Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Thương lắm Chợ ơi !

                                   
  
      
    Sáng nay thứ bảy, như thường lệ, tạm gác hết mọi công việc, tôi rủ thằng con tôi đi chợ. Đáp lại háo hức của tôi, nó rất ... đàn ông bảo : " Mẹ đi một mình đi, con ở nhà... giữ nhà cho ". Tôi hơi ngạc nhiên, hỏi nó : " Ủa ? Sao hổng đi với mẹ ? ". Nhóc hồn nhiên trả lời : " Chợ dơ quá, con hổng thích . Mẹ đi siêu thị đi, cho con đi với . Cho con ăn KFC luôn nha mẹ ! ". Làm sao tôi có thể chối từ cái tâm hồn ăn uống bao la này chứ?!

  Không đi chợ nữa, tôi pha cà phê đem ra sân nhâm nhi. Vừa miên man suy nghĩ. Tdưng tôi thấy nhớ, nhớ lắm cái chợ quê tôi. Cái chợ mà ngày ấy đối với tôi là cả một khát khao, vui sướng.





 Ngày ấy, dù mỗi ngày tôi đều ra chợ, nhưng chủ yếu, chỉ quẩn quanh mấy cái thau rửa chén của bà nội tôi. Vì nội tôi bán cháo vịt ở chợ. Sau giờ đi học, hết ra chợ phụ nội rửa chén, thì về nhà nhổ lông vịt... Ngày nào cũng đều đặn như thế. Nên muốn biết cái chợ nó tròn méo ra sao, tôi chỉ trông có tết. Cứ chiều 30 tết,Cô Sáu tôi dẫn tụi tôi - tôi ở chung nhà với nhỏ em họ, cùng nhau đi chợ tết. Háo hức ghê lắm. Mà phải chiều 30 mới được đi , vì nội nói, giờ đó, người ta bán đổ bán tháo để về cúng giao thừa. Chen nhau từng bước chân, lúc đi thì đầu cổ cột nơ tùm lum, được một lát thì ôi thôi, còn hơn nhà cấp 4 đang chờ giải tỏa. Dòng người xôn xao nói, ai cũng cười toe toét, tiếng gọi mời nhau ấm cả một con đường đầy hoa ... vạn thọ . Phải nói tôi vẫn nhớ như in cảnh tụi tui chen chúc nhau ở sàn - giống như cái thúng, hay cái nia ở nhà bà nội tôi hay sàn gạo, trên sàn có bao nhiêu là ...lọ sơn móng tay bé tí. Tụi tôi chen nhau xòe bàn tay tí hon của mình ra, xòe cho bằng hết 10 ngón vì sợ... tô sót. Nhìn từng ngón tay đỏ ói, tôi sung sướng biết chừng nào. Tuổi thơ giản đơn với những niềm vui đơn giản. Chỉ có vậy, mà suốt đoạn đường về, tay cứ xòe ra, thổi lia, thổi lịa. miệng cười với niềm vui không thể tả....

Khi lớn lên, khi đã có một gia đình, một chỗ để đi về, và như bao bà nội trợ khác, ngày nào tôi cũng đều đặn đi chợ.  Có người bảo tôi sao không thuê người giúp việc, nhờ người ta giúp cho, khỏi đi chợ cho mất công. Nói thật, tôi thích tự mình làm mọi thứ hơn. Nhất là đi chợ. Dù già thế, tôi vẫn cứ thích lang thang dọc các ngõ trong chợ để... coi hôm nay có gì mới không ? Người bán có gì mới không tôi chưa biết, nhưng chỉ cần tôi có thay đổi gì , là mấy chị bán hàng ti toét ngay : " Ui giời ui ! Mới nhuộm tóc hả cưng ? ", " Ủa! Mấy bữa giờ sao hổng thấy em há ?", hay nhiều câu... đoạn trường hơn : " Bầu mấy tháng rồi cưng ? Chừng nào sanh vậy ? Siêu âm chưa ? Trai hay gái..." hỏi tối tăm mặt mũi mà hổng đợi câu trả lời của tôi, không cần biết tôi có bầu hay không . Với họ, tôi chỉ cần mỉm cười thân thiện- bao nhiêu đó là quá đủ. Chính những sự quan tâm, mọc mời đon đả ấy, mà ngày  nào không lếch ra chợ, lượn mấy vòng, tôi cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó. Gần như nghiện mất rồi. 



 Người ta thường nói chợ xô bồ, thượng vàng hạ cám cái chi cũng có. Con người của chợ cũng vậy. Có người bám chợ vì miếng cơm manh áo, có người vì...muốn có gì để làm, có người vì... trót sinh ra ở chợ nên phải ở chợ. Thế thôi. Nhưng dù từ đâu tới, vì bất cứ lý do gì, ở cái chợ ồn ào này, tôi vẫn thấy ...có chút tình người hồn hậu. Tôi bỏ quên ví, họ vẫn vui vẻ khoát tay : " thiếu đi, có gì đâu, mai ghé trả cũng được mà ! ". Họ không biết tôi là ai, chỉ gặp tôi qua những lần đi chợ. Có đôi khi, người bán còn mát tay khuyến mãi thêm cho tôi khi thì trái chanh, cọng hành, khi thì chút thịt cho thêm phần " giác một chút ". Thậm chí, khi tôi mua trái cây trong chợ, vì tôi không biết lựa, toàn lựa đồ gì đâu không thôi. Bà bán hàng thấy thế bảo tôi : " Lựa như vầy về má chồng la chết. Đây, bà lựa cho ". Rồi bà lựa cho tôi những quả ngon nhất. Về nhà thằng con tôi cứ tấm tắc : " Mẹ mua cam uống ngọt ngay hà  ! ".  Có thể, ở đâu đó trong chợ, vẫn có những vụ cân điêu, những mánh khóe lọc lừa. Nhưng thật sự, những chân tình tôi nhận được từ chợ, có lẽ, dù có tiền, tôi vẫn không mua được ở... siêu thị - nơi mà sự giao lưu giữa người bán và người mua chỉ là những tiếng tít , tít khô khốc của cái máy tính tiền, nơi mà nụ cười không mấy khi vô tư trao tặng, nơi mà mọi thứ đều chính xác từng đơn vị tính - nếu có sai, thì...  " tại máy chứ không phải tại em "....

Có hôm nào đó, tôi đọc báo, thấy lời kêu cứu thống thiết của những ngôi chợ truyền thống trước sự tấn công ồ ạt của hệ thống siêu thị, tôi có phần ngậm ngùi. Bất giác, tôi hơi lo sợ. Biết đâu vài chục năm sau nữa, bà già - là tôi,  có còn được thú vui cảm nhận nhịp sống qua hơi thở bình dân, mộc mạc của chợ hay không ? Có còn được dẫn con cháu đi chợ tết chen nhau từng bước chân, giành nhau từng nụ cười cuối năm mong chút lộc tài cho năm mới ? 

Chợt nghe thương, thương lắm , Chợ ơi !!!