Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Mật đắng




Nó hi hí đôi mắt trong veo, bấu tay vào song sắt, cố nghếch đầu nhìn ra khoảng không trăng trắng qua khung cửa lấy sáng trên cao. Bầu trời đang ở đó. Hồi đó, mẹ nó vẫn hay thủ thỉ kể nó nghe về một nơi mà nơi ấy, bầu trời rất cao, rất xanh. Ở nơi đó có màu xanh cây cỏ, có mùi nấm, mùi mật nương nương theo gió, có tiếng chim ríu rít, tiếng nắng lào xào, tiếng con cheo rúc rích đu nhau trong tán lá. Ở nơi đó có con suối trong văng vắt mà mẹ nó ngày xưa đợi trăng về hò hẹn...  Mẹ kể nhiều lắm. Mỗi lần nghe mẹ kể, nó thấy mắt mẹ ngân ngấn. Nó không hiểu. Nhưng nó hay hỏi mẹ:

- Vậy khi nào con mới đến được nơi ấy hả mẹ ?

Mẹ nó giấu nỗi buồn mênh mênh vào lặng im hun hút. Mẹ dúi đầu vào lưng nó. Nó nghe mẹ đang rưng rức. Nó thôi không dám hỏi nữa. Nó sợ mẹ nó buồn. Nhưng nó không thôi những giấc mơ rát bỏng về nơi cổ tích ấy. Từ khi nó lọt lòng, nó không thấy bố. Nó chỉ thấy mẹ. Thế giới của nó chỉ quẩn quanh những song sắt khô cứng và những tiếng la hét thất thanh, tiếng ư ử rên rĩ. Nó sợ lắm. Những lúc như thế, nó chỉ biết rúc đầu vào nách mẹ, thét lét nhìn qua thanh chắn. Ngày nào cũng vậy, có khi sâm sẩm tối, có khi hừng hực nắng, mỗi lần nhác thấy bóng  lão chủ gầy choắt với chiếc cằm xương xẩu chìa ra, tập tễnh bước vào khu chuồng trại, là thế nào nó cũng nghe tiếng gào thét rền rĩ xoáy từng lỗ chân lông của nó. Có lần, nó thấy lão chủ kéo xềnh xệch một ông chú trùi trũi  trên nên xi măng cáu bẩn. Chú ấy to vậy,  khỏe vậy, vậy mà, lão chủ chỉ bập một nhát kim ngập cán vào người chú, chú chỉ kịp hự hự vài tiếng là đổ gục. Không nhúc nhích. Rồi lão vật chú ra, vài ba gã xúm vào với mớ dây nhợ chọc vào lỗ thủng trên bụng chú. Một chất dịch vàng xanh lờ lợ được rút ra từ chiếc kim tiêm. Mẹ nó cũng có một lỗ thủng như thế trên người.  Có đôi lần nó thấy mẹ khe khẽ vưng vít lỗ thủng ấy mà mẹ nghiến răng rên i ỉ. Chắc mẹ đau lắm. Những lúc như thế, nó chẳng biết làm gì. Nó sợ lắm. Cái đầu bé tí của nó không biết sao để giúp mẹ hết đau được cả. Nhưng mẹ nó lại bảo với nó rằng mẹ không sao, miễn được bên cạnh nó là mẹ hạnh phúc lắm rồi. Mẹ bảo mẹ không cần trời xanh, mẹ không cần thế giới ngoài kia, cho dù bắt mẹ vĩnh viễn sống mù lòa trong khung cũi lạnh ngắt này, mẹ nó cũng cam lòng. Miễn nó được bình yên, miễn nó đừng mang lỗ thủng trên người như mẹ, miễn nó đừng bao giờ xa mẹ. Nó ngạc nhiên. Nó không hiểu. Nó là của mẹ mà. Nó sao có thể xa mẹ nó chứ ? Bộ mẹ không cần nó nữa sao ? Nó ngoan mà. Nó càng xoắn lấy mẹ hỏi mãi, mẹ chỉ im lặng nhìn nó bằng đôi mắt đục mờ. Bàn tay chi chít những vết cứa run run ôm lấy khuôn mặt nó sờ soạng. Rồi mẹ ghì chặt nó vào lòng. Mẹ i ỉ ru bài ca hát về đồng cỏ bạt ngàn. Nó mang lời ru của mẹ chìm vào giấc ngủ thút tha thút thít.

Chợt, tiếng cửa sắt kéo rin rít. Nó sợ hãi giật bắn cả người. Mẹ nó giang tay ôm chặt nó, nép sát người vào góc chuồng khi thấy lão chủ chỉ trỏ xí xa xí xồ chi đó và đi về hướng mẹ con nó. Tim nó đập bình bịch. Mẹ nó bắt đầu lồng lên. Mẹ đẩy nó ra sau lưng mình. Hai bàn tay mẹ bấu chặt vào khung sắt giật mạnh liên tục khi hai gã lực lưỡng cầm bó dây thừng tiến sát cạnh chuồng. Khung sắt thít chặt người khiến mẹ không thể nào đứng thẳng người hất tung lồng được. Mẹ gầm gừ, mẹ nhe hàm răng cùn cùn lổm chổm , mắt mẹ long lên sồng sộc. Mặc cho mẹ cố ra sức dọa nạt, hai gã độc ác ấy vẫn siết chặt sợi dây cước vào tay mẹ, và... bập. Chiếc kim tiêm ngập lút sâu vào người mẹ nó. Mẹ cố vùng vẫy. Nó hoảng loạn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra,  chỉ thấy mẹ đổ gục xuống, miệng sùi bọt trắng lõng thõng. Nó hét lên. Nó chúi đầu lên lưng mẹ. Ôi ! Mẹ ơi !  
Không đợi nó kịp ôm mẹ, lão chủ tròng chiếc thòng lọng tựa như sợi gai sắt nhọn siết chặt cổ nó, lôi tuột nó ra khỏi mẹ. Nó cố giẫy, càng giẫy sợi dây càng siết chặt hơn khiến nó không thở nỗi. Nó giơ tay níu lấy mẹ nhưng vô vọng. Gã to khỏe có cái môi dày như mảnh lợn thối đè ngửa người nó ra, hai chân với gót giày cứng như đá đạp chặt lên 2 cánh tay tủn ngủn của nó, tay bóp chặt hốc mõm nó lại buộc nó phải há miệng ra. Ngay lập tức một thanh sắt chắn ngang mồm nó. Nó cố kêu : " mẹ ơi !", nhưng tiếng kêu nghèn nghẹt lọt tõm trong vòm họng đau như xé. Nó giương mắt tìm mẹ trong bất lực. Mẹ nó nằm đó, hai tay , hai chân bị trói chặt vào khung sắt. Lão chủ  lừ lừ bét miệng nó ra dòm ngó rồi the thé :

- Con này bẻ răng được rồi. Để lớn chút nó hung, khó chơi. Làm xong tụi bây thảy nó qua cái chuồng kia cho tao. Tách riêng mẹ con nó ra.


Chỉ có vậy, chiếc gọng kiềm loang loáng trong tay gã béo vung lên. Từng chân nướu trong mõm nó rung lên buốt tận óc. Ôi mẹ ơi ! Đau quá mẹ ơi ! Cứu con mẹ ơi ! Nó quẫy đạp . Hai tay nó như dập nát ra dưới gót giày đanh như thép ấy. Chỉ một loáng, hai chiếc răng nanh của nó nằm gọn trên tay lão chủ . Lão nhay nháy mắt cười hay háy :

- Mẹ nó, phải chà bá như nanh heo rừng tao làm cái tòng teng đeo chơi tụi bây. 

Cả lũ cười ha hả. Lão vứt toẹt hai cái răng nanh của nó xuống sàn trại. Hai gã béo xốc nó quẳng vào cái chuồng nhỏ đặt nơi góc tường. Tối câm câm. Nó lồm cồm bò dậy nhưng hai tay đau buốt. Nó chống tay lấy thế đứng lên nhưng lại ngã chúi nhũi. Gã béo lạnh lùng chốt khung sắt lại. Rồi lừ lừ tiến về phía mẹ nó đang nằm bất động trên sàn chuồng nhớp nhớp tanh tưởi. Từng mũi kim như mũi khoan, xoáy  sâu vào lổ thủng đang tưa mủ của mẹ. Trong cơn mê man, mẹ giật mình run rẩy rên ư ử, mép miệng co giật liên tục trong đau đớn. Dòng mật xé da xé thịt chầm chậm chảy qua ống dẫn trong suốt. Ánh mắt lão Tứ sáng bừng :

- ĐM. Lâu rồi không lấy con này, hàng dữ luôn. Cái này chơi phát tối sung phải biết.

Những tiếng cười hô hố nhòa nhòa bên tai nó. Nó ghì song sắt nhìn mẹ trong tuyệt vọng. Từng chùm sáng nhàn nhạt trên cao, phả những tia yếu ớt loang loang trên người mẹ nó mềm nhũn. Nó ngửa mặt ngó khoảng trời rách toạt trên cao, xé cổ :

- Mẹ ơi !!!



Mẹ nó bắt đầu tỉnh. Thuốc đã tan dần. Chao ôi ! Cơn đau quặn bụng khiến mẹ  muốn co rúm người lại nhưng không thể.  Mẹ khẽ nghiêng người.  Mẹ dáo dát đôi mắt mờ đục tìm nó. Nó mừng, nó mừng lắm. Nó cuống quýt :
- Mẹ ơi ! Mẹ ơi ! 

Mẹ nó nghiêng tai theo tiếng nó gọi. Mẹ chắc nhìn thấy nó rồi. Mẹ nhọc nhằn lếch sát mép chuồng, cố chúi đầu len qua khung sắt để gần nó hơn chút nữa. Từng thanh sắt cứa lên vết lõm trắng hếu da  đầu trên trán mẹ nó. Mẹ mặc kệ hết. Tiếng mẹ đứt quãng, giọng mẹ chùng chùng. Mẹ khóc. 
- Con có bị làm sao không ? Tụi nó có làm gì con không ? 

Nó vỡ òa sợ hãi. Nó rống lên từng hồi thật to. Nó cố dùng đôi tay bé tí của mình bẻ thanh sắt. Nó muốn về với mẹ. Nó chỉ muốn bên cạnh mẹ nó thôi. Sao bắt nó xa mẹ nó chi vậy ? Nó rống lên chừng nào, ruột gan mẹ nó như nổi điên chừng ấy. Mẹ nó quên cả vết thương nơi bụng đang rìn rịn thứ nhựa ứ máu, mẹ chồm lên . Tiếng mẹ hét xé toang lồng ngực :
- Trả con cho tao. Trả con cho tao 

Khung sắt lắc lư, bần bật trước cơn thịnh nộ. Tiếng thét gào dội vào những mảng tường trơ thính. Âm âm. Rồi từng hồi, từng hồi. Mớ hỗn âm thống thiết lâm râm vang lên khắp trại. Tiếng kể lể ai oán, tiếng chửi rủa bất lực, tiếng rên rỉ đau đớn ...gióng từng cơn nghe như tiếng gọi hồn của địa ngục. Có ai nghe không ? Không một tiếng trả lời. Khung cửa sắt im ỉm khóa mồm trong câm lặng. Mẹ nó đổ người xuống sàn, thở hổn hển. Đôi mắt nhìn nó không thấy đáy. Tiếng mẹ mỏng tang như sợi cước cứa vào trái tim non nớt của nó.

- Mẹ xin lỗi. Mẹ xin lỗi. Con ơi...

Nó quị xuống nền, những ngón tay vẫn bấu vào khoảng không dịu vợi. Mẹ nó đó. Mẹ cũng ngồi y như nó. Hai mẹ con nhìn nhau nghiến răng ngăn nỗi đau đang chà xát axit vào lòng. Nó tủi hờn rên rỉ. Nó thèm rúc vào lòng mẹ âm ấm biết chừng nào. Nó thèm liếm chiếc lưỡi ươn ướt lên vết thương nơi tay mẹ, nơi trán mẹ. Và cả nơi mà bọn đao phủ chọc ngoáy suốt không cho vết thương liền miệng. Ôi ! Nó có cần gì đâu. Ước mơ con con vậy thôi mà người ta nỡ đan tâm xé nát. Mẹ nó vẫn ngồi yên đấy. Bóng mẹ tối dần, tối dần. Nó biết ngoài kia đêm đang phủ. Chẳng mấy chốc nó không còn thấy mẹ nó đâu cả. Chỉ có tiếng mẹ dặt dìu ru nó len qua khung sắt. Câu hát của mẹ vuốt ve cái hàm đang buôn buốt của nó. Câu hát vòng cánh tay êm cho nó gối đầu vào rấm rứt. Nó thấy trời xanh qua lời mẹ hát. Nó thấy mùi nắng thơm nồng giòn tan trên tay nó. Nó thấy mẹ. Thấy nó. Thấy cả nhà nó cười rùm rụm.... Giấc mơ cổ tích ron rén tìm về. Mẹ nó cứ hát. Hát như thể ngày mai không còn hát được nữa. Tiếng hát gọi giấc mơ chao chát . Nó ngủ say rồi...


Hơn một tuần rồi mẹ nó nằm bẹp dí, không ăn uống gì. Mẹ nằm im đó. Mắt lúc nào cũng đau đáu nhìn về phía nó. Mẹ không khóc. Mẹ rầm rĩ gọi tên nó. Ngày nào mẹ cũng thế. Lão chủ bực tức cứ ra vào quát mắng liên tục bắt gã béo đổi thức ăn ngon cho mẹ. Lão sợ mẹ chết thì tiền lão đi toi. Hiếm khi được ăn ngon như thế, nhưng mẹ nó vẫn nằm im không phản ứng gì. Nó lo, lòng nó như lửa đốt. Nó không áp tai vào ngực mẹ nó được, không biết mẹ có bịnh hoạn gì không. Nó van mẹ ăn đi, van mẹ uống đi. Mẹ cũng chỉ nhìn nó lằng lặng, môi mấp máy điều chi không thành tiếng.  Nó sợ. Sợ một mai không còn nhìn thấy mẹ nữa. Ở nơi lạnh lẽo này, ngoài mẹ, nó biết vịn vào đâu ? Chao ôi ! Thấy mẹ đó, gần vậy đó mà chỉ có ánh mắt quấn nhau nức nở. Mẹ dốc từng hơi thở nặng nề, mẹ cố nhướn mắt ôm trọn khuôn mặt nó vào lòng. Nó... nó chẳng biết nó phải làm sao để mẹ đừng buông tay bỏ nó mà đi nữa. Nó dậm dật. Nó xoay mõm cố cắn thanh sắt. Mặc cho cả hàm nó như trăm ngàn kim chích long óc. Dù còn chút hi vọng mỏng manh, nó cũng phải thử. Nó chỉ muốn ở bên mẹ lúc này. Muốn hôn mẹ. Muốn nghe mẹ hát. Một lần cuối thôi mà ...

Lão chủ lại vào. Lần này đi cạnh lão còn có 2 người lạ hoắc . Cả bọn đứng nhìn mẹ nó thật lâu. Họ nói gì đó , rồi Lão chủ mở chuồng. Gã béo  kéo một bàn tay của mẹ ra cho người đàn ông bảnh bao đó ngắm nghía. Mẹ nó rên khe khẽ, đôi mắt vô hồn lướt qua những gương mặt xám xịt.  Người đàn ông đó bĩu môi, trề nhún. Lão chủ lạnh tanh :

- Tùy ông anh thôi. Con nào tay nó chả thế. Giá đó ông anh đi hết vùng này, ai bán rẻ hơn, thằng em biếu không chả lấy tiền luôn. Mà hàng của em là hàng tươi nhá. Đấy ông anh nhìn rồi đấy. Chả phải hàng đểu chết rồi mang bán cho ông anh mà thằng em này bảo điêu nhá !

Người đàn ông dùng dằng, lưỡng lự. Đoạn, quay sang người cùng đi dò hỏi. Họ mặc cả, họ vờn nhau. Nó như có ai đang đè trái tim bé tẹo ra vò nát. Nó gọi mẹ trong thảng thốt. Mắt mẹ nhìn về hướng nó. Mẹ gọi  nó. Tiếng gọi âm âm từ lồng ngực. Đột nhiên mẹ nó lù lù đứng dậy, mẹ cấu chặt thanh sắt, mẹ ép ngực vào khung cũi, mẹ cố rướn mõm qua khe chắn.  Tiếng " con ơi !" vỡ tràn trên đôi môi run rẩy của mẹ. Và kìa, ôi.... hai tên đồ tể.... đám người kia.... mẹ nó... Không ! Không ! Mẹ ơi ! Nó lồng lên lao đầu vào khung cũi sắt. Nó gào thét trong đớn đau cùng cực. Mẹ nó đó . Bàn tay chới với . Đôi mắt ngây dại nhìn nó . Không ! Không ! Đừng mà ! Đừng mà ! 

Họ mang mẹ đi rồi. Tiếng mẹ hét xé trời dội vào lòng người trơ đá. Trăm ngàn lằn roi quất vào tim nó. Nó nghiến chặt răng, nó đấm vào ngực mình. Nó cào cấu  đến tứa máu đôi bàn tay nơn nớt. Nó ngửa mặt nhìn khung nắng trên cao van nài rên rỉ.  Tiếng mẹ yếu dần văng vẳng. Văng vẳng...

Lão chủ xoen xoét đếm sấp tiền dầy cộm. Giữa sàn, mẹ nó nằm bất động với đôi cánh tay cùn cùn bê bết máu trong mê mê man man. Đếm xong, lão xoay sang gã béo, hất hàm

- Xẻ nó luôn đi. Nó bỏ ăn vậy ít hôm nữa chết sình. May mà anh mày câu được mấy tay này. Thuốc nó mấy câu bán cặp tay tươi chống đói. Mẹ nó, chậm chút nó chết, làm bố gì được chỗ này.

Lão chủ quay đi. Ai làm việc nấy. Gọn gàng. Chuẩn xác. 

Nó vẫn nằm đó. Trong góc tối. Mắt chăm chăm nhìn vào chiếc lồng sắt, đợi họ mang mẹ về. Tiếng lao xao thưa dần, thưa dần. Rồi lịm hẳn. Bóng đêm đặc quoánh bao khu chuồng trại. Nó gục đầu vào thanh sắt. Bất giác, nó ư ử bài ca hát gọi đồng cỏ man man của mẹ hay ru nó. Giọng nhoẹt nhòe ướt đẫm. Nó nhắm mắt nghe giấc mơ trôi qua kẽ tay bàng bạc. Nó gật gù i ỉ. Mùi nấm ngai ngái, mùi hoa ngùi ngùi, mùi nồng nồng của đất, mùi hăng hăng cỏ cây...Và cả mùi thương của mẹ ... theo giấc mơ về. Ngan ngát. Ngan ngát...

Ngoài kia đêm chầm chầm rớt. Tiếng rên rỉ gọi rừng ấm ớ loang đi. Loang đi...

Mẹ vẫn chưa về....





Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Rồi mùa rêu sẽ đến ...




Tết còn treo ngược mình đánh đu trước hiên nhà với mớ xác hoa hoàng hậu vương vải vàng rực, vậy đó, mà ông Trời lại buồn. Buồn ngay cả khi vừa mới hưng hửng sáng. Chẳng chút nắng. Ui ui như mặt bà cô già khó tính. Những ngày đầu trở lại công việc lại là những ngày nhàn nhạt. Mọi thứ im lặng đến mức tôi cảm thấy dự báo một năm nối dài ngắc ngứ. Loay hoay tìm lối ra cho mình. Biển lặng im bao giờ cũng kèm theo sau đó là những trận cuồng phong hung hãn nhất có thể. Chợt sợ !

Vẫn còn se se lạnh. Tôi khoát cho mình bộ áo rực rỡ đủ để mua chuộc lòng mình rằng : à, tôi đang tràn đầy sinh khí đó nhé. Lòng không buồn không vui , tôi lang thang dạo khu chợ nhỏ gần nhà . Có vẻ không khí lưng chừng xôn xao của chợ còn đang dang díu chẳng muốn rời khỏi giường vương vương nồng nồng cuộc vui ngày tết làm lòng tôi bình thản hơn chăng ? Chợt mỉm cười bâng quơ khi thấy sao mình dễ bị dụ dỗ thế nhỉ ?

Bất chợt, tôi dừng ánh mắt thật lâu trước đôi gánh của một bà cụ , tuổi tầm  ngoài 70 hơn. Những chiếc bánh còng, bánh cam xôm xốp với nước mật đường sóng sánh màu mật ong, chỉ nhìn thôi mà miệng chóp chép thèm đến lạ. Thật lòng tôi không muốn mua, nhưng rồi tôi vẫn mua 10 cái. Tòng teng cầm túi bánh trên tay, không hiểu sao, tôi nhớ đến mụ người cái thời bé tí. Ờ , khổ vậy mà vui. chẳng biết lo nghĩ gì, chỉ chực trưa chờ mua được chiếc bánh cam đã toe toét cười sung sướng.

Ngày ấy...

Nội tôi đi bán ở chợ từ lúc trời còn chưa sáng. Thường là hơn 4 giờ sáng một chút là chú Đông đã đạp xe xích lô đến trước ngõ nhà tôi để đón nội. Cả nhà xúm xít nhấc 2 nồi cháo đang sôi ùng ục... cao chắc ngang ngực tôi, chất lên chiếc xích lô. Và bà nội tôi ngồi nghễu nghệnh trên thành xe, tay giữa chặt 2 đầu gánh. Khi ấy, tôi chỉ nghĩ, chao ôi, sao chú Đông và bà nội tôi khỏe thế, oai phong thế. Giờ thì, tôi mới biết, nội tôi đã phải đau đớn gồng mình giữ chặt quang gánh thế nào vì chỉ cần sơ hở một tí, cả xe có thể lật nhào, nguy hiểm vô cùng. Và mới hiểu sao chú Đông - tuổi ngót nghét 40 thôi mà đã như ông già khọm cả lưng, gầy choắt cả mặt, ăn không dám ăn, lúc nào cũng kè kè chai nước to đùng bên hông xe lôi ra tu ừng ực. 

Nội tôi bán tới trưa thôi đã về nhà. Buổi trưa là thời gian rãnh rỗi và sung sướng nhất của bọn trẻ nhà tôi. Sau khi nhặt rau giúp nội chuẩn bị rau bán cho ngày mai xong, tôi và nhỏ em họ cùng nhà gom lại những nhánh rau húng quế vừa lặt xong, mang qua bên hiên nhà chơi trò chơi... công chúa. Này nhé, chỉ một mẩu giấy be bé, tôi vuốt giấy theo chiều dài có được, rồi xoắn nhẹ ở khoản giữa. Vậy là thành 1 ... hoàng tử rồi. Công chúa thì gấp thêm 1 lằn ngang nữa thế là cô ấy có mái tóc dài tuyệt đẹp . Và thế là mỗi đứa chọn một nhân vật mình thích, líu lo kể những câu chuyện không đầu không đuôi. Những nhành rau húng quế trụi lá là cả khu rừng thơm ngát hương hoa... Chỉ có vậy thôi mà trưa nào ba đứa trẻ nhà tôi cũng chụm đầu bên hiên nhà rù rì những câu chuyện thần thoại trẻ con mà nơi ấy, công chúa nhất định sẽ hạnh phúc với hoàng tử, công chúa không bị ăn đòn mẹ đánh, công chúa muốn ăn bánh cam là có thị nữ dâng cả núi bánh cam luôn.. Thích lắm cơ. Nhưng cũng len lén... rình nội. Nội tôi mà thức dậy, thấy cả đám không ngủ trưa, thế nào cũng dăm roi đau điếng, thế nào cũng xoẹt xoẹt vài nhát chổi là ...khu rừng, công chúa, hoàng tử gì của bọn tôi cũng ...hô biến thành rác cả. Sợ lắm , nhưng ... không hiểu sao vẫn cứ lén lút chơi trò ấy. Nơm nớp sợ hãi mà lại thích mới ghê chứ !

Nhớ nhất cả đám ngồi ngóng  tiếng rao lảnh lót " ai chè bánh lọt, tàu hủ không...", " ai bánh còng bánh cam không "..  mỗi xế.  Vừa nhát thấy cô bán bánh lọt với 2 đầu gánh lúp lúp quẹo vào ngõ, hay chú bán bánh cam với chiếc mâm to đùng đội trên đầu...  là cả bọn hét ầm lên " nội ơi ! bánh lọt , bánh cam dô kìa ".  Chao ôi ! Nhớ lúc xì xụp húp từng thìa nước đường ngòn ngọt dậy mùi nước cốt dừa, thơm thơm vị gừng sóng sánh nơi đầu lưỡi của món bánh lọt, tàu hủ ; cả cái rùm rụp răng cắn ngập vào mớ xôm xốp tứa mật của chiếc bánh cam, bánh cồng ... mà thèm đến chảy nước miếng luôn. Hôm nào nội tôi không có tiền cho bọn tôi mua, thế là...ngồi nhìn bóng quang gánh xa dần mà cái mặt méo xẹo, chực khóc mà không dám khóc, khóc là bánh không có mà ...đòn là có ngay. 

Thời đó, nội tôi cái gì cũng góp. Mua cái xoong - góp. Mua đôi dép - góp. Mua bất cứ món gì trong nhà - cũng góp. Thường thì tôi chẳng có áo mới mặc tết đâu, vì đến cái ăn còn khó, thì áo mới lấy đâu ra. Tôi chỉ mặc đồ cũ của nội tôi xin ở đâu đó, hay của nhỏ em họ tôi trên Sài Gòn cho lại. Tôi khao khát lắm chiếc áo mới nhưng dường như... từ khi tôi biết viết cái tên mình, tôi  chưa từng có 1 cái áo mới nào là của riêng tôi cả. Đến tết năm tôi học lớp 4, nội tôi mua cho tôi bộ đồ hoa sặc sỡ. Cũng là mua góp. Ôi ! Phải nói cảm giác sướng run người khi cầm trên tay bộ đồ mới toanh còn thơm mùi hồ đến hàng mấy chục năm sau vẫn nhớ  như in. Tôi ôm bộ đồ cả trưa không ngủ, tối chui vào mùng rồi mà vẫn còn len lén ôm theo, hí hí cái mền, ngắm những bông hoa đủ màu lung linh xòe trên áo, lòng nôn nao trông đến mùng 1 tết cho thật mau để được mặc nó thôi. Khỏi phải nói tết năm ấy tôi vui đến thế nào, sáng mùng 1 chưa ai thức đã dậy, rồi tí ta tí tửng mặc ngay bộ đồ bông sặc sỡ như một chú tắc kè hoa. Tôi xúng xính cả ngày, lê lếch từ đầu hẻm tới cuối hẻm, đến tối rồi cô Sáu giục đi tắm thay đồ tôi vẫn cứ chần chừ, cuối cùng bị nội chửi te tát vì tội...tết nhứt mà ở dơ, không chịu tắm.  Nhưng hỡi ôi, bộ đồ tôi yêu nhất nhất ấy, chỉ sau vài lần giặt, 2 cái ống quần nó thun rút lại y như chiếc lồng đèn giấy xếp, vạt áo cũng thế. Tôi ngồi ủi mãi nó chẳng thẳng ra được. Ủi đến quéo cả mớ lá chuối xanh, than trong bàn ủi nguội luôn , bộ đồ của tôi vẫn nhăn nhúm đáng thương chi lạ. Lần ấy, tôi đã khóc. Lần đầu có áo đẹp của riêng mình, cứ ngỡ nó sẽ đẹp hoài, nhưng rồi... Có gì đẹp mãi được đâu.  Chợt cười buồn.

Giờ thì, tôi không thiếu áo váy, tôi thừa giày dép. Tôi dư sức mua bánh cam bánh còng ăn bất cứ lúc nào mà không cần đắn đo tiền bạc... Nhưng có lẽ, chẳng có chiếc áo nào đẹp hơn chiếc áo... tôi hay đùa là " chiếc áo bông chuột rút "  ấy. Cũng chẳng có vị bánh cam, bánh lọt nào ngon như ở quê tôi ngày xưa. Và chẳng có trò chơi nào vui bằng trò chơi công chúa tôi vẫn ríu ra thưở bé.  Tất cả như vừa mới hôm qua. 

Gần giữa tháng ba rồi. Chẳng mấy chốc lại vào mùa mưa, mùa ếch nhái theo con nước hẹn hò tình tự. Tôi có hẹn với ai đâu sao tự dưng cũng ngồi đếm tháng đếm ngày làm gì kia chứ ! À, mà có. Có những cái hẹn để con người ta trông ngóng đợi chờ, như Ngưu Lang Chức Nữ mỗi năm một lần chỉ mong được đàn nhạn về bắc cầu Ô Thước. Có những cái hẹn để thử thách lòng nhau, càng hẹn càng xa khi tình chưa đủ lớn, nhưng biết đâu đủ làm nguôi ngoai hay xóa dần mọi điều từng có. Là thế nào cũng được. Vì hôm nay rồi cũng sẽ thành hôm qua. Mùa nào rồi cũng trôi qua kẻ tay tuồn tuột không chút vấn vương để lại. 

Tự dưng chợt rùng mình. Nghe đâu đó chút mùi rêu ngai ngái khi mùa chưa kịp trở mình. Chợt sợ mùa lại sang mùa, mưa chẳng còn, nắng cũng không. Có khi nào... tôi ôm mùa rêu để ngồi đong con nhớ suốt đời còn lại không nhỉ ? 
Cũng bình thường thôi. Tôi vốn lẩn thẩn vậy rồi mà... 





Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

Sài Gòn tháng ba, nghiêng hoa trên phố



Tháng ba về ...

Xuân chưa kịp xa nên cái lâng lâng vẫn còn vương đâu đó. Trên dáng người qua phố mang theo chút hương ngòn ngọt của buổi sớm mai lành lạnh. Trên con nắng đậu nét môi ngoan mang nụ cười xíu xiu rùm rụm giữa trưa . Trên thì thầm ở quán nhỏ nơi góc phố - có những mái đầu tựa vào nhau kể chuyện đã qua, mơ ngày sắp tới mặc cho đêm thủng thỉnh rơi nhè nhẹ .

Trên bàn tay ai siết chặt tay ai , ron rén đến thiệt thà.

Nếu Hà Nội mùa này có những con đường trắng sắc hoa sưa, nao nao màu ban tím, thì Sài Gòn tôi yêu chỉ có phố . Và phố.

Những con phố chở đầy niềm hy vọng của bao công nhân đang đổ xô về, bắt đầu một năm làm việc mới . Những con phố cõng trên lưng bao giọt mồ hôi của hàng triệu triệu con người buôn gánh bán bưng chưa từng biết đến ba ngày nghỉ tết. Những con phố nhọc nhằn theo từng câu chuyện kể :" Ê, mày nghe gì chưa, hôm qua chỗ này có cướp, có tai nạn, có... vân vân và vân vân "...Những con phố rưng rưng với thùng trà đá miễn phí dành cho người lỡ bước, với những điểm vá xe, sửa đồ chẳng mất tiền, những suất cơm từ thiện ..cho người tàn tật, người nghèo... Những con phố lặng lòng trước hình ảnh một anh thanh niên cởi ngay chiếc áo khoác mình đang mặc dừng xe lại, tặng cho cụ già đang co ro giữa màn đêm lạnh buốt. Và có cả những con phố dịu dàng theo vòng xe ai đó đón đưa nhau thỏ thẻ hát khúc tình ca trong văn vắt " Nhớ khi xưa anh chở em trên chiếc xe đạp cũ. Áo ướt đẫm mồ hôi giữa trưa hè ... " ...

Ôi ! Phố Sài Gòn của tôi sắc màu như vậy đó.

Thiên nhiên ưu đãi cho Hà nội nhiều quá. Nói có ngoa không khi gần như mỗi tháng trong năm, Hà Nội luôn khoác lên mình một màu áo mới , một mùi hương mới. Chút phơn phớt hồng của hoa đào còn lan man nơi góc nhà thì màu sưa trắng đã giăng giăng trên phố. Hoa sưa chưa kịp phai thì hoa gạo cựa mình nhóm lửa đón tháng ba rồi. Tháng 4, loa kèn lại dặt dìu kéo nhau về ngõ như sợ màu tím bằng lăng, màu đỏ hoa phượng ùa về vội vã khi tháng 5 vẫn chưa kịp dừng chân trước hiên nhà. Rồi đến tháng 6. Sen ngan ngát, ngăn ngắt, các bà các cô lại xúng xính áo váy làm cả hồ Tây hoa mắt. Có ai thấy lòng không nghiêng theo cánh xà cừ bé xiu chao trước thềm tháng 7, chưa kể, cứ nhìn đóa hướng dương rực rỡ sau yên xe thong dong lượn phố mới thấy Hà Nội yên bình. Hình như tháng 8 mềm mại hơn bởi từng chùm hoa dâu da xoan đong đưa theo gió gọi tháng 9 về mang theo hương hoa sữa huyền thoại đã đi vào không biết bao nhiêu là bài thơ, câu hát... Và khi sắc tím thẳm của những đóa cúc bách nhật còn vấn vương níu áo tháng 10, đã nghe tiếng gió thì thầm kể câu chuyện tình yêu thầm lặng bằng đóa cúc họa mi trắng buôn buốt đến dại khờ, mong manh đến tội khi tháng 11 vân ve tà áo. Để rồi, vỡ òa cảm xúc theo mùa hoa cải " em đi lấy chồng " cho tháng 12 chênh chao là nhớ. Có thể, nhận định ấy là võ đoán, nhưng thật sự, tôi có chút ghen tị về điều này.

Sài Gòn tôi yêu chẳng có mùa hoa đặc trưng nào cả. Mùa nào cũng xanh, đỏ, cam ,vàng.. nhấp nha nhấp nháy trên từng con phố đan xiên nhau rối bời tâm sự. Phố mệt nhoài theo từng bước mưu sinh . Phố thao thức cùng bao chiếc bóng vất vưởng nơi góc đường chờ đón khách mua chút vui mặn chát . Phố trăn trở cùng từng nhát chổi xào xạc giữa đêm, từng tiếng lốc cốc mì gõ len lỏi trong từng con hẻm nhỏ. Phố nhăn mày cau có dưới nắng. Phố nũng nịu dưới mưa. Phố đàn bà quá đỗi khi đêm về rúc rích. Và phố chẳng bao giờ biết khóc khi tôi buồn. Có chăng, chỉ một nụ cười Sài Gòn hồn hậu bao dung, kèm theo câu phớt đời kinh điển :" Thôi kệ đi ! " .

Ờ! Vậy đó ! Khô khan, gắt gỏng, đỏng đảnh, dở người khó ưa vậy đó. Nhưng tôi lại thương. Thương đến khôn cùng.

À, hình như khi đã trót thương rồi, tôi chẳng thèm...ôm Sài Gòn vào lòng mà đặt chiếc hôn nồng nàn để nghe Sài Gòn có mùi hoa chi hay không . 
Này nhé. Nhắm mắt lại. Có thấy Hoa Sài Gòn của tôi đang rưng rức nở. 
Trong tim những con người bình dị bạn vừa lướt qua đấy thôi. 
Thiệt mà ! Tin không ? 
Thử biết liền . Dân Sài Gòn thế đấy !
.........................................................

Chùm ảnh nhỏ đẹp bình dị của những đóa Hoa Sài Gòn tui chôm rải rác.

Anh không giàu tiền, nhưng tình người trong anh giàu có lạ

Một tủ thuốc miễn phí dọc đường


Sài Gòn không thiếu những hình ảnh đẹp như vầy




Sáng sớm, giữa trưa, khuya lạnh... bất cứ trời mưa hay nắng, những đóa Cam Nồng vẫn lặng thầm nở hoa . Đẹp lạ

Mát lòng mát dạ giữa trưa nè !