Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Ngồi buồn ai hát câu dân ca đưa ... ( 2 )


 Ai cũng mong có một mái nhà, một chốn đi về đúng nghĩa " gia đình ". Không chỉ thời tuổi trẻ, mà cả khi xế bóng...



Ông Bảy ngồi tựa lưng vào cái cột ngoài hiên nhà. Nắng bấu víu vào gương mặt khô quắc của ông cào cấu. Ran rát. Đám ruồi o o đậu trên tay, trên chân  ông, chỗ những vết loét đang mưng mủ, ông cũng chẳng buồn giơ tay lên đuổi. Đầu ông mụ đi vì cơn đói  réo âm réo ỉ . Cái bụng teo tóp, dưới lớp da dúm dó, ruột non ruột già nhao nhao kêu ọt ọt. Từ chiều qua tới giờ ông chưa có gì bỏ vào mồm.Bờ mô khô hạn bong ra từng lớp vảy phập phều dưới nắng. Đói quá ! Như cái xác sống, bằng chút sức lực, ông lếch từng bước nặng nhọc ra cây mít bên hiên nhà. Cây mít này ông trồng từ hồi con Dung nó còn chưa có chồng con gì. Mới đó thôi mà giờ tán nó xòa qua tận mái nhà. Đêm đến, cứ ỏng ẹo vờn vịt cọ xát vào mái nhà nghe nhức cả óc, không sao ngủ được. Nhớ hồi mấy năm bom đạn bắn nhau chan chát, chở mấy sếp đi vòng vèo , Việt Cộng bắn rát cả hai bên tai , chỉ biết cắm đầu cắm cổ mà chạy, phó mặc sống chết cho Trời định. Vậy đó, thế mà vừa an toàn về được tới chỗ, là lăn ra ngủ ngay, chả biết trời trăng mây nước gì. Còn giờ,  đêm nào cũng nằm co ro trên tấm ván  lạnh lẽo, sao mà lạnh thế không biết. Chà xát hai chân , rúc cả người lại vẫn không tài nào chợp mắt được. Rồi mệt lả người , chập chờn với những cơn mê ú ớ.  Đến mệt.  Ông  Bảy ngó nghiêng , căng đôi mắt  mờ mờ, tìm kiếm. Rồi  mặt  ông sáng hẳn lên, nụ cười rạng rỡ rớt trên khuôn miệng móm mém. Ông với tay, run run hái chùm mít non bé tí, cỡ hơn đầu ngón tay cái,   xanh nõn. Ông cho vào miệng, cắn một phát.  Chan chát, đăng đắng ! Ông dợm định nhả ra, nhưng rồi,  ông lại nuốt ực một cái  rõ to. Ờ ! cũng đâu đến nỗi tệ. Cái này ăn được nè. Lẩm nhẩm với niềm vui bé tẹo, ông nhai ngấu nghiến mấy trái còn lại.  Cơn đói được xoa dịu phần nào. Ông khoái chí với niềm vui của mình, bước thấp bước  cao, lom khom  vạch tán là xanh rì rì , xem còn trái nào dưới thấp thấp , nấp trong nách lá không . Có bao nhiêu ông lặt sạch.  Chà ! cũng được non mười trái . Ông bụm vào lòng bàn tay  chai sần, ngồi hẳn xuống đất,  vừa trệu trạo nhai, vừa i ỉ một mình :

- Mẹ nó ! Tụi bây làm gì có được ăn ngon như tao. Hồi đó, tao đổi tiền, vàng cả tủ, chả thèm đếm nữa kìa. Tao có mấy cái nhà cho tụi Mỹ nó thuê, tháng mấy trăm bạc luôn....

Tạch ... tạch ... tạch... 

Mụ Dung về đến. Chống xe xuống, mụ quét con mắt ti hí  cắm trên gương mặt nhũng đi vì mỡ, bóng bẫy , lườm lườm nhìn ông Bảy . Ông Bảy vừa thấy mụ, vội trưng  nụ cười hiền lành, xuề xòa. Lạ lắm. Ông Bảy dữ với bất kỳ ai mon men lại gần nhà ông, cứ sợ họ lấy đồ của ông thôi. Riêng với mụ Dung, vừa thấy bóng mụ, ông trở nên ngoan hiền như đứa trẻ.  Mụ Dung quát :

- Ông ăn gì  đó ?

Ông Bảy rút tay lại, giấu tay vào lòng, co chân sát ngực, cười khệch khạc :

- Hì hì hì . Ăn chi đâu...

Mụ Dung hùng  hổ sấn tới, giật phắt cánh tay gầy teo của ông, vạch  lòng tay ông ra, mặc cho ông cố sức giữ chặt chúng lại. Cầm mớ mít non choắt,bị bóp chặt, gảy vụn,  nhòe nhoẹt nước,  mụ ném vào bãi cỏ đuôi gà xanh ngắt, sòng sọc :

- Mẹ nó ! Dối tao hả ?  Già rồi bày đặt ăn như mọi. Ăn vậy ị bậy ra khổ con khổ cháu à.  Sống chi cho chật đất !

Vừa nói, mụ vừa co giò, đạp thẳng vào cái thân vật vờ như chiếc bóng của ông Bảy. Ông ngã chúi nhào trên nền đất chơm chởm đá. Ông Bảy la chí chóe cả lên :

- Trời ơi ! Nó giết tui ! Nó giết tui  !!!!

- La này ! La này ! La này !

Sau mỗi tiếng " la này ", mụ Dung thẳng tay cầm cây chổi xể, quật túi bụi vào ông Bảy đang nằm co rúm người lại, hai tay ôm chặt lấy đầu, miệng kêu cứu dậy cả xóm. Chưa hả cơn điên, mụ leo cả cái thân béo ú,  nhung nhúc mỡ ,  ngồi lên người đầy xương những xương của ông, hai tay  đánh vô mặt ông tới tấp. Nó đang làm cơm trong nhà, nghe tiếng kêu thất thanh, bỏ dở, chạy ra. Trời ơi ! Cảnh tượng gì thế này ? Nó không thể nào tin nỗi  điều xảy ra trước mắt. Không kịp nghĩ nhiều, quên cả dép, nó vội chạy sang, hét đến lạc giọng : 

-  Cô đánh nữa , ổng chết bây giờ .

Thấy người lạ, mụ Dung buông ông Bảy ra, phủi mông đứng dậy,  mặt đỏ bừng, liếc sơ nó , the thé phân bua :

- Mẹ nó , coi  ổng đó, ở nhà ăn bậy ăn bạ, rồi ỉa đái tri trét tùm lum, ai mà dọn cho nỗi. Đánh cho bỏ thói ăn  ở như mọi....

Nó không nhìn mụ, chỉ đỡ ông Bảy  lòm còm ngồi dậy, tim như có ai siết đến nghẹn, không thở nỗi  :

- Có gì cô từ từ nói, cô đánh ổng, chẳng may ổng chết, hay thương tật, tui  thấy,  tui  quay phim lại, công an hỏi tui  nói, bị tù đó cô. 

Mụ Dung quắc mắt nhìn nó. Chiếc váy hoa xòe rộng , nước da trắng trẻo chẳng đen thùi lùi như  cả xóm này, cộng với mớ tóc vàng ong óng, sợi dây chuyền to đùng đến cả cây vàng chóe trên cổ ... khiến mụ hơi chùng xuống một chút.  Nghe nói dân có học ,  nên mụ cũng hơi ngán. Dù biết chiếc áo không làm nên thầy tu, cơ mà, khoát cái áo sạch, phủ vài mớ kim loại óng ánh, tự dưng, giá trị con người ở một thời điểm nào đó,  lại trở nên đắt giá hẳn.  Xóm nhỏ bắt đầu lao xao. Dăm ba cái đầu thập thò ban nãy, giờ thì... lon ton chạy ra hóng hớt. Mỗi người hùn vô một câu khuyên ngăn.   Mụ Dung chẳng nói gì nữa, quày quả bỏ vào trong nhà, làu bàu rủa xả . 

Mọi người xúm lại xem ông Bảy có bị chi không, rồi dìu ông vào hàng hiên ngồi. May mà chỉ xây xát nhẹ, trầy trụa đôi chỗ, chỗ vết ghẻ lỡ do bị cấn đá vỡ ra , máu chảy thành vệt ngoằn ngoèo trên ống chân xương xẩu của ông. Nó phủi lớp đất trên mặt ông Bảy, trên tóc ông, mà nước mắt ở đâu cứ thi nhau rớt. Nó mặc kệ người ta nói nó mít ướt cũng được, đạo đức giả cũng chẳng sao, con người với nhau , chứ đừng nói gì là cha với con, sao lại để ra cảnh tượng này ?  Ông Bảy giương đôi mắt ráo hoảnh, không có lấy nỗi một giọt nước mắt nào, nhìn mọi người , buông câu nói đứt quãng , run rẩy :

- Đánh đau quá ! ... Đánh đau quá ... đau quá ... 



 ( còn tiếp )


Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Ngồi buồn ai hát câu dân ca đưa....( 1 )



Ai rồi cũng phải già.  Chỉ mong sao.....


- Cô có hộp quẹt không ?

Một giọng nói ồm ồm, rền rĩ, đứt quãng  làm nó giật bắn người quay lưng lại. Nhìn vào đôi mắt trắng dã trên khuôn quặt đen sạm, nhăn nheo, nó hơi sợ. Cố cười, nó bảo :

- Ông chờ con tí.

Nó dựng cây chổi đang quét sân vào bờ tường, chạy vào nhà mang hộp quẹt ra cho ông. Ông cụ tay run mãi vẫn không sao bật được  lửa. Nó vội:

- Ông đưa đây con.

Lửa ngum ngúm trên đầu thuốc. Ông lão cười cười . Nó cầm chổi, chẳng dám quét tiếp vì ông đứng ngay cửa nhà nó, không dám đóng cổng ,e ...mất lịch sự, cũng chẳng dám mời ông vào nhà , vì nó  đơn chiếc , với lại, thú thật  nhìn ông, nó sợ. Bao suy nghĩ lưỡng lự trong đầu nó. Nó không hỏi, nhưng ông vừa run run bập  thuốc, vừa nói :

- Nhà tui đây nè. Tui hồi đó đi lính đó. Tui giàu lắm, toàn đi xe con thôi...

Theo hướng tay ông chỉ, nó nhìn ngồi nhà cấp bốn tềnh toàng có lẽ đã có từ lâu lắm , nằm tẻ nhạt  trong khu đất vườn rộng mênh mông. À, thì ra nhà ông Bảy. Nó vừa dọn về đây vài hôm đã nghe kể sơ sơ về gia đình này. Lạ lắm, cái xóm bé tí nơi ngoại ô thế mà lắm chuyện. Ờ, mà hình như ở đây , người ta biết tất tần tật về nhau đó. Chẳng bù cho khu nhà cũ của nó. Bốn mùa cửa im ỉm khóa, nhà bên cạnh trộm dọn sạch đồ, nhà liền kề cũng chẳng hay. Thậm, chí sáng mở mắt ra thấy hàng xóm dựng cổng hoa mới biết sắp có đám cưới.   Nó tựa lưng vào cổng nhà, nghe ông Bảy rò rè kể chuyện. Tuổi già vậy đó. Giống nội nó. Toàn nhớ chuyện xưa thôi.  Ông kể, kể cái quá khứ chấp vá ẩn hiện trong ký ức.  Đôi mắt mờ đục anh ánh niềm vui thời trai trẻ. Giờ nó mới nhìn kỹ ông. Dù lưng đã còng, song, tay chân ông lêu khêu, nó dám chắc, hồi trẻ ông chắc...cao nhất vùng này quá. Ít nhất cũng hơn một mét tám chứ chẳng chơi. Chiếc áo sơ mi sờn cũ , cài hàng cúc xộc xệch, cái quần cọc nhăn nhúm, giật ngược cả gấu, rách đôi chỗ...  Dường như, chúng chỉ kịp che những gì cần che, để người ta gọi ...là áo, là quần . Không hiểu sao, nó chợt thấy ...tồi tội, thương thương. Ông nói nhiều lắm, nhưng nó chẳng nhớ gì cả. Nó chỉ chăm chăm nhìn vào gương mặt khô quắc của ông đang ánh lên trong cái nắng chiều giòn giã mà nghĩ tới những câu chuyện nó được nghe kể về ông, về cái gia đình ông đang sống. Lòng nghiêng nghiêng, nằng nặng...

Vợ ông bỏ ông từ khi ông bắt đầu bị lẩn, lúc nhớ lúc quên. Kể ra, bỏ nhau vào cái tuổi thất thập cổ lai hy này thì... cũng bạc. Ăn ở với nhau đến đầu bạc răng long cả rồi, không tình thì cũng nghĩa, chẳng hiểu sao lại bỏ người đầu ấp tay gối lúc họ cần mình. Bà ôm hết tiền về khu Tân Định,  mua đâu vài căn mặt tiền cho thuê, rồi ở đấy với 3 người con trai gái đủ đầy, giàu sụ . Ông Bảy ở với mụ Dung - người con gái út vô công rỗi nghề  . Thấy mụ chẳng có việc gì làm, cứ lang thang vòi vĩnh xin tiền miết, nên mấy người con kia bảo mụ về ở với ông Bảy, rồi chăm ông lúc tuổi già, hằng tháng, họ gởi tiền về cho mụ. Sài Gòn mênh mông thật. Cái mông mênh ấy đủ để ngăn mọi cuộc thăm viếng. Sài Gòn tiện lợi thật. Cái tiện lợi đến nỗi chỉ cần vài bước chân ra ngân hàng thì vài giờ sau tiền đã tới tay người nhận, cần chi chạy lên, chạy xuống, vừa nắng noi, vừa bụi bặm.... Nhờ vậy mà mụ Dung tha hồ tong tẩy. Tiền bạc rủng rẻng cho  mụ đi  ngồi sòng cho quên cái đời bạc bẽo, có chồng cũng như không của mụ. Quên luôn cả có người mụ gọi là cha đợi mụ ở nhà  về lo cơm nước. Ờ, mà lo gì, nhịn một bữa cũng có chết đâu mụ sợ chi  mang tội chứ ! Tiết kiệm cũng được chút ít. Già rồi, ăn chi nhiều, tức bụng. Không khéo còn khó tiêu, sình bụng cũng nên. Nó nghe  hàng xóm nói tiền ông bán đất gởi đầy trong ngân hàng,  tiền lãi mỗi tháng cũng đủ cả nhà ba bốn miệng ăn sống phủ phê.  Tới kỳ lãnh lãi, mụ Dung hớn hở khoát cho ông Bảy cái áo tinh tươm, rồi cha con í ới gọi taxi vào rôm rả, vênh mặt ghê lắm. Nhớ lời kể, rồi nhìn ông, nó chợt thấy...khập khiễng quá. Ai nói con đông, ai bảo giàu có thì cuối đời sung sướng. Nó chả tin. Cứ nhìn bộ dạng ông Bảy lúc này, nếu không biết trước,  nó thậm chí còn đoán là ...ông hành khất nào đấy ghé nhà nó xin chút lộc. Khổ thật !

.........................

Trời hưng hửng nắng. Cái nắng gần cuối năm nó dịu dàng đến lạ. Như phả vào mặt cả cái mùi nôn nao ngòn ngọt hương tết vậy.  Những mớ mây bông xốp cả ra rượt đuổi nhau trên nền trời xanh ngăn ngắt. Nó nheo mắt, chăm chú  nhìn ông Bảy đang ngồi bệch cả xuống con hẻm nhỏ lỏm chỏm những đá, dùng đôi tay to bè bè, các đầu ngón tay cáu bẩn mốc trắng cả lên, cào lấy cào để mớ đá lụn vụn bỏ vào cái bao con con , miệng lảm nhảm : 

- Tụi bây bỏ đá tùm lum, phí quá. Tao gom dô nhà nữa xây nhà cho con Dung nó ở. 

Rồi ông cười khùng khục. Chao ôi ! Với ông, chẳng có nắng, chẳng có mưa, chẳng có cả ngày hay đêm, bốn mùa của ông chỉ quẩn quanh cùng mớ ký ức nhàu nhĩ. Ông cứ lụi hụi gom đá, rồi lom khom chống đầu gối đứng dậy một cách khổ sở, lếch từng bước nặng nhọc đi vào sân nhà, trút mới đá vụn xuống. Cứ vậy, ông lụi cụi không ngơi nghỉ. Nó nhìn ngôi nhà khóa chặt cửa mà không khỏi chạnh lòng. Giờ này là mụ Dung ra sòng ngồi rồi. Ngày nào cũng vậy. Mới mấy tháng thôi mà đủ để nó hiểu nếp sinh hoạt đi mây về gió của mụ. Chẳng mấy khi thấy mụ ở nhà. Vậy mà, hễ mụ về tới ngõ là inh ỏi hò hét, chửi rủa loạn xạ cả lên. Thắng, mụ cũng chửi. Thua, mụ càng chửi tợn. Mỗi lần thế, nó thấy ông Bảy hay lủi ra gốc mít bên hông nhà, ngồi cúm núm ở đấy, trông đến thảm. Nó sợ, sợ khi phải thấy những cảnh ấy. Nhưng chả hiểu sao, hầu như, nó ngoài hướng mắt về gian nhà ấy, chẳng có gì làm nó quan tâm hơn ở cái xóm đìu hiu này.  Như bây giờ nè, nhìn ông Bảy một mình ra vô căn nhà im ỉm khóa ấy, nó cứ thấy mình có lỗi nếu như nó không làm một cái gì đó. Nghĩ vậy, nó chạy vào nhà, mở tủ lạnh, lấy hộp sữa của thằng con nó,  ròn rén lò dò sang nhà ông. Dù chẳng làm chi gian cả, vẫn cứ sợ láng giềng bắt gặp, rồi xì xầm bảo nó... đạo đức giả chi chi ấy. Sợ lắm.  Người ta nói người chân quê thật thà. Ờ, công nhận là có thật thà thiệt, cơ mà, họ luôn hoài nghi, luôn khắc khe một cách khó hiểu với những người có vẻ ngoài hơi tinh tươm một chút như nó. Thôi, tránh voi chẳng xấu mặt nào.  Sợ dị nghị, thì né trước  cho an toàn vậy. 

- Ông Bảy ! Nè ! Ông ... uống đi !

Nghe tiếng gọi tên mình khe khẽ, ông Bảy quay lại. Đôi mắt nhìn nó như dò xét, ngạc nhiên. Có lẽ, đã lâu rồi, không ai cho ông cái gì như thế này. Nhìn ông cầm hộp sữa mà cứ xoay tới, xoay lui, miệng móm mém cười ....nụ cười lạ lắm, không vui, không buồn, mang mùi ngạc nhiên thì đúng hơn.  Nó  xé ống hút, cắm vào hộp sửa , cười buồn buồn nói : 

- Ông uống như vầy nè. 

Ông Bảy cười. Đôi môi nứt nẻ cắn chặt ống hút, hút liên tục , hút đến kêu rột rột, hộp sữa tóp cả lại, ông vẫn cứ hút. Tội ghê. Chắc ông thèm lắm. Nó nói :

- Thôi, ông đừng hút nữa. hết rồi. Chút con cho cái khác 

- Ngon hén. Cô nhớ cho tui đó nghen. 

Ông nhét hộp sữa đã hết vào tui quần cọc, miệng liếm mép có vẻ thòm thèm thấy mà thương.  Nó với tay lấy hộp sữa  lại , định bỏ đi , chẳng phải gì, chỉ là sợ mụ Dung về thấy thì mụ hét ầm ĩ mệt lắm. Nhưng chao ôi ! Vừa thấy tay nó chạm tới, ông Bảy hét toáng lên :

- Mày làm gì thế ? Ăn cắp đồ của tao à ?  Của người ta cho tao , ngon lắm. mày định lấy của tao à? Tao đập bể đầu mày ra bây giờ ?...

Ông quơ tay, hò hét loạn xạ. Nó sợ quá, ba chân bốn cẳng lủi ngay về nhà, đóng cổng lại, thập thò xem có ai nghe ngóng gì không ? Phù ! May quá, chưa ai kịp trông thấy nó lởn vởn gần ông cả.  Hú hồn !  Suýt chút nữa bỗng dưng mang họa rồi. Nó lấm lét nhìn ông Bảy đang gầm gừ bằng chút bản năng, mắt căm căm nhìn về phía nó, vừa sợ, lại vừa thương vô cùng . Đấy ! Vừa tỉnh táo đấy, ông lại quay sang quên nhớ như vậy đó. Hèn chi, cả xóm, chẳng ai muốn dây dưa gì với ông cả. Tiếng thơm đâu không thấy, lỡ có gì, mụ Dung chửi nát nhà họ ra làm sao ? Ai cũng nghĩ, suy cho cùng, mụ ấy là con, mụ không xót cha mụ thì thôi, mắc giống gì họ xót. 

Và cứ vậy, mà trưa nào, chiều nào, vẫn một mình ông Bảy đi ra đi vào , quanh quẩn  cái sân  ong óng nắng, lảm nhảm kể cho mấy con gà chạy líu ríu dưới chân, những câu chuyện không đầu không đuôi của một thời xa ngai ngái .... 



mai rảnh Tám kể tiếp nghen ....



Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Ừ, thôi.. thu đi




Cơn gió cuối cùng cuốn mặt trời đi
Mang giấu vào mơ   những sợi thương , sợi nhớ
Con dế nghểnh mặt , hứng giọt trăng non, uống cho cạn câu hẹn thề  dang dở
Tiếng nấc vỡ loang
Hiên vắng  bước chân buồn
Khẽ  thôi, nghe nè , Ngày cũ chở ướt mèm vướng mắt lệ ai tuông
Tay miết cọng thơ gầy, em khuấy chén tương tư, 
say với niềm riêng, vọc nỗi đau chơi trò đầu mày cuối mắt
Ngày chạm thềm đêm
sương rụng
trăng ngân 
Cái nhớ khum tay ôm mảnh thơ cong , cất lời ru ngăn ngắt
Ả ơi hời ! Ơi hời ru!

Ngày nghiêng rồi 
Tháng tám ngập ngừng rơi
Hoa nắng giòn tan reo giữa thu ngời 
Ôm nụ cười trong veo em an nhiên qua phố
thả câu ru xanh ngắt vắt lưng trời
À ơi...
Thằng Mong cõng con Chờ  chạy đón tiếng rao lơi
Mua mớ niềm tin gieo đỏ giấc mơ đời
Chân cuống. Tay run
Thôi đã trễ
Ngửa mặt ngạo đời buông câu hát à ơi....

Ả ơi hời  ! Ơi hời ru...

Ngật ngầy  tay tự vuốt tay
ngỡ tay Ngày cũ vịn say tìm về
Môi tìm môi tự mân mê
ngỡ môi Ngày cũ ghé kề chiếc hôn

Vạch đêm, em trút tủi hờn.   Ừ, ... thôi ....




Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

nói lan man, linh tinh...


 Tám nhảm là phụ, khoe cái mẹc mâm là mục nhọt chính của tui á. Há há


1. Sáng hôm nọ mở mạng ,  gặp cái thằng nhà báo chó cắn nào đó dám quẳng cái bài " Gái miền Tây và 3 chữ N vang danh thiên hạ ". Hắn là trai miền Bắc, hắn tự cho hắn thuộc hàng " sạch", não dài tới...đít , và bảo đám con gái miền Tây - trong đó dĩ nhiên là có cả tui rồi , là cái thứ NGON - NGOAN - NGU. Bài hắn viết dài lắm, và chao ôi, đọc tới đâu, ấm ức dâng nghẹn tới đó. 

Ây da ! Người xứ tui nào dám chê xứ khác thế nào đâu. Bắc - Trung - Nam chi , cứ về miền Tây đi rồi thấy. Anh ở đâu tui không cần biết, vào nhà tui rồi thì cũng như người nhà,  tui ăn chi anh ăn nấy, có phân biệt gì đâu.  Thậm chí, cái ngon nhường khách, cái dở tui ăn nữa kìa.  Không lẽ vậy là ngu ?  Vợ nhường chồng, chiều chồng một tí thì có gì không đúng ? Con cái báo hiếu cha mẹ, đôi khi, cha mẹ gả bán đâu cũng ... đâm đầu mà theo , rõ ràng là ...nhiều khi may thì gặp người quân tử, xui thì vớ phải hạng xà bần, thậm chí bỏ thân nơi đất khách ... nhưng những người con gái ấy vẫn đi, với hy vọng duy nhất : Thoát nghèo, cho gia đình mình đỡ khổ. Họ có đáng thương không ?  Tui không biết tay nhà báo ấy có làm được gì cho ba mẹ, dòng họ hắn nhờ hay chưa, chứ nói thiệt, đem hắn ra so với cái vòng ...3 của Ngọc Trinh - cô gái Trà Vinh, dân miền Tây ấy,  học hành không tới nơi tới chốn, bị dân chúng xếp vào hàng não ngắn chi chi á , nói xin lỗi, cũng chẳng có cửa mà so. Ít ra, cô ấy ngoáy mông một phát còn ra tiền, còn hắn, có lột sạch bày tơ hơ, chả ai thèm ngó. Nói đâu cho xa xôi, tui là ế chỏng chơ, xấu hái dzã man rợ lun, dưng mà, thà làm mắm chớ còn cỡ thằng ấy , tiền tỷ cũng chả ngó. Ghét, ấm ức quá, thèm dộng vô mỏ thằng ấy quá mừ...tui yếu đuối thía nì, có dám đánh đấm gì ai đâu chứ ! 
May thay, các bác trên Bộ thấy hắn giỏi quá, não to quá, nên đề nghị hắn móc hầu bao chừng hơn 200 triệu để ...làm bia vinh danh cho những ai có phát ngôn quá sức " thông minh " như hắn. Ka ka . Cảm thấy hả hê vô cùng tận.


2. Chiều, lượn face. Đọc nhiều cái ...ngồ ngộ. Một chị chia sẻ cách làm ăn gian dối, phi đạo đức của các con buôn. Vì lợi nhuận, họ sẳn sàng phù phép thịt thối thành thịt tươi, đồ ươn thành hàng nóng sốt, bán cho bà con mình. Vụ này thì...đầy như cơm bữa . Ai cũng biết, ai cũng thấy. Nói đâu xa, mới hồi chiều qua đi chợ, tui thấy một mâm thịt gà khổng lồ, rao bán với giá 15.000 đồng / kg. Nhìn miếng thịt xám ngoét, tái nhợt, nhớt nhác, tui nhìn thui đã thấy nhợn . Tui đã chạnh lòng khi thấy các bạn - tui biết là công nhân vừa tan ca, đã xúm xít lựa xem có miếng nào đỡ đỡ tí thì mua. Chao ôi ! Thương mà không làm gì được. Họ vẫn biết thịt đó hư, thịt đó có vấn đề. Biết hết, nhưng họ vẫn cố mà lựa. Nói sơ sơ, tỏi Trung Quốc 30.000 đồng / kg. Tỏi Lý Sơn Việt Nam giá 110.000 đồng/ kg. Củ cải đỏ Trung Quốc 12.000 đồng / kg, hàng Việt Nam 25.000 đồng/ kg. ... Biết hàng Việt Nam mình chất lượng đảm bảo, nhưng rồi, họ vẫn mua hàng Trung Quốc để ăn  , dù người bán nói rất rõ, thậm chí không cần nói, nhìn bằng mắt thường cũng dư sức phân biệt được. Vì sao ư ? Tiền đấy ! Tiền không có, muốn ăn một cân gà ta 120.000 đồng/ kg, mua ký tỏi hơn 100.000 là xa xỉ đối với họ. Họ còn bao cái khác để chi mà. Nói trách hàng cơm vô lương tâm mua thịt hư về nấu bán cho người lao động. Trách thì quá đúng rồi. Gặp tui , tui cũng trách nữa.  Nhưng đứng ở góc độ của người hàng cơm, nhất là các hàng phục vụ cho công nhân, người lao động bình dân, giá một dĩa cơm vỏn vẹn dao động từ 12 - 15.000 đồng, mua thịt cá ngon về, bán đắt một chút thì chẳng ai mua  . Tui đi chợ, mua 1 que sườn non nhỏ xíu thui, thảy lên cân tính tiền cũng đã 25.000 đồng, về chặt ra...chừng 5 cục tí xíu. Nếu hàng cơm cũng mua như tui, họ lãi vào chỗ nào ? Thế nên, hàng cơm chỉ gom thịt ế lúc vãn chợ cho được giá rẻ. Và để mất mùi tanh, đương nhiên là họ phải sử dụng đến gia vị. Và rồi thì... cái vòng lẩn quẩn vì tiền mà ra cứ thế xoay tròn. 

Chuyện sẽ chẳng có gì, nếu như một chị không bay vào nói : " Cứ Vào Siêu thị hay Metro. Vissan đi chợ có gì vào ấy mà đổi mà mắng vốn ! Còn đi ăn thì vào những nhà hàng uy tín mà ăn đừng ăn bừa bãi hàng quán những nơi mà mình không rõ nguồn gốc ! Dân Việt nam Ta Hiện có bao nhiêu người Đang Sống Khỏe Mạnh ! Ai Cũng ăn Đồ Bẩn. Đồ Độc Hại thì lấy đâu ra Hoa Hậu Người Mẫu. Chân Dài.....v..v.....?!!!.." , " Ngu dốt đụng đâu ăn Bừa nấy  "... 

Tui đọc mà thương cho cái nghèo gì đâu đó. Ai không muốn ăn ngon, ai không muốn ăn sạch, ai không muốn đi vào siêu thị...? Nhưng có hàng triệu , triệu người ở Việt Nam cả đời chưa từng vào siêu thị bao giờ. Chắc chị rất giàu, nhà rất gần siêu thị, nên chị nói dễ như thở vậy á. Cứ thử một ngày phát cho sinh hoạt phí 20.000 hay 30.000 đồng - chưa bằng 1 tô phở chị ăn sáng, liệu chị có dám vào siêu thị mà mua thịt bò hay không ? Xin thưa, đến trái ớt, cọng hành trong siêu thị nó cũng mắc hơn ngoài chợ xa lắm. Và người nghèo họ không " ngu dốt đụng đâu ăn bừa đấy " như chị nghĩ đâu. Chẳng qua là vì tiền họ không có rủng rỉnh như chị để mà leo lên face lớn lối như thế thôi. 

3. Lan man, tui chợt nghĩ . Ai giàu người đó hưởng. Ai nghèo thì chịu thôi, ráng làm để dành mà thoát nghèo. Người nào cũng có số phần của người ấy rồi. Mình được may mắn hơn họ, thì đó là phúc của mình. Giúp được người thì giúp, không thì thôi. Đừng mang cái kiểu trưởng giả trịch thượng ấy ra mà khè thiên hạ. Suy cho cùng, mình có cho gì người ta đâu, có giúp gì người ta đâu mà khinh miệt người ta làm gì ? 

Ngồi buồn buồn, tui xòe tay ra cắt móng tay. Nhìn bàn tay năm ngón thon thon dài dài... chợt thương bàn tay mẹ tui gì đâu đó. Lần trước mẹ lên, tui có cầm tay, bảo là coi chỉ tay cho mẹ. Mẹ tui mê coi bói lắm. Nhưng tui thì . ..chả biết đâu là đường Sanh  đạo - Trí Đạo- hay Tâm đạo, đâu là gò Kim tinh , Hỏa tinh...  gì... Tui vẫn cứ luyên tha luyên thuyên với mẹ về một tương lai .. hơi hơi hồng hồng . Mẹ tui cười hi hí. Còn tui, nhìn bàn tay chai cứng vì nạo dừa, vì cầm cuốc của mẹ tui cả thời tuổi trẻ, nhìn những đốt ngón tay to đùng của mẹ mà... chợt thấy mình vô tâm quá. Cũng là năm ngón tay ấy, nhưng có ai giống ai đâu . 

Sài Gòn đang mưa. Chắc vậy mà tự dưng...buồn nguyên cục lãng xẹt dzậy nè trời ?!!!!


Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

Ngó lên trời , trời trong mây trắng...



- ĐM ! giờ má con bà tính sao đây ? Mẹ nó ! Sắm cái mặt cho ngon lành mà đểu cán. Ăn ở với con người ta giờ bỏ  là sao hả ? Mày  kêu thằng con mày ra đây ! Nó trốn tao hổng có xong đâu.  Má nó ! Có ngon lũi mẹ nó đi, ló mặt ra tao thiến cả họ mày...

Mụ Dung đang xối xả . Gương mặt bành bạnh,  đỏ lự đi vì giận dữ. Hai con mắt ti hí cố long lên sồng sộc vẫn chẳng thấy nỗi con ngươi đâu cả. Mụ ác có tiếng ở xóm này - cái xóm bé teo chỉ hơn hai mươi hộ. Chẳng ai muốn dây dưa gì với loại người mồm cao hơn cả trán như thế. Khổ cái tai lắm. Bà Năm thiệt lòng chẳng ngờ thằng con bà lại... Thiếu chi con gái , mắc giống gì đâm đầu vào cái nhà chẳng có tôn ti trật tự gì cả như nhà mụ  Dung. Người ta nói : " Mua heo chọn nái, cưới gái chọn dòng ". Cấm có sai. Cưới cái ngữ ấy về, ba bữa nó lôi cả họ nhà bà ra mà úp sọt à. Không đời nào. May mà bà chưa kịp cản, thì thằng con bà nó đã chán. Mấy tháng nay,  mỗi lần con Ngân sang kiếm, nó trốn mất biệt, dặn bà bảo đi vắng. Bà mừng, bà hả hê trong bụng. Đôi khi, thấy con Ngân lủi thủi, đi về, bà cũng chợt... tội nó. Ờ, con nhỏ đó nó chẳng giống má , cũng chẳng giống ba , cứ lùi lũi đi làm, rồi về, không tụ tập bạn bè đàn đúm chi cả. Chả bù cho má nó, hễ thấy mất dáng là biết ngay ra sòng ngoài đầu ngõ ngồi xòe quạt. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng ...hốt về thì... bà chả dám. Đấy ! Giờ thằng con bà muốn bà cưới vợ cho nó, vừa làm chung chỗ, vừa bằng vai phải vế, bà phải cưới cho nó thôi .Sao bà nỡ ép con bà cưới cái đứa...mà bà cũng chẳng ưa được chớ ?

Mụ Dung tru tréo chán, chẳng thấy động tịnh gì. Chửi thế nào, bà Năm cũng ngồi im im, thỉnh thoảng  buông vài câu xoa dịu đầy ái ngại, cảm thông. Nào con dại cái mang, biết làm sao giờ. Nào  tụi nhỏ nó lớn hết rồi, yêu đương là chuyện của tụi nó, đám già sao nhảy vào ép bọn nó được. Hồi tụi nó thương, có ai xúi đâu . Giờ tụi nó không thương nữa, thân làm cha mẹ , con ưng đâu , bà cưới gã đó, tại tụi nó có duyên, không nợ, đành thôi chớ sao ...  Mụ Dung nghẹn họng, không nói chi được nữa. Mụ ra rả kể lể, mụ dấm dẳng , lèo đèo vài câu mắng mỏ vớt vát... Cũng vậy thôi. Còn thương đâu mà cào, mà xước lên chi nữa.  Con Ngân mắt đỏ hoe,  lụi hụi chạy sang, kéo mụ Dung về.  Mụ vừa đi, vừa ngoái đầu nguyền rủa. Bà Năm vẫn ngồi đó, mặt không buồn không vui, buông lời thưng thưng :

- Con gái mà không giữ, biết trách ai bây giờ.

Căn nhà cấp bốn đầy rêu bám từng mảng loang lổ trên tường vốn đã u ám, giờ nặng nề hơn bời nghìn lời đay nghiến của mụ Dung. Con Ngân ngồi im, tựa lưng vào gốc mít bên hiên nhà, ngó mớ cỏ đuôi gà ong óng xanh trong nắng. Lòng rười rượi . Nó không giận má, chẳng giận anh, chỉ ngồi mà nhớ. Nhớ tới đâu, nước mắt chảy tới đó. Nó có muốn khóc đâu,  nó không muốn anh nặng lòng thương hại nó  chi nữa. Hết thương rồi, nó chàng ràng trước mặt chỉ làm nhọc mắt anh thôi. Nhìn ánh mắt anh đi ngang qua nó dửng dưng như chưa từng một lần âu yếm, nó đã đau đến nghẹn cả tim rồi. Mấy lần, nó chỉ muốn hỏi anh còn thương nó không, nó đã làm gì sai để anh lặng lặng mà  ngày một xa nó như vậy. Nhưng... Trời ạ ! Cùng con ngõ đó, thấy nhau mỗi ngày đó, gần như vậy đó... Mà trời ơi  ! Khi cửa lòng người ta đã đóng, dù nó có cố gõ, có đập cửa đến tóe máu tay nó đi nữa, thì vẫn im ỉm. Trơ trơ. Rồi thì cái điều nó linh cảm cũng đã đến.  Cách anh nhìn người ta, cách anh trêu đùa với người ta, cách anh nghiêng nghiêng cười cùng người ta.... sao mà quen, sao mà thân thuộc đến vậy. Nó cũng từng được như thế. Phải chi khuất mặt khuất mày, phải chi nó đừng thấy gì cả, chẳng thà nó sống trong giả dối, trong cái niềm tin trẻ con rằng anh thương nó, anh thương nó như những gì anh nói, nó sẽ chờ, sẽ đợi anh . Đợi cái ngày anh nắm tay nó dẫn về nhà - dù nhà anh chỉ vài bước chân thôi đã tới, dù ngày nào nó cũng đi ngang ấy ...  Bao lâu nó cũng đợi mà. Mấy lần gối đầu lên khuôn ngực rắn rỏi của anh, nghe anh tính chuyện tương lai, nó vui , vui gì đâu đó. Nhắm mắt lại cũng thấy niềm vui mang nụ cười vàng rụm. Nó chẳng cần chi cái đám cưới to đùng đùng như má nó bóng gió xa xôi.  Thiệt lòng, cứ nghĩ tới hình ảnh  anh bưng khay trầu rượu, nghĩ tới buồng cau xanh xanh dán chi chít chữ Hỷ đỏ ối... là mặt nó ửng  hồng sung sướng.  Nó đã là người của anh rồi, nó chỉ mong, chỉ chờ ngày ấy thôi... Vậy mà....

Xóm nhỏ rộn ràng đón cô dâu mới. Người ra kẻ vào tấp nập. Mụ Dung đi đâu mấy ngày rồi không về nhà. Chắc là thua rồi, lại vất vưởng đâu đấy trả nợ thôi. Cái gia đình bé tẹo của con Ngân luôn mang sắc màu quái đản, xám xịt như vậy đó. Ba nó ngày nào cũng sáng xỉn chiều say, nay ở bên ngoại , mai về bên nội ăn bám. Má nó thì ... có tiền ha hả ra sòng, sạch tiền thì... Thôi, không nghĩ nữa, nhục lắm. Là con, nói mãi cũng chẳng được.  Con Ngân cứ thế lầm lũi sống, lầm lũi cày trả nợ. Rồi lầm lũi yêu . Lầm lũi tin. Và ...hôm nay anh đón người ta về nhà anh đấy. Có xa xôi gì đâu.  Nó muốn đi đâu đó loanh quanh cho hết cái ngày chủ nhật dài lê thê này. Nhưng rồi, chẳng hiểu sao, nó không đi đâu cả. Nó co người, ngồi thu lu nơi cửa sổ rỉ sét khép hờ, dõi mắt nhìn cái xôn xao xanh đỏ nơi ngõ nhà anh, lòng rưng rức, rưng rức. Cả xóm nhà ai cũng có thiệp, riêng nhà nó thì không. Nó cũng chẳng buồn chuyện ấy. Đưa thiệp cho nó, chi bằng giết nó đi ngay có phải đỡ đau hơn không? Khi thương, cầm tay nói thương sao dễ dàng quá. Khi xa, đến câu chào nhau, đến cả nhìn nhau cũng tiếc, cũng sợ chạm vào ngày cũ. Nó ngồi yên như vậy, mặc cho bao mớ kỷ niệm cấu vào lòng nhưng nhức. Không có tiếng pháo, chỉ có tiếng nhạc xập xình inh ỏi. Nó mong thấy anh, thấy gương mặt xương xương mang nụ cười hiền hiền mà giấc mơ nào nó cũng lụi hụi mơ mỗi gương mặt ấy. Ờ, lạ là thấy thì lòng đau, đau đến nghẹn, vậy mà , vẫn cứ len lén dõi theo, len lén ngóng trông, len lén tìm kiếm... Chẳng để làm gì, ngoài ....chuốc thêm những nhát cứa vào lòng. Đông quá , mắt nó nhòa nhòa, quẹt vội mấy cũng không nhìn ra anh trông mớ hỗn độn đó. Chợt, nó thấy đám đông lao xao, ầm ĩ, huyên náo cả lên. Ôi trời ! Ai như má nó về.   Má nó đang ầm ĩ nơi ngõ nhà anh. Nó hoảng hồn,  vội vàng leo xuống ván, chạy sang.

Mụ  Dung đang điên. Mụ dạng chân, chống cả hai tay lên thách cả họ nhà bà Năm. Mụ lôi từ cái chuyện năm nẳm năm nào , tình nghĩa chòm xóm ra sao, mụ mang ra giày xéo. Vừa chửi, mụ vừa quơ cây chổi xể to đùng đùng đập loạn xị vào cái bảng " Thành hôn " đỏ ối treo tòng teng ngang cổng hoa.  Đám thanh niên trong nhà túm lấy mụ ngăn cản. Quái ! Chả hiểu con mụ này ăn chi mà khỏe thế ? Mụ nhào vật cả đám, sồng sộc kéo sập cả cái cổng. Nó vội lao vào má nó, mặt ràn rụa nước mắt, hai tay ôm chặt lấy mụ Dung, giọng đứt quãng :

- Con lạy má ! Má dìa dùm con. Con... Má ơi...

Nó chẳng nói gì được nữa. Một cái tát trời giáng bà Dung phát thẳng vào mặt nó.  Mụ túm lấy tóc nó, lật ngược mặt nó, bắt nó nhìn  thẳng vào anh - đang đứng ôm chặt cô vợ nhỏ , ánh mắt  đầy hoảng sợ,  nép sau ông bà Năm cạnh cánh cửa : 

- Mẹ mày ! Mày nhìn con tao nè. Chơi chán rồi nó quăng vậy đó. Mày ráng mà giữ thằng chó ấy. ...

Mụ Dung mắng nhiều , nhiều lắm. Nó chẳng còn nghe thấy gì nữa cả. Chỉ nhớ là hình như mụ lôi tuột nó về nhà quẳng nó lên nền nhà với bộ dạng xộc xệch như mảnh giẻ.  Mụ đánh, mụ mắng, mụ chà đạp thế nào... nó chỉ biết ôm đầu , nằm co quắp, cắn răng ngăn không kêu, không khóc. Tiếng hự hự dồn nén rin rít.  Nó sợ, sợ tiếng nó khóc xoáy thêm vào sự thương hại, rẻ rúng nơi anh. Sợ  lắm. Sợ còn hơn cả đòn roi đang trút vào người nó thế này.   Chẳng một ai vào can ngăn cả. Chuyện nhà người ta mà. Đánh chửi chán, mụ ào ào bỏ đi. Tiếng xe the thé đến nát cả trưa nắng giòn rụm. 

Mụ Dung đi rồi, nó lòm còm ngồi dậy. Ê ẩm cả người. Đầu nó nhức đến từng chân tóc.  Hai tay nó lằn ngang , lằn dọc chi chít. Chao ôi ! Sướng có bao nhiêu mà giờ đau đớn đến thế này ? Nó biết, má đánh lẫy nó. Cũng tại nó dại, nó cả tin. Nó đem lòng mình ra  nghĩ anh cũng thế. Mà...lòng người đâu là giấy,  đàn ông như anh lại càng...thăm thẳm giếng khơi, soi chi cho thấy đáy. Nó quẹt nước mắt, nước mũi đang nhòe nhoẹt, lũi thũi bước ra sau hè, ngồi phịch xuống, thả ánh mắt vô hồn ra khoảng đất trống xanh um cỏ. Những ngày mưa xối xả đã qua, trời hưng hửng nắng mấy hôm, mớ cỏ cứ xanh đến là thương. Hồi đó,  ngay chỗ này nè, anh cầm tay nó, anh vẽ cho nó xem một mái ấm nho nhỏ. Nơi đó, có nó mỗi sáng dậy sớm hơn một chút làm cơm bỏ vào cà-men cho anh mang theo đi làm. Nơi  đó , mỗi tối, nó đấm lưng cho anh bớt mệt mõi,  để nghe anh nói : " Tay vợ đấm lưng sướng thiệt ". Nơi đó, có anh , sau giờ tan ca, hì hục  sạt cỏ, vun liếp rau xanh, thả dăm con bò... Rồi bò mẹ đẻ bò con. Rồi đàn con nhỏ lon ton chạy quanh ngõ . Ờ, nhà nội, nhà ngoại gần thế, chạy qua chạy lại cho vui... Chao ôi ! bức tranh chi mà đẹp lạ đẹp lùng. Lời anh nói còn âm ấm bên tai. Vậy mà...

Nhạc lại bật lên rộn rã. Tiếng  " dô ! dô " rôm rả vang vang. Còn Ngân ôm gối, tựa đầu, nghe câu hát hò lơ từ miền nào văng vẳng đưa trong ký ức : 

.. À ơi !
Ngó lên trời thì trời trong mây trắng
Dòm xuống nước thì nước trắng lại trong.
Nhỏ như ai chứ nhỏ như em đây mà chắc dạ bền lòng
Lỡ duyên thời em chịu lỡ chớ đóng cửa loan phòng ..... Em chờ anh....




Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Đừng hò hẹn với em nghen anh !




Bất chợt em ước gì em chẳng biết anh
Có lẽ em sẽ không thương con nắng dở ươn  nhiều đến vậy
Em nhắm mắt,
Em xòe tay
Em nhào nặn đêm ,  em mót nắng tạc lên ngày, mà dáng anh nào đâu thấy
Tội tình chưa ?
Đôi lúc hỏi lòng nếu quay lại đường xưa
Em chắc sẽ vẫn níu câu thơ vẽ hình anh ,
nhỏ nhoi thôi,
Cũng đủ để em soi gương khoe nụ cười lúng liếng
Se sẻ nhặt nắng về , hương mạ giòn thơm , mong kết tròn câu chuyện
Có hai người treo mãi một chiếc hôn...
Ngày vấn vít đêm
Cái nhớ bồn chồn
Câu hứa chờ nhau thẩn thờ ngồi tựa cửa
Cắt mảnh trăng non , em xé lòng mình nhóm lửa
Khói xát vào đêm
xon xót mắt em rồi...
Anh ơi !
Tay em buồn, tay gọi bàn tay
Mười ngón đan mây . Trống hươ. Trống hoác
Anh nói em nghe đi,
em biết lấy gì  phủ kín phòng loan , một mình ghì trăng,  vẽ  vết yêu nghuệch ngoạc
em biết lấy gì suồng sã với em đây ?
Chênh chếch song thưa trăng xõa đóng then cài
Em  lau mớ nợ duyên , chất cho đầy vạt gió
Thưng thưng em hát, hát  ru  mồ yêu xanh cỏ
 Bỏ tiếng thở dài trôi tuột sau lưng

 Đừng hò hẹn với em nghen anh,  khi lời hứa cột trăng chẳng đặng chẳng đừng
Anh xem nè, mảnh duyên em, trắng phau màu vôi bạc ....





Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Em có bí mật của em nè !






Chiều tần ngần qua ngõ
Cái nhớ hắc xì , để nắng giật mình rơi đỏ ối bên song
Em nhớ Người Dưng
Luống cuống nhặt về pha bảng màu tập tành mài cọ
Suỵt !
Bí mật của em, chẳng nói anh nghe đâu, em nhét vào nách cỏ
Anh có nghe
Con dế ngốc ré lên cười ..
Em len lén  vẽ những niềm vui
Là câu thơ mang bóng hình anh , cầm cái ô  cam cam , chói hơn cả ông mặt trời sắp rụng
Là nụ cười hai đứa mình lúng túng
Khi tay hai ngón lỡ chạm nhau...
Tám ngón còn lại ....
chợt gầy...
Em thậm thụt vẽ nỗi buồn trong vắt nhuốm màu mây
Ngày anh bước qua em,
ánh mắt thờ ơ, chẳng biết nói điều chi,
câu thơ em buồn thiu nằm thút thít
Mớ lúa ngoài đồng  mây mẩy ngút ngắt xanh , gọi mùa sẻ về rộn ràng, chíu chít
Em một mình...
Em gọi ... Người Dưng...
Miệt mài em vẽ sợi  thương anh , dù âu yếm chưa từng
Em nấu mớ nhãn lồng, 
thương công anh , sợ em mất ngủ, chạy ngược chạy xuôi,  che trời hong nắng ráo
Tháng tám sàng sê lúng liếng màu hoa gạo
Câu hát tự tình ,
em giữ... chẳng dám trao
Anh ơi ! Có khi nào...
Em cứ lang thang nhặt nắng vẽ hoài , vẽ mãi...
Ngơ ngác chữ duyên
Chữ nợ dở ươn rực mùi nắng cháy
Ôi ! Bí mật của em mà !
Ai nỡ  mang ra đốt đồng cho sặc sụa cả chiều cong ?




Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

ru lòng em hát à ơi...





Em chẳng biết làm gì để giấu nỗi buồn em
những nỗi buồn không tên, chẳng còn  người để gởi
thậm thụt gói vào con chữ, dìm sâu nơi  góc tối.
Con dế khóc thét rồi. 
Lỡ tay chạm. Nó đau ...
Em gánh mớ buồn vui ngày cũ ,
một mình thôi, rao bán mảnh duyên héo úa, nát nhàu. 
Dãi yếm cột  trăng dửng dưng buông ...  Có ai ràng ? Ai  buộc   ?
Lời hẹn trăm năm đánh tiếng thở dài  thõng thượt
Mưa cuộn ...
gió lùa ...
mang câu hứa mịt mùng xa
Tháng tám rửa chân, ngồi nép dưới hiên nhà
Hoa nắng  tòng teng,  treo ngược chiếc hôn, gõ vào mơ rùm rụm 
Tay chưa trọn tay 
Em biết lấy gì đây, che kín  nỗi buồn em  ,
nghe con nắng gọi lời thương, nghe tủi hờn  bưng mặt , cúi đầu cúm núm
nghe hương nhãn lồng xao xác cả chiều trong
Có là gì đâu, mà đợi, mà mong 
Cỏ ngút ngắt xanh vạch đôi bờ trời  - đất 
Người đến ...
Người đi ....
Con  phố  thờ ơ, vứt dấu chân hoang bên lối đời tất bật
Ngơ ngác em về nhặt nắng giữa ngày mưa...
Câu hát buồn tênh ru lại  giấc mơ thừa
Nửa mảnh trăng cong quặn lòng gieo câu ví : 
" À ơi ! 
Em ôm bó mạ xuống đồng
Miệng ca,  tay cấy mà lòng nhớ ai ...







Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

Quê tôi đó, ngõ nhà tôi đó...

Bãi biển Tân Thành - hồi xưa, tôi có may mắn được đi cào nghêu một lần, được leo lên cái chòi canh xa xa kia, ngó biển mênh mông, lồng lộng, được mưa đá ở biển đánh rát cả mặt ... Cảm giác thật Yomost 


Hồi còn bé, hai từ " quê hương " đối với tôi là một cái gì đó ...rất thơ. Nó đẹp lắm. Ừ, không đẹp sao được khi mỗi trưa hè gió lộng , tôi hay trèo lên bờ hồ bên hông nhà nằm ...ngủ. Mát ơi là mát .À, không phải hồ tự nhiên mênh mông chi đâu, chỉ là cái hồ nội tôi  xây từ cái thời xa lắc lơ nào đó để dành chứa nước mưa dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Quê tôi gần biển, nước mặn, lắm phèn, đến cái gió, cái nắng cũng ran rát, hăng hăng. Ngày ấy  quê tôi  chưa có nước máy vào tận ngõ như bây giờ . Nên nhà nào trong xóm cũng xây cái hồ to đùng để dành hứng nước mưa mỗi khi mùa mưa tới, rồi chiu chắt từ giọt xài cho ...cả một năm đợi mùa mưa sau. Sát hồ nhà nội tôi , có một cây ổi, trái không nhiều lắm, nhưng chao ôi, nó to, da căng bóng, nhìn thôi đã ...thèm sinh lòng đạo tặc mà ...hái liền thôi. Đấy, trưa nào tôi cũng ôm gối, nằm trên hồ, ngủ dưới tàn ổi xanh rì rì. Nhắm mắt lại, tưởng tượng đủ thứ. Giấc mơ ngày ấy của tôi cũng chẳng nhiều nhặn gì, quanh đi quoảnh lại cũng ...mỗi dòng sông đầy sữa tươi , tôi nằm trên lát bánh mì khổng lồ trôi đi . Dòng sông ấy mang tôi đi qua vương quốc mật ong, bánh ngọt, rồi cả cơ man nào nấm đủ sắc màu chen chúc xòe tay....Bầu trời xanh, mặt đất xanh ... Tôi cứ thế mà mơ giấc mơ cổ tích xanh ngăn ngắt.

 Rồi không hiểu từ bao giờ, tôi cứ hay lảm nhảm mấy câu :


" Quê hương là con đò nhỏ 
Êm đềm khua nước ven sông
....
Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
là hương hoa đồng cỏ nội
bay trong giấc ngủ đêm hè 
Quê hương là vòng tay ấm
con nằm ngủ giữa đêm mưa
quê hương là đêm trăng tỏ
hoa cau rụng trắng ngoài thềm 
.......... "

Tôi thương lắm bài thơ trong vắt này . Dù ngõ nhà tôi ngày ấy không có hương cau ngan ngát, cũng chẳng có chiếc cầu tre nào, lại càng không thấy nỗi con đò nhỏ, và làm gì có vòng tay ấm nào ngoài mỗi thằng tôi ốm teo co ro trong cái chăn sờn bạc cả lên lạnh run mỗi khi nghe mưa ầm ĩ vỗ rát mái tole mà ...sợ ma gần chết đi được. Nhưng tôi vẫn cứ yêu quê mình với những hình ảnh mặc nhiên như thế. Tôi không biết hương cau ngan ngát thế nào, nhưng, mỗi khi đêm xuống, cái ngõ nhỏ nhà tôi khi ấy lại  ngào ngạt hương dạ lý . Nhà ông Bảy đầu ngõ trồng hoa này phủ xanh kín cả cổng nhà ông. Cái mùi hương thanh khiết chi lạ, đợi đêm về len lén quấn vào bước chân người qua, kẻ lại đến nao lòng.  Tôi mê đến nỗi, dù nội tối rất dữ, cấm không cho ra khỏi nhà vào ban đêm, dù rất sợ ma, ngõ lại tối om chẳng có một ánh đèn đường, tôi vẫn trèo rào trốn ra ngoài, lò dò bước thấp bước cao hái trộm bông mang về ép vào vở . Quên cả sợ ma. Quên cả việc bị nội phát hiện là sẽ bị đòn ngay. Giờ nhớ lại, thi thoảng cười tủm tỉm. Ờ hén ! Cũng có lúc tôi cũng liều dễ sợ . Giờ ông Bảy mất cũng đã lâu . Con cháu ông đốn sạch cây rồi. Mỗi lần có dịp về quê, tối tối ra hàng ba ngồi , tôi chợt nghe nhớ, nhớ cái hương dạ lý ngày ấy... Mà có tìm lại được đâu... 

Hồi bé, không hiểu sao trưa tui chẳng chịu ngủ trưa,  tôi  cứ lén nội ra sau cái ao nhỏ sau hè , sục sạo tìm trái bình bát chín , thứ cây mọc rất nhiều ven ao, ven sông, kênh, rạch ... ở quê tôi thưở ấy.  Trái hườm hườm chưa chín hẳn thì cho vào khạp gạo để ủ, trái chín thì...ui chao, quậy đá đường ăn liền. Mà để có được những viên đá mát lạnh ấy, phải đi bộ cả hơn 10 phút ra ngoài ngã tư mua mới có. Lắm hôm,  đi tới nơi, người ta bán hết đá rồi, lại lon ton chạy về, tiếc hùi hụi .  Giờ thì... chắc cũng gần hai chục năm rồi, tôi chưa được ăn lại cái vị dân dã ấy. Chợt nghe cái lưỡi ...thèm thèm chi chi ấy.  Nhắc tới ăn,  tâm hồn ăn uống của tôi nó cứ dậy sóng cả lên. Ờ hén , nhớ ngày ấy, cứ mỗi trưa,  có cô gánh gánh tàu hủ, bánh lọt, cất tiếng rao lanh lảnh " Ai tàu hủ bánh lọt không .... ". Ôi ! Cái tiếng rao chi mà rao chưa dứt câu , tôi đã thèm đến chảy cả nước bọt.  Rồi  thì ba bốn đứa trẻ con trong nhà, xúm xích vây quanh cái gánh, thòm thèm nhìn  cái muỗng trèn trẹt tí hon cắm trong  cái chén bé xíu, sóng sánh nước đường mật, thơm mùi gừng, dậy mùi cốt dừa beo béo... Giờ nhắm mắt lại, như nghe cả tiếng rao bánh còng, bánh cam, tiếng leng keng của xe cà rem.... Như chạm vào được  cả đấy chứ ! Nhớ lần về quê thăm nội gần đây nhất, vừa nhìn thấy mâm bánh còng, bán cam tứa mật vàng ươm  , y như ngày xưa, không giống như ở Sài Gòn , tôi mua ngay hai chục cái.  Mang về nhà, nội hỏi tôi : " Mày mập ú , còn ăn ngọt cho cố, ăn cho thành heo hả con ? ".  Tôi cười toe toét. Ừ, thành con gì cũng được, miễn nghe cái vị mật ngòn ngọt của đường ngào rin rít kẽ răng... Chao ôi ! Nhớ ngày  xưa quá đi mất ! 

 Nội tôi giờ đã già rồi, tóc trắng cả rồi, mắt cũng mờ rồi, xem tivi không còn thấy hình ảnh rõ ràng  nữa, cầm chén cơm thôi tay cũng đã run run... Rồi một ngày , một ngày nào đó, con ngõ nơi tôi lớn lên, sẽ không còn dáng nội mỗi chiều ra chỗ cây khế ngồi ngó trời ngó đất.  Tôi biết điều ấy sẽ đến.  Hồi nhỏ, nội đánh, nội mắng, nội chửi ... tôi hay giận nội, hay lủi ra sau hè ngồi khóc, hay nghĩ nội chẳng thương tôi, hay tự ti rằng vì tôi có cha có mẹ cũng như không...  Giờ mỗi lần về thăm nội, nằm cạnh nội, rúc người vào lòng nội, cầm bàn tay nhăn nheo, chi chít đồi mồi, xương xương của nội, nhìn đôi mắt mờ đục ... tôi chỉ sợ, sợ một ngày nội bỏ tôi nội đi . Con chim dù đủ lông đủ cánh để bay đi thật xa, thật cao, vẫn mong có gốc cây già đợi mình đâu đó quay về trú bão. Tôi cũng vậy thôi mà....

Tôi không biết quê hương đẹp làm sao, thơ thế nào. Chỉ biết, với tôi, quê hương mang hình dáng của nội , mang lời nói của nội, mang cả bao câu chuyện buồn vui của nội...  Và nội tôi thì...chẳng bao giờ cất một lời à ơi nào ru tôi cả. Nội tôi có biết hát hò gì đâu .  Tôi chỉ nhớ, khi tôi biết đọc chữ, biết viết vài câu tả trời mây non nước, nội đã đưa cho tôi quyển " Ca dao dân ca Việt Nam " dày cộm, ngả vàng ố cả rồi. Nghe nội nói nó có từ thời ông cố tôi đấy. Tôi lật mãi những bức ảnh trắng đen chụp mờ mờ trong ấy , mà mê lắm ,  hý hoái lấy bút chì ra  ...quò què quọt quẹt vẽ lại, cũng ư ư hát...dù chả biết có đúng điệu hay không . Hát gì nhỉ ? Hình như là :

" Chàng đi thiếp cũng xin theo
Cùng làm cùng hưởng , giàu nghèo có nhau ..." 

Quê tôi đó, nội tôi đó, ngõ nhà tôi đó. Tình như vậy đó...



Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

không thương nhau nữa thì sao anh nhỉ ?



Anh không thương em rồi , Trời chắc cũng ngừng mưa
Ờ ! Khóc chi cho lắm, úng cả rồi vạt nhớ
Đất cũng thôi vặn mình nén chặt lời trăn trở
Chắc là đau ?!... 

Không thương anh  nữa, câu thơ em thừa thải làm sao !
Biết gởi cho ai ? Thả lên trời ...cũng tiếc !
Mười ngón tay đan,
hết đêm
cạn ngày
em vẽ con nắng gầy teo mang nụ cười xanh biếc
dấm dúi giấu trong mơ
len lén ...giấc mơ cười
À, anh nè ! 
Không thương em nữa, anh có đi, xin  khẽ khàng thôi
Đừng khép cửa
để lỡ anh  quay đầu, anh còn thấy... em ôm lời hứa chờ trăng ngóng đợi
Đừng cười với người ta nghen anh !
Đừng nắm tay người ta nghen anh !
Anh xem nè, vết thương  em còn rất mới
anh nỡ nào cào rát bỏng phải không anh ?
Không thương em nữa, mai này, anh cũng đừng làm tội con trăng
đừng mang trăng cột lời hứa " ba ngàn sáu trăm  mùa " với người con gái khác
Nửa mảnh trăng em còn đỏ au câu hát
nửa mảnh trăng anh hờ hững vắt nghiêng trời ...
Mà anh ơi !
Không thương em rồi ... anh xuống phố một mình thôi !
Em cũng chẳng thương anh  nữa đâu,
chẳng thèm níu bóng em - nó cứ bỏ em, lủi thủi theo sau lưng anh đó
Chiều cong. Nắng rớt. 
Hương nhãn lồng len theo từng cọng gió
Riết chặt nụ hôn anh...  Người ấy chắc sẽ buồn ...
, mà hết  thương nhau nữa rồi
em giữ chi con nắng dở hơi , đáng ghét chẳng chịu buông ?
Xòe tay ra thôi 
Nắng tan vào trong mắt
Có cái nhớ dửng dưng cấy vào đêm giấc mơ xanh ngăn ngắt
Có cái đợi thưng thưng  ngúng nguẩy ghé ngang đời 
...
 
Không thương nhau  nữa rồi, em gối đầu lên câu hát à ơi
Thủ thỉ tự  ru , dỗ giấc mơ ngoan, 
Trời trong văn vắt. 
Nắng lên rồi....