi nữa, cái tình hồn hậu miền Tây vẫn như vị bần chua này, chan chát khi còn sống, thanh dịu lúc chín vừa, mặc cho sóng dập gió vùi, lênh đênh phận bạc vẫn cố oằn mình ra bám đất giữ bờ, nắng mưa chẳng quản, vẫn một lòng thủy chung cùng con nước lớn ròng ngày hai bận. Như chiều nay, nỗi nhớ quê cứ theo mưa về ngằn ngặt khóc. Tôi bất chợt i ỉ mấy câu, ngồi giữa Sài Gòn mà cứ ngỡ ngồi bên con nước quê mình, vang vang câu hò tình hào sảng :

" Phụ mẫu đánh anh quặt quà quặt quại
Đem anh treo tại nhánh bần
Rủi đứt dây mà rớt xuống
Anh cũng lần mò kiếm em "...

Đấy, đã không tình thì thôi, tình thì cứ phải tình thiệt tình thà, yêu chết bỏ như cái tình miền Tây xứ tôi thế đó...



( * ) Ca dao Nam Bộ



Bần thường sống ven kênh, rạch, sông... giữ đất chống sạt lỡ rất tốt nhờ bộ rễ rất đặc biệt của nó. Một phần rễ cắm sâu vào đất, phần rễ khác lại...trồi ngửa mặt lên trời. Bà con vùng này lấy phần rễ bần trồi lên - dân miền Tây hay gọi là cặc bần -  để  làm nút chai, làm vị thuốc trị một số bịnh phụ nữ.


Hoa bần rất đẹp nhé. Lại ăn ngon nữa nhé. Làm gỏi trộn với hải sản như tép bạc, cá sặc, thịt heo... đều có vị rất độc đáo. 


Trái bần ổi này khi còn sống, xắt lát mỏng cuộn mớ rau rừng chấm mắm sặc cay cay... chao ôi , chỉ có là vét nồi cơm thôi. Nghe nói khi bị bong gân, giã trái bần xanh, trộn với muối đắp vào chỗ bong gân cũng rất hiệu nghiệm.


Lẩu bần. Nếu vào mùa nước nổi, ngoài rau đồng thông thường, còn có kèm theo cả bông điên điển nữa. 

Hình ảnh quen thuộc của dân miền Tây xứ tui- hái bần mùa nước lớn.




Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

Chị ơi ! Bần rụng trắng sông rồi...





Chị ơi ! Về thôi chị ơi !
Đừng đợi nữa !
Người ta đi rồi khi mùa nắng vẫn còn vương
Sông lở bồi lay lắt mảnh trăng nương
Đêm rát bỏng tiếng hò lơ gọi bạn...
Về đi chị ! Ngày đang dần cạn
Chị gieo chi câu dạ cổ hoài lang
Tiếng võng ru con kẽo kẹt trễ tràng
Câu duyên nợ giữa đàng
Ai mang ? Ai cột ?!
Chị ơi ! Tội tình chi mang xuân mình ra đốt
Khói trắng đồng xon xót mắt còn đâu.
Con sáo sang sông chở mấy nhịp sầu
Đồng trơ ngực sau mấy mùa gặt hái
Về đi chị !
Con nước lớn ròng hai mùa mưa lùa nắng cháy
Cắn miếng bần chua thương câu hứa gieo neo
Vai nhỏ chông chênh chị gánh mảnh tình nghèo
Người ta bỏ đi rồi
Người ta thay áo gấm...
Về đi chị !
Đừng ru nữa cho buốt miền yêu thẳm
Bần rụng trắng sông rồi
Về đi chị ! Chị ơi !!!



p/s: Trong ảnh là hoa bần - một loài cây đặc trưng  ở  miền Tây Nam bộ 





Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

Cho em gối đầu mơ trong vòng tay anh nhé !




Anh! Ngồi xuống cạnh em đi !
Cho em gối đầu lên chân anh nhé!
Trời tháng năm chắc hẳn là rất nhẹ
Con nắng ron rén rướn mình liếm khẽ chiếc môi cong
Anh ơi, mùa chưa khoát áo theo chồng
sao lũ ve khóc chi hoài cho ướt mèm vạt nắng ?
Bằng lăng tạc bờ  ngõ vắng
Hát lời tương tư trăng
Nao nao
nao nao...

Không chịu đâu ! Lấy tay ra nào,
Anh giang tay che  mất ông mặt Trời 
Em chẳng thấy ngày nắng lên rồi
em chẳng kịp nhìn đêm vừa  rớt 
Giấc mơ ghé bất chợt
mái hiên gầy ngơ ngác dấu bàn chân...
nụ hôn ngoan tần ngần
vỡ trên thềm rêu đắng
Có một người quay lưng đi lằng lặng 
Có một nỗi buồn vừa gõ cửa tập làm quen ...
Đừng mà anh ! 
Đừng vò rối tóc em làm nát buổi chiều hiền
Anh thấy không ? Ngày cấu vạt Đêm rơi tím bầm nỗi nhớ 
Em tước sợi thương vá giấc mơ bé con còn đang dang dở
Anh có thể nào giữ hộ giấc em mơ ?!









Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Ừ, Thôi... Không quen !






Ngày bảo không biết Đêm
Mặt chưa từng chạm mặt
Chiều cấy dầm trong mắt
Đêm xót đỏ cuối Ngày

Trời bảo chẳng thể say
Bởi Đất xa. Xa lắm
Chưa một lần tay nắm
Chưa in dấu hôn đầu
Cơn mưa rào vụt mau
Đánh rơi chi nỗi nhớ
Trăng gầy rưng rưng vỡ
Đất - Trời chừ kịp say ?

Người bảo không quen ta
Ta giờ thành kẻ lạ
Tim dại khờ hóa đá
Nâng câu hứa thật thà
Đường gần người quá xa
Không quen ? Ừ, lạ quá !
Ta phơi đời mặc cả
Cạn lòng.
Ta với Ta !!!
....
....
....


Mấy câu xíu xiu nì là Tám làm theo một câu chuyện tình thời A - Mốc.Thế thôi ! 

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

Ru em ngày nắng ngoan hiền

                                  



Tự khi nào em thôi miết những sợi nhớ  sợi nhung
Cũng thôi không ném lòng mình để ráng chiều nhưng nhức đỏ
thôi nghe hạ về bung biêng hoa nắng vỡ tung đầu ngọn gió
Sen lấp ló vạt bờ
Lúng liếng lụa là xanh

Và em thôi nhớ anh
Con se sẻ ríu riu gọi bầy khuấy chao ngày bãng lãng
Bần rụng trắng sông trôi chở mớ vui buồn chẳng ngó trăng rơi, chẳng mong chờ trời trở sáng
Đêm trơ khấc gõ vạt lòng
Âm ỉ giọt bầu vơi...
Vắt cạn xuân xanh em cất tiếng ru hời
Ru cho con bầu trời trong veo có cánh diều biếc xanh lồng lộng
Ru lối vào đời con mang trái tim thật thà mở rộng
Ru mắt con cười an nhiên...
Ru em  một ngày nắng ngoan hiền
Tóc sợi trắng, sợi đen, sợi rối tơ vò, sợi đong đời nằng nặng
Rũ sạch buồn vương,
tiếng chuông xõa đời tạc thềm trưa vắng
Điềm nhiên em mang em đi...
....



Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

Là em mơ thế thôi !




Chẳng có hạt mưa nào thấm vội giấc mơ em
Giấc mơ bé cỏn con
em gói phía nào
lá cỏ cũng thừa ra sợi nhớ
hạ chưa vội sang mùa
phố cũ cong lưng đón ngày gió trở
hoa nắng rụng oằn song
ngơ ngác
nhặt hơi người.
Là mơ thế thôi !
Là mơ thế thôi !
Em mơ  mắt anh cười
Anh bảo :"  Đưa tay đây cho anh ! Cuối con đường có anh  đang đón đợi !"
run rẩy níu sợi thương, em luống cuống tìm đôi bàn tay với
Sao lạnh thế này...
Sao trống hoác thế này...
Sao chỉ có em ?!
Là em mơ thế thôi !
Là em mơ thế thôi !
Chiếc hôn  ngoan  sấp ngửa đặt nghiêng đồi
Nắng trải giường mây, ngày ngửa lòng hứng đêm rơi...
Rất khẽ.
Âm ấm lời anh:" Em xem kìa ! Ngày yêu Đêm. Yêu nhiều. Nhiều lắm nhé ! "
Em ron rén tựa  vào
Bóng vỡ...
Ôi ! Sao chỉ có em ?!!!
Là em mơ thế thôi !
Là em mơ thế thôi !
Sao em  chẳng mơ rõ mặt anh được nữa rồi ?
Em không chịu đâu !
Em dụi mắt hoài, sao chẳng thể nhìn ra khuôn mặt em ngỡ mình quen lắm ?!
Em véo lòng em, nghe môi mình mặn đắng
Giấc mơ vơi
Trăng cạn.
Nắng xa rồi...
Chỉ là mơ, thế thôi ! Thế thôi !!!