Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Tình Chợ Nhỏ...

    
Lá lành đùm lá rách - vẫn còn đó chút tình người...
    
     Trời hắt hắt những tia nắng cuối cùng còn sót lại khiến phố trở nên hẹp hơn . Nhất là ở cãi ngõ chợ chồm hổm này. Gọi chồm hổm  vì làm gì có sạp mà ngồi, chỉ có những rổ, những rá, những cái mẹt con con bày la liệt dọc hai bên ngõ. Đi ngang ngõ mà cứ sợ, sợ chẳng may va phải cô nào trúng nhầm chổ hiểm thì chỉ có nước chun bị tinh thần ăn đạn. Khổ vậy đó, mà ngày nào hắn cũng phải hai lượt đi về ngang ngõ . 

Chiều nay hơi buồn, hắn lếch ra quán cà phê bà Tám ở gần chợ hóng hớt. Quái, cái bà Tám này chỉ được cái phì nhiêu màu mỡ, cười mà mắt cứ dịp lại khiến hắn nhiều phen lên huyết áp, chứ nói thật, cà phê của bả thì...ngang ngửa với nước màu kho thịt  của bà nội hắn. Đen thui, chả ra làm sao, bọt thì cứ đầy ra như Omo  í. Ngồi vừa nghe Tám cười ha hả , hắn vừa ngó bâng quơ ra khu chợ. Cũng chưa quá một tầm mắt.  

Cuối năm, ngõ vốn nhỏ, càng trở nên chật chội hơn. Các bà đi chợ thì cứ đủng đỉnh, dung dăng dung dẻ, chả nhìn thấy ai, ngoài những xanh đỏ tím vàng treo lủng la lủng lẳng. Mắt đắm đuối. Nhiều khi hắn ước hắn biến thành mấy cái vớ vẩn vô hồn ấy, để ít ra có người phụ nữ nào chịu ngó đến hắn. Gần 40 tuổi đầu, chưa có một mái ấm thật sự, ai tin, nhất là với hắn - người cái gì cũng có , chỉ có vợ là chưa. Thậm chí có kẻ ác mồm tung tin hắn là gay nữa chứ. Chả sao, hắn ít quan tâm tới mấy cái tin đồn hành lang ấy. Chẳng có ai dám nói trước mặt hắn, nếu nói, hắn sẽ...khóa môi chứ chẳng chơi.

Chợt, có tiếng cãi nhau, mà hình như đúng hơn là chỉ của một người đang độc diễn.Một người phụ nữ cũng ngoài 50, sang trọng đúng chuẩn.


hình ảnh thường thấy của một ngôi chợ tự phát - hay còn gọi là chợ chồm hổm.


Nhà mặt tiền gần chợ , dù là chồm hổm nhưng nó vẫn là chợ, nên tính ra bà ta cũng thuộc hàng khá giả. Cứ nhìn vào đôi tay múp míp đỏ chóe cộng với gương mặt bự phấn là đủ để đoán bà ta như thế nào. Nhưng cái hay ở chỗ là trên cổ bà ta tòng teng xâu chuỗi có gắn hình Phật Bà Quan Âm. Và ngay lúc đang sa sả hát bài ca không ai muốn nghe, bà ta mặc bồ đồ màu đà , giống như quần áo của nội hắn hay mặc lên chùa. Hắn bắt đầu chăm chú. 

Người đàn ông gầy quắc, đang cố giơ mấy ngón tay mốc meo xếp xếp lại chỗ bông vạn thọ vừa bày ra. Có vẻ như hoa từ vườn nhà mang ra chợ tranh thủ bán được chút nào hay chút ấy. Chắc đây là lần đầu tiên nên ông không biết, cứ thấy có chỗ trống là xán lại, vô tư bày hàng ra. Khổ vậy đó, dân ở vườn cứ thật như thế, chả nhìn trước ngó sau coi địa hình địa vật chi hết. Và ông không biết là sau cái tường rào kia là ngôi nhà 4 tầng,  khác lạ với cái ọp ẹp ở nhà ông nhiều, nhiều lắm.

- Tường nhà người ta mà cứ ngồi bừa ra như thế, ăn ở không ra giống gì .Bán thì ngồi ra chỗ khác, chỗ này chả phải chợ.

Người đàn ông cười xuề xòa, tay quơ quơ mấy cọng dây ni-lon để cột bông một cách vô thức :
- Chị cho tui ngồi ở đây bán đỡ, chứ giờ xích ra, tui biết xích đâu. tui ngồi ở ngoài này mà.
Vẫn một gương mặt lạnh tanh :
- Nói hổng hiểu hả ? Nhà tui, trước cửa nhà tui, tui tráng xi-măng cho sạch, đâu phải thỉnh mấy người tới bu đầy như vầy. Dẹp chỗ khác đi, không tui quét ráng chịu .

Nói đoạn, bà ta vào nhà, lôi đâu ra cây chổi chắc cũng...sạch hơn bộ quần áo người đàn ông đang mặc, quét mù mịt. Ai nấy xôn xao, luống cuống bịt mũi.  Người đàn ông lật đật gom mớ hoa, hắn nhìn sơ chắc cũng gần 20 bó, lẩm nhẩm cũng hơn trăm nghìn. Rồi ông cột rổ hoa sau yên xe đạp, đẩy một cách chậm chạp đầy luyến tiếc: chỗ trống thế cơ mà !

Gương mặt ông vặt vẹo, rúm ró bởi cái tủi nhục đang chực nghẹn nơi cổ mà không nói được. Ông lầm lũi đi. Có tiếng gọi : 
- Thôi, ông để đây nè, ngồi đây bán nè.
Cô hàng rau vừa gom lại mấy rổ rau cho gọn, cố sắp cho ông một chỗ vửa đủ trải cái bao cũ kỹ, cô cười toe toét:
- Ông để hàng đây nè, chứ đẩy vô đó bán ai. Tui ngồi chật chút, cho đông nó vui.
Mấy chị xung quanh, người hùn vô một nụ cười an ủi. Người đàn ông cười, mắt lấp lánh niềm hạnh phúc con con...

Người đàn bà ban nãy đã vào nhà, cổng đã khép.
Chợ tiếp tục lao xao bởi những câu chào mời đon đả. 
Hắn nghe có tiếng mõ vang đều , vang đều... Bất giác hắn mỉm cười, ngước nhìn trời, mới hay, trời cũng có mắt chứ !



Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Câu chuyện cuối năm...nghe lén .

Rảnh không biết làm gì, mình lôi máy ra chụp...cây chơi.

Vừa nghe tiếng xe cà tịch cà tang đầu ngõ, thằng con đã hớn hở reo :
- Ba về mẹ ơi !

Cái dãy nhà trọ ẩm thấp, ngột ngạt này may ra còn có những âm thanh trong trẻo đó mà thế giới mới biết tới sự tồn tại của nó. Cũng gần chục gia đình, gần 50 con người, lùi lũi sống giữa cái ồn ào, hoa lệ mang tên Sài Gòn . Nhưng chắc chưa một ai trong số họ biết Cà Phê 33 tầng, biết rạp chiếu phim 3D, biết ở Sài Gòn có con đường chỉ nở hoa vào dịp tết...Giống kiểu dân xứ mình đi hợp tác lao động ở Hàn Quốc, không biết có mấy người trong số ấy biết được Seoul, hay suốt ngày chỉ cắm đầu vào phân xưởng, chắt mót tiền gởi về quê nhà mong ngày trở về...

Người đàn ông lụi cụi đỡ đồ từ xe xuống. Quà tết của công ty. Cuối năm rồi mà bảo. Thằng con thấy có đồ  là xúm xít, nhoi nhoi : 
- Để con phụ cho ba, con là đàn ông mà !
Có bóng dáng người phụ nữ. Cái nắng chiều che kín cả khu trọ nóng rát, khiến gương mặt người vợ  khô quắt hơn :
- Ủa ! Có vậy thôi hả ba ?
Vừa hỏi, chị vừa lôi cái rổ con con, vừa nhặt mớ rau muống. Người chồng gồi bệch xuống ngay cửa phòng, nhìn vợ cười xuề xòa, tay với túi sau móc bóp đưa cho vợ, mắt vợ lấp lánh :
- Có là hên rồi . Tui cứ sợ năm nay mấy sếp cắt luôn đó.

Vợ hớn hở đếm xấp tiền chồng vừa đưa. Đếm xong, mặt vợ chùng xuống :
- 4 triệu là hết rồi hả ba ? Mai mốt còn cho gì thêm nữa không ba ?
Vợ hay gọi chồng bằng ba, theo cách gọi của thằng con. Chồng tần ngần, dõi mắt ra phía cổng nhà trọ:
- Nhiêu đó thôi. Lương chắc qua tết mới có. Tệ quá, bà...

Chồng bỏ lửng lời nói. Như một sự bất lực. Cũng muốn đem thật nhiều tiền, cũng muốn đưa vợ con sắm sửa chút quần áo mới, cũng muốn cho con một bữa ngon để biết thế nào là cảm giác ăn...có máy lạnh.  Nhưng, chịu. Công nhân mà, thương vợ con nhiều thì cũng chỉ có thế.

Vợ không nói gì, lẳng lặng đem rổ rau vào phòng. Chồng ngồi tựa cửa, móc bóp ra lần nữa, đếm đếm, vét vét :
- Thôi, còn 200 nè, tui định mai đi liên hoan với mấy thằng trong tổ, đưa bà luôn nè, tui hết thiệt rồi đó.

Vợ ra ngồi cạnh chồng, vạch vạch tóc, vạch cho có chứ chả thấy nhổ cọng nào.
- Thôi, để em tính. Ba có nhiêu đó bỏ bóp hờ đi. Không ra đường, lỡ có gì thì...cũng đỡ quê.
 
Mai trong vườn vừa nhặt lá


Cả hai lặng yên, nhìn thằng con đang nghịch cát ở bãi đất trống trước ngõ. Tóc nó hoe vàng như cháy lên giữa trời chiều. Không một cái nắm tay, chỉ có ánh mắt nhè nhẹ âu yếm lướt qua trên gương mặt vợ :
- Mai chủ nhật vợ coi dẫn nó đi chợ mua cho nó vài bộ đồ nha!
- Ừ, đồ con nít rẻ đầy chợ . Mai em mua. Mua cho ba ...cái quần cụt mới luôn hén !
- Thôi, cho bà đi. Tui sao cũng được mà, ai ngó đâu. Nhớ tính chừa tiền về cho nhà đó. Cả năm rồi còn gì...

Câu chuyện cuối năm lao xao với những lo âu tính toán.
Câu chuyện cuối năm âm ấm bởi những tình yêu không lời.
Vài hôm nữa tết rồi.
Nắng chợt nghiêng, phủ vàng vạt cỏ.



Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

Mai tui đi đại tu nhan sắc...

Anh Lu su-xì-po của tui đó. Lùn mà lối là ảnh đó !

    Thứ bảy là ngày máu chảy về tim, tui nghe mấy cặp yêu nhau đồn vậy. Tui thì ngày nào máu cũng bơm mấy trăm lượt ở tim rồi, nên chả có chảy đi đâu hết. Ngày nào cũng là thứ bảy, và lúc nào cũng vô tư như chủ nhật. Thế nên, rãnh quá không biết làm gì, tôi ô - la hẹn thằng bạn chí cốt từ cái thời ngày xửa ngày xưa ra tám với tui. Hôm ấy là chiều thứ sáu.

Thằng bạn tui cũng...gần năm rồi mới gặp lại tui. Tết năm ngoái tụi tui còn xì xụp tô hủ tiếu chay vỉa hè, mà năm nay nghe đâu nó bỏ vỉa hè, nó lên sạp ngồi rồi. Hình như nó cũng oai oai phong phong gì ở một công ty du lịch có tiếng. Tui gặp nó mà suýt choáng. Tả sơ bạn tui cho mấy ẻm nào chưa chồng mơ mộng, còn mấy anh nào ế vợ thì ghét chơi.Cao 1,8m trừ đi 20 cm, Jang Dong Gun thế nào thì thằng bạn tui cấp số chia thế ấy. Chả thế mà nó còn tồn tại tới bây giờ. Chứ nó mà ngang cỡ Jang là tui vớt nó lâu rồi đâu để nó lục bình trôi hoài mà không thấy cập bến. Chưa kịp thấy mặt , đã nghe tiếng nó ngoan ngoác:
- Tui nè, bà ơi !

Nghe tình cảm dễ sợ chưa. Nó hớn hở kéo ghế cho tui ngồi - đàn ông chưa vợ là vậy, chứ có vợ rồi thì, thân ai nấy lo chắc luôn á. Cà phê chưa kịp uống ngụm nào, nó phụt cho tui một tràn dài muốn nín thở. Đại loại là nó chê cái bề nhan sắc của tui, nó kêu tui đăng báo tìm nhan sắc năm xưa ở đâu mau về gấp. Nó còn hù tui rằng " bà mà không đại tu là coi như bà mất mối ráng chịu à nghen ". Rồi ra vẻ am hiểu, nó kể tui nghe cái nhìn của đàn ông khác phụ nữ chỗ nào. Phụ nữ nhất định phải đẹp, không đẹp thì phải dễ thương, không dễ thương thì cũng có duyên đủ xài, còn tui, theo nó , là...vô duyên toàn tập. Mà bà con nghĩ coi, dù sao cũng oanh liệt một thời, nay bị sỉ nhục vậy sao chịu được. Tui cãi liền :
- Tui thấy tui cũng over-wonderful chứ bộ.
- Bà hả ? Over - size thì có.
- Why ?
- Why gì. hồi đó bà mấy ký ?
- Hình như 47-48 kg gì đó.
- Giờ ? Tạ chưa ?
- Bậy nè, 59kg...rưỡi thui ông ơi !
- Hèn gì, xe bà nó chạy hổng nổi, nó kêu ì ì. Bà đổi 3 bánh hay 4 bánh đi, chứ 2 bánh nó chở bà nó xụi rồi.

Chàng Lu và nàng Ki mà tui đã từng nhắc tới. Cặp đôi hoàn cảnh .

Nó làm tui như quả bóng bị xì hơi. Dẫu biết là sự thật có...na ná như vậy, nhưng mà...thẳng quá khiến tui ...muốn độn thổ. Tui nhớ mấy lần đi chợ, cứ hay bị hỏi thăm : " Chừng nào sinh vậy cưng? ". Mới đây thôi, tui đi siêu thị. Lúc tui loay hoay xoay xe, tui nghe có tiếng một anh bảo vệ trách anh khác : " Người ta bầu bì vậy mày hổng quay xe giúp người ta. Thấy gái mắt sáng rỡ, thấy bà bầu tối thui hả mậy ? ". Tui ngó xung quanh, chẳng có mỹ nhân nào ngoài tui. Vậy hóa ra tui thủ vai nữ chính trong câu chuyện lề đường này ư ? Đau khổ lắm bà con ơi.

Xong tui nhớ vụ án trên blog, thấy bạn bè khen tui xinh, tui khoái. Tui nghĩ hay là mắt thằng bạn tui bị bù lệch ăn? Vụ gì chứ mắt mình nó sao bằng mắt của cả chục người ? Tui chảnh sẳn mà, nhất định phải chảnh tới cùng với nó. Tui xoe blog tui ra khoe liền. Tui cứ nghĩ nó ngẩn ngơ, ai dè nó vừa nhìn hình trong blog tui xong nó cười khùn khục:
- Bà đó hả ? Bộ bà thấy giống bà bây giờ hả ? Nhìn nè, tui cho bà hiện nguyên hình cho bà hết hồn chơi.
Bùm. Nó xòe ảnh ra mà không cho tui kịp tạo dáng. Tui nhìn hình, cười hì hì, mang vẻ mặt cầu tài :
- Suỵt, nhỏ thôi . Đừng, đừng la lớn, mọi người...chui xuống hang. 

Bởi vậy mới nói, lý do vì sao tui hổng dám úp cái bề nhan sắc thì hiện tại của tui lên. Vì tui sợ. Sợ sự thật thì phủ phàng, sợ lòng người hoang mang, sợ người ta ngỡ tui là thiên đàng, đâu hay tui mang tên địa ngục. Ảo thì cái gì cũng lung linh, chứ thực tế trần trụi , đáng sợ lắm. Tui mà trên cả tuyệt vời như trong blog thì tui đâu có nhí nha nhí nhảnh con cá cảnh, lăn tăn suốt ngày như vầy. 

Hình như chàng và nàng giận nhau hay sao ấy !

Thấy tui ục cái mặt chuẩn bị bày bánh bao ra bán, thằng bạn tui rối rít : 
- Thôi, thôi,  tui nói để bà...đại tu nhan sắc bà lại chút thôi. Chứ bà mà ... tệ  y như tui nói thì ...tui đâu có tới giờ chưa có vợ. Kệ, xấu chút mà...thiệt tình, tui cũng vote cho bà một phiếu nếu bà thi hoa hậu quý bà đó.

Vậy mới được chứ. Ít ra là cũng vớt vát lại câu cuối chứ. Nó mà vùi dập tui nữa là tui...nghỉ chơi nó liền đó.

Còn đây là thấy con bướm trong vườn nhà đẹp quá, chụp đại, ai dè... dính.

Tối về nhà, suy nghĩ lời thằng bạn nhỏ to tâm sự, rồi ngắm nghía mình đủ kiểu , tui quyết định, phải thực hiện một cuộc cách mạng, cải tổ lại, nâng cấp cái bề nhan sắc của tui. Hy vọng là kịp ghi danh thi ... hoa hậu quý bà do ...Rubic tổ chức. Suỵt, nói nhỏ thôi, khúc này là tui xạo đó, đừng có hỏi Ru, Ru quýnh tui chít  à nghen !

Bà con thấy tui tính vậy coi được không ? Nếu được cho tui tràng pháo tay tiễn tui mai vô...thẩm mỹ viện nhe.

Còn giờ thì, biết làm gì, úp hình con Lu cho mấy bồ coi hén !

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Ai cứu người lái đò ?!



    Khi đi trên một con đò, hay qui mô hơn là phà, tàu, hay du thuyền gì cũng vậy, tóm lại là 100 % hành khách đều đặt cả tính mạng mình vào tay người lái đò - gọi là thuyền trưởng cũng xong. Ôm cái trách nhiệm vụ lớn lao ấy, nhưng kỳ thực, có mấy ai là chủ thật sự của chiếc thuyền ấy. Đại đa số là lái thuê, hoành tráng chừng nào, thì điều ấy càng chính xác chừng ấy. Nếu xuôi buồm thuận gió, tàu cập bến an toàn thì coi như thủy thần thương mà tha mạng. Lỡ chẳng may xảy ra sự cố , như Titanic va phải tảng băng trôi vậy, thì coi như... lên đường làm nghĩa vụ. Và trách nhiệm đầu tiên được xét đến, thuyền trưởng chứ còn ai vào đây nữa.

Nghề giáo cũng vậy - cái nghề tôi ghét nhất nhưng cũng sợ nhất, và thương nhất. Cứ lầm lũi chèo đò, lầm lũi đưa từng lượt , từng lượt qua sông.... Công đâu không thấy, nếu lỡ có gì thì...tội chất đầy không biết tỏ cùng ai. Học sinh bị thầy cô quất cho vài roi, mắng cho vài câu trong lúc nóng giận - mà cái nóng này hết 99.9% xuất phát từ những không biết nên gọi là thiên thần hay ác quỷ, ngay lập tức, ngày mai thôi, trang mạng đăng tải đầy tràn còn hơn lịnh truy nã tội phạm. Phải chi ngành công an muốn truy nã tội phạm nào cứ trưng cái bản mặt ấy lên trang mạng xã hội , biết đâu chừng tiết kiệm khối tiền công tác phí cho mấy anh chìm nổi đi theo dõi cũng nên. 
Tôi còn nhớ, khi tôi còn nhỏ, trạc tuổi với các teen boy, teen girl bây giờ, đi ngoài đường, đang đội nón mà gặp thầy cô lật đật giở nón ra, cúi đầu chào . Đâu phải vô cớ mà trường nào cũng có câu : " Tôn Sư Trọng Đạo " hay " Nhất Tự Vi Sư, Bán Tự Vi Sư ". " Trăm năm trồng người " chứ chẳng chơi ! Thầy cô đứng lớp, trong mắt chúng tôi ngày ấy còn oai hơn cả .... Thủ Tướng, sợ thầy còn hơn sợ Chủ tịch nước. Tôi lúc ấy từng mơ ước nữa làm nghề giáo cho oai, vừa được mặc đẹp, vừa được bao người kính nể thế kia, sao không ham cho được.



Còn giờ thì....chán tới mức không muốn nghĩ tới. Điển hình là thằng nhóc tôi, tôi cùng nó đi siêu thị, tình cờ  gặp cô dạy nó năm mẫu giáo. Trong khi tôi chào cô nó, hỏi thăm cô thì nó xòe hàm răng độc nhất vô nhị, híp mắt cười như gặp... chiến hữu thời cầm bình sữa của nó .  Tôi trách nó sao không cúi đầu chào cô, nó bối rối, mắc cỡ nói : " Bạn con ai cũng vậy, chào kỳ lắm ". Trời đất ! Chào cô mà kỳ, còn...ôm hôn trong giờ học là bình thường sao hả trời ? Hay là đầu óc tôi có vấn đề chứ không phải con tôi ?! 
Đó là tôi chưa nói đến văn hóa tế nhị . Ai cũng có lúc sai, thần thánh còn sai chứ đừng nói gì đến con người phàm tục. Thầy cô dù cho giỏi đến mức nào, bản lĩnh kinh nghiệm tới mức nào, cũng có sai. Hồi đó thầy dạy toán lớp tôi là Trưởng bộ môn toán  và kiêm luôn hiệu phó của trường. Thầy rất có uy tín , và nghiêm khắc cực kỳ. Hôm nọ thầy giảng một bài toán, dạy tụi tôi cách giải, cách truy tìm ẩn số. Đương nhiên là với những cái đầu local như tôi, thầy có nói sai, tôi cũng không biết. Nhưng với cao thủ ngồi cạnh tôi thì... hắn biết, nhưng hắn không nói gì, hắn vẫn bình thường như không có gì xảy ra. Hết giờ, tôi thấy hắn lên bàn thầy, tâm sự nhỏ to gì đấy, rồi hai thầy trò hý hoái cùng giải lại bài toán ban nãy.Qua tiết sau, thầy đứng giữa lớp, thầy bảo thầy nhầm, và thầy giảng lại. Xong, thầy cười vui vẻ nói với cả lớp : " Thầy thử tụi bây, thầy nói bậy mà hổng có đứa nào phát hiện ra. Mai thầy cho cả lớp đi cấm túc hết, trừ thằng Duy ra". Cả lớp cười vui vẻ, thầy trò càng thân thiết . Mà nghĩ thầy tôi cũng hên thiệt. Chứ nếu lỡ thầy dạy ở thời đại net niếc này, chắc ... thầy nổi tiếng dữ lắm. Thế nào cũng có bài lăng xê miễn phí cho thầy, rồi tiễn thầy ... hưu non cũng nên. 
Đấy, cái gì cũng vậy, ngay như vụ án Canh Gà Thọ xương nhà nhà đều biết, nếu phụ huynh tế nhị hơn, trình bày trực tiếp với giáo viên , tôi tin rằng không những cô rất mang ơn, và chắc chắn cô sẽ sửa sai, còn hơn làm ầm ĩ từ báo này qua báo nọ, kết quả là đẩy cô giáo trẻ tới mức không còn đường để lùi. Làm vậy có ác quá quá không ? 

 


Mới hôm qua thôi, ngay tại xóm tôi, cô giáo dạy trường chuyên , nghĩa là học sinh cũng không đến nỗi kinh hoàng gì, thậm chí theo tôi được biết, cô giáo trẻ này rất được lòng các học trò, vì tôi có thấy trên trang mạng của trường, có " Hội những người yêu mến Cô An " , con số cũng lên hơn 2000 người. Thế mà, chuyện cô An bị học trò hành hung, lan truyền làm không ít người sửng sốt. Lý do : chuyện bắt đầu từ việc cậu học trò cá biệt của lớp - hình như là quý tử của vị công an kiêm đại gia nào ấy, lấy kính ra soi như chiếu yêu trong giờ học. Cô An tịch thu, để lên bàn giáo viên, vì việc này cô   trước giờ vẫn thế, sau giờ học mới trả lại cho các em. Thế là cậu học trò sừng sộ lên bàn giáo viên quát : " trả kiếng cho tui hông ? ". Cô giật mình, cô  nói : " Sao em nói chuyện với thầy cô như vậy ? ". Chưa dứt lời, là cậu ta lao thẳng lên bàn , chồm lên định hành hung cô, may mà có 3 em học trò ở dưới lớp chạy lên cản lại. Đang hăng, cậu ta đứng ở cửa lớp không cho ai ra ngoài để gọi Ban giám hiệu, cậu dõng dạc vỗ bàn tuyên bố : " Bà mà hông trả kiếng cho tui là là đừng hòng ngồi yên dạy ở cái trường này ". Cuối cùng ban giám hiệu và phụ huynh cũng tới. Không biết nhỏ to thế nào, quay sang nói với cô An : " Tại em nó ...bị suyễn, nó lên cơn vậy, cô thông cảm ". Trời ! tới đây thì tôi chết đứng như Từ Hải thiệt rồi. Lần đầu tiên tôi mới thấy có người lên cơn suyễn mà còn đủ sức  đánh người, chửi hăng say không kể địa hình địa vật như vậy . Nghe nực cười quá. Vậy đó, chỉ có vậy thôi là...hết. Vì cậu trò ấy...mới 17 tuổi thôi, có làm gì thì...." em nó còn nhỏ dại, tội em nó lắm ! ".




Ai cũng thương con. Con mình rứt ruột sinh ra sao không thương được chứ ! Nhưng bảo bọc kiểu này, vô tình, ta đã tự trồng cho ta một cái cây mà sâu đục thân đang ẩn mình trong ấy rồi. Chồi non ấy sẽ ra sao nếu ta vẫn tiếp tục chăm cây kiểu như vậy ? Bởi thế, đừng đổ lỗi xã hội, đừng đổ lỗi cho nhà trường, mà hãy nhìn nhận vào thực tế: Cha mẹ đã thực sự quan tâm đúng cách chưa ? Bản thân học sinh có thấy được giá trị thật sự của mình chưa ? Hình như chưa ai dám nhìn vào sự thật, vẫn cứ vịn vào hoàn cảnh để tìm cho mình một lý do thỏa hiệp.
Vậy đó, làm cái nghề mà trên đe dưới búa, bổng lộc chẳng thấy đâu, thử hỏi còn mấy ai đủ nhiệt tâm ? Học sinh không lên lớp được, giáo viên bị cắt thi đua, cắt thưởng. Mà lên lớp thì lấy gì lên khi kiến thức thiếu trước hụt sau ? Cho học trò ở lại, chẳng những nhà trường, giáo viên bị ảnh hưởng, mà cả phụ huynh cũng không tha , cũng trách : " Bà dạy kiểu gì con tui mới thế ! "... Nên từ một nghề mà tôi ao ước, giờ tôi đâm ra sợ. May quá là trước kia tôi không thi vào sư phạm, chứ nếu không chắc giờ  báo đăng tôi cũng nên.
Đắm tàu thì cứu hộ sẽ cứu nạn nhân trước. Thuyền trưởng hiếm khi thoát được .
Vậy ai, ai sẽ cứu lái đò đây ? Hay vì đã chọn nghiệp chèo  đò thì phải tự học bơi trước để cứu mình .
Chắc đó là câu trả lời duy nhất rồi.

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

Lan man nghĩ...


Tôi không thức khuya được, nên hầu như các chương trình trực tiếp trên tivi, tôi không xem một chương trình nào. Tình cờ trưa nay bật tivi, xem lại Vietnam Got Talent, tim tôi nghẹn đi vì một tiết mục trình diễn xiếc tạp kỹ của các em nhỏ đến từ mái ấm Hoa Mẫu Đơn. Không biết nói gì hơn, vì ngoài tài năng do khổ luyện mà có, với tôi, trên hết là tinh thần vượt lên, là ý chí của các em. Nếu có phải chọn cho mình thần tượng, thay vì phải lăn lê gào thét khóc gọi tên  ca sĩ , diễn viên đến mức...tốc cả váy cũng chả hay, thay vì choáng ngợp bởi những bộ cánh hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng lên người để rồi áo ra áo, người ra người... chắc chắn, tôi sẽ nghiêng mình trước các em - những bản lĩnh thật sự.



Không vịn vào hoàn cảnh đáng thương, không đổ lỗi vì tôi nghèo, tôi không cha, tôi không mẹ, tôi không có gia đình, không ai quan tâm ... nên tôi mới thế. Các em đến với thế giới này từ con số không, nhưng các em đã làm được điều mà hàng khối cậu ấm cô chiêu không thể nào với tới. Tôi nhói lòng khi thấy cậu bé chừng 5 tuổi, nhỏ bé ốm yếu như chiếc tăm, biểu diễn xoay vòng vòng...đến độ, em xoay chừng nào, tim tôi như có ai bóp chặt đến chừng ấy. Tôi sợ, sợ em ngã, sợ lỡ như.... vì em cũng đáng tuổi con tôi thôi, thậm chí còn nhỏ hơn nhóc tôi ở nhà. Tôi khóc, dù không muốn, nước mắt cứ chảy. Thương quá, thương lắm em biết không ? 



Những đứa trẻ như thế, xung quanh ta nhiều lắm. Nhất là hôm nọ, tivi có đưa tin các em nhỏ vùng cao đã chống chọi với cái rét, cái đói như thế nào để tìm đường đến với con chữ. Nhìn bát cơm các em ăn, có gì ngoài vài hạt muối , có gì ngoài con cá khô quắt bé xíu, có gì ngoài vài mẩu rau lỏng bỏng... Những thân hình còm nhom, đen sạm  run rẩy trong manh áo phong phanh,  vậy mà nụ cười thì...hồn nhiên vô tư hơn cả thiên thần . Thương nhất những bé gái, tóc cứ hoe vì cháy nắng, chả có cái kẹp hay nơ xanh đỏ tím vàng gì, chả có cái áo đầm xòe xinh như hoa... Vậy mà các em vẫn rạng rỡ giữa bạt ngàn, đẹp hơn bất kỳ bức tranh nào mà tôi được biết.  Những hình ảnh ấy, nụ cười ấy ám ảnh tôi cả trong giấc mơ. 







Rồi tôi thấy người lớn thật khốn nạn. Cứ đánh vào lòng trắc ẩn của người khác bằng hình ảnh cháy lòng giả tạo. Nhưng người khổ nhất vẫn chính là các em. Trời nắng chang chang, mặt đường hừng hực như Hỏa Diệm Sơn, thế mà những ông cha, bà mẹ - hờ, trải tấm ni-lon mỏng như bánh tráng bệt ở ngã tư đường , rồi để con nằm quặt quẹo với đôi mắt khi thì nhắm nghiền, khi thì trân trân không chút cảm giác...Còn mấy người ấy, kéo cái bộ mặt ghê tởm để moi móc sự thương hại của kẻ qua đường. Không biết nói gì hơn, tôi ghê sợ cả chính tôi. Vì trong ý nghĩ, tôi cầu mong cho em được nhanh chóng siêu thoát, được về với nơi em sinh ra, để rồi được bắt đầu cuộc đời mới sáng sủa hơn. Chứ còn như thế này.... đau lòng tôi quá em ơi !


Vậy đó, những chuyện không muốn thấy cứ diễn ra xung quanh tôi hằng ngày. Rồi tôi bất chợt thấy, tôi quá hạnh phúc, không thể vì những vô duyên không đáng có mà phí đi những gì mà cuộc đời này đã ban tặng cho tôi. Nếu phải khóc, thì khóc cho những gì đáng giá hơn, ý nghĩa hơn mới đúng chứ !

Lan man suy nghĩ, tôi cầu cho các em, chỉ biết âm thầm cầu nguyện, âm thầm chia sẻ,và âm thầm hy vọng một ngày mai cho em - những thần tượng không cần tượng đài nào của riêng tôi .. .


Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Chả biết gọi là gì



    Có thể nói thế giới blog là nơi con người ta tự do cho cái cảm hứng đi hoang mà không sợ bị ...cảnh sát tuýt còi vì quá giờ giới nghiêm chẳng hạn. Tôi cũng chỉ mới làm quen với thế giới này gần 5 tháng - và trót yêu mất rồi. Tôi có những người bạn, tôi tự nghĩ thế, còn bạn coi tôi là gì thì...có bạn mới biết. Mỗi bạn đều có nét hay riêng, không ai giống ai, cứ như những mảng màu xung đột nhau trong tranh Picasso ấy. Nếu một Phúc Như chầm chậm ru tôi bằng cái thiền mà bạn theo đuổi, ít nhiều cũng làm tôi ngộ ra nhiều thứ, thì một bà Tà - tôi hay gọi bạn là thế lại cứ làm tôi buồn đến lặng người khi đọc thơ bạn. Và một Mytrunghoa- tôi thường gọi bằng ông người iu già mắc dịch của tôi - thú thật, tôi hiểu được gì về ổng chắc ...tôi chết liền tại chỗ. Một Chị F lộng lẫy từ ngôn từ đến cốt cách, một Rubic dễ thương với những bài viết mà tôi cứ ngỡ...viết cho tôi. Và còn nhiều, nhiều lắm...ai cũng có cái để tôi chiêm nghiệm và ngưỡng mộ. 
Tuy nhiên, có một trang thơ, rất lặng lẽ, không ồn ào nhoi nhoi như tôi, nhưng lại có những câu thơ mà tôi... vô cùng thích. Và đây, Tìm Cái Chi là một trong những bài thơ tôi ...lảm nhảm lúc một mình.

            Lên đồi.
                 Đường mòn phiêu lãng
                                      Đến Hư vô

                                     Đồi cây im lặng
                                     Mênh mang
                                     Gió cợt đùa
                                     Cảm xúc

                                     Cỏ níu chân
                                     Lữ khách.

                                      Đìu hiu những nấm mộ ven đường.


                                   Gặp cụ già
                                   Tóc đã tuyết sương
                                   Tay cầm nắm thơ khô quắt
                                   Ngập ngừng
                                   Lần hỏi đường
                                   Lên đỉnh dốc.


                                  Tiền nhân cười
                                      Lạnh buốt:
                                            " Người đã qua
                                                             đỉnh dốc
                                                                              lâu rồi..."


Có thể với ai đó, bài thơ chả có gì ngoài những câu từ xộc xệch , nghiêng ngã pha chút ma quái cho thêm phần kinh dị. Thế thôi.  Nhưng không hiểu sao, tôi lại bị mê hoặc bởi cái xộc xệch vô lối ấy. Có lẽ một phần vì tôi không thích cái gì theo lịch. Tôi làm việc không theo lịch, không theo nguyên tắc cụ thể nào. Vì thế, trong thơ cũng vậy. Đã gọi là cảm xúc mà bó buột vào luật thì cảm xúc cũng không còn nguyên vẹn. Cứ để tự nhiên vẫn hơn.

Bài thơ vẽ nghệch ngoạc vài nét đẹp một cách ma mị, hoang dại. Giống như lòng người, ai biết nông sâu. Giống như đường đời, đôi khi trống rỗng vô hồn heo hắt đến vậy. Cũng đôi lúc tôi thấy mình chẳng khác nào người lữ khách lang thang trong thơ kia. Cũng thèm lắm cái cảm giác "cỏ níu chân " để biết mình còn tồn tại. Nhiều khi, tôi không biết mình đi tìm cái gì ở cuộc đời này. Không mục đích, không lý tưởng... Chỉ biết khi qua đoạn đường , phải lên dốc thì cứ phải cố bò qua. Cũng đôi lần ngập ngừng dừng lại trước ngã ba, ngã tư. Cũng đôi lần đặt bao câu hỏi cho mình ngã rẽ nào dù biết lối đi ngay dưới chân mình.  Để rồi giật mình thảnh thốt bởi cái cười lạnh buốt của tiền nhân : " ngươi qua đỉnh dốc lâu rồi ". Mới hay, mình bỏ lỡ nhiều thứ quá. Mới hay, thơ đã khô quắt tự bao giờ.

Tôi không biết bình thơ như ông Mytrunghoa, vì ông bình sâu sắc lắm. Tôi cũng không có khả năng họa thơ với bạn như bà Tà  vì cứ y như đứng trước người đẹp thì mọi ngôn từ đều bay đi hết. Tôi chỉ ghi lại cảm xúc của mình khi chiêm ngưỡng nét đẹp trong thơ của một người bạn. 

Và thật sự, thơ ông đẹp lắm - ông Muathuvang366 ơi !


Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

Cúi xuống nha anh !



Cúi xuống nha anh, thấp hơn chút nữa...
 Ngoài kia, đêm trở mình tanh tách tiếng sương kêu. Mầm non đang nhú. Để rồi anh xem, ngày mai nắng lên, sẽ thêm một nõn biếc chào đời. 

Cúi xuống nha anh, một chút nữa thôi...
Hình như con dế lẻ loi năm nào nó khóc. Cây vĩ cầm nó bỏ quên đâu rồi lạc mất. Anh kiếm hộ nhặt về giúp nó đi anh!

Cúi xuống nha anh, ừ như thế!
Đó! anh thấy chưa, em đã bảo là cái nhớ cứ cồn cào. Trái tim em xôn xao nửa đêm đòi nhóm lửa. Nó vịn vào lời hứa, cứ bắt tìm cho được một bờ vai.

Đôi lúc hỏi lòng em đã sai ?
Đường về thì cứ xa, anh biết không, em thắt dài thêm sợi nhớ. Hôm qua đợi anh, em phơi nó vàng hanh tơ nắng. 
Chết rồi. Em lại quên, bỏ nó ở hiên nhà...



Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

Bên lề cuộc chiến

    
     Vì là người nhiều chuyện, lại nghe dân chúng kháo nhau về một cuộc đấu khẩu của 2 nhân vật, khá hot, nên tui hơi tò mò. Một người là vị đạo diễn đáng kính dù nói thật lòng, chưa có bộ phim nào của anh mà tui phải nức nở, thậm chí không muốn nói phim của anh hơi...lãng lãng làm sao ấy. Nhưng, khi anh ngồi vào ghế nóng mà thiên hạ ví von cát-sê anh nhận được tương đương với tiền bông băng anh mua, hoặc khi anh viết báo với cái tên hiểu kiểu nào cũng được, tui lại cực kỳ...thích anh. Rất thích.  Nhân vật còn lại hình như là một nhà văn trẻ, một blogger có tầm cỡ chi ấy, và là cùng phe với tui. Tuy nhiên, tui chưa có may mắn đọc được tác phẩm nào của cô ấy. Tui chcó đọc bài phỏng vấn cô ấy trên một tờ Tạp Chí khá có tiếng, không biết nói gì hơn ngoài câu : " Ước gì mình giỏi như cô ấy ".

Ai cũng có vũ khí sắc bén, lập luận chắc nịch, tất cả chỉ nhằm một mục đích : bảo vệ chính kiến của mình. Đương nhiên, lẽ nào đăng đàng, không lẽ cãi giữa chừng lại... cười hề hề nói : " Anh/ Em sai rồi ! ".

Tui thì khoái chí rung đùi ngồi cười tủm tủm vì cái sự tranh luận  rất đỗi dễ thương này.

Tui không dám lạm bàn, chỉ xin góp vui bằng những câu chuyện nhỏ xung quanh tui. Còn ai đúng, ai sai, cứ để cho mọi người bình luận.

Hồi đó ông bà nội tui còn khỏe, cũng cách đây gần ba mươi năm rồi. Cả nhà tui là dân lao động, suốt ngày bám chợ. Khuya khoảng 3g sáng là cả nhà đã dậy chuẩn bị gánh hàng ăn để bán cho kịp chợ. Khi quang gánh sẳn sàng, ông nội tui gánh gánh cháo- rất nặng nha bà con, bà nội tui đi theo ôm giỏ. Tui còn nhớ hồi đó, xung quanh nhà tui có trồng rất nhiều dừa. Mỗi lần hái dừa, người leo lên ấy là...ông nội tui.Nhìn ông nội trèo dừa mà mồ hôi nhễ nhại, tui thương lắm. Thậm chí khi nhà tát cá ở cái đìa phía sau hè, cũng lại là ông nội tui xuống ao dỡ chà, tát nước gần chết cho nước cạn, để bắt cá cho bà nội đem ra chợ bán...  Tui cứ thắc mắc mà không dám hỏi : sao bà nội sướng quá há, chả thấy làm gì nặng cả.  Năm hết tết đến, cả nhà tui cũng hí hoáy sửa soạn đồ ăn tết. Ái chà, khoản này thì ông nội tui ...thua xa bà nội tui rồi. Tui thấy bà nội cả ngày hết gói bánh tét, chuyển sang bánh ít, rồi hí hoáy kho thịt, làm củ kiệu, làm mứt cà... Trong khi ông nội tui chỉ có đi tảo mộ rồi sẳn tiện thăm bà con chơi luôn. Tui nhớ hình như lúc đó bà nội tui có lầu bầu nheo nhéo : " khổ thân, làm đàn bà khổ quá, tết nhứt gì cứ chui vô bếp không hà . Kiếp sau tao làm đàn ông, tao leo bàn giữa ngồi chơi cho sướng  ! ". Chả biết ai sướng , ai kh, tui thấy chỉ có tui là sướng nhất vì lúc đó tui...chưa kịp lớn.

Cũng chuyện nhà tui. Tui không dám moi chuyện thiên hạ nhiều quá mắc công bị đòi tiền bản quyền. Cứ lấy chuyện nhà mình ra kể cho chắc ăn. Tui có một bà cô, tui hay gọi bằng Má Năm, thôi chồng từ năm 20 tuổi - cái tuổi đẹp nhất của người con gái. Người chồng trước coi cô tui không khác gì đầy tớ kiêm luôn phục vụ chăn gối khỏi phải trả tiền. Hình như phụ nữ thời ấy đều được dạy câu : " xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử " hay sao ấy. Thế là sau khi thôi chồng, hay chính xác hơn là bị chồng bỏ, cô tui ở vậy nuôi con. Đến khi cô tuổi đã bước vào xế chiều, đã g cô con gái duy nhất đi lấy chồng, cô tui quyết định bước thêm bước nữa mặc  dị nghị của mọi người : đã nhịn được tới từng tuổi này rồi còn ham hố gì nữa.... Dượng năm sau của tui bước vào gia đình tui trong ánh nhìn...lo ngại, đề phòng của bao người. Ai cũng nghĩ dượng tui...đào mỏ vì giờ cô tui cũng có cái nhà nho nhỏ, con gái chu cấp hằng tháng cũng thuộc hàng kha khá ở cái xóm bé tẹo nơi vùng quê này.  Sau gần 5 năm lấy nhau, đùng một cái, cô tui bị trượt chân té, cột sống bị lệch, không còn làm gì nặng được. Thậm chí, bác sĩ bảo không được xách cái gì quá 2 kg . Lúc này, cô con gái ở xa, lại có chồng con, công việc bận bịu làm sao về chăm mẹ được ? Rồi chị em tuy có ở gần, nhưng ai cũng có công việc, gia đình riêng hết, ai chăm cô tui được 24/24 chứ ?! Chỉ có Dượng Năm tui, lặng lẽ lo cho cô từ miếng ăn giấc ngủ, sáng sáng pha cà phê cô uống, tối tối dắt cô đi tập vật lý trị liệu. Nhìn cảnh hai mái đầu bạc chăm chút cho nhau, tui thấy hổ thẹn. Hồi xưa thấy Má Năm ủi cho Dượng Năm cái áo, pha cà phê, nấu cơm giặt giũ...còn Dượng  chỉ đi làm về là đã có cơm dâng nước rót,  tui từng có ý nghĩ ...so đo tính toán. Giờ nhìn thấy cảnh này, mới hay, sông có khúc, người có lúc. Đâu phải cái gì cũng đem lên bàn cân, đong đếm rạch ròi  được, nhất là khi đã thành vợ thành chồng ?

Ngay cả bản thân tui, đôi lúc tui cũng nhoi nhoi với ông xã vì những thiệt thòi . Ông xã tui phải nói là đạt tiêu chuẩn Ba Vô : vô duyên - vô tư - vô tâm. Tui nộp đơn xin cấp giấy chứng nhận cho ổng mà chưa có chỗ nào nhận. Họ kêu chỉ có Hội Phụ Nữ chứ chưa có...Hội Phụ Nam . Nên tui đành ôm đơn về để đầu giường lâu lâu đem ra nghía cái chơi cho đỡ buồn. Tui thấy tui thiệt thòi. Việc nhà cũng mình, việc công ty cũng mình, dạy con cũng mình, đối nội đối ngoại gì cũng mình... Hổng biết tui lấy chồng để chưng chơi cho biết tui cũng có chồng  hay sao ấy ?! Nhưng, nhiều khi nghĩ lại, nếu bầu bà vợ Ba vô, biết đâu tui cũng...có cửa lắm thì sao . Trong khi chồng tui quanh đi quảnh lại chỉ có chừng ấy quần áo, còn tui, vì là nữ duy nhất trong căn nhà này, tui nói thiệt, tui mà nhớ tui có bao nhiêu cái áo, cái váy, giày dép... tui chết liền. Chồng tui có lúc đùa nói : " mở tủ đồ ra toàn thấy đồ bà không hà." Mà chồng cười hì hì, chứ không có ghen tỵ với tui nha.  Có hôm tui ở nhà leo lên mạng viết blog, tám tào lao mía lao, thì chồng tui lo chạy ngoài đường gom tiền cho tui - do có những khách hàng họ không chịu sử dụng dịch vụ ngân hàng. Mà nắng Sài Gòn thì... ác lắm, cứ rát hết cả mặt. Rồi hôm bữa dọn nhà đón tết, tui chỉ việc nấu cơm xong, ra quẹt quẹt sơn cái cổng rào cho vui chút là chui tọt vào phòng ngủ , không quên nhéo nhéo chồng vài câu : " em đau đầu quá, em ngủ đây ". Thế là bỏ cho chồng một mình trèo lên trèo xuống... Vậy mà làm xong, chồng vô hỏi tui : " mệt hông ? ". Đáng ra câu này tui hỏi chồng mới đúng vì nãy giờ tui ngủ còn chồng thì thức làm mà. Tui nhớ mấy lần tui về quê thăm nhà, trong khi tui và thằng con vô tư ngủ, thì chồng tui phải...căng mắt ra lái xe....vì chồng là đàn ông mà, không lẽ chồng bắt tui lái xe chồng ngủ ? ....

Nói chung,  giữa vợ và chồng, giữa nam và nữ, đã có một ranh giới vô hình xác định quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên rồi. Tuy nhiên, ranh giới này uốn lượn kiểu gì, tùy thuộc vào sự mềm dẻo của đôi bên. Tui đọc bài phỏng vấn Cô nhà văn mà tui vô cùng khâm phục. Cô ấy bảo cô ấy phân lịch làm việc nhà cho chồng rất cụ thể: chồng: ba - năm - bảy, Cô ấy : hai - tư - sáu. Tui phục cô ấy quá đi. Riêng cá nhân tui, tui...hổng dám. Chỉ đơn giản: tui thấy lo cho chồng bữa cơm ngon, nhìn chồng con ăn ngấu nghiến, chồng cười ha hả khen tui : " vợ nấu ăn ngon nhất "- đối với tui, nhiêu đó là đủ.  Tui không cần kiểu em làm cá thì anh phải lặt rau, em lau nhà thì anh phải rửa chén... Công bằng quá, đôi khi mất đi phần thú vị.

    Cuộc đấu khẩu giữa vị đạo diễn và cô nhà văn chưa có hồi kết. Nghe đồn sẽ có truyền hình trực tiếp trên VTV nữa ấy. Dù cho kết cuộc ai thắng ai thua, tui cũng chúc mừng...người thua cuộc.

Còn tui, sau khi ngồi viết cái tâm sự nhuyễn này lên blog, tui leo xuống ...đi chợ. Hôm nay chồng tui nghỉ, chiều phải làm cái gì ngon ngon cho cha con nó ăn mới được. 
Kệ, ai nói gì nói, chồng mình, hay vợ mình,  mình chịu thiệt chút có chết ai đâu, bà con hén !


Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi ...

   
     Tui đang liu thiu ngủ, do đêm ngủ không được, mà ngày thì cứ mơ mơ màng màng..., thì bị một chuỗi âm thanh liên hoàn có tần số ngang ngửa gây điếc tai, thủng màng nhĩ chứ chả chơi, làm cho tỉnh cả ngủ. Cất giấc mơ đang hồi gay cấn nhất để dành tối mơ tiếp, tui ló cái đầu bù xù ra hóng hớt. Lại cái chuyện xóm tui. Xóm nhỏ mà sao nhiều chuyện hot dzữ vậy trời ?!

Nàng dâu nhà cách nhà tôi 3 căn, đang đấu khẩu tay đôi với... má chồng - tức là người đã sinh ra thằng chồng cho cô ấy ôm mỗi tối, sai mỗi ngày, và cũng là cái thằng đã góp vốn cho cô ấy sinh ra thằng quý tử gọi cô ấy bằng mẹ. Bà má chồng cũng đã ngót nghét khoảng hơn  60 tuổi, dân buôn bán lặt vặt, hình như là hàng rong chi ấy. Cô con dâu cũng không khá hơn. Thằng chồng cũng nghèo y như vậy. Không phải cứ hễ dân thành phố là giàu hết. Tui thấy gia đình ấy hơi bị đông con, mà chẳng có đứa nào nghề ngỗng gì cho ra hồn, làm công nhật bữa đực bữa cái, làm một ngày có khi nghỉ 3, 4 ngày... Mà miệng thì ngày nào cũng phải ăn ba cữ. Thế là tay làm không kịp cho hàm nhai. Rãnh rỗi không có gì nhai, nên hàm...chửi nhau cho có chuyện. 

Nguồn cơn sự bực tức của nàng dâu từ đâu tới thì tui không biết. Chỉ thấy một cảnh rất hài hước đến nghẹn ngào . Nàng dâu vắt va vắt vẻo cong cái mỏ thâm sì nhọn nhoắt,  chửi má chồng bằng những ngôn từ.... có cho vàng tui cũng không dám nói . Nàng thăng, giáng rất có bài bản, logic, câu này bắt sang câu kia một cách nhịp nhàng đúng âm, đúng luật. Đôi khi nàng lạc tông do treo nốt cao quá , rớt xuống hổng kịp, nhưng nàng rất có bản lĩnh, xử lý điệu nghệ trong mọi tình huống. Bà má chồng nước mắt ngắn  dài, cũng góp vui bằng vài câu ngẹn ngào sùi sụt. Hay nhất là thằng chồng, ngồi gục mặt tròn trèn trẹt,  bứt mấy bụi cỏ mọc vớ vẩn gần đấy, chả nói câu nào cho ra vẻ... bí ẩn. Thằng con giương đôi mắt tròn xoe, ngây thơ nhìn má nó hăng say chửi quên thời tiết, thỉnh thoảng tới đoạn nào hay quá, nó cười toe toét phụ họa.  Mà cái độc, cái lạ của nàng là nàng đang ở chung với đại gia đình chồng nhé - xem như là một mình chống lại mafia. Có điều nàng không chết, mà mafia chết mới khổ chứ. Cuộc đấu khẩu chuyển sang manh động hơn với mấy con dao mọi khi nàng dùng cắt rau trong bếp, nay nàng muốn mượn nó thử xem máu của gia đình chồng có khác gì nàng không. Thấy tình huống nguy cấp quá, mấy bà Tám trong xóm vội vàng thỉnh công an phường xuống dẹp tan bạo động trước khi có án mạng xảy ra. Cuộc cãi vã tan rả, chỉ nghe dư âm gầm gừ chực chờ trong cổ họng nàng dâu chưa kịp phun ra hết còn sót lại. Nàng ngoe ngoảy dáng đi chừa đường cho con Lulu nhà tui nó chạy, thằng chồng tiu nghĩu cắp nón theo sau. Để lại trước cửa nhà bà má chồng ôm cháu nội vào lòng, vừa khóc vừa phân bua với mấy mụ hàng xóm đang xum xoe an ủi. 

Tui bất chợt nhớ hồi còn nhỏ tui có đọc ở đâu đó.

" Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong " .

Hồi đó, tui đọc bài thơ này, mà tui mơ mộng, tui ước ao nhất định phải kiếm cho má tui cô con dâu trên cả tuyệt vời như thế. Nói thiệt, đâu phải mẹ chồng nào cũng kinh dị như phim hay nói đâu. Mà mấy ông nhà văn, nhà báo, nhà...từa lưa  này cũng ác ghê, cứ hễ viết về thân phận phụ nữ, muốn cho nhân vật chính thêm phần bi đát, là cứ y như rằng sẽ có một bà má chồng như phù thủy xuất hiện.. Vô tình, càng gieo thêm ác cảm vào đầu các cô gái chưa kịp lấy chồng đã kịp...ghét má chồng mới oan chứ. Và cũng vô tình làm...tổn thương thằng tui. Vì cứ lần nào mon men hỏi em nào làm vợ, là em cũng hỏi tui đúng một câu : " Má anh khó không ? Em sợ làm dâu lắm, mà anh con một nũa... ". Rồi nàng nào cũng đúng có một bài ca: " mình ở riêng anh nhé ! ". Mà tui nhìn kỹ má tui rồi, chả có ba đầu sáu tay chi khác người mà mấy nàng không dám đến gần như vậy. Bởi vậy mới nói, chỉ cần hiểu đơn giản " Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi ", cứ như thế thôi, là sống khỏe rồi. Bà con thấy tui có đòi hỏi gì lớn lao không há ! 



Ai rồi cũng phải già, cũng phải từ từ bò lên chức ba, chức má, rồi thăng cấp  tới chức ông, chức bà ... dù muốn hay không muốn. Chức càng cao, chỉ có kinh nghiệm sống  là nhiều, chứ bổng lộc đâu không thấy. Qui luật cuộc sống là như vậy. Hôm nay, có thể bạn là nàng dâu khí thế , giương giương tự đắc kia, ngày mai, bạn có thể là bà mẹ chồng đang ngồi ủ rũ đó. Tui không biết những  nàng dâu thời hiện đại này có khi nào nghĩ như thế không. Mà chắc là không, vì nếu biết nghĩ, sẽ không bao giờ làm cái điều trái với lòng trời và nghịch cả ý người như vậy. Đôi khi, cũng nên soi gương. Chẳng phải vô tình mà ngay cả chiếc xe ta đi hằng ngày, dù  2 bánh hay 4 bánh ( không tính xe ba bánh vì nghe đồn xe đã bỏ cuộc chơi, không kể xe một chỗ nằm vì xe này chỉ dành cho một người - ai cũng biết chỉ người đó không biết ... ), tất cả đều phải có kính chiếu hậu - để nhìn lại sau lưng mình. Không một chi tiết nào là thừa thãi. 
Cuộc chiến đã đi qua. Xóm nhỏ lại yên bình. Những đốm lửa đang âm ỉ cháy, không biết khi nào thì phát hỏa. Thiêu rụi cả xóm cũng nên. Không chừng còn lây sang cả phường, cả quận, cả thành phố, cả nước...cũng chưa biết. 

Phòng bịnh hơn chữa bịnh, tui vội vàng xách xe vọt ra cửa hàng mua bình cứu hỏa ... cỡ đại mới được. Sẳn tiện, ghé tòa soạn nhờ chiến hữu đăng báo tìm...cô vợ trong mơ dùm tui  . Tui hổng có đòi hỏi chi hết, chỉ cần, nàng chịu nói và làm câu " Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi " , là thằng tui tình nguyện làm gạc - đờ - co cho nàng suốt đời.

Mất cả buổi chiều vì những chuyện không đâu, tui mệt đến rã rời. Về nhà, là tui lũi ngay vô phòng, lôi giấc mơ dang dở ban trưa ra mơ tiếp tập 2. Có điều , chả hiểu sao hồi trưa tui  mơ tới đoạn tui và nàng chuẩn bị... hát bài Lý Ngựa Ô, thì giờ, trong giấc mơ tui chỉ  bồng bềnh những câu thơ Xuân Quỳnh dịu êm đến lạ...

....Lời ru mẹ hát thuở nào
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh
Nào là hoa bưởi hoa chanh
Nào câu quan họ mái đình cây đa
Xin đừng bắt chước câu ca
Đi về dối mẹ để mà yêu nhau
Mẹ không ghét bỏ em đâu
Yêu anh em đã là dâu trong nhà
Em xin hát tiếp lời ca
Ru anh sau nỗi lo âu nhọc nhằn
Hát tình yêu của chúng mình
Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng
Giữa ngàn hoa cỏ núi sông
Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ
 
Chắc chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em....

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Về đây đi , em ơi !


    Tui sinh ra và lớn lên ở vùng đất dở dở dang dang, nắng không nắng, mưa chẳng mưa, chỉ có những thằng tui nắng mưa gì cũng lùi lũi lớn, lùi lũi ra đồng mỗi sáng, lùi lũi ôm đầu gối hát hò buổi tối, lùi lũi ngắm trăng rớt sau lũy tre nằm sóng soài vắt vẻo. Tui tuy hổng đẹp trai , trắng trẻo như mấy anh Hàn Quốc mà mấy ẻm trong xóm tui mê chít lên chít xuống..., nhưng được cái dễ nuôi, dù không tập tạ hằng ngày đ có body 6 múi, nhưng nói thiệt, thi làm ruộng chắc gì Lý Đức hơn tui đó. Nói chung, là tui có cơ sở tự tin, đủ để nộp đơn xin làm... chồng em - người tui ngày ngó đêm mơ được một lần đón em bằng xuồng ba lá về ra mắt má.

Làng tui nhỏ, ngõ càng nhỏ , và nhà em ...cũng nhỏ. Đêm ngồi ngoài hiên, vừa đập muỗi bộp bộp, tui vừa tán em theo kiểu...rất riêng của trai miền Tây :
- Em...lấy tui nha ! Tui nói má qua nhà em nha !
Đơn giản, thẳng tắp, không hoa cỏ mùa xuân chi hết. Em e ấp đếm hoa cau đang rụng ngoài sân, ngó ngó mấy dây trầu không đủng đỉnh:
- Thầy bói  nói...em lấy... ngoại kiều. Má em cũng nói vậy á.
- Thế em ?
- Thì... thấy nhỏ Nga lấy ngoại kiều xong xây cho tía má cái nhà, em cũng mê quá.

Tui nói gì hơn là ôm nguyên lá diêu bông tìm đường về nhà ngủ cho quên cái sự bị từ chối vô cùng chính đáng ấy. Cái thời túp lều tranh không còn nữa. Tui ngó nhà tui. Đâu có cọng tranh nào đâu. Cũng nhà tole cao ráo, ti vi, xe máy, điện thoại trong túi tui cũng tò te tí te mỗi khi ra ruộng... Nhìn hết người từ đầu xuống chân, xem thử có thiếu ...mất phụ tùng nào không, thấy cũng còn nguyên vẹn. Vậy mà... chả biết trách ai, chỉ trách tui...vô duyên trọn gói mà thôi.

Sáng nay tui lên mạng. Mọi người cứ hay nghĩ nông dân thì chả biết cái mạng là gì. Không có nghe, làng tui còn có cả cái quán cà phê " Bằng Hữu " để nông dân tụi tui trao đổi kinh nghiệm làm đồng, nuôi heo, nuôi gà và cả nuôi vợ con luôn á. Tui cũng hiện đại lắm, chứ không đến nỗi không biết chữ nào như sách vở hay tả về nông dân : cứ hễ nông dân là kèm theo...quê mùa, là lúa, là cùi bắp... nói chung là những từ thuộc dạng hổng ai ham mà giao hết cho tụi tui giữ. Và tui thấy em.

Em chứ không ai khác . Dù người ta có làm mờ ảnh em đi, tui cũng nhận ra. Em quỳ đó, không một mảnh vải, quanh em toàn mấy thằng Zhong-gou- rẻn . Tui nghẹn. Cái nghẹn không biết từ đâu tới mà... khiến tui đau thế này. Tui không đủ can đảm đọc hết bài,vì cái tựa đã nói lên tất cả. Tui nộp đơn xin hỏi em làm vợ. Em... nộp thân để mong được làm vợ người ta. Tui tắt máy, tui bỏ ra hè ngồi. Trời nắng chỏng chơ, lâu lâu phe phẩy chút gió để thêm nao lòng thằng tui. Nhìn cái chuồng heo, tui cũng nhớ em. Tui định nuôi heo vài lứa, có chút đỉnh tiền , làm vài mâm quả. Đám cưới trong mơ của tui và em, tui mơ đến vạn lần. Giờ đây, trong đầu tui chỉ là hình ảnh em trần trụi như thế đó. Phải chi tui có ở đó, tui nhất định sẽ lôi em về. Tui nhất định không để em lê lếch như thế. Tui xót lắm, em biết không ???

Tui xé hết cả cái vạt cỏ sau hè, cái vạt cỏ mà ngày xưa em ngồi lùi hột mít với tui rồi chơi trò " xù xì ốc mít...". Cỏ nó cũng khóc, khóc không thành tiếng. Báo chí nói đầy, Cán Bộ ấp xã cũng đôi lần tuyên truyền, tivi cũng đưa tin mấy vụ tự tử của cô dâu Việt trên đất khách... Em biết hết chứ. Vậy mà... em vẫn bỏ cái mâm quả tui dâng em, vẫn cứ đi... cứ hy vọng điều mơ hồ không có thực... 

Người ta nói " nam vô tửu như kỳ vô phong ". Vì em tui thà làm ngọn cờ không gió, không dám uống giọt nào, sợ em chê tui hủ chìm hủ nổi. Nhưng tối nay, cũng vì em, tui nhất định phải ... có gió mới được. Gió phải  thật to, to hết mức có thể để cuốn thằng tui đến bên em, che cho em hết mọi cái soi mói của mấy thằng mắt hí bẩn thỉu ấy. 

Về với tui đi em , " dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn " mà em.
Hình như tui lảm nhảm thế trong lúc say.
Hình như chỉ có đàn ông Việt mới biết câu ca dao này để hát cho vợ, cho con, cho cô người yêu thơm mùi lúa thôi thì phải...
Về đi em, về đây đi em...



Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

Chuyện bây giờ mới kể...




Chắc cũng hơn chục năm rồi, tui mới gặp lại cái ông mà ngày xưa " lững thững chẳng theo gần ". Hồi thời tui còn đi học, cũng cho ổng lên bờ xuống ruộng bởi cái trời ơi đất hỡi của tui. Chắc vì theo mấy năm ổng đuối quá, nên ổng ôm đồ sang ...bến khác xem ra khả quan hơn, nhờ thế tui mới vớt được ông xã nhà tui, rồi mới có thằng quý tử...sún răng độc thủ đại hiệp đó.

 Lâu lắm  không gặp ổng, suýt chút nữa tui té xỉu vì... ui trời ui, sao mà giống... Jang Dong Gun thế này ? Tui nhớ hồi đó đi học, mỗi lần tui ăn ở dưới căn tin lên, cứ nhất định phải quẹt tay vô lọ đựng nước mắm , xong lần nào cũng giả vờ hổng bít, lấy tay bịt mũi ổng lại, ổng la oai oái. Mấy cái chiêu quái đản này, may là tui hổng có con gái, chứ không, tui truyền lại cho nó, với cái thời hại điện này, dám nó bị tẩy chai vì... ở dơ hết thuốc, vô duyên hết cỡ quá. Ổng nhìn tui đang hí hoáy lựa đồ trong siêu thị, rồi duyên dáng hỏi :
-   " Phải bà không vậy ? " 
 Hồi đó đi học thì toàn ...xưng tên nghe điệu muốn chết, giờ già rồi, đổi tông sang...kêu ông, bà cho nó tình cảm chút. Tui xum xoe  liền, thấy trai đẹp là cứ híp mắt, ngu muội nói :
- "Tui chứ ai ! đẹp quá nhìn hổng ra hả ? ".
- Ra chứ ! Tại tui hỏi cho... chắc ăn.

Sau đó thì tụi tui đùm túm nhau đi cà phê, tám chuyện trên trời dưới đất. Chao ôi ! Mới có 10 năm không gặp mà hổng biết ổng ăn nhầm giống gì , ổng nói còn hơn... két. Hồi đó ổng im im, chỉ chờ tui nói cái gì là tủm tủm cười. Còn giờ ổng nói mà tui nghe tiếng được tiếng mất, chữ này chồng chữ kia, dập vô đầu tui một mớ bồng bông... Tui chỉ còn nhớ đại ý là ... ổng khoe ổng giàu ( đi xe hơi dĩ nhiên là giàu ), ng có công ty chuyên về viết mấy cái chương trình điều khiển tự động, nhà đâu ba bốn cái gì đó... Nói thiệt, nói với tui mấy cái đó chẳng khác nào... đàn khải tai trâu. Thấy ổng thăng dzữ quá, tui kết cho ổng một câu : " Tui giờ hổng đi xe hơi, đi máy bay không hà. Tiền thì ...hổng biết đếm, tại lính nó đếm thôi, chỉ có buồn buồn qua... Ấn Độ sắm kim cương về bắn bi chơi thui.". Ổng cười hì hì hỏi tui : " Bà xạo hả ? ". Tui tỉnh bơ : " Xạo vậy, nổ vậy mới giống ông, mới ngồi nói chuyện với ông được. Chứ không nãy giờ ông quăng lựu đạn nổ banh xác tui rùi ! ".

Hết khoe của, ông chuyển sang bán nước màu. Ổng vẽ bức tranh gia đình lâm ly bi đát của ổng . Nào là vợ coi ổng không ra gì , nào là ổng gương mẫu, tốt trên cả mọi tiêu chuẩn mà giờ phải sống cảnh lẻ loi như thế này, có vợ cũng như không...tui nghe mà suýt chút hỉ hỉ vài giọt nước mắt pha nước mũi rồi. Nhìn gương mặt cáo già ngơ ngác của tui, ổng càng tô màu đậm thêm cho bức tranh... xám xịt. Tụi tui tạm kết câu chuyện, chia tay, ai về nhà nấy trong cái ngậm ngùi thương cảm.

Tui về nhà, tối nằm gác chân lên trán, nghĩ về cái ông người iu thì quá khứ. Trời ui ! Tội nghiệp ổng ghê á. Người tốt thế, vừa lo cho vợ con chu đáo, vừa rất mực ga lăng , chung tình với vợ...thế mà bị vợ vùi dập như vậy . Sao mà lại có loại đàn bà có thể phủ phàng với chồng như " viên ngọc không tì vết "  thế kia ! Tui cũng là phụ nữ. Và chắc không ai hiểu phụ nữ hơn phụ nữ. Đàn ông thường hay rộng lượng. Không ai đi nói xấu vợ mình vô tội vạ như thế. Dù tròn méo thế nào cũng là người đầu ấp tay gối. Ít ra trong mười cái xấu kinh dị thì cũng phải có một điểm huy hoàng sáng chói nào chứ ? Tui chợt nhớ chuyện nhà báo Hoàng Hùng. Vợ tệ thế mà đến lúc chết vẫn cắn răng không nói- vẫn là một chữ nghĩa cho trọn. Đàn ông hơn phụ nữ là ở chỗ đó. Phụ nữ trong lúc nóng giận, yếu lòng, có thể kể hết mọi tâm tư tình cảm. Vì họ cần được lắng nghe, cần được chia sẻ. Còn đàn ông, đáng ra phải nói chuyện này trực tiếp với vợ, chứ sao lại nói với tui - người 10 năm rồi không gặp ? 
Sau cuộc gặp đó, tui thật sự... buồn cười. Có những cuộc hẹn, chẳng thà không có còn hơn. Ít ra vẫn giữ trong lòng nghững suy nghĩ tốt đẹp về nhau. Có những điều chẳng thà không nói ra, để mãi giữ cho nhau những gì lung linh nhất. Rồi tui mừng thầm cho tui. Nếu ngày xưa mà tui lấy ai không lấy, lấy nhầm ông Jang Dong Gun xì- cút này, thì có lẽ, nhân vật ác phụ trong câu chuyện thương tâm kia, sẽ là tui mất. Mà tui dị ứng nhất là bị nói xấu - vì ai nói xấu tui, chửi tui là tui...hắt xì mấy ngày liên tục không dứt. Kỳ ghê vậy đó !

Nhưng cũng phải công nhận, từ ngày gặp lại Jang Dong Gun, tui cực kỳ yêu quý cuộc sống của tui hiện tại. 
Tính ra là phải cảm ơn ổng mới đúng. 

Vì thế, hôm nay rãnh quá, không biết làm gì, tui ngồi viết thư cảm ơn ổng đây . Sẳn tiện post lên chia sẻ cùng bà con, để mỗi người thấy tui ..." tốt " một ít. Phải la lên bà con mới biết tui... Thạch Sanh, chứ không, bà con tưởng tui là Lý Thông thì nguy mất.

 " Ông Jang Dung Gun iu phải ...giấu của tui !
Cảm ơn ông -  một thời hoành tráng của tui. Cảm ơn ông vì ngày đó đã không lấy tui.
Cảm ơn ông rất nhiều. Cho tui thành thật gởi lời chia buồn tới bà xã của ông.
Ký tên
Lee Young Ea ".



P/s: Các bác, các chú, các anh, các bạn nam...chính hiệu, xin vui lòng bỏ qua cái nỗi lòng thòng này của tui, đừng ném đá tui tội nghiệp. Mắc công tui hắc xì mấy ngày không ngủ rồi phải đi bác sĩ xin chữ ký thì tội nghiệp...bác sĩ nữa.