Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Bướm đeo dưới dạ cây bần... ( * )


                          
Ảnh chôm . Những gì tám mới là chính chủ. hì hì 



Thưở nhỏ, tôi thường hay trốn nội ra sau hè. Ngày ấy, sau hè nội tôi có con rạch nhỏ chảy qua, lúng phúng vạt bần, vạt đước... Trưa nào cũng vậy, bọn trẻ nhà tôi cũng thậm thụt ngóng mấy con còng gió đào hang ven bờ rạch, đu nhau hái trái bần chua... Ờ, cái thời chi mà nó nghèo lạ nghèo lùng. Có mỗi một tô hủ tiếu xíu xiu mua về, cả nhà tôi, mỗi người một đũa, chụm đầu nhau xì xụp húp cho cạn quoánh nước lèo mà miệng vẫn còn thòm thèm. Đến trái bần chua lè chua lét mà cũng tranh nhau xẻ chấm muối ăn cho sướng cái miệng. Chẳng bù cho bây giờ, lũ trẻ thiếu chi quà bánh, có đứa nào thèm biết đến mấy vị quê nghèo  này đâu chứ !

Mà kể cũng lạ, trăm nghìn cái tên, chẳng gọi tên chi, lại gọi tên : Bần. Nội cái tên thôi đã thấy cả một đời cơ cực. Nghe  nói ngày xưa vua Gia Long chạy lánh quân Tây Sơn, lạc vào tận rạch Ụ ( Hàm Luông - quê ngoại tôi bây giờ ), trong lúc đói lòng đã được ăn món mắm chấm bần dân dã,  vua ban cho nó cái tên thật mỹ miều : cây Thủy liễu. Nhưng dân xứ này nó lạ, tên vua ban chẳng  ai nhớ mà gọi, vẫn cứ réo bần ơi,bần hỡi. Tên cúng cơm ông bà bao đời gắm gởi, rặc ri mùi phèn nghe thế mà  thương, mà chặt dạ chặt lòng. Như tình người vùng sông nước  phù sa vậy.

Còn khoảng hơn hai tháng nữa thôi là vào mùa hoa bần nở. Chẳng ngợp trời đâu, nhưng lấp loáng ven kênh, ven rạch, những cánh bần  tim tím, trắng muốt mong manh như sợi thương sợi nhớ, rụt rè nở rồi gởi mình theo gió. Sợi vướng kẹt bần, sợi xuôi con nước, sợi len lén vụng về trên mái tóc ngang vai, cho ai đó ron rén cầm tay gở sợi bần vương dấm dúi trao lời hò hẹn.  Rồi vào mùa nước nổi trắng đồng, những trái bần xanh chan chát thi nhau ưng ửng, rưng rức cả khúc sông. Ngày trước chưa có thương lái mua trái bần để mài làm bột bần, mứt bần mà bán như bây giờ, nên đến mùa bần rộ, nhà nhà không ai hẹn, lại cứ thoảng thoảng mùi canh chua bần dìu dịu. Bần rụng đầy sông mà, cứ lụm dăm quả bần chín rụng, thêm mớ cọng môn, chút ngò gai, vài con cá bống,vài lát ớt cay nồng  ..., chỉ cần vậy thôi đã có tô canh chua thanh dịu với hương vị không lẫn vào đâu được. Ăn cơm mấy bát cũng thôi không hết thèm đó chứ. Mà đâu chỉ có canh chua, đọt bần xào thịt chuột, gỏi bông bần tép bạc, cá đồng kho bần..., ăn vào chỉ có ghiền chết đi được thôi. Bao nhiêu năm cũng sẽ nhớ hoài cái vị đặc sệt miền Tây ấy...

Tôi nhớ thưở ấy, mỗi lần đến hè được mẹ dẫn về Bến Tre thăm ngoại, tôi thường được nghe ngoại kể chuyện ngày xưa. Ngoại kể ngày hay tin ông mất mà ngoại " nằm vùng" tận trong bưng không kịp về vuốt mắt ông lần cuối, ngoại chạy vù ra mé sông, ngoại giận ông Trời, ngoại lụm không biết bao nhiêu là trái bần ném xuống mặt sông trút sầu trút thảm. Ngoại nói hồi ông ngoại còn sống, ông ngoại thích ăn nhất là món canh chua bần nấu cá bống sao và món mắm sặc chấm trái bần chua, thêm mớ lá cách, lá lụa...Ông mất lâu rồi, vậy mà mỗi lần có dịp theo mẹ về giỗ ông, tôi đều thấy ngoại run run ngồi tước cọng môn, dầm trái bần chua, tự tay thái miếng bần đều tăm tắp bày ra dĩa, vung mớ rau rừng cho thật đẹp, mắt cứ ngân ngấn ... Tôi khi ấy không hiểu vì sao ngoại khóc, không hiểu vì sao cái năm người ta đốn sạch cây bần bán cho đám lái Trung Quốc, ngoại kiên quyết không chặt bán cây nào dù lúc đó, đất nhà ngoại tôi trải dài  ôm cả triền sông bát ngát. Giờ tôi đã hiểu. Có ngồi nghe ngoại kể chuyện ông chống xuồng chở ngoại đi sanh len lỏi qua mấy rặng bần, rồi những đêm ngoại trầm mình bấu gốc bần cả đêm trốn giặc lùng sục... mới thấy thấm thía cái rưng rưng của ngoại khi cầm quả bần chua mân mê - như nâng trên tay cả một miền thương nhớ.

Giờ thì cả bà ngoại tôi cũng không còn. Con rạch sau nhà nội tôi người ta cũng đã lấp đi rồi, chỉ còn là bãi lầy nhoèn nhoẹt đầy muỗi, con nào con ấy to như con trâu đó  chứ. Mọi thứ đều đã thay đổi. Miền Tây quê tôi cũng thế. Tôi không biết mươi mười năm sau, có còn vạt bần nào ngun ngút xanh như bây giờ không; có còn cô thôn nữ nào vận áo bà ba đầu đội nón lá cổ quấn khăn rằn chân mang guốc mộc; có còn cầu khỉ, cầu dừa, cầu gòn ...bắt qua sông nhỏ...  Dù còn hay không, trong tâm trí những người con miền Tây xa quê như tôi, dù có bao lâu đi nữa, cái tình hồn hậu miền Tây vẫn như vị bần chua này, chan chát khi còn sống, thanh dịu lúc chín vừa, mặc cho sóng dập gió vùi, lênh đênh phận bạc vẫn cố oằn mình ra bám đất giữ bờ, nắng mưa chẳng quản, vẫn một lòng thủy chung cùng con nước lớn ròng ngày hai bận. Như chiều nay, nỗi nhớ quê cứ theo mưa về ngằn ngặt khóc. Tôi bất chợt i ỉ mấy câu, ngồi giữa Sài Gòn mà cứ ngỡ ngồi bên con nước quê mình, vang vang câu hò tình hào sảng :

" Phụ mẫu đánh anh quặt quà quặt quại
Đem anh treo tại nhánh bần
Rủi đứt dây mà rớt xuống
Anh cũng lần mò kiếm em "...

Đấy, đã không tình thì thôi, tình thì cứ phải tình thiệt tình thà, yêu chết bỏ như cái tình miền Tây xứ tôi thế đó...



( * ) Ca dao Nam Bộ



Bần thường sống ven kênh, rạch, sông... giữ đất chống sạt lỡ rất tốt nhờ bộ rễ rất đặc biệt của nó. Một phần rễ cắm sâu vào đất, phần rễ khác lại...trồi ngửa mặt lên trời. Bà con vùng này lấy phần rễ bần trồi lên - dân miền Tây hay gọi là cặc bần -  để  làm nút chai, làm vị thuốc trị một số bịnh phụ nữ.


Hoa bần rất đẹp nhé. Lại ăn ngon nữa nhé. Làm gỏi trộn với hải sản như tép bạc, cá sặc, thịt heo... đều có vị rất độc đáo. 


Trái bần ổi này khi còn sống, xắt lát mỏng cuộn mớ rau rừng chấm mắm sặc cay cay... chao ôi , chỉ có là vét nồi cơm thôi. Nghe nói khi bị bong gân, giã trái bần xanh, trộn với muối đắp vào chỗ bong gân cũng rất hiệu nghiệm.


Lẩu bần. Nếu vào mùa nước nổi, ngoài rau đồng thông thường, còn có kèm theo cả bông điên điển nữa. 

Hình ảnh quen thuộc của dân miền Tây xứ tui- hái bần mùa nước lớn.